KHÁI QUÁT CHUNG VỀ VIỆC THU HÚT KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ
THEO LOẠI HÌNH DU LỊCH MICE
I. Khái quát chung về du lịch MICE và phát triển du lịch bền vững
1. Khái quát chung về du lịch MICE
1.1. Khái niệm
MICE là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du
lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác. MICE – viết tắt của Meeting
( hội họp); Icentive (khen thưởng); Convention/ conference (hội nghị, hội thảo) và
Events/Exhibition (triển lãm). Tên đầy đủ tiếng anh là Meeting Incentive Conference
Event [1]. Cụ thể:
Gặp gỡ, hội họp (Meeting): các cuộc họp nội bộ của công ty, trong ngành hoặc
các sự kiện lớn
Khen thưởng (Incentive): có tính chất như Meeting, nhưng những cuộc hội họp
lại do một công ty hay một tập thể nào đó tổ chức để khen thưởng nhân viên,
vừa hội họp vừa vui chơi.
Hội nghị/Hội thảo (Convention/ conferrence) còn là những diễn đàn quốc tế, mà
những đại biểu tham dự là đối tượng khách của ngành du lịch hoặc hội nghị
khen thưởng các khách hàng hay đại lý do các công ty tổ chức.
Triển lãm (Exhibition): các hội chợ hay triển lãm quốc tế, mà thành phần là
những nhóm doanh nghiệp (DN) hoặc từng doanh nghiệp riêng lẻ, cũng chính là
khách hàng tiềm năng của công ty du lịch.
Ngoài ra, MICE còn được xem như một loại hình du lịch công vụ của các doanh
nhân, các công ty, các tập đoàn hoặc các tổ chức trong và ngoài nước nhằm các mục
đích như tìm kiếm thị trường, nghiên cứu dự án đầu tư, ký kết hợp đồng dự án hay tham
dự các cuộc hội nghị, hội thảo, các cuộc triển lãm hàng hóa, hội chợ.
1.2. Đặc điểm của loại hình du lịch MICE
Du lịch MICE bao gồm các đặc điểm chính như sau:
Đối tượng chính của du lịch MICE chủ yếu là các tập đoàn hoặc các công ty trong và
ngoài nước, những nhà tổ chức chuyên nghiệp, hiệp hội trong nước, quốc tế, thuộc
chính phủ hoặc phi chính phủ. Cụ thể hơn, họ là những khách hàng thuộc giới thượng
lưu như doanh nhân, chính khách, những người có vị trí quan trọng trong lĩnh vực kinh
tế, chính trị, văn hóa, thể thao, nghệ thuật
Khách du lịch MICE là những khách sử dụng những dịch vụ cao cấp và yêu cầu của họ
mang tính đa dạng bao gồm yêu cầu cả lợi ích kinh tế của tổ chức lẫn lợi ích hưởng thụ
cá nhân.
Các đoàn khách MICE thường rất đông, từ vài trăm đến vài nghìn khách, với mức chi
tiêu cuả họ cao hơn rất nhiều so với khách tour bình thường. Do họ luôn đặt phòng tại
khách sạn 4-5 sao, sử dụng các dịch vụ cao cấp, các chương trình sau hội nghị được
thiết kế chuyên biệt theo yêu cầu. Vì vậy, cơ sở vật chất để đáp ứng những yêu cầu của
khách MICE phải đạt chất lượng cao.
Kinh doanh du lịch MICE khác với loại hình du lịch khác ở chỗ các chương trình MICE
thường có nội dung chân phương. Những điểm-tuyến tham quan của khách MICE là
những điểm du lịch phổ biến, những nơi có danh lam thắng cảnh đẹp hay gắn với các
trung tâm mua sắm.
Một đặc trưng nữa của du lịch MICE là không có tính vụ mùa rõ rệt. Việc tổ chức
chương trình MICE thường do người mua dịch vụ lên kế hoạch trước một thời gian dài,
do đó kinh doanh MICE là một biện pháp hữu hiệu để hạn chế tính mùa vụ trong hoạt
dộng kinh doanh du lịch nhằm tối ưu hóa việc khai thác các cơ sở vật chất sẵn có.
Chi tiêu của khách MICE không chỉ cao gấp 6 lần chi tiêu của các khách du lịch thông
thường mà còn được phân bố cả trong lẫn ngoài hội nghị- hoạt động cơ sở ban đầu của
chuyến đi. Một nghiên cứu cho thấy, một khách MICE chi 1 đồng khi họ tham dự một
sự kiện nào đó của MICE thường sẽ chi đến 15 đồng cho các hoạt động bên ngoài khác.
