Tải bản đầy đủ (.pdf) (130 trang)

Mô hình thí điểm cải cách kinh tế ở Trung Quốc – Nghiên cứu trường hợp các đặc khu kinh tế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.67 MB, 130 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------------------

NGUYỄN THỊ QUỲNH THÚY

MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM CẢI CÁCH KINH TẾ
Ở TRUNG QUỐC - NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP
CÁC ĐẶC KHU KINH TẾ

LUẬN VĂN THẠC SĨ

Chuyên ngành: Châu Á học

Hà Nội - 2013
1


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------------------

NGUYỄN THỊ QUỲNH THÚY

MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM CẢI CÁCH KINH TẾ
Ở TRUNG QUỐC - NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP
CÁC ĐẶC KHU KINH TẾ

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Châu Á học
Mã số: 60.31.50


NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. PHẠM SỸ THÀNH

Hà Nội - 2013
2


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan công trình nghiên cứu này là của riêng tôi. Các số
liệu, kết quả nghiên cứu luận văn là hoàn toàn trung thực. Luận văn
có kế thừa các công trình nghiên cứu của người đi trước và có bổ
sung của những tư liệu, số liệu cập nhật.

Học viên

Nguyễn Thị Quỳnh Thúy

3


LỜI CẢM ƠN
Sau hơn hai năm thưc hiện nghiêm túc và khẩn trương chương trình cao
học Châu Á học, Khoa Đông Phương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, luận văn cao học với đề tài “Mô hình
thí điểm cải cách kinh tế ở Trung Quốc – Nghiên cứu trường hợp các đặc khu
kinh tế” đã được hoàn thành với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân cùng với
sự giúp đỡ của các thầy cô giáo.
Để hoàn thành luận văn cao học này, trước hết, tôi xin gửi cảm ơn
chân thành đến cơ sở đào tạo , Khoa Đông Phương, Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; các thầy cô giáo giảng

dạy các môn chuyên đề để cho tôi có được kiến thức ngày càng toàn diện và
sâu sắc về các lĩnh vực có liên quan đến đề tài cũng như nghiên cứu Trung
Quốc học. Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến TS. Phạm Sỹ Thành,
người hướng dẫn khoa học cho tôi trong suốt thời gian hoàn thành luận văn
này.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, xong luận văn mới là kết quả nghiên cứu
bước đầu, nên không tránh khỏi những hạn chế về nhận thức. Tôi mong
nhận được sự góp ý của thầy cô, bạn bè để có thể hoàn thiện nghiên cứu hơn
nữa.
Hà Nội, ngày 12/12/2013
Học viên

Nguyễn Thị Quỳnh Thúy

4


MỤC LỤC
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU

1

CHƯƠNG 1. LÝ THUYẾT CHUNG VỀ CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ VÀ 15
THỰC TIỄN CHUYỂN ĐỔI TẠI CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
THUỘC HỆ THỐNG CỔ ĐIỂN
1.1. Lý thuyết chung về phương thức chuyển đổi kinh tế

15


1.1.1. Mục tiêu và giới hạn của chuyển đổi kinh tế

15

1.1.2. Tốc độ và trình tự của chuyển đổi kinh tế

18

1.2. So sánh lợi ích – chi phí của hai phương thức chuyển đổi kinh tế

28

1.2.1. Bản chất của chuyển đổi kinh tế

29

1.2.2. Các dạng chi phí chuyển đổi

33

1.3. Lựa chọn các dạng thức chuyển đổi và chi phí của từng dạng thức

33

1.3.1. Xây dựng mô hình các dạng thức chuyển đổi

35

1.3.2. Lựa chọn phương thức chuyển đổi với những điều kiện khác nhau


39

1.4. Chuyển đổi kinh tế ở Nga và Trung-Đông Âu

39

1.4.1. Khái quát quá trình chuyển đổi kinh tế ở Trung- Đông Âu và Nga

43

1.4.2. Chuyển đổi kinh tế theo liệu pháp sốc tại Nga và Trung – Đông 45
Âu: Trường hợp cải cách chế độ sở hữu
Tiểu kết chương 1

53

CHƯƠNG 2. CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ THEO MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM CẢI 55
CÁCH Ở TRUNG QUỐC (KỂ TỪ NĂM 1978)
2.1. Một số lĩnh vực từng tiến hành cải cách theo mô hình thí điểm tại 55
Trung Quốc kể từ năm 1978
2.1.1. Chế độ khoán trách nhiệm kinh doanh trong sản xuất nông nghiệp

55

2.1.2. Thí điểm thành lập đặc khu kinh tế (special economic zone)

61

2.1.3. Thí điểm cải cách doanh nghiệp nhà nước


63

5


2.1.4. Thí điểm cải cách thể chế quản lí ngoại tệ

69

2.1.5. Thí điểm về mở cửa đối ngoại

71

2.2. Những đặc trưng của quá trình chuyển đổi theo mô hình thí điểm cải

74

cách tại Trung Quốc
2.2.1. Giải quyết những vấn đề ngoài thể chế tạo nguồn lực cải cách các

74

lnxh vực trong thể chế cũ
2.2.2. Các cải cách mang tính cục bộ lớn

81

2.3. Lý giải về việc Trung Quốc lựa chọn chuyển đổi theo mô hình thí

83


điểm cải cách từ góc độ Kinh tế học Chính trị
2.3.1. Hai dạng thức “phản hồi” của cấp trên trong “hệ thống Đảng –

84

Nhà nước” (Party – State System)
2.3.2. Kết cấu quyền lực chính trị của Trung Quốc và tác động đến lựa

87

chọn phương thức chuyển đổi
Tiểu kết chương 2

91

CHƯƠNG 3. ĐẶC TRƯNG THÍ ĐIỂM CẢI CÁCH THÔNG QUA

93

NGHIÊN CỨU VỀ CÁC ĐẶC KHU KINH TẾ (ĐKKT)
3.1. Quá trình thành lập các ĐKKT

93

3.1.1. Đặc khu kinh tế trong chiến lược cải cách kinh tế của Trung Quốc

93

3.1.2. Ý nghĩa xây dựng ĐKKT của Trung Quốc


98

3.1.3. Quá trình xây dựng các ĐKKT

100

3.2.Tính chất thí điểm chính sách trong sự phát triển của các đặc khu kinh tế

101

3.2.1. Chính sách Quản lý nhà nước đối với ĐKKT

101

3.2.2. Các chính sách ưu đãi về thuế

106

3.2.3. Chính sách về lao động và tiền lương

109

3.2.4. Các chính sách ưu đãi về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, ngoại hối

110

3.2.5. Chính sách đất đai

112


3.2.6. Chính sách về thị trường tiêu thụ sản phẩm

114

3.3. Những hiệu quả và bất cập trong sự phát triển của đặc khu - ưu 115
6


nhược điểm của mô hình thí điểm
3.3.2. Một số vấn đề tồn tại trong quá trình hình thành và phát triển các ĐKKT

