Tải bản đầy đủ (.doc) (38 trang)

Phat trien ky nang nghe

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (458.03 KB, 38 trang )

Học để biết hay học để làm
Giang Phú Cường
Giám đốc Vườn Ươm Doanh nghiệp Tâm Việt

08:14' AM - Thứ sáu, 23/01/2009
Khi còn bé chúng ta thường được ba mẹ khuyên rằng: "Con ơi cố học
để biết thật nhiều, để thi tốt, để đạt điểm cao ". Ta lớn lên với tâm thế,
học để lấy kiến thức là chính. Học để biết thật nhiều, nhưng học để biết
liệu đã đủ, hay chăng chúng ta cần học để làm nhiều hơn.
Trong tiềm thức chúng ta đã luôn có một ý nghĩ rằng “học là để biết”.
Chính vì thế mà sinh viên Việt Nam luôn được coi là biết rất nhiều. Cái
gì chúng ta cũng đọc, cũng quan tâm. Nhưng chúng ta không thật sự đi
sâu vào một lĩnh vực, một vấn đề nào.Thế nên nếu hỏi thật cặn kẽ thì
hóa ra ta lại chẳng biết gì. Đương nhiên không phải tất cả các bạn sinh
viên đều như vậy. Những bạn mong muốn tìm hiểu sâu về vấn đề mình
quan tâm, đã không biết thì thôi, đã biết thì phải hiểu thật cặn kẽ thì
thường sẽ thành công trong sự nghiệp sau này. Ví như các cụ đã bảo:
Một nghề thì sống đống nghề thì chết. Hay cũng giống như việc bạn
nhìn thấy người ta cắt kim cương. Kim cương là một vật thể siêu cứng,
không một thứ kim loại nào có thể cắt được kim cương. Vậy người ta
làm cách nào để cắt được. Rất đơn giản, người ta dùng tia laze, tia laze
chính là một đại diện cho sự tập trung, và thử hỏi nếu chùm tia laze đó
không tập trung vào một điểm thì liệu nó có cắt được kim cương
không.Việc học cũng vậy, nếu học dàn trải, học để biết thật nhiều thì
hiệu quả sẽ không cao.Tôi không phản đối việc học để lấy kiến thức.
Học để mưu cầu kiến thức là một điều hết sức hoan nghênh. Nó giúp
cho bạn trở nên uyên bác, hiểu biết hơn. Nhưng liệu học để biết đã đủ
hay chưa. Ngày xưa chưa có Internet chưa có công cụ tìm kiếm google
thì người biết nhiều sẽ rất có lợi ích. Học không chỉ để biết, học còn để
hiểu và quan trọng hơn là học để làm và làm chuyên nghiệp.
Ngày nay đang là thời đại công nghệ thông tin, khi mà lượng thông tin


là bình đẳng với nhau. Ta có thể ngồi ở nhà để tìm kiếm mọi thông tin
liên quan đến một vấn đề nào đó ta quan tâm.Ta có thể giao tiếp với
những chuyên gia cách chúng ta hàng ngàn cây số. Ta có thể tiếp cận
lượng kiến thức khổng lồ trên mạng. Khi đó điều gì sẽ xảy ra. Liệu trí
nhớ của ta có thể hơn được một công cụ tìm kiếm như Google. Khi mà
lượng thông tin được tiếp cận một cách dễ dàng thì chúng không còn tạo
nên sự cạnh tranh nữa. Con người không thể hơn nhau bởi thông tin và
kiến thức họ biết nữa, họ chỉ có thể hơn nhau bởi kỹ năng tra cứu thông
tin mà thôi.
Một điều nữa mà chúng ta phải công nhận rằng, xã hội không dùng
được kiến thức trong đầu chúng ta, chỉ khi nào ta biến kiến thức đó
thành sản phẩm dùng được thì khi đó kiến thức mới thực sự có giá trị.
Nhiều người khoe rằng ta rất giỏi, ta biết rất nhiều, ta sẽ làm thay đổi cả
thế giới. Nhưng chỉ khi nào chúng ta đem áp dụng những kiến thức đó
vào trong thực tế cuộc sống hay trong công việc của chúng ta thì ta mới
thấy được giá trị thực sự của nó. Chúng ta cũng thấy rằng trong xã hội
có nhiều người rất có tiềm năng, nhưng xã hội không cần tiềm năng mà
cần những người làm được việc. Tiềm năng mà không được phát huy
đúng lúc, đúng chỗ thì cũng sẽ bị phí phạm. Một hành động còn hơn
một đống lời bàn, một hành động bằng mười suy nghĩ.
Vậy điều quan trọng nhất để tạo nên lợi thế cạnh tranh chính là thay đổi
tư duy.Từ việc nghĩ rằng học để biết, học để thi chuyển sang cách nghĩ
học là để làm.
Khi ta tư duy học để làm thì ta sẽ biết học trọng tâm vào cái gì. Cái gì
xã hội thật sự cần. Ta sẽ biết được cái gì bắt buộc phải học, cái gì cần
học, cái gì nên học. Khi đó ta sẽ tìm được điểm giao nhau giữa những
cái ta học và những cái xã hội cần. Điều đó cũng giống như đường cung
và cầu trong kinh tế học. Khi ta học đúng cái xã hội cần thì ta sẽ thành
công. Khi tư duy học để làm, ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc trau dồi
kỹ năng. Ví dụ như rất nhiều người cảm thấy lúng túng khi phải trình

bày một đề tài hay một dự án. Công việc chuẩn bị rất công phu, đề án
làm rất hoàn thiện nhưng không thể diễn tả hết được điểm tốt, điểm
khác biệt của đề án và dẫn tới việc không thuyết phục được người khác
ủng hộ đề án.
Khi ta tư duy học để làm ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến kinh nghiệm
thực tế thay vì lý thuyết đơn thuần. Các bạn sinh viên sẽ đi làm thêm để
có được nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin hơn, giao tiếp giỏi hơn.Và khi đó
tự các bạn đã làm thu hẹp khoảng cách giữa những cái biết và những cái
làm được.
Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đấy, học để biết thì biết rất nhiều, học để
thi thì kết quả thi sẽ tốt, học để làm thì sẽ có khả năng làm việc tốt, sẽ
thích ứng nhanh với môi trường làm việc sau này.
Làm thế nào điều khiển cuộc họp
SME Toolkit - Business Edge - MPDF