Đó là mức chi tiêu ở các nước phát triển, còn tại các nước đang phát triển thì mức chi
tiêu có thể lên tới 25 đồng cho các hoạt động bên ngoài [20]. Do đó, loại hình này
không chỉ đòi hỏi các dịch vụ cao cấp từ ăn uống, lưu trú, vận chuyển cho đến các dịch
vụ kèm theo như hướng dẫn viên, nhân viên đón tiếp tại các cửa khẩu; mà còn yêu cầu
có sự liên kết bên ngoài với các loại hình và du lịch khác.
1.3. Các nhân tố ảnh hưởng tới du lịch MICE
1.3.1. Nhân tố tự nhiên
Đây là một nhân tố quan trọng và ảnh hưởng nhiều tới tiềm năng phát triển du lịch
MICE. Bởi lẽ, khách du lịch MICE không chỉ đòi hỏi có được môi trường phù hợp với
những mục đích chính trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo mà còn mong muốn có
không gian thăm quan, giải trí thư giãn thực sự đảm bảo. Đó là các yếu tố về môi
trường cảnh quan, khí hậu đường xá, các công trình xây dựng tiện nghi…Việc quản lí,
tổ chức và xây dựng một môi trường vừa tự nhiên, giữ được ững vẻ đẹp hoang sơ mà
vẫn có những nét hiện đại năng động là hết sức cần thiết. Vấn đề này hiện vẫn đang chờ
những giải pháp hiệu quả của những nhà hoạch định.
Đánh giá về tiềm năng phát triển MICE, các chuyên gia WTO cho rằng, Việt Nam
có tiềm năng rất lớn và nếu phát triển MICE sẽ là đối thủ đáng ngại của Singapore
(trung tâm thu hút MICE lớn nhất Đông Nam Á hiện nay). Cảnh quan thiên nhiên ưu
đãi, nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên thuộc hàng kỳ quan thế giới, bãi biển đẹp, hệ
thống khách sạn, resort phát triển… Tuy nhiên theo WTO, để MICE phát triển Việt
Nam nên thành lập MICE Bureau (tổ chức xúc tiến MICE phát triển), xây dựng chiến
lược marketing, cải thiện ngay hạ tầng phục vụ khách MICE: visa, hệ thống khách sạn,
trong đó, việc xác định vị trí xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế rất quan
trọng: phải gần sân bay, khách sạn, thuận tiện đi lại, giao dịch.
1.3.2. Lịch sử
Các yếu tố lịch sử ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút khách du lịch, trong đó
một phần không nhỏ là đối tượng khách du lịch MICE. Đối với mỗi quốc gia, thành
phố, khu vực, các yếu tố lịch sử trong suốt quá trình phát triển đã mang những nét đặc
thù riêng về văn hóa, cảnh quan, các địa danh gắn với các sự kiện lịch sử, tính cách của
cộng đồng người sinh sống tại đó. Hơn nữa, với khách du lịch MICE, họ luôn chủ động
chọn lựa những địa điểm có những nét văn hóa lịch sử thú vị, phù hợp nhất để tin tưởng
thực hiện những chuyến thăm quan du lịch kết hợp với các sự kiện khác. Theo khảo sát,
lượng du khách MICE đổ về các nước ở khu vực châu Á, cụ thể như Đông Á hay Đông
Nam Á rất đông đảo. Đó là những nước có những đặc thù rất riêng, thú vị về lịch sử,
văn hóa cùng những địa danh khơi dậy trí tò mò du khách. Điển hình như khu đền Ăng
Co Vát ở Campuchia, các đền đài tráng lệ ở Thái Lan hay những khu di tích chiến tranh
mang đậm dấu ấn lịch sử của Việt Nam…Đây là những thế mạnh cần khai thác nhiều
đối với những quốc gia này, trong đó có Việt Nam.
1.3.3. Văn hóa- xã hội
Khi kết hợp du lịch đi cùng các chuyến công tác, hội thảo, hội nghị, các du khách
MICE luôn nhắm tới các quốc gia có những nét văn hóa phong phú, đặc sắc, phù hợp
với tính chất của chuyến công tác đó. Ngoài ra, việc tận dụng các không gian văn hóa,
xã hội mới lạ cũng luôn được chú ý. Hiện nay, Việt Nam được xem la một nước có tiềm
năng phát triển du lịch MICE bởi xã hội Việt Nam mang những nét văn hóa đặc trưng
pha trộn giữa cổ điển và hiện đại, truyền thống và và sôi động. Nước ta đang trên đà
phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội nên việc xây dựng một nền văn hóa đa phong
cách, đa tính chất là rất quan trọng. Đó là việc luôn giữ gìn nét truyền thống, đồng thời
không ngừng tiếp thu những nét văn hóa mới mẻ hiện đại của thế giới. Đây là yếu tố
ảnh hưởng nhiều tới mục tiêu của khách du lịch MICE.