115

3.4. Ưu – nhược điểm của chuyển đổi theo phương thức thí điểm cải cách 120
và phương thức shock
Tiểu kết chương 3

122

KẾT LUẬN

128

TÀI LIỆU THAM KHẢO

130

7



PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Kể từ khi chính thức tiến hành cải cách (năm 1978) đến nay, kinh tế
Trung Quốc đã có những chuyển biến làm thế giới phải khâm phục. Trong
giai đoạn 1978 – 2007, Trung Quốc duy trì được mức tăng trưởng GDP bình
quân 9,7%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 3% của thế giới.
Trong suốt chiều dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, mức GDP bình quân của
Trung Quốc hầu như không có sự chuyển biến đáng kể nào. Trong tiến trình
ấy, xuất hiện hai mốc thời gian mà GDP bình quân xuất hiện quỹ tích khác so
với thời gian trước. Đó là khoảng năm 1850 và 1978. Sau cuộc chiến tranh
Nha phiến lần thứ nhất (1840), Trung Quốc từ chỗ chiếm 32,88% trong tổng
GDP toàn thế giới đã đánh mất vị trí của mình, và kéo dài đà suy thoái trầm
trọng đó cho đến năm 1973. Quốc gia này chỉ khởi sắc sau khi tiến hành
chuyển đổi dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình vào năm 1978. Từ mốc thời
gian này trở đi, quỹ tích phát triển của đường GDP bình quân đã thay đổi với
một tốc độ đáng kinh ngạc. Có thể nói không quá rằng về tăng trưởng tổng
sản phẩm quốc nội, những gì mà Trung Quốc đạt được trong giai đoạn hơn 30
năm qua bằng 1000 năm trước đó của quốc gia này cộng lại. Bất kể sự trỗi
dậy của Trung Quốc được coi như là một cơ hội hay là sự “uy hiếp” đối với
thế giới thì chúng ta đều phải thừa nhận rằng “con rồng Trung Hoa” đã tỉnh
giấc.
Lý giải về nguyên nhân thành công của quá trình chuyển đổi kinh tế tại
Trung Quốc từ năm 1978 đến nay, các nghiên cứu thường tập trung vào 3
khía cạnh chính: (i) sự tái phân phối quyền tài sản; (ii) xây dựng thể chế kinh
tế thị trường và (iii) tận dụng vai trò của thị trường bên ngoài – quá trình hội
nhập.

8



Nguyên nhân quan trọng đầu tiên đó là cải cách đã tiến hành phân định
lại quyền tài sản hướng đến chủ thể quyền tài sản cụ thể. Điều này tạo ra động
lực phát triển vô cùng mạnh mẽ. Trước khi tiến hành chuyển đổi năm 1978,
chế độ quyền tài sản phổ biến nhất ở Trung Quốc là chế độ quyền tài sản công
hữu với quyền sở hữu (ownership) nằm trong tay nhà nước, và chủ sở hữu
danh nghĩa là “toàn dân”. Ở nông thôn, chế độ sở hữu tập thế với sự hiện diện
của các hợp tác xã được coi là một hình thức “chuẩn – sở hữu nhà nước” và là
hình thức sở hữu hợp pháp duy nhất trong sản xuất nông nghiệp. Việc coi
kinh tế xã hội chủ nghĩa = địa vị thống trị của chế độ quốc hữu + kinh tế kế
hoạch [51, 59] khiến Trung Quốc luôn phải đối diện với những khó khăn lớn
bởi bản thân chế độ quyền tài sản công hữu tồn tại nhiều hạn chế rõ rệt.
Chế độ quyền tài sản công hữu mang đặc tính rõ nét của một chế độ
quyền tài sản tàn khuyết (残缺产权制度). Biểu hiện của đặc tính này là
giữa quyền tài sản được ghi nhận và bảo vệ bởi luật pháp (hoặc luật tục) với
quyền tài sản thực thi trong thực tế luôn tồn tại sự bất cân xứng. Barzel [9] chỉ
ra rằng việc phân định/giới định quyền sở hữu về một tài sản nào đó trên khía
cạnh pháp luật luôn dễ dàng và có chi phí thấp hơn rất nhiều so với việc thực
thi nó trong thực tế. Bởi lẽ bất kể quyền tài sản được phân định như thế nào
(hình thái cực đoan - chế độ công hữu, hay ở một thái cực khác - chế độ tư
hữu) thì trong hoạt động kinh tế vẫn luôn tồn tại một “trường/miền công
cộng” (public domain). Nghĩa là, chi phí để thực hiện quyền sở hữu quá lớn
khiến chủ thể quyền tài sản khó lòng đảm bảo được khả năng ngăn cản, “loại
trừ” người khác sử dụng. Barzel [9] gọi quyền lợi của cá nhân xác lập được ở
trong “trường/miền công cộng” này là “cướp đoạt phúc lợi” (walfare capture).
Việc tài sản bị sử dụng “miễn phí” như sẽ gây ra những tổn thất phúc lợi hoặc
làm “hao tán tiền tô” (rent dissipation). Mà hậu quả trực tiếp dễ nhận thấy
nhất là khả năng làm cạn kiệt các nguồn lực mang tính công cộng.

