MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA FDI VÀ XUẤT
NHẬP KHẨU
I. Đầu tư trực tiếp nước ngoài
1. Khái niệm và đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài
1.1. Khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài
Khái niệm đầu tư quốc tế:
Đầu tư quốc tế là một hình thức của quan hệ kinh tế quốc tế trong đó nhà đầu tư
di chuyển các phương tiện đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh thu lợi
hoặc đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội khác.
Về bản chất, đầu tư quốc tế là hình thức xuất khẩu tư