03:22' PM - Thứ bảy, 27/12/2008
Bước 1: Ấn định mục tiêu
Cuộc họp có mục tiêu rõ ràng mới khuyến khích người ta tham dự bởi
vì họ cần phải biết nó nhắm đến vấn đề gì. Mục tiêu đó cũng sẽ giúp
cuộc họp tập trung vào trọng điểm. Thông thường hội họp có một hoặc
hai mục tiêu: để thông báo hoặc quyết định một vấn đề nào đó. “ Thảo
luận” không phải là mục tiêu hội họp. Chẳng hạn, “Để quyết định việc
định vị quảng cáo thương mại cho sê-ri 2000” là một mục tiêu thiết thực
của cuộc họp. Nó xác định trọng tâm và công bố rõ ràng mục đích của
cuộc họp, trong khi đó nếu mục tiêu là “Để thảo luận việc tiếp thị sê-ri
2000” lại nghe có vẻ rất mơ hồ và có thể đưa mọi người đến chỗ thảo
luận một cách tản mạn thay vì phải đưa ra hành động cụ thể.
Bước 2: Tập trung nguời tham dự
Hãy lập danh sách những người tham dự buổi họp, và cân nhắc xem
mỗi người có cần tham dự từ đầu tới cuối buổi họp hay không (có thể

họ tham gia qua hình thức điện thoại kết nối hay chỉ cần họ ở một chủ
đề nhất định). Hãy nhớ rằng, nếu bạn làm mất thời gian của nguời khác,
họ sẽ không muốn dự cuộc họp lần này và cả những lần sau, nếu bạn là
người chủ trì. Hãy xác định một cách dứt khoát về thời gian tiến hành
cuộc họp. Bạn cần phải tôn trọng lịch làm việc của những người tham
dự, và tạo sự thoải mái để họ có thể sắp xếp thời gian dự họp bằng cách
nói rằng: “Vui lòng lên kế hoạch dể tham dự và xin báo cho tôi biết nếu
không thể thu xếp được”. Hãy luôn phổ biến cho mọi người mục tiêu
của buổi họp, thời gian bắt đầu và kết thúc, đồng thời nhấn mạnh rằng
buổi họp sẽ được bắt đầu đúng giờ.
Bước 3: Lập chương trình buổi họp
Chương trình họp là một danh mục các công việc chính cần xem xét để
đạt được mục tiêu của cuộc họp, là cái mà bạn sử dụng cho chính mình
hoặc phân phát cho tất cả những người dự họp. Việc phân phối chương
trình họp có hai mặt: điểm mạnh là nó cung cấp những nội dung để mọi
người theo sát buổi họp, nhưng điểm yếu là nó có thể làm cho những
người tham dự bị rối và bị lôi cuốn sang những vấn đề mà bạn chưa sẵn
sàng trình bày trong buổi họp. Chẳng hạn, nếu hạng mục thứ năm của
dự án là vấn đề kỹ thuật, các kỹ sư dự họp có thể muốn đi ngay vào mục
đó. Nếu bạn cần giải quyết những vấn đề khác trước thì chính bạn phải
bám chặt lấy chương trình đã ấn định. Nếu bạn đang điều khiển một
cuộc họp về tiến độ của dự án, bạn có thể sử dụng kế hoạch thời gian
thực hiện của dự án đó làm chương trình họp.
Nếu bạn quyết định phân phát chương trình họp cho mọi người tham
dự, hãy bảo đảm tuyên bố mục tiêu và thời gian họp ở đầu trang. Tất cả
mọi vấn đề cần phải được đánh dấu đề mục đầu dòng. Bảo đảm mọi
nguời đều nhận được chương trình họp, và nên có một số bản photo dự
phòng.
Bước 4: Kiểm soát cuộc họp
Khi cuộc họp bắt đầu, bạn có trách nhiệm bảo đảm nó được tiến hành

trôi chảy và đi đúng trọng tâm. Sau đây là một số lời khuyên để giúp
bạn làm được điều này:
• Bắt đầu đúng giờ, dù cho có một số người đến trễ. Nếu cứ chờ
cho đến khi người cuối cùng có mặt tức là bạn đã vô tình tập cho
mọi người thói quen đi trễ.
• Tóm tắt ngắn gọn mục tiêu của cuộc họp.
• Nếu không phân phát chương trình họp thì phải đảm bảo mọi
người nắm được nội dung họp để đạt được mục tiêu đã đề ra.
• Nếu buổi họp kéo dài mà vẫn không đưa ra được quyết định
nào, bạn cần phải ngăn không để mọi người tiếp tục thảo luận,
có thể bằng cách nói rằng: “Do phải tuân thủ kế hoạch thời gian
của dự án, chúng ta phải đưa ra quyết định”.
• Nếu còn điều gì đó chưa đưa ra giải pháp được trong cuộc họp,
phải xác định cần phải làm gì để giải quyết vấn đề đó trong
tương lai và bổ sung vào kế hoạch thời gian của dự án.
• Kiểm soát : Bạn phả tỏ ra kiên định trong trường hợp những
người dự họp đi trệch khỏi vấn đề đang triển khai trong buổi
họp và đề nghị sẽ thảo luận trong một cuộc họp khác.
• Xếp lich cho cuộc họp tiếp theo vào cuối buổi họp hiện tại.
• Nếu là người triệu tập cuộc họp, bạn còn có trách nhiệm phải lập
biên bản hoặc chỉ định người lập biên bản.
Bước 5: Những công việc tiếp theo
Khi cuộc họp đã kết thúc, bạn vẫn còn phải làm một số việc khác. Hãy
hệ thống và tóm tắt lại các ghi chú về diễn tiến của cuộc họp, những vấn
đề đã được giải quyết, những việc cần làm đối với những vấn đề cần đi
sâu phân tích thêm. Bản tóm tắt này được lập trên cơ sở các thông tin từ
biên bản họp. Không nên trình bày quá dài dòng- tốt nhất là một số
điểm ở các dấu đầu dòng. Hãy đảm bảo rằng phải gửi lời cám ơn những
người đã tham dự cuộc họp. Chắc chắn mọi người sẽ hài lòng khi họ
được đánh giá cao việc đã dành thời gian dự họp. Hãy cập nhật kế

hoạch thời gian của dự án dựa vào các báo cáo tiến độ thực hiện công
việc tại cuộc họp, trong đó cần đảm bảo việc ấn định thời gian cho cuộc
họp tiếp theo, kèm theo những yêu cầu cấn phải đạt được.
Phổ biến kế hoạch thời gian công việc đã được cập nhật cho mọi người
đã tham dự cuộc họp.
Kỹ năng sử dụng điện thoại nơi công sở
Báo Tuổi Trẻ Online/EZINE