9



Bên cạnh đó, sự tồn tại của một chế độ quyền tài sản công hữu mang tính
tàn khuyết còn khiến cho cơ chế khích lệ (incentive regime) không phát huy
tác dụng khi chế độ quyền tài sản này chỉ tạo điều kiện để các “phi chủ thể sở
hữu” được khuyến khích sử dụng miễn phí nhưng lại không phải chịu trách
nhiệm gì với hành vi của mình. Nhìn lại sự phát triển của công xã nhân dân và
các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở nông thôn hay các xí nghiệp quốc
doanh (sau này là doanh nghiệp nhà nước) ở thành thị có thể thấy rõ những
tác hại này của chế độ quyền tài sản công hữu. Khi tất cả tài sản là của chung,
làm nhiều làm ít đều hưởng đãi ngộ như nhau, kinh doanh lỗ hay lãi đều
không ảnh hưởng đến thu nhập của cá nhân thì giám đốc xí nghiệp, công nhân
viên chức trong nhà máy và nông dân trong hợp tác xã đều chỉ làm việc “cầm
chừng” cho đủ chỉ tiêu và vừa đủ hoàn thành kế hoạch được giao. Nhưng khi
thực hiện những cải cách về chế độ sở hữu, thành tích của kinh tế nông
nghiệp và của các doanh nghiệp nhà nước (một thời gian đầu) đã thay đổi
hoàn toàn hoặc khởi sắc hơn rất nhiều.
Nguyên nhân thứ hai là xây dựng và vận dụng thể chế kinh tế thị trường.
Xung quanh vấn đề vì sao thể chế kinh tế kế hoạch ở các nước xã hội chủ
nghĩa lại vận hành kém hiệu quả, các nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới đã
triển khai nhiều đợt tranh luận sôi nổi [51]. Trong đó, có thể kể đến những
phê phán xuất sắc của L. von Misses (1881 - 1973), F. von Hayek (1899 1992) hay những phản biện của các nhà kinh tế bênh vực cho kinh tế kế hoạch
như M. Dobb (1900 - 1976), M. Taylor (1855 - 1932), P. Lerner (1903 1982) và O. Lange (1904 - 1965). Những tranh luận của các nhà kinh tế nêu
trên chủ yếu xoay quanh vấn đề chính phủ có thể thay thế thị trường để cung
cấp tín hiệu quan trọng bậc nhất (là giá cả) trong việc điều phối và phân bổ
các nguồn lực hay không? Kinh tế thị trường có thể làm tăng lượng của cải xã
hội. Lí thuyết kinh tế học Tân cổ điển chỉ ra rằng việc chuyển từ định giá theo
kế hoạch sang thị trường định giá khiến cho mức thặng dư của người tiêu
10



dùng và người sản xuất tăng lên. Do giá kế hoạch tương đối cố định và phản
ứng kém linh hoạt với những dịch chuyển khỏi điểm cân bằng của quan hệ
cung cầu, nên giá kế hoạch thường chệch khỏi mức “giá cân bằng” của thị
trường. Điều này khiến cho sản xuất trong nền kinh tế thị trường nếu không
rơi vào tình trạng thiếu hụt thì cũng bị dư thừa quá mức, tất yếu sẽ gây ra
những tổn thất thặng dư cho người sản xuất và tiêu dùng.
Cách giải thích của Kinh tế học Hợp đồng đơn giản hơn. J. Buchanan chỉ
ra rằng, tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá hiệu quả là tính nhất trí cao của sự
đồng thuận. “Đồng thuận” có nghĩa là những bên tham gia giao dịch sau khi
trải qua sự cân nhắc về chi phí – lợi ích, cho rằng một giao dịch thực hiện sắp
xếp/phân bổ nguồn lực là có lợi cho bản thân, hoặc ít nhất là vô hại. “Không
đồng thuận” vì có nghĩa là các bên hoặc một bên tham gia giao dịch cho rằng
giao dịch không đem lại ích lợi cho họ. Điều cần chú ỳ là trong giao dịch ấy,
các chủ thể giao dịch là những chủ thể bình đẳng, có quyền tự quyết, do vậy,
giao dịch về bản chất là một quá trình trao đổi tự do và tự nguyện. Kinh tế học
dễ dàng chứng minh được xét từ góc độ xã hội, giao dịch mà trong đó ít nhất
một bên không “đồng thuận” có tổng hiệu dụng thấp hơn so với giao dịch có
sự đồng thuận của tất cả các bên. Trong một giao dịch tự do trên thị trường,
khi một bên nhận thấy giao dịch cho rằng giao dịch không làm tăng "độ thỏa
dụng" (phúc lợi) của mình hoặc sẽ làm mình bị thiệt hại họ có thể sẽ rút lui.
Sự rút lui hàm ý các giao dịch tự do trên thị trường cho phép chủ thể giao dịch
tránh được các tổn thất không cần thiết,xét từ góc độ kinh tế, khi một chủ thể
rút lui khỏi giao dịch không hiệu quả họ đã hạn chế việc các nguồn lực bị
phân bổ lãng phí, kém hiệu quả. Nền kinh tế kế hoạch với cách quản lí thông
qua cơ chế mệnh lệnh hành chính luôn xuất hiện tình trạng ít nhất một bên
tham gia giao dịch không đồng thuận. Do vậy, việc thực hiện chuyển đổi từ
cơ chế điều phối mệnh lệnh sang cơ chế điều phối đàm phán tự do khiến hiệu

11



quả của giao dịch được cải thiện rõ rệt, qua đó nâng cao tổng lượng của cải xã
hội.
Những nỗ lực cải cách theo hướng thị trường hóa trước hết tập trung vào
cải cách giá cả. Trong đó, một kinh nghiệm đáng lưu ý là việc thực hiện “chế
độ hai giá” (价格双轨制) – giá do nhà nước qui định (giá kế hoạch) và giá
thị trường. Trung Quốc trước cải cách hầu như không tồn tại thị trường với ý
nghĩa thực sự của nó. Các hàng hóa tiêu dùng và tư liệu sản xuất đều được lưu
thông theo chế độ phân phối. Đến đầu thập niên 1980, sau khi các loại hình
doanh nghiệp phi quốc hữu xuất hiện và đạt được sự phát triển mạnh, thể chế
phân phối này không thể tiếp tục tồn tại lưu dài, nếu không các doanh nghiệp
này sẽ không thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Trước tình hình đó, năm 1979,
chính phủ Trung Quốc ban hành “Một số quyết định về việc mở rộng quyền
tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp quốc doanh”, cho phép
doanh nghiệp tự mình tiêu thụ toàn bộ số sản phẩm “vượt kế hoạch”. Tháng 1
năm 1985, Cục Vật giá quốc gia và Cục vật tư quốc gia ban hành văn bản
“Thông báo về việc buông luông giá đối với các sản phẩm công nghiệp mang
tính tư liệu sản xuất vượt kế hoạch”. Văn bản này cho phép các doanh nghiệp
mua bán sản phẩm “ngoài kế hoạch” theo giá thị trường. Đối với các doanh
nghiệp nhà nước từ trước năm 1983 vẫn có quyền nhận vật tư theo kế hoạch
nhà nước thì được tiếp tục mua số vật tư cần cho sản xuất theo giá nhà nước
phân phối, dựa trên cơ số phân phối năm 1983. Số tư liệu sản xuất cần có nếu
vượt quá cơ số năm 1983 thì phải mua lại theo giá thị trường. Hiện nay, hầu
hết các hàng hóa và tư liệu sản xuất ở Trung Quốc đều do thị trường định giá.
Nguyên nhân thứ ba, Trung Quốc đã tận dụng được các cơ hội từ quá
trình hội nhập của mình. Nhìn lại lịch sử phát triển của Trung Quốc và nhìn
vào mức độ gắn kết của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới hiện nay, chúng
ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng nếu quá trình cải cách không gắn liền với mở
cửa thì rất có thể những thành tựu ngày hôm nay sẽ không còn ấn tượng như

