ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH GIẢI NGÂN NGUỒN
VỐN ODA Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1993- 1999
I-TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM TRONG MỐI QUAN
HỆ VỚI NGUỒN VỐN ODA
1-Những chuyển biến về kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian
qua
Trước thời kỳ đổi mới (trước năm 1986), nền kinh tế nước ta lâm vào cuộc
khủng hoảng nghiêm trọng. Việt Nam bị xếp vào một trong 10 nước chậm phát
triển nhất thế giới với thu nhập dưới 200 USD/ người . Nhập siêu liên tục gia tăng,
nợ nước ngoài hầu như không có khả năng trả. Cơ chế bao cấp bộc lộ nhiều khuyết
điểm và không còn phù hợp. Tệ quan liêu, bao cấp, cửa quyền hoành hành trong bộ
máy tổ chức Nhà nước làm cho nền dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng hơn bao giờ
hết. Kẻ địch đã tận dụng cơ hội này để gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng.
Đứng trước nguy cơ đó, năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt
Nam đã đánh giá như sau:
"Cơ chế tập trung quan liêu dựa trên bao cấp của Nhà nước được thực hiện từ
nhiều năm nay, đã không tạo được động lực phát triển, lại còn làm suy yếu nền kinh
tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế khác,
kìm hãm sản xuất, giảm sút năng suất , chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế,
đẩy phân phối và lưu thông vào tình trạng rối loạn và làm nảy sinh nhiều hiện
tượng tiêu cực trong xã hội chúng ta."
Kết luận quan trọng này đã mở đầu giai đoạn tăng cường công cuộc đổi mới ở
Việt Nam. Quyết định đổi mới toàn diện, mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới
của Đảng là tiền đề để các nhà tài trợ hướng tới Việt Nam. Khối lượng lớn nguồn
vốn ODA mà Việt Nam nhận được kể từ năm 1993 thể hiện sự quan tâm, ủng hộ
của cộng đồng các nhà tài trợ dành cho Việt Nam.
Đến nay sau hơn 10 năm đổi mới, tình hình kinh tế- xã hội Việt Nam đã có
nhiều chuyển biến rõ rệt. Nền kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, tuy
rằng sau cuộc khủng hoảng Tài chính tiền tệ của khu vực đã làm cho
Tốc độ tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn đạt cao so với các nước trong vùng.
Tốc độ tăng GNP bình quân giai đoạn 1991-1995 là 8,2%/năm và giai đoạn 1996-
2000 là 6,7%/năm. Với việc hoàn thành vượt mức và toàn diện những chỉ tiêu chủ
yếu của kế hoạch 5 năm 1991-1995 mà các kế hoạch 5 năm trước đó chưa bao giờ
thực hiện được đã đưa nước ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài
hơn 15 năm, tuy còn một số mặt chưa được vững chắc, song đã tạo được tiền đề
cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện
đại hoá đất nước.
Việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đạt được nhiều
kết quả. Vốn đưa vào thực hiện hàng năm chiếm khoảng 28% tổng vốn đầu tư toàn
xã hội. Cơ cấu vốn FDI ngày càng thay đổi , phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ
cấu kinh tế đất nước.
Một số ngành công nghiệp quan trọng phát triển mạnh cả về chiều rộng và
chiều sâu:
-Giao thông vận tải : Giao thông đường bộ được thiết lập trên 96,8% tổng số
xã của cả nước. Hệ thống giao thông đường thủy được hiện đại hoá và mở rộng
quy mô, hiện có khả năng vận chuyển 45 triệu tấn hàng mỗi năm. Giao thông hàng
không cũng không ngừng nâng cao khả năng và chất lượng phục vụ.
-Bưu chính viễn thông có bước phát triển khá, được hiện đại hoá về cơ bản.
Tất cả các tỉnh và các huyện được trang bị tổng đài điện tử và nối với nhau qua các
tuyến cáp quang, các tuyến viba số. Mật độ điện thoại đạt 4/100 dân, tăng 13,8 lần
so với năm 1991. Mạng viễn thông quốc tế được xây dựng khá hiện đại, hoàn
chỉnh và ngày càng được tăng cường về quy mô. Mạng lưới bưu chính được mở
rộng. Công tác phát hành báo chí được bảo đảm tới 7 điểm truyền và in báo từ xa.
Tất cả các tỉnh thành và 895 huyện thị và 74% số xã, phường có báo đến hàng
ngày.
-Điện: Cho đến nay, tổng công suất nguồn điện đạt 5.284,91 Mw, tổng chiều
dài lưới điện là 105,096 km. Hết năm 2000, mục tiêu 100% số huyện, 80% số
phường xã có điện là có thể đạt được.
-Thủy lợi : Cả nước đã xây dựng được 743 hồ đập vừa và lớn, 3.500 hồ đập
vừa và nhỏ, hơn 1.000 cống tưới tiêu lớn, khoảng 10.600 trạm bơm nước, tổng
công suất tưới đạt 3,7 triệu ha, tiêu đạt 1,4 triệu ha. Các công trình thủy lợi đó đã
đảm bảo tưới cho khoảng 6 trong 7 triệu ha gieo trồng lúa, 90 vạn ha rau và cây
công nghiệp.
Một số ngành công nghiệp khác cũng có chuyển biến rõ rệt như dầu khí, dệt,
điện tử , may mặc, vật liệu xây dựng...
Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng đạt được những thành công rực rỡ. Chẳng
những giải quyết triệt để vấn đề an ninh lương thực mà còn là nguồn thu ngoại tệ
lớn với các mặt hàng xuất khẩu như gạo , cà phê, hạt tiêu...
Giá cả được ổn định trong nhiều năm cũng tạo điều kiện cho nền kinh tế phát
triển vững vàng hơn. Giá đồng Việt Nam giảm đều đặn so với đồng Đô la Mỹ ở
một tỷ lệ chấp nhận được, giúp cho việc xuất khẩu hàng hoá thuận lợi hơn. Nhờ đó,
cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt. Năm 2000, xuất khẩu đã xấp xỉ nhập
khẩu, tuy chưa hoàn toàn là điều đáng mừng vì nó cho thấy suy giảm đầu tư sau
cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, song cũng không thể phủ nhận thành công của
chính sách xuất khẩu.
Tình hình xã hội cũng có những chuyển biến tích cực. Thu nhập của người
dân, đặc biệt là của người nông dân tăng nhiều so với trước đây. GDP bình quân
năm 2000 đạt 400 USD/người gấp 1,8 lần so với năm 1990. Đời sống vật chất và
tinh thần được cải thiện tốt hơn. Công tác xoá đói giảm nghèo được đặc biệt quan
tâm đã trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân và đạt được nhiều
kết qủa, số hộ nghèo đã giảm từ 30% năm 1992 xuống còn 20% năm 1995 và 10%
năm 2000. Xuất hiện ngày càng nhiều các hộ gia đình làm kinh tế giỏi mỗi năm thu
nhập hàng trăm triệu đồng.
Chất lượng khám chữa bệnh được từng bước nâng lên, trang thiết bị y tế được
nâng cấp ở các tuyến, y tế cơ sở được củng cố, hầu hết các xã đều có trạm xá. Đã
hình thành một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Giáo dục cũng rất được chú trọng đầu tư, nhất là cơ sở vật chất. Trường lớp đã
khang trang hơn, điều kiện học tập của học sinh, sinh viên đã tốt hơn nhiều so với
trước đây. Đầu tư cho giáo dục tuy chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra song đã góp
phần nâng cao dân trí của toàn dân.
An ninh chính trị được giữ vững, sự ổn định xã hội cơ bản được duy trì. Tính
dân chủ được phát huy trong nội bộ Đảng và toàn xã hội. Đảng cộng sản nhận
được sự ủng hộ to lớn của toàn thể nhân dân. Quan hệ quốc tế được củng cố và mở
rộng.
Như vậy, thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công cuộc cải cách kinh tế là
rất lớn, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của nguồn vốn ODA. Mặt khác,
những thành quả đầy ấn tượng có được trong việc đổi mới nền kinh tế cũng giúp
cho Việt Nam nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của cộng đồng các nhà tài trợ.
2-Một số đặc điểm của nền kinh tế có ảnh hưởng đến việc thu hút vốn
ODA
-Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta khá cao, nền kinh tế phát triển
khá ổn định tạo niềm tin cho các nhà tài trợ ODA. Đặc điểm này cùng đặc điểm vị trí
địa lý giúp cho nước ta trở thành mối quan tâm lớn của các nước khác trong chính
sách ngoại giao nói chung và việc tài trợ ODA nói riêng.
-Thứ hai, về cơ bản nước ta vẫn còn là một nước nghèo, GDP bình quân đầu
người thấp. Đây là một đặc điểm khá thuận lợi vì một điều kiện quan trọng cho việc
tài trợ ODA của các nước DAC là mức thu nhập bình quân thấp.
-Thứ ba, cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh
tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhiều nơi thiếu điện, nước sạch, hệ
thống giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, việc thu hút ODA để đầu tư phát
triển hạ tầng là rất quan trọng và luôn được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh
tế của Chính phủ ta.
-Thứ tư, nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, công nghiệp
kém phát triển. Có tới gần 80% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, do
đó phần lớn lực lượng lao động chưa được đào tạo, chất lượng lao động thấp. Công
nghiệp chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu kinh tế, thiếu công nghệ, công nhân lành
nghề. Phong cách làm việc của cán bộ nhà nước còn chịu ảnh hưởng bởi tác phong
nông nghiệp và chế độ bao cấp trước đây nên hiệu quả thấp, nhiều khi gây khó
khăn cho phía đối tác cung cấp ODA. Do đó, các lĩnh vực như phát triển khoa học
công nghệ, đào tạo, cơ khí hoá nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và cần được
đầu tư thích đáng. Việc thu hút ODA để giải quyết vấn đề này được Chính phủ ta
rất chú trọng.
-Thứ năm, môi trường đầu tư còn nhiều bấp bênh , rủi ro. Cuộc cải cách hành
chính diễn ra rất chậm và chưa thu được kết quả đáng kể. Bộ máy hành chính vẫn
còn cồng kềnh và trùng lắp chức năng, chưa đảm bảo được sự điều hành tập trung,
thống nhất. Bên cạnh đó, hệ thông pháp luật còn chồng chéo, nhiều chỗ bất hợp lý
gây khó khăn không ít cho các nhà đầu tư và các nhà tài trợ ODA.
Tuy vẫn còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung nước ta đang có điều kiện thuận
lợi cho việc thu hút nguồn vốn ODA và nâng cao tính hiệu quả của nó. Chúng ta
cần phát huy những điểm thuận lợi và giảm thiểu những mặt hạn chế để nâng cao
khả năng thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA phục vụ cho mục tiêu phát
triển kinh tế- xã hội.