02:34' PM - Thứ bảy,
27/12/2008
Điện thoại là một trong những công cụ làm việc quan trọng không thể
thiếu nơi công sở. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng chúng
đúng cách và hiệu quả.
Dưới đây là 10 điều bạn nên lưu ý khi sử dụng điện thoại:
1. Nói năng lịch sự và phát âm chuẩn
Những từ ngữ như: "Xin vui lòng", "Cảm ơn"… không những làm cuộc
nói chuyện trở nên lịch sự hơn mà còn giúp bạn dễ chiếm được thiện
cảm của người bên kia đầu dây hơn.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý không nói lớn hoặc quát to trong điện
thoại trong mọi tình huống.
2. Giọng nói chân thành
Nếu sử dụng từ ngữ lịch sự nhưng giọng nói cáu bẳn hoặc “chanh
chua”, chắc chắn bạn không thể tạo được thiện cảm với người nghe.
Hãy thể hiện cho người nghe cảm thấy bạn thật sự rất quan tâm cuộc nói
chuyện này và đang cố lắng nghe để hiểu vấn đề và giúp họ tìm cách
giải quyết.
3. Không ra lệnh
Thay vì nói “Tôi cần nói chuyện với ông A ngay bây giờ”, bạn nên nói
“Xin cho hỏi ông A hiện có ở đó không? Tôi có thể nói chuyện với ông
ấy bây giờ không?”.

4. Cư xử chuyên nghiệp và khéo léo
Bạn tuyệt đối không sử dụng những từ ngữ mang nghĩa tiêu cực và có ý
phán xét với người nghe. Tùy thuộc vào đối tượng gọi đến và mối quan
hệ của họ với công ty, bạn cần có những cách ứng xử ngoại giao khác
nhau và phù hợp.
5. Kiềm chế cảm xúc
Để tránh gặp những trường hợp khiến bạn dễ mất kiểm soát, hãy đọc
một số loại sách về cách giải quyết các mâu thuẫn và phàn nàn thường
gặp.
6. Luôn nhớ bạn là bộ mặt của công ty
Nên nhớ mỗi khi nhấc điện thoại lên thì bạn sẽ nói chuyện với tư cách là
người đại diện công ty chứ không phải với tư cách cá nhân. Do đó hãy
tập trung vào cuộc nói chuyện, lắng nghe những nhu cầu hoặc phàn nàn
của người nói để họ có cảm giác được quan tâm và cảm thấy hài lòng về
công ty bạn.
7. Tìm chỗ ngồi khi nói chuyện
Tìm chỗ ngồi thoải mái để đề phòng những cuộc điện thoại có thể kéo
dài. Ngoài ra bạn nên chuẩn bị sẵn giấy và bút bên cạnh để có thể ghi
chép lại những điều cần thiết.
8. Không nên làm việc khác khi đang nghe điện thoại
Bạn không nên làm nhiều việc cùng một lúc như vừa nghe điện thoại
vừa trả lời thư điện tử. Không ai thích khi đang nói chuyện và nghe thấy
tiếng gõ bàn phím ở bên kia đầu dây, họ sẽ cảm thấy họ không được coi
trọng và chắc chắn sẽ không muốn tiếp tục câu chuyện nữa.
9. Ngắt lời đúng lúc
Có nhiều trường hợp khách hàng gọi điện đến và phàn nàn, kể lể liên
tục mà không cho bạn một giây nào để giải thích. Khi đó hãy yêu cầu họ
một cách lịch sự để họ có thể tập trung vào vấn đề cốt lõi để cả hai bên
đều không mất thời gian.
10. Nói rõ ràng và ngắn gọn

Khi trả lời, giải thích về những chính sách, thủ tục của công ty cũng như
khi gọi điện tới công ty khác để yêu cầu giải thích vấn đề gì, hãy nói
một cách ngắn gọn và rõ ràng. Bạn nên tránh nói dài dòng dễ dẫn đến
lạc đề và có thể gây hiểu lầm cho người nghe.
Rèn kỹ năng tự nhận thức
Nguyễn Đăng Duy Nhất
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

11:32' AM - Thứ hai, 22/12/2008
Bài “Khơi dậy năng lực tiềm ẩn để thành công” đã đề cập đến vấn
đề đánh thức và sử dụng sức mạnh của tiềm thức. Bài viết dưới đây
sẽ làm rõ tầm quan trọng của sự tự nhận thức (self-awareness),
đồng thời gợi ý một số kỹ thuật để nâng cao kỹ năng tự nhận thức.
Kỹ năng này không chỉ giúp ích từng thành viên trong tổ chức mà còn
tạo động lực để họ phát huy hết năng lực, đóng góp cho sự phát triển
của doanh nghiệp.
Tự nhận thức là cảm nhận rõ ràng về nhân cách, điểm mạnh, điểm yếu,
tư duy, niềm tin, động lực và cảm xúc. Tự nhận thức cũng cho phép bạn
hiểu về người khác, cách họ cảm nhận về bạn cũng như thái độ và phản
hồi của bạn.Sự tự nhận thức là cơ sở - nền tảng - nền móng - hỗ trợ tất
cả các năng lực tư duy cảm xúc. Nó phải có trước, bởi nếu không hiểu
bản thân và cảm xúc của mình, làm sao chúng ta có thể biết và hiểu
người khác cảm xúc như thế nào?
Sự tự nhận thức giúp chúng ta biết được cái gì thúc đẩy mình và mình
say mê cái gì. Điều này hướng chúng ta đến những công việc yêu thích,
khiến chúng ta làm việc vui vẻ, hiệu quả. Nó dẫn tới những mối quan
hệ, cả trong công việc lẫn quan hệ cá nhân, ở đó chúng ta sẽ đóng góp
có tính xây dựng và tích cực hơn. Và nó cũng dẫn đến cuộc sống chân
thật hơn cũng như làm cho chúng ta hài lòng hơn.
Càng hiểu rõ bản thân, chúng ta càng có thể kiểm soát và lựa chọn hành