12


những gì chúng ta đang chứng kiến. Năm 1980, thời điểm mà Trung Quốc
mới bắt đầu tiến hành quá trình chuyển đổi (transformation), quốc gia này chỉ
chiếm hơn 2% tổng GDP thế giới và chưa đầy 2% tổng giá trị thương mại
toàn cầu [8, 11-13]. 30 năm sau, tỉ trọng GDP của quốc gia này đã chiếm
khoảng 9% của toàn thế giới và cũng đóng góp khoảng 9% trong tổng mức
thương mại toàn cầu. Năm 2009, FDI vào Trung Quốc chiếm 7% lượng FDI
toàn cầu trong khi con số này của năm 1980 chỉ là 1%, đồng thời lượng vốn
đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc cũng tăng từ mức không đáng
kể (năm 2004) lên 4% toàn cầu (năm 2009) [8, 11-13].
Tuy nhiên, các nghiên cứu so sánh để tìm hiểu về nguyên nhân thành
công của quá trình chuyển đổi kinh tế tại Trung Quốc chưa thực sự nhiều.
Đặc biệt, thiếu các nghiên cứu và nghiên cứu so sánh sau về quá trình chuyển
đổi tại Trung Quốc:
(i) Nghiên cứu cách thức chuyển đổi của quốc gia này từ góc độ thuần
túy lý thuyết kinh tế học;
(ii) So sánh từ góc độ thuần túy lí thuyết cách thức chuyển đổi của Trung
Quốc với các cách thức của quốc gia Đông Âu, Nga v.v.;
(iii) Các nghiên cứu trường hợp về cách thức chuyển đổi, quá trình
hoạch định chính sách chuyển đổi, điều kiện ban đầu của chuyển đổi, thiết lập
các thể chế mới trong quá trình chuyển đổi v.v.
Tầm quan trọng của việc nghiên cứu về cách thức chuyển đổi thể hiện
ngày càng rõ nét sau khi “mô hình Trung Quốc” được nêu lên như một tương
phản với “mô hình chuyển đổi shock” không chỉ về cách thức mà cả về kết
quả. Khi tiếng nói của Đồng thuận Washington ngày càng yếu và quan điểm
về Đồng thuận Bắc Kinh ngày càng nổi bật, thậm chí có quan điểm cho rằng
mô hình Trung Quốc mới là điều mà các quốc gia chuyển đổi cần mô phỏng.
Tuy rằng các tranh luận về cách thức – hành vi – kết quả chuyển đổi vẫn tồn

tại nhiều tranh luận nhưng có một điểm cần khẳng định là nghiên cứu về cách
13


thức chuyển đổi từ góc độ lí thuyết không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ mà
còn có ý nghĩa ở hiện tại bởi quá trình chuyển đổi – đối với nhiều quốc gia
như Trung Quốc, Việt Nam – vẫn chưa dừng lại.
Xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu về quá trình chuyển đổi cũng như ý
nghĩa của việc nghiên cứu này, tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu về cách thức
chuyển đổi tại Trung Quốc thông qua một mô hình đặc thù – mô hình thí điểm
cải cách. Thông qua việc nghiên cứu mô hình này, tôi muốn làm rõ bản chất
chuyển đổi từng bước/phần/tiệm tiến của Trung Quốc. Thông qua nghiên cứu
mô hình, tôi cũng muốn tìm hiểu về việc cách thức nào giúp Trung Quốc có
thể chuyển đổi từng bước/phần/tiệm tiến như vậy.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cùng với quá trình chuyển đổi tại các nước xã hội chủ nghĩa thuộc hệ
thống cổ điển ngày càng đi sâu, các kết quả của chuyển đổi ngày càng hiện rõ,
mường tượng của mọi người về quá trình chuyển đổi kinh tế ngày càng chân
thực hơn thì các nghiên cứu về kinh tế học chuyển đổi cũng ngày càng nhận
được nhiều sự quan tâm và chất vấn hơn. Sự chất vấn diễn ra với các giả thiết
nghiên cứu không còn phù hợp với thực tiễn chuyển đổi hoặc với chính bản
thân quá trình chuyển đổi tại các quốc gia khác nhau.
Trọng tâm nghiên cứu đợt thứ nhất về chuyển đổi chủ yếu là các nghiên
cứu mang tính khuyến nghị chính sách. Mục đích của các nghiên cứu này là
tác động đến tầng lớp hoạch định chính sách nhằm từ đó tác động đến kết quả
trên mọi phương diện của quá trình chuyển đổi. Các nghiên cứu này phần lớn
bắt nguồn từ nhu cầu trước mắt, một số thậm chí được tiến hành với tư cách là
“đơn đặt hàng” của các chính phủ. Nhưng hứng thú với các dạng nghiên cứu
này tại phương Tây cũng suy giảm chỉ sau vài năm. Trái ngược với điều này,
các nghiên cứu về chuyển đổi kể cả từ góc độ lý thuyết hay nghiên cứu thực

chứng đều đã đạt được sự phát triển liên tục và lâu dài.