1.3.4. Kinh tế - chính trị
Yếu tố kinh tế - chính trị ảnh hưởng rất lớn tới việc xây dựng hình ảnh về một môi
trường du lịch MICE hiệu quả. Yếu tố này bao gồm nên tảng kinh tế phát triển mạnh
mẽ, chất lượng cơ sở hạ tầng tốt, đời sống người dân được duy trì ổn định, anh ninh tốt,
không có những rối loạn trong đời sống xã hội. Khi hai vấn đề trên song hành phát
triển, gắn chặt với nhau sẽ tạo nên một môi trường an sinh xã hội rất tốt, tạo điều kiện
thuận lợi để thu hút khách du lịch, đặc biệt với khách du lịch MICE. Theo các nhà
hoạch định, Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính
trị, dần xây dựng một xã hội vững mạnh hơn. Chính điều đó đã tạo nên sự tin tưởng,
sức hấp dẫn đối với những đối tượng khách du lịch mong muốn có một môi trường an
toàn để thực hiện các chuyến nghỉ dưỡng, tham quan hay hội họp…Đây là yếu tố đòi
hỏi những chính sách phát triển chiến lược quan trọng của Chính phủ.
2. Khái quát chung về phát triển du lịch bền vững
2.1. Phát triển bền vững:
Phát triển bền vững ( Sustainable development) là thuật ngữ mới xuất hiện lần đầu
vào năm 1987 trong báo cáo của ủy ban Môi trường và phát triển thế giới (World
Committee of environment and Development, WCED), tựa đề “Tương lai của chúng
ta”, theo đó ủy ban Liên hợp quốc tế về Môi trường và Phát triển (UNCED): “phát triển
bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện taị, nhưng không gây trở ngại cho việc
đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”. Quan điểm này chủ yếu nhấn mạnh đến khía
cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo môi trường sống cho
con người trong quá trình phát triển kinh tế. Cũng từ đó, phát triển bền vững nổi lên
như một mô hình mới cho chính sách toàn cầu, khu vực, quốc gia và từng địa phương.
Trên cơ sở đó, Hội nghị thế giới về phát triển bền vững tổ chức tại Johnhannesbug
(Cộng hòa Nam Phi) năm 2002 đã thống nhất khái niệm “phát triển bền vững” như là
quá trình phát triển có sự hài hòa giữa các mặt phát triển: tăng trưởng kinh tế, công
bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
2.2. Phát triển du lịch bền vững
2.2.1. Khái niệm
Phát triển du lịch bền vững là phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ với nhau
vì cả hai đều thống nhất với nhau về mục đích của sự phát triển, đều liên quan tới yếu
tố môi trường. Trong du lịch, môi trường mang một hàm nghĩa rộng lớn. Đó là môi
trường tự nhiên, kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội; là yếu tố rất quan trọng để tạo nên
các sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo. Rõ ràng, nếu không có bảo vệ môi trường thì
sự phát triển sẽ suy giảm; nhưng nếu không có sự phát triển thì việc bảo vệ môi trường
sẽ thất bại. Chính vì vậy, chúng ta phải phát triển du lịch nhưng không làm tổn hại tới
tài nguyên, không làm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Nói cách khác, du lịch bền
vững phải là xu thế phát triển của ngành du lịch.
Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa thống nhất về quan niệm “phát triển du lịch bền
vững”. Tuy nhiên vẫn có một số những định nghĩa như sau được chấp nhận rộng rãi:
Trước hết, phải kể đến định nghĩa của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) trong
Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro, 1992, theo
đó: “Phát triển du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng
nhu cầu hiện tại của du khách và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc
bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong
tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa
mãn nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được
sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ
thống hỗ trợ cho cuộc sống con người”.
Ngoài ra, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) 1996, có định nghĩa:
“Du lịch bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch
mà vẫn đảm bảo những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai”.
Đây là một định nghĩa ngắn gọn dựa trên định nghĩa về “phát triển bền vững” của
UNCED, đảm bảo được tính khái quát của việc phát triển bền vững trong hoạt động du
lịch.
Trong khuôn khổ khóa luận này, khái niệm “phát triển du lịch bền vững” sẽ được
hiểu theo nội hàm định nghĩa của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC),
1996.