vi muốn biểu hiện. Sự tự nhận thức giúp chúng ta hiểu mình đang ở đâu,
muốn đi đâu để sẵn sàng thay đổi nhằm đến được nơi cần đến. Không
có sự tự nhận thức, các cảm xúc có thể che mắt chúng ta, khiến ta trở
thành người mà mình không muốn. Nếu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của
mình, chúng ta có thể lựa chọn cách hành động hoặc phản ứng trong
một tình huống nào đó hoặc với một người nào đó. Sự lựa chọn này trở
thành sức mạnh, một sức mạnh nội tại không ai có thể lấy đi.
Một phần quan trọng khác của quá trình tự nhận thức là bạn cần hiểu rõ
về trí óc và cơ thể mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi người cũng như
phương pháp vận hành của chúng. Hình dung về trí óc còn được gọi là
người que. Mô hình về trí óc và cơ thể của người que do Tiến sĩ
Thruman Fleet, thuộc Đại học San Antonio, bang Texas, đưa ra vào
khoảng năm 1934.
Mô hình này có ba thành phần, trong đó hai thành phần thuộc về trí óc
là nhận thức và tiềm thức, và một thành phần là cơ thể.
Phần nhận thức là suy nghĩ và suy luận, có thể chấp nhận hoặc phản đối
các ý kiến, không ai có thể bắt bạn suy nghĩ theo những ý tưởng bạn
không muốn nghe theo và khi suy nghĩ tạo ra ý tưởng.
Phần tiềm thức là trung tâm quyền lực, không có quyền tự do ý chí, phải
chấp nhận và không có khả năng từ chối, không biết tới giới hạn cũng
như không phân biệt được đâu là thực tế, đâu là tưởng tượng, được tự
bộc lộ bằng cảm nhận. Phần cơ thể là phần hiện hữu của bạn, là phương
tiện vật chất, là công cụ của trí óc, hành động theo chỉ dẫn của trí óc, là
công cụ để bộc lộ suy nghĩ, để cảm nhận, và hành động của cơ thể quyết
định kết quả.
Do vậy, suy nghĩ tích cực sẽ tạo ra cảm nhận tích cực, cảm nhận tích
cực sẽ tạo ra hành động tích cực và hành động tích cực sẽ tạo ra kết quả
tích cực. Nếu quy trình này tiếp diễn liên tục sẽ tạo nên một thói quen
tốt giúp bạn thành công. Điều này một lần nữa chứng minh cho câu
ngạn ngữ “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen,

gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận” đã được đề cập.
Tuy nhiên, giữa nhận thức và tiềm thức luôn tồn tại mâu thuẫn nên bạn
cần kết hợp nhận thức với tiềm thức. Người thành công là người có suy
nghĩ và cảm nhận đồng điệu, nghĩa là nhận thức và tiềm thức kết hợp
nhuần nhuyễn với nhau.
Sự tự nhận thức được phát triển thông qua thực hành việc tập trung sự
chú ý vào các chi tiết của cảm xúc, nhân cách và hành vi. Sau đây là
một số kỹ thuật để phát triển sự tự nhận thức:
- Ghi lại những hành vi và cảm xúc khi đối diện với tình huống căng
thẳng.
- Khi tương tác với những người bạn cảm thấy thoải mái, hãy hỏi họ
những phản hồi về hành vi và hành động của bạn.
- Liệt kê ra các điểm mạnh và điểm cần cải thiện.
- Tìm kiếm người bạn tin tưởng để giúp bạn phân tích khả năng của
mình một cách khách quan.
- Tìm kiếm công việc mà bạn đủ tiêu chuẩn và khả năng đảm nhận, sau
đó nhờ cấp trên hoặc người cố vấn đánh giá bạn cần phải làm gì để cải
thiện năng lực của mình.
- Tạo sự tin tưởng với người khác.
- Tận tâm, chú ý và tập trung vào công việc.
- Điều chỉnh bản thân để thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau.
- Tập tư duy tích cực, lạc quan và sáng tạo.
- Đặt ra mục đích và mục tiêu cho bản thân và cho công việc.
- Áp dụng kỹ thuật tự khẳng định.
Kỹ năng tự nhận thức không chỉ giúp phát huy năng lực tiềm ẩn của bản
thân mỗi người mà còn hữu ích cho các doanh nghiệp. Ngày nay, với
môi trường cạnh tranh khốc liệt, cấu trúc tổ chức ngày càng phẳng hơn
và ít nhân viên hơn, do vậy đòi hỏi nhân viên và cấp quản lý phải quản
lý bản thân tốt hơn để có thể làm việc độc lập.
Để quản lý bản thân hiệu quả, bạn cần có kỹ năng tự nhận biết. Đồng

thời, tự nhận thức cho phép bạn hiểu rõ người khác và cách thức người
khác cảm nhận về bản thân bạn, từ đó giúp bạn nâng cao kỹ năng làm
việc đồng đội.
Một doanh nghiệp với những nhân viên và người quản lý có kỹ năng tự
nhận thức tốt sẽ hoạt động hiệu quả hơn do họ vừa có khả năng làm việc
độc lập, vừa có khả năng làm việc đồng đội tốt.
Ngoài ra, nhận thức đúng về điểm mạnh, điểm cần cải thiện của bản
thân và của nhân viên sẽ giúp cho các nhà quản lý doanh nghiệp phát
huy toàn diện năng lực của mình và nhân viên, đồng thời có kế hoạch
đào tạo, phát triển phù hợp. Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo kỹ
năng tự nhận thức cho nhân viên bởi nó không chỉ giúp ích cho bản thân
nhân viên mà còn tạo động lực để họ phát huy hết năng lực của mình,
đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Ăn - Học
Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Vườn Ươm Doanh nghiệp Tâm Việt
kynangsong.ning.com

10:59' AM - Thứ ba, 07/10/2008
Tiếng Việt của ta có cụm từ “Ăn học”, ăn đi đôi với học. Vậy sự “học”
và sự “ăn” liên quan gì đến nhau? Nếu ta để ý một chút, sẽ thấy sự
“Học” cũng hệt như sự “Ăn”. Kiến thức chính là một loại thức ăn cho
tinh thần, bộ máy xử lí kiến thức của bộ não tương ứng với bộ máy tiêu
hóa của cơ thể .
Ngày nay, “ăn” không còn để no nữa mà “ăn” để ngon, “ăn” là cần tinh
tế đến mức ẩm thực, chọn đồ ngon nhất, bổ nhất để ăn. Nếu như “ăn” là
để bổ cho mình, thì “học” cũng là để tốt cho mình. Nhưng giờ đây ta đã
lạc hậu hơn các nước khác, lại có tinh thần học tập kém, không muốn
Học, chẳng khác gì đã đói lại không muốn Ăn. Ta quan niệm ngồi trên
ghế nhà trường mới gọi là học, qua tuổi ngồi trên ghế nhà trường là
nghiễm nhiên không cần học tập gì thêm. Bố mẹ yêu cầu con cái đi học