14


Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế châu Âu (CEPR) đã thành lập
chương trình nghiên cứu Kinh tế học chuyển đổi ngoài các lĩnh vực nghiên
cứu kinh tế truyền thống như kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, thương mại, chính
sách công, tài chính v.v.
J.E. Stiglitz [45] trong tác phẩm “Chủ nghĩa xã hội đi về đâu – Lý thuyết
và bằng chứng của chuyển đổi thể chế kinh tế” đã tiến hành so sánh về kết
quả của quá trình chuyển đổi theo liệu pháp shock và tiệm tiến. Trong đó, ông
chú trọng phân tích nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Nga trong việc theo
đuổi chuyển đổi theo liệu pháp shock. Chẳng hạn, “hiểu sai về các khái niệm
cơ bản nhất của kinh tế thị trường”, tiếp thu một cách máy móc các lí thuyết
của trường phái kinh tế tân cổ điển Mỹ. Thứ hai, lầm lẫn phương thức và kết
quả, chẳng hạn coi tư nhân hóa là mục đích cuối cùng của chuyển đổi chứ
không phải là một công cụ của quá trình chuyển đổi. Thứ ba, xuất hiện các
vấn đề về mặt quyết sách khi làm theo các kiến nghị của các chuyên gia kinh
tế. Bên cạnh đó, Stiglitz cũng đề cập đến thành công của Trung Quốc trong
việc thực hiện chuyển đổi từng phần, nhưng ông vẫn giữ thái độ hoài nghi với
cái gọi là “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.
Dương Tiểu Khải trong nghiên cứu “Chuyển đổi kinh tế và chuyển đổi
hiến pháp và chính trị” có quan điểm hoàn toàn trái ngược với Stiglitz [45],
theo đó ông kịch liệt phê phán việc dùng “shock” và “tiệm tiến” để coi là cơ
sở đánh giá thành công hay thất bại của chuyển đổi kinh tế tại Nga và Trung
Quốc. Dương Tiểu Khải cho rằng: chuyển đổi kinh tế chỉ là một bộ phận của
quá trình chuyển đổi về chính trị và hiến pháp, những nhà kinh tế ủng hộ
chuyển đổi “từng phần” là thiếu suy xét đến mặt hiến chính, do đó chỉ căn cứ
vào hiệu quả kinh tế trước mắt để đánh giá thành bại của quá trình chuyển

đổi. Do đó, không thể dùng thành công của mô hình tiệm tiến tại Trung Quốc
để phủ định thất bại của mô hình shock của Nga, muốn có đánh giá chính xác

15


nhất thì phải dựa vào xem xét biểu hiện của hai quốc gia – hai mô hình –
trong dài hạn.
Kolodko [43] trong cuốn sách “Từ shock đến trị liệu: kinh tế chính trị
của các nước chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa” cho rằng trong trong các lĩnh
vực khác nhau, “shock” và “tiệm tiến” có các lựa chọn khác nhau. (1) Về mặt
tự do hóa kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, phải phân tích cẩn thận về tình
hình tiền tệ và tài chính, nếu mức độ kiểm soát kinh tế trước khi chuyển đổi
tương đối lớn, khi chuyển đổi xuất hiện tình trạng tài chính không ổn định thì
việc lựa chọn “shock” có thể đạt được tình trạng tự do hóa. (2) Về chuyển đổi
kết cấu và cải cách thể chế, bao gồm tư nhân hóa, kết cấu quản trị công ty thì
phải áp dụng phương thức chuyển đổi tiệm tiến. (3) Trong lĩnh vực tái cấu
trúc cơ cấu vi mô của ngành, phải có các khoản đầu tư mới, phải đóng cửa
nhà máy cũ, phải điều động lại các lao động và nâng cao sức cạnh tranh của
ngành. Trong lĩnh vực này có thể áp dụng chuyển đổi theo liệu pháp shock.
K. Janos [47] trong cuốn “Suy nghĩ về chuyển đổi của các quốc gia hậu
xã hội chủ nghĩa” đã tiến hành quy nạp về các xu thế đã diễn ra tại các quốc
gia chuyển đổi, bao gồm: thị trường hóa, sự phát triển của khu vực tư nhân,
tái xuất hiện sự mất cân bằng vĩ mô, sự phát triển của chính thể lập hiến, sự
phát triển của chế độ dân chủ, định nghĩa lại các tổ chức dân sự, bất bình đẳng
về phúc lợi v.v. Mà những nhân tố tác động chủ yếu đến hướng đi của các xu
thế này là năng lực xử lí của chính phủ, sức mạnh của phe đối lập với chính
đảng chấp chính, khả năng chịu đựng hy sinh của nhân dân và các yếu tố bên
ngoài quốc gia. Kornai đặc biệt nhấn mạnh rằng, tại các quốc gia chuyển đổi,
sự xuất hiện của các xu thế này vẫn còn tồn tại quá nhiều yếu tố bất định.

Leonid Polishchuk [48] trong bài viết “Sự tiến hóa của nhu cầu về thể
chế trong các nền kinh tế chuyển đổi” kết hợp với thực tiễn chuyển đổi của
Nga để nghiên cứu về việc thiết kế thể chế tại các nền kinh tế chuyển đổi.
Ông cho rằng, khi mới chuyển đổi, các tập đoàn tài phiệt và công nghiệp độc
16


quyền nhóm hoàn toàn không ủng hộ thậm chí chống đối lại việc thiết kế các
thể chế nhằm bảo vệ quyền tài sản (property rights). Nhưng khi chuyển đổi
tiến hành được một thời gian tương đối dài, đặc biệt sau khủng hoảng tài
chính năm 1997, yêu cầu về một nền tài chính – kinh tế có độ minh bạch, ổn
định và hiệu quả ngày càng lên cao, điều này khiến các chủ thể kinh tế dù
muốn hay không cũng đều phải dần đưa các hoạt động của mình ra công khai.
Đồng nghĩa với việc các chủ thể này phải bỏ một nguồn lực để hỗ trợ cho việc
xây dựng các thể chế đảm bảo cho sự vận hành của kinh tế thị trường như luật
pháp, chính sách công v.v. Tuy vậy, xây dựng nhà nước pháp quyền là một
cuộc thỏa thuận chính trị lâu dài.
David M.Kotz [38] trong cuốn sách “Cuộc cách mạng đến từ thượng
tầng: Sự sụp đổ của Nga” đã cho rằng Trung Quốc thực hiện “chiến lược
chuyển đổi do chính phủ chỉ đạo” tốt hơn nhiều so với “chiến lược chuyển đổi
do chủ nghĩa tự do mới định hướng” của Nga. Nhưng đồng thời ông cũng cho
rằng, chuyển đổi kinh tế Trung Quốc không thể tránh khỏi việc dẫn đến sự
xuất hiện của tầng lớp tinh anh mới. Nhóm tinh anh này không chỉ chạy theo
lợi nhuận kinh tế mà còn theo đuổi quyền lực về chính trị, đồng thời cũng có
thể đòi hỏi áp dụng các chính sách chuyển đổi của chủ nghĩa tự do mới. Kotz
[38] cũng cho rằng, việc Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 ở một mức độ
nhất định thể hiện việc từ bỏ một phần chiến lược chuyển đổi do chính phủ
chủ đạo.
Mark Knell và Christine Rider dựa trên lí thuyết của chủ nghĩa Keynes
mới phê phán sự sùng bái mù quáng của phương thức cải cách shock vào thị