trong khi mình ngồi xem phim, bố mẹ đầu tư tiền của cho con cái đi học
nhưng quên mất dành một phần để chính mình đi học. Kết quả là khả
năng học tập của ta giảm dần và chuyển từ mù chữ sang “mù học”.
“Học” cũng như “Ăn”, truyền thống học tập của mỗi gia đình cũng
giống như “Khẩu vị ăn” của riêng gia đình đó. “Ăn” là tất cả cùng ăn thì
“Học” cũng cần tất cả cùng học. Bộ máy tiêu hóa của cơ thể đang tự vận
hành, tự hoạt động từ việc đưa thức ăn vào đến việc tiêu hóa thức ăn đó
rồi cho ra kết quả từ quá trình đó. Thì “bộ máy tiêu hóa” của trí não tuy
tinh vi nhưng lại cần có những tác động từ bên ngoài mới chịu vận
hành.
Đầu tiên, có người Ăn phải có người Nấu. Người Nấu giỏi thì người Ăn
mới thấy ngon. Việc Nấu trong Ăn, giống như việc Nói trong Học. Nấu
ngon không phải do ta có đầy đủ nguyên liệu mà quan trọng là cách nấu,
cách pha chế gia vị và phối hợp những nguyên liệu đó thành món ăn
ngon. Cũng như vậy, quan trọng không phải là “Nói cái gì” mà là “Nói
như thế nào”, nói hay, điều đó không nhờ vào lượng kiến thức ta có mà
chủ yếu dựa vào cách ta nói. Ta cần học cách nói, chứ không học về nội
dung ta định nói.
Có người nấu cho ta ăn đó là điều rất tốt. Thế nên, đừng nhìn thức ăn
rồi vội khen chê ngay nó ngon hay dở, phải cho thức ăn vào mồm hay
đơn giản là “Ngậm” mới bắt đầu có những đánh giá đầu tiên về món ăn
đó. “Ngậm” cũng giống như “Nghe”, có người nói, thì mình phải Nghe
đã, trước khi biết Nghe, đừng vội đánh giá người nói hay hay dở. Muốn
làm người nấu ăn ngon trước tiên phải là người biết ăn giỏi. Muốn nói
tốt thì cần biết nghe tốt, những người biết Nghe, sẽ biết lúc nào không
nên Nói và biết lúc nào thì cần nói cái gì.
“Ngậm” rồi thì việc tiếp theo là “Nhai”. “Ngậm” mà không nhai thì món
ăn có ngon có bổ đến mấy cũng mất đi vị riêng của nó. Nghe mà chẳng
chịu Nghĩ thì không thể thấy được hết cái hay, cái dở của bài nói, không
thể thấy hết bài học nhận được từ đó. Việc “Nghe thấy” thì không hề

khó, nhưng. “Lắng nghe” được thì là chuyện không hề đơn giản. Lắng
nghe là phải Nghĩ, phải nghiền ngẫm, phải tư duy, quan trọng nhất, là
cảm nhận. Đa số ta Nghe rồi tư duy, chẳng bao giờ Nghe rồi chỉ cảm
nhận. “Nhai” cũng cần nhai cho kĩ mới thấy hết vị ngon của món ăn.
Nghĩ cần nghĩ thật kĩ, cảm nhận thật sâu sắc mới nhận ra cái hay của bài
nói. Trong Ăn thì Nhai là quan trọng nhất. Trong Học thì Nghĩ cũng là
quan trọng nhất. Nhai không tốt thì chết hóc, Nghĩ không tốt thì chết
ngu.
“Nhai” tốt rồi, thì sau đó ta cần “Nuốt”, nuốt và để thức ăn ở dạ dày.
Tương ứng với “Nuốt” là “Nhớ”, “Nghĩ” rồi thì phải Nhớ, phải để
những gì mình nghe lại trong đầu. Đa số ta nghe xong bỏ đấy, chẳng
nhớ gì hết, điều đó có khác gì ăn xong nhổ đi, chẳng nuốt vào bụng.
Nếu những thức ăn kia ôi thiu, nhạt nhẽo, nhổ đi đã đành. Nhưng thức
ăn ngon mà nhổ đi, thì đó là sự phung phí, thiếu tôn trọng không thể
chấp nhận được. Và trong sự “học” cũng vậy, bao nhiêu thứ hay người
ta nói, mà anh không nhớ, thì có nghĩa là ta lãng phí nguồn lực của
chính mình và thiếu tôn trọng cả người nói lẫn người nghe, đó cũng là
một dạng của mù học. Đã “Ăn” thì phải “Nuốt” cũng như đã “Học” thì
phải “Nhớ” thì cái hay của người nói mới được lưu giữ lại.
Cuối cùng: Không phải ta lớn lên nhờ những gì ăn vào, mà vì những gì
ta tiêu hóa được. Nghĩa là mục đích cuối cùng của Ăn, là để Nuôi
người. Học cũng vậy, mục đích cuối cùng của Học không phải là nhồi
nhét kiến thức vào đầu, mà là phải dùng được, phải gia tăng giá trị cho
mình, gia tăng giá trị cho xã hội, nghĩa là Nuôi đời.
Cơ thể ta, may thay đã có đầy bộ lọc, lục phủ ngũ tạng đủ cả, để thức ăn
đi vào, được nghiền nhỏ, được chuyển hóa, được sàng lọc, được tiêu
hóa, được luân chuyển, được đào thải. Còn đầu óc ta, không may mắn
như thế, cái việc thu nhận Thông tin đã khó, nghiền ngẫm để nó thành
Tri thức còn khó hơn, trải nghiệm và thấu hiểu để thấy nó là Trí tuệ thì
cực kỳ khó. Chừng nào ta chưa ứng dụng được những gì đã học, thì

nghĩa là chúng ta đang giữ trong đầu toàn thông tin, chứ không phải là
tri thức.
Tóm lại, chỉ có 10 chữ N, nói về cái sự Ăn Học:
- Ăn: Nấu - Ngậm - Nhai - Nuốt - Nuôi người
- Học: Nói - Nghe - Nghĩ - Nhớ - Nuôi đời
Logic của sự Ăn, cũng đúng với logic của sự Học. Có điều, nó không
hiển nhiên đúng. Nấu chưa chắc Ngậm, Ngậm chưa chắc Nhai, Nhai
chưa chắc Nuốt, Nuốt chưa chắc Nuôi người. Tương tự, Nói chưa chắc
Nghe, Nghe chưa chắc Nghĩ, Nghĩ chưa chắc Nhớ, Nhớ chưa chắc đã
dùng để Nuôi đời.
Và hiện tại ai cũng muốn phải cải cách giáo dục, trò muốn các thầy dạy
khác, các thầy cũng muốn trò phải học khác. Tốt nhất là tự điều chỉnh
chính mình trước khi điều chỉnh người khác. Làm trò tốt phải biết học
thế nào, làm thầy tốt phải biết học trò mình học thế nào. Muốn là Thầy
tốt trước tiên phải làm Trò tốt. Làm trò tốt sẽ hiểu làm sao để làm Thầy
tốt. Cũng như người Nấu cần hiểu khẩu vị người Ăn để nấu cho ngon
cho hợp nhưng người Ăn cũng cần phải biết thưởng thức món ăn đó
mới thấy được hết cái ngon của món ăn. Học cũng vậy, Hiệu quả học
tập là do Thầy biết giảng và trò biết học. Sao cho, Ăn để nuôi người và
Học để nuôi đời.
Bắt đầu từ tương lai
Nguyễn Thị Thùy Dương, Giảng viên - Tâm Việt Group
tamviet.edu.vn

10:09' AM - Thứ năm,
25/09/2008
“Present” trong tiếng anh có nghĩa là hiện tại cũng có nghĩa là món
quà, hôm nay luôn là ngày quan trọng nhất, nó quyết định quá khứ và
tương lai của mỗi người. “Sống” là hết mình với từng giây phút hiện
tại. Nhưng khi đã hết mình với hiện tại rồi, ta sẽ thành công nếu biết

“Bắt đầu từ tương lai”.
Bài học đầu tiên của một nghệ sĩ tung hứng là mắt nhìn lên và luôn nhìn
vào điểm cao nhất của quả bóng, chỉ cần một cái liếc nhẹ xuống dưới là
bạn sẽ thất bại trong môn nghệ thuật này. Khi quả bóng thứ nhất lên đến
điểm cao nhất của nó thì bắt đầu tung quả thứ 2 và cứ như vậy. Điểm
nhìn để bắt đầu luôn là điểm cao nhất mà quả bóng trước đó đạt tới, đó
cũng là điểm nhìn để thành công.
Khi loài người phát triển, có rất nhiều chủng tộc người khác nhau, tất cả
đều phải trải qua những thời điểm rất khắc nghiệt của thiên nhiên, nhất
là kỳ hạn hán, một số lượng lớn người thuộc các chủng tộc đã chết, chỉ
duy nhất có tộc người Phi là sống sót. Vì họ đã tưởng tượng ra tương lai
và biết chỗ nào sẽ giúp họ tích được nước vào những ngày hạn hán đó,
chính sự bắt đầu đó đã giúp cho sự sống tiếp tục cho đến ngày nay. Điều
làm nên sự khác biệt giữa con người và con vật cũng chính là óc sáng
tạo và tưởng tượng, một sự bắt đầu khác nhau, không phải bắt đầu từ
hiện tại mà bắt đầu từ tương lai.
Tương lai luôn là điểm khởi đầu để con người có động lực và muốn
vươn lên trong cuộc sống. Một quyển sách với tiêu đề “Hãy nghĩ như
người thành đạt” đã nói rất nhiều về óc tưởng tượng của con người, nhờ
khả năng này mà thế giới có những người thành công đến vậy. Ca sĩ
Celine Dion cũng bắt đầu sự nghiệp từ chính tương lai của cô, ngay từ
khi cô còn rất nhỏ cô đã tưởng tượng về viễn cảnh của mình, cô tưởng
tượng về 1 ca sĩ đứng trên sân khấu lớn hoành tráng với ánh đèn lung
linh, những lời khen ngợi, tán dương, những ánh mắt,... và chính viễn
cảnh đó đã giúp cô trở thành ca sĩ nổi tiếng như bây giờ.
Nếu như sống là hết mình với từng giây phút hiện tại thì thành công lại
cần bắt đầu từ tương lai. Tương lai hay viễn cảnh giúp bạn thấy cái
được chứ không chỉ cái mất, viễn cảnh giúp đôi chân của bạn nhanh
hơn, đôi tay của bạn dẻo hơn, tầm nhìn của bạn mở rộng hơn, mọi thứ
trong con người bạn sẽ ở vào tư thế sẵn sàng và chủ động nhất cho

thành công. Trong đại chiến thế giới thứ 2, rất nhiều tù binh bị bắt và
sau khi cuộc chiến kết thúc, số người còn sống sót trở về không đáng
kể. Những người trở về phải chăng có sức khỏe phi thường, họ chịu
được áp lực và tâm lí tốt, chưa chắc, lí do lớn khiến họ còn sống sót là
vì họ nghĩ tới một tương lai được sum vầy với gia đình, vợ con, một
tương lai hòa bình và vui vẻ, chính điều đó đã giúp họ có động lực để
sống, có thêm sức mạnh để chịu đựng, có thêm sức khỏe để trở về.
Thường xuyên có viễn cảnh cho công việc mình đang làm sẽ giúp hành
động của bạn cương quyết hơn, suy nghĩ của bạn mạch lạc hơn, tình
cảm của bạn rõ ràng hơn, thành công của bạn sẽ đến nhanh hơn.
Napoleong đã từng nói “Trí tưởng tượng thống trị cả thế giới” và ông có
thói quen bắt đầu mỗi trận đánh của mình bằng việc ngồi trong phòng
và tưởng tượng viễn cảnh khi ông giành thắng lợi. Ông đã bắt đầu từ
tương lai và nó đã giúp ông chiến thắng. Viễn cảnh của bạn sẽ quyết
định cuộc đời và thành công của chính bạn.
Chính vì vậy, trước bất kỳ một công việc nào bạn hãy tưởng tượng cho
mình một viễn cảnh. Khi đi học tiếng Anh bạn sẽ như thế nào, sẽ nói
tiếng Anh rất trôi chảy, tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài, bạn bè
nể phục, quen được nhiều bạn mới, mở rộng mối quan hệ… một viễn
cảnh như vậy sẽ giúp cho việc học tiếng Anh của bạn thú vị và ích lợi
hơn rất nhiều. Cũng giống như khi chọn lựa công việc cho mình, viễn
cảnh khi bạn đi chơi với bạn bè sẽ là gì và viễn cảnh khi bạn ở nhà giúp
mẹ sẽ là gì. Viễn cảnh khi bạn làm việc ở công ty A sẽ ra sao và khi bạn
làm việc ở công ty B sẽ như thế nào, viễn cảnh khi bạn đi rừng khác gì
viễn cảnh khi bạn đi biển, khi bạn sống ở Hà Nội và khi bạn sống ở quê.
Tất cả những viễn cảnh đó sẽ giúp bạn có một khởi đầu vững vàng và tự
tin hơn cho những quyết định của mình.
Hãy bắt đầu ngày làm việc và học tập của mình bằng một viễn cảnh.
Ngày hôm nay, công việc bạn sẽ làm là gì, thành quả mà bạn đạt được
ra sao, những người bạn sẽ gặp, những mối quan hệ mà bạn sẽ chăm

sóc, những niềm vui, những khó khăn,… đó chính là điểm khởi đầu tốt
đẹp nhất cho một ngày, một tuần, một tháng, một năm thành công và
hạnh phúc của bạn.
“Cách tốt nhất để kiểm soát tương lai là tạo ra nó”
Hãy “Bắt đầu từ tương lai”
Để có những công dân toàn cầu “made in Việt
Nam”
Lan Hương (Thực hiện)
VietNamNet