trường tự do. Họ cho rằng phương án chuyển đội thị trường hóa và tự do hóa
đã bỏ qua một sự thật rất quan trọng: quan hệ kinh tế giữa mọi người không
chỉ là một dạng quan hệ trao đổi đơn thuần, mà còn là dạng quan hệ sản xuất
phức tạp; mối quan hệ giữa kế hoạch và thị trường là quan hệ bổ sung chứ
không phải là quan hệ loại trừ - thay thế; cơ chế giá cả không chỉ là một biện
17


pháp điều phối nguồn lực mà còn có chức năng tài chính, chức năng chiến
lược và chức năng sản xuất; tư hữu hóa không nhất thiết sẽ tạo ra sự cải thiện
về hiệu suất sản xuất [18]. A. Amsden, J. Kochaniwicz và L. Taylor cho rằng
bước quá độ sang chủ nghĩa tư bản cần có “bàn tay hữu hình” hơn “bàn tay vô
hình” mà chủ nghĩa tự do mới đề xướng. Sự thành công của kinh tế tư bản
chủ nghĩa phụ thuộc vào các thể chế tạo được sự đầu tư trong thời gian dài
cũng như có khả năng chịu đựng rủi ro, nhưng chỉ có nhà nước mới đủ năng
lực để đảm trách xây dựng những thể chế này [7]. Theo họ, “chủ nghĩa tư
bản” mà Đông Âu xây dựng không giống với phương Tây bởi nó khuyết thiếu
những thể chế hạt nhân đảm bảo cho sự tích lũy tư bản lâu dài.
Peter Murrel cho rằng các cải cách shock coi toàn bộ xã hội là một dạng
công cụ điều phối, phân bổ nguồn lực, do vậy nó thiết kế một thể chế phân bổ
hoàn hảo với hi vọng đưa cải cách một bước đạt đến thành công, chuyển đổi
từng phần thì coi xã hội là một công cụ “gia chế” thông tin, thông tin xã hội
cần một quá trình tích lũy, bất kì phương án cải cách nào ban đầu cũng cho
rằng đều phải dựa vào cơ sở là các thông tin của xã hội cũ, đối với cải cách,
những người thực thi nó chỉ có thể đi từng bước (P. Murrel, 1994). Giáo sư
M. Aoki cho rằng thể chế kinh tế là một hệ thống diễn tiến (tiến hóa) phức
tạp, bên trong thể chế này có cơ chế tự tăng cường, giữa các thể chế khách
nhau sẽ tồn tại tính bổ sung lẫn nhau, nếu tính bổ sung này càng lớn thì chi
phí của cải cách càng cao [50]. Khi tiến hành các cải cách đồng bộ với quy
mô lớn, cho dù phương hướng chung đã xác định rõ thì trong quá trình và kết

quả chuyển đổi vẫn còn nhiều điều khó lường, trong quá trình định ra sự phát
triển còn xuất hiện các tập đoàn lợi ích khác nhau, điều này gây ra nhiều khó
khăn cho việc thúc đẩy cải cách, do vậy, phương thức chuyển đổi tiệm tiện có
tính khả thi cao hơn cả [50]. Gernot Grabber và David Stark cho rằng xét từ
quan điểm tiến hóa, nếu không có tính đa dạng thì không có sự lựa chọn, sự
biến đổi nhanh chóng của thể chế và tổ chức thường thường hi sinh hiệu suất
18


lâu dài. Ngược lại, sự tồn tại của thể chế cũ, những va chạm, xung đột trong
chuyển đổi sẽ giữ lại tính đa dạng của thể chế, điều này tạo ra không gian lựa
chọn và xuất hiện rộng hơn cho các thể chế mới, từ đó thúc đẩy thể chế phát
triển [14].
Buchanan chỉ ra rằng, sự vận hành có hiệu quả của thể chế thị trường dựa vào
kết cấu thể chế có khả năng thúc đẩy giao dịch tự do và những cá nhân có thể
thích ứng đồng thời hành động theo ý niệm thị trường. Mà những kết cấu thể
chế và cá nhân như nêu trên lại là kết quả của một thời kì lịch sử lâu dài, cách
nghĩ cho rằng kinh tế thị trường có thể hình thành và phát huy tác dụng trong
điều kiện không có lịch sử, không có kết cấu thể chế và ý niệm thị trường là
một cách nghĩ hoàn toàn hoang tưởng [44].
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn. Luận văn lấy “cách thức chuyển
đổi” kinh tế làm đối tượng nghiên cứu chính. Để làm rõ được đối tượng
nghiên cứu này, luận văn tiến hành nghiên cứu về một mô hình đặc thù trong
cách thức ấy, làm nên cách thức ấy – đó là “mô hình thí điểm cải cách”.
Phạm vi nghiên cứu của luận văn. Về phạm vi thời gian, luận văn có
phạm vi nghiên cứu là từ năm 1978 – 2011. Về phạm vi không gian, luận văn
nghiên cứu 4 đặc khu kinh tế của Trung Quốc đại lục.
4. Mục tiêu nghiên cứu
Luận văn hướng đến thực hiện hai nhóm mục tiêu là mục tiêu tổng quát

và mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu tổng quát bao gồm:
- Khái quát lại các lí thuyết liên quan đến chuyển đổi kinh tế
- Khái quát và xây dựng mô hình về hai dạng thức chuyển đổi kinh tế đã
tồn tại trên thế giới,
- Từ góc độ lí thuyết, tìm ra và phân tích ưu – nhược điểm, của từng mô
hình.
19


Nhóm mục tiêu cụ thể bao gồm:
- Khái quát quá trình chuyển đổi của các quốc gia Trung – Đông Âu,
Nga và Trung Quốc.
- Sử dụng các lí thuyết kinh tế học hiện đại để làm rõ mô hình thí điểm
cải cách của Trung Quốc có vị trí và ý nghĩa như thế nào trong quá trình
chuyển đổi của quốc gia này.
- Làm rõ ưu – nhược điểm của cách thức chuyển đổi kinh tế của Trung
Quốc trước kia.
- Thông qua nghiên cứu trường hợp các đặc khu kinh tế để gắn nghiên
cứu lí thuyết với nghiên cứu trường hợp.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nghiên cứu này, luận văn sử dụng các lí thuyết của Kinh tế
học thể chế mới như:
- Lý thuyết về quyền tài sản
Các lý thuyết của kinh tế học thông tin như:
- Lý thuyết ủy thác – đại diện
- Lý thuyết cơ chế khích lệ
Các lý thuyết của kinh tế học chuyển đổi về mục tiêu, mô hình, kết quả
của chuyển đổi. Đồng thời, các lý thuyết và công cụ phân tích của kinh tế học
nói chung cũng được sử dụng nhằm phản ánh được bản chất của quá trình

chuyển đổi kinh tế tại Trung Quốc.
Các số liệu được sử dụng trong nghiên cứu là số liệu thứ cấp và mang
tính trung thực vì đều được trích dẫn nguồn cụ thể.