02:25' PM -
Thứ tư,
14/05/2008
"Không có tấm bằng tốt nghiệp ĐH được công nhận trên phạm vi toàn cầu là
thiệt thòi của thanh niên Việt Nam khi hội nhập với thế giới. Nhưng thiếu đi tấm
"hộ chiếu" đó, những người Việt trẻ vẫn hoàn toàn có thể trau dồi, rèn luyện và
tích luỹ kiến thức, kỹ năng, hình thành thái độ để trở thành những công dân toàn
cầu “made in Việt Nam”". TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội đã chia sẻ như vậy.
Ông nói: “Thực ra, công dân toàn cầu chỉ là một cách nói thôi. Nói đến công dân
là nói đến người chủ thì nó phải có một thiết chế toàn cầu hoặc chính phủ toàn
cầu, để công dân bầu lên và tác động tới chính phủ đó. Với nghĩa đó thì thế giới
mới đang trong quá trình hình thành các thiết chế toàn cầu”.
6 phẩm chất để vượt khỏi “luỹ tre làng”
- Nhưng nếu hiểu theo cách phổ thông thì theo ông, một công dân toàn cầu cần có
những phẩm chất gì?
Trước hết, công dân toàn cầu phải có tư duy và tầm nhìn toàn cầu. Phải hiểu được
thế giới, thấy được đâu là những vấn đề của nhân loại, đâu là cơ hội, đâu là rủi ro.
Con ếch ngồi dưới đáy giếng thì thế giới chỉ là trong cái giếng và vũ trụ chỉ là
vành tròn trên miệng giếng. Cũng như nếu anh ở Việt Nam thì chỉ thấy được luỹ

tre thôi. Có thể anh là “dân quê sung sướng” nhưng cũng chỉ trong phạm vi đó.
Nếu có tầm tư duy toàn cầu, anh hiểu được rằng nếu học nghề này, mình có thể
làm việc được ở Pháp, ở Anh, ở Đức...
Phẩm chất thứ hai, và cũng là hệ quả của cái thứ nhất là phải có một tư duy và cái
nhìn rất mở để chấp nhận và tôn trọng những khác biệt trên thế giới.
Thứ ba là phải cảm nhận và chia sẻ trách nhiệm với những vấn đề lớn chung của
toàn cầu như trái đất nóng lên, khủng bố, khan hiếm lương thực…
Bên cạnh đó, người công dân toàn cầu phải làm chủ được công cụ để tiếp cận thế
giới ảo, để chỉ cần qua con chuột và bàn phím mà biết cả thế giới.
Có hai công cụ quan trọng không thể thiếu: Thứ nhất là công nghệ thông tin và
truyền thông, mà đặc biệt là internet. Thứ hai là tiếng Anh vì có những vấn đề
toàn cầu xuất hiện bằng tiếng Anh trước, nếu không biết tiếng Anh thì không tiếp
cận được.
Một yếu tố quan trọng làm nên công dân toàn cầu là nền tảng tri thức và học thuật
được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu. Học ĐH ở Việt Nam sang Mỹ không làm
việc được thì rất khó thành công dân toàn cầu. Ngược lại, nếu anh có bằng tốt
nghiệp từ những trường ĐH có tên tuổi thì gần như đã sở hữu tấm hộ chiếu toàn
cầu.
Vì thế, muốn cho càng nhiều người VN trở thành công dân toàn cầu thì phải có
nền giáo dục được chấp nhận trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ Việt Nam học ĐH trong nước, có đủ phẩm chất
cần thiết thì vẫn được các công ty, tập đoàn nước ngoài tuyển dụng và đào tạo
thêm. Khi tạo danh tiếng trong công ty thì làm việc ở đâu cũng được. Như vậy họ
có thể thành công dân toàn cầu nhưng phải đi đường vòng.
Cuối cùng, người công dân toàn cầu phải hiểu được toàn cầu hoá không loại bỏ
bản sắc riêng. Anh làm toàn cầu trở nên phong phú hơn khi anh đưa bản sắc của
dân tộc anh vào. Một người công dân toàn cầu thực sự sẽ bổ sung giá trị văn hoá
truyền thống của dân tộc mình vào nền văn hoá chung toàn cầu. Công dân toàn
cầu và công dân Việt không loại trừ nhau.
- Theo đánh giá của ông, hiện nay xét trên mặt bằng chung, trình độ của thanh