6. Ý nghĩa của đề tài
Xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu về quá trình chuyển đổi cũng như ý
nghĩa của việc nghiên cứu này, tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu về cách thức
20


chuyển đổi tại Trung Quốc thông qua một mô hình đặc thù – mô hình thí điểm
cải cách.
Thông qua việc nghiên cứu mô hình này, tôi muốn làm rõ bản chất
chuyển đổi từng bước/phần/tiệm tiến của Trung Quốc.
Thông qua nghiên cứu mô hình, tôi cũng muốn tìm hiểu về việc cách
thức nào giúp Trung Quốc có thể chuyển đổi từng bước/phần/tiệm tiến như
vậy.
Đóng góp của luận văn – ở mức độ nhất định – làm rõ thêm về bản chất,
cách thức, mô hình, chi phí – kết quả của quá trình chuyển đổi ở mức độ khái
quát hóa về mặt lí thuyết.
Ngoài ra, khác với các nghiên cứu khác mang đậm tính thuần túy lí
thuyết của kinh tế học chuyển đổi, luận văn hướng đến việc nghiên cứu
trường hợp, thông qua nghiên cứu trường hợp để làm rõ cách thức, thông qua
đó đạt đến mục tiêu cuối cùng là làm rõ bản chất của mô hình chuyển đổi tại
một quốc gia cụ thể.
7. Kết cấu của luận văn
Luận văn được tổ chức và triển khai theo 3 phần.
Chương 1: Lý thuyết chung về chuyển đổi kinh tế và thực tiễn chuyển
đổi tại các nước xã hội chủ nghĩa thuộc hệ thống cổ điển
Chương 2: Chuyển đổi kinh tế theo mô hình thí điểm cải cách ở Trung

Quốc (kể từ năm 1978)
Chương 3: Đặc trưng thí điểm cải cách của Trung Quốc thông qua
nghiên cứu về các đặc khu kinh tế

21


CHƯƠNG 1. LÝ THUYẾT CHUNG VỀ CHUYỂN ĐỔI
KINH TẾ VÀ THỰC TIỄN CHUYỂN ĐỔI TẠI CÁC NƯỚC
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THUỘC HỆ THỐNG CỔ ĐIỂN
1.1. Lý thuyết chung về phương thức chuyển đổi kinh tế
1.1.1. Mục tiêu và giới hạn của chuyển đổi kinh tế
Định nghĩa “chuyển đổi”
Về mặt định nghĩa, chuyển đổi (transformation) được hiểu là một quá
trình chuyển biến từ thể chế kinh tế kế hoạch của các nước thuộc hệ thống xã
hội chủ nghĩa cổ điển sang thể chế kinh tế thị trường [24]. Tuy nhiên, định
nghĩa một cách nghiêm mật hơn, “chuyển đổi” là một dạng thay đổi thể chế
(institution change) nảy sinh trong lòng một xã hội cụ thể với mục đích là
thay đổi các quy tắc, luật chơi (rule) cũ; với ba chức năng (i) khích lệ, (ii)
phân bổ lại nguồn lực và (iii) phân phối lại lợi ích, việc thay đổi luật chơi
trong quá trình chuyển đổi có thể dẫn đến sự thay đổi hiệu quả của ba chức
năng này, từ đó thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển của kinh tế trong dạng
thiết lập thể chế (institution arrangement) mới [57].
Cụm từ “chuyển đổi kinh tế” có thể gây nên những hiểu nhầm đối với
nhiều người – kể cả các nhà kinh tế. Sự hiểu lầm này cho rằng chuyển đổi chỉ
là các vấn đề về chính sách mang tính ngắn hạn với thời gian vài ba năm, nên
“chuyển đổi kinh tế” đôi khi bị lầm lẫn với các chính sách “ổn định kinh tế”.
Sự hiểu lầm thứ hai cho rằng “chuyển đổi” kinh tế sẽ đưa một nước xã hội
chủ nghĩa trở thành một quốc gia theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Trên
thực tế, không ai có thể xác định được thời gian tiến hành chuyển đổi cũng

như thể chế chính trị có thể xuất hiện sau khi chuyển đổi. Điều chắc chắn là là
chuyển đổi kinh tế đem đến những chuyển biến lón, và thay đổi về chất rõ nét
hơn so với một quá trình ổn định kinh tế vốn chỉ mang tính điều chỉnh cục bộ.
Mục tiêu và giới hạn của chuyển đổi kinh tế
22


Với những điều kiện chuyển đổi xác định cho trước, việc đưa một nền
kinh tế chuyển đổi thuận lợi từ một thể chế kinh tế này sang một thể chế kinh
tế khác thông thường bao gồm một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, chuyển đổi kinh tế có nhiệm vụ đưa vào giá so sánh có tính co
giãn đồng thời tạo lập một thị trường cạnh tranh mở cửa với thế giới để nhằm
sửa chữa những khuyết tật của nền kinh tế kế hoạch trước đây, từ đó cải thiện
hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực.
Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nhiệm vụ thiết yếu nhằm giúp cho
hệ thống giá cả vừa quay trở lại có thể vận hành một cách bình thường.
Thứ ba, cung cấp cơ chế khích lệ hiệu quả hơn và một hệ thống quản trị
công ty hữu hiệu cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiến hành cổ phần
hóa hoặc tư nhân hóa. Điều này nhằm mục đích giúp cho doanh nghiệp phản
ứng hữu hiệu hơn với thị trường.
Thứ tư, tạo lập lại hệ thống cơ quan chính phủ đáp ứng được yêu cầu của
kinh tế thị trường. Hai yêu cầu cơ bản của thị trường đối với sự tồn tại của
chính phủ là: (i) chính phủ phải đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản cá
nhân; (ii) chính phủ cung cấp hàng hóa công là nền chính trị và các thể chế
khác một cách ổn định.
Mặc dù các nhà kinh tế có sự thống nhất tương đối cao về các mục tiêu
cần ưu tiên nêu trên của quá trình chuyển đổi, nhưng quá trình này hẳn nhiên
cũng đối diện với những ràng buộc/hạn chế trong khi thực hiện.
Trước hết, ở tầng nấc chung và tầng nấc cá biệt, sự bất trắc
(uncertainty)/tính không thể biết trước của kết quả là một đặc trưng của quá

trình chuyển đổi kinh tế. Trong rất nhiều nghiên cứu chính sách về quá trình
chuyển đổi kinh tế, đều ẩn chứa tư duy về một mục tiêu đã được giới định rõ
rệt. Tuy nhiên, xét một cách khách quan, phải thừa nhận rằng các nền kinh tế
chuyển đổi không nhất thiết đều hướng đến việc trở thành một trong các mô
hình của chủ nghĩa tư bản hoặc thậm chí không hoàn toàn trở thành một nền
23


kinh tế thị trường. Tranh luận của các nhà kinh tế về vai trò của chính phủ
trong nền kinh tế thị trường đã chuyển biến một cách nhanh chóng và tự nhiên
thành tranh luận về vai trò của chính phủ trong chuyển đổi kinh tế. Quan
trọng hơn cả, cho dù quá trình chuyển đổi có một mục tiêu rõ ràng thì cũng
chưa có lý thuyết nào được thừa nhận rộng rãi có thể chỉ ra làm thế nào để đạt
được mục tiêu đó. Vì thế, kết quả của chuyển đổi là một sự bất định ngay cả
khi các quốc gia chuyển đổi đã tiến hành quá trình này được hơn cả chục
năm. Chẳng hạn, trong khi Ba Lan có thể tiến hành chuyển đổi tương đối
thuận lợi thì nhiều nước Đông – Trung Âu khác không những không phục hồi
được mà còn ngày càng lún sâu vào suy thoái. Với tư cách là kết quả của
chuyển đổi, mức thu nhập của Nga nhiều khả năng sẽ chịu sự tác động mang
tính lâu dài.
Tiếp theo, giới hạn thứ hai của quá trình chuyển đổi có liên quan mật
thiết đến tính bổ sung và tác động qua lại của các chương trình cải cách khác.
Việc chỉ tập trung vào một chương trình cải cách chuyên biệt nào đó có thể
làm chúng ta nhìn sai về toàn cảnh của chuyển đổi. Chẳng hạn, giữa các
chương trình tư nhân hóa và tự do hóa giá cả có tồn tại quan hệ bổ trợ lẫn
nhau rất rõ ràng. Sự kích thích của các khoản lợi nhuận do thị trường bị bóp
méo tạo ra đã dẫn đến việc phân bổ tài nguyên không hợp lí, nếu doanh
nghiệp không đối mặt với cơ chế khích lệ là lấy tối đa hóa giá trị làm mục tiêu
phát triển của mình, thì việc chỉ tự do hóa giá cả vẫn không thể giúp cải thiện
hiệu quả phân bổ nguồn lực. Trong hoàn cảnh thực hiện hoặc chưa thực hiện

tự do hóa giá cả, việc ổn định kinh tế vĩ mô cũng cần lựa chọn nhiều cách
thức khác nhau. Hầu như tất cả các nhà kinh tế đều đồng tình với tính bổ
sung, bổ trợ cho nhau của các cải cách nhưng quan điểm của họ về hàm ý của
sự bổ trợ này không hẳn đều giống nhau. Có nhà kinh tế cho rằng, sự bổ trợ,
bổ sung này là chứng cứ rõ ràng nhất cho tính chuẩn xác của các phương án
chuyển đổi theo liệu pháp shock.
24


Cuối cùng, sự ràng buộc của thể chế chính trị, hoàn cảnh chính trị, môi
trường chính trị là sự hạn chế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc xem
xét một quá trình chuyển đổi kinh tế. Điều này là do kể cả khi tiến hành
chuyển đổi kinh tế cải thiện phúc lợi cho đa số người thì vẫn có những nhóm
người chịu thiệt hại về lợi ích. Đối với những nước Đông Âu, sự ràng buộc về
các điều kiện chính trị có thể tác động mạnh tới chuyển đổi kinh tế càng được
thể hiện rõ nét do tại đây đã diễn ra quá trình dân chủ hóa (chuyển đổi về
chính trị) trước khi chuyển đổi về kinh tế. Sự ràng buộc về chính trị rất quan
trọng kể cả là trước hay sau khi thuyết phục người dân ủng hộ một chương
trình cải cách nào đó.
1.1.2. Tốc độ và trình tự của chuyển đổi kinh tế
Các tranh luận về chuyển đổi kinh tế ở các quốc gia thường xoay quanh
hai quan điểm đối lập: một số nước chuyển đổi ngay lập tức (tiến hành
chuyển đổi shock/big-bang) trong khi đó một số nước chuyển đổi từng phần.
Tuy nhiên, cách gọi chuyển đổi shock hay từng bước mới chỉ phản ánh được
một phần của vấn đề chuyển đổi. Để hiểu cặn kẽ hơn về chuyển đổi kinh tế
cần xem xét đến các khái niệm về “tốc độ điều chỉnh/chuyển đổi” và “trình tự
cải cách/chuyển đổi”.
Tốc độ điều chỉnh. Tốc độ điều chỉnh có thể định nghĩa là khoảng thời
gian kể từ khi chuyển từ một tập hợp các biến số kinh tế vĩ mô ban đầu sang
một tập hợp các biến số kinh tế vĩ mô mục tiêu. Ví dụ, nếu trong thời kì 0

(không), tỉ lệ lạm phát ở mức X0 %, và phải mất số thời gian là t để đạt đến tỉ
lệ lạm phát mục tiêu là Xt, khi đó tốc độ điều chỉnh dùng để chỉ số thời gian
từ X0 đến Xt. Tuy nhiên, các mối liên hệ có thể phức tạp hơn, bao gồm các
mục tiêu sơ bộ về tăng trưởng, lạm phát và các tài khoản của khu vực đối
ngoại, cũng như các mục tiêu trung gian như mục tiêu về cân bằng ngân sách
hay tỉ lệ mở rộng tín dụng.

25


×