niên Việt Nam đã đạt được mức độ toàn cầu chưa?
Đây là một câu hỏi tương đối khó trả lời. Vì phải có định lượng, không có công cụ
để nghiên cứu. Nhưng cứ lấy ví dụ: trong 6000, 7000 người dự tuyển vào hãng
Intel, người ta chỉ chọn được vài chục người theo yêu cầu của họ.
Như vậy,có thể nói số lượng công dân toàn cầu đạt được phẩm chất quốc tế rất
khiêm tốn. Đó là bức tranh rất đáng băn khoăn về công dân toàn cầu của Việt
Nam.
Thiếu hộ chiếu toàn cầu: có lỗi của người trẻ
- Bằng tốt nghiệp các trường ĐH ở Việt Nam vẫn chưa được quốc tế công nhận
trên phạm vi thế giới. Như ông đã nói, điều này đồng nghĩa với việc giới trẻ Việt
thiệt thòi vì thiếu đi tấm hộ chiếu toàn cầu. Nhưng đó đâu phải lỗi của những
người trẻ?
Thực chất thì không hoàn toàn là lỗi của những người trẻ nhưng cần nhìn nhận từ
cả 2 phía.
Cũng như người ta nói rằng: “Một dân tộc sẽ có những lãnh tụ như dân tộc đó
xứng đáng được có”. Một nửa vấn đề ở lãnh tụ, một nửa vấn đề ở người dân. Dân
đòi hỏi, dân có kỹ năng thực hành dân chủ thì người lãnh đạo phải giỏi.
Còn người học biết đòi hỏi, biết mình muốn gì, có những yêu cầu xác đáng với
việc dạy chứ không phải bưng ra gì thì học đấy và tìm mọi cách lấy lòng thầy để
được điểm theo kiểu “văn hay nhờ tay thầy chấm”. Trong trường hợp như vậy thì
hệ thống không có sức ép để thay đổi.
Ở Mỹ, HS được đăng ký thầy dạy nên nếu thầy dạy lơ mơ thì chẳng học trò nào
theo học. Ở Việt Nam cũng có một số trường áp dụng hình thức “trò đánh giá
thầy”. Học trò cần đánh giá trung thực, công bằng.
Như vậy có lỗi của nền giáo dục, nhưng không nên nói là SV hoàn toàn không có
lỗi gì. Tất nhiên, trong hệ thống này thì phần lỗi của SV ít hơn.
- Vậy ông có lời khuyên cho thanh niên Việt Nam để “sửa lỗi” này?
Trước tiên phải nhớ rằng học là quá trình hai chiều, một nửa do người dạy, một
nửa do người học. Có một số điều mà SV có thể tự trau dồi để trở nên hữu ích
trong quá trình hội nhập.

Thứ nhất phải học thật. Đừng học vì điểm mà học để có kỹ năng và trở nên thông
tuệ. Học để có kiến thức chỉ là việc rất nhỏ. Học để có kỹ năng thu thập kiến thức
là khó hơn. Học để có kỹ năng sáng tạo là quan trọng hơn nữa và học để có kỹ
năng xử lý các vấn đề của cuộc sống.
Học để được điểm cao thì có thể trùng với học thật một chút. Nhưng nếu thiết kế
hệ thống không chuẩn, đa số nó chẳng có ích cho cuộc sống bao nhiêu. Mà bạn
chỉ có chừng ấy thời gian, tâm lực và trí lực, phải xác lập ưu tiên trong việc học
để học cái gì hữu ích.
Tiếp theo nữa là phải học cách học và học cách hợp tác, làm việc theo đội
(teamwork).
Cũng cần phải học tiếng Anh để có thêm công cụ, không phải chỉ để giao tiếp
bình thường và chìa khoá mở tri thức mà còn là công cụ để tư duy.
Một lời khuyên không phải mới mẻ mà tôi chỉ lặp lại của ông trùm Microsoft Bill
Gates là kỹ năng đọc rất quan trọng. Tri thức nằm ở sách vở. Nhưng phải có kỹ
năng đọc.
Nếu bạn đọc sai lĩnh vực thì sẽ chẳng thu nhận được gì. Đọc để giải trí khác với
đọc để tìm thông tin, đọc để suy ngẫm.
- Còn trách nhiệm, tư duy và tầm nhìn toàn cầu, liệu người Việt trẻ có thể rèn
luyện để hình thành được không?
Những điều này đều xuất phát từ nhận thức. Nếu anh có kiến thức cơ bản về các
quy luật tự nhiên và xã hội thì anh sẽ thấy những quy luật đấy gắn kết thế giới lại
với nhau.
Nhận thức và tri thức là cơ sở hình thành tầm nhìn toàn cầu. Ví dụ nếu biết việc
chạy đến nơi nào có giá lao động rẻ hơn, hàng chảy về nơi nào có giá mua đắt hơn
nghĩa là đã có cái nhìn toàn cầu.
Khi có kiến thức thì sẽ hiểu được chuyển động của các quy luật toàn cầu. Ví dụ
quy luật của cung-cầu. Chỉ cần khan hiếm thực phẩm là giá tăng. Khan hiếm là do
nhiều nơi thấy phát triển công nghiệp có lợi hơn nên bỏ nông nghiệp, do sai lầm
đường lối chính sách, thiên tai…
Bên cạnh đó, cần hình thành thói quen giao lưu. Giao lưu ảnh hưởng tới cách suy

nghĩ và giao tiếp. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều người nước ngoài nên cơ hội
giao lưu không thiếu. Qua internet cũng có thể giao tiếp với họ.
Cũng cần có tầm văn hóa rộng, phải tìm hiểu văn hóa nhiều thì mới có được tầm
nhìn toàn cầu.
Nhưng nguyên tắc là tư duy toàn cầu, hành động địa phương.
Người Việt thoải mái co cụm trong không gian của mình
- Giới trẻ là đối tượng rất dễ tiếp thu cái mới nhưng đôi khi không có khả năng
chắt lọc. Họ hấp thụ ồ ạt văn hoá nước ngoài và xa dần các giá trị truyền thống.
Nhiều người lo ngại rằng, với tốc độ toàn cầu hoá nhanh như hiện nay, trong
vòng vài chục năm tới, ta sẽ có nguy cơ mất bản sắc văn hóa. Ông có nghĩ vậy
không?
Gần như có một quy luật tự nhiên là có những lứa tuổi thích khám phá cái mới
nhưng tuổi càng đằm, càng trở về với cội nguồn. Cũng có những bạn còn trẻ đã
thích các giá trị văn hóa truyền thống nhưng không nhiều.
Văn hóa càng cao càng có xu hướng kết hợp hài hòa giữa tinh hoa thế giới và giá
trị truyền thống.
Văn hóa càng thấp càng có xu hướng chạy theo những được cho là mốt dù ngay
bản thân mình cũng không thích.
Thử nhìn các nước châu Âu là nơi nhất thể hóa gần như không có biên giới, tiêu
chung một đồng tiền nhưng người Đức và người Bỉ không bị lẫn vào nhau, người
Hà Lan vẫn giữ được bản sắc của mình. Các dân tộc không hề bị xóa nhòa.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy không có chuyện bị xóa bản sắc trong hội nhập.
- Thế giới hiện nay tồn tại 2 khái niệm: “Sốc văn hóa” và “sốc văn hóa ngược”.
Theo ông, liệu công dân toàn cầu có rơi vào những trạng thái sốc này không?
Sốc văn hóa cũng như sốc thuốc thôi. Sốc là cảm giác tự vệ. Anh không thích nghi
được với giá trị mới và muốn yên ổn trong cơ chế cũ nên thấy lạc lõng trong thế
giới mới thì anh phản ứng chống lại. Đó là phản ứng tự nhiên của con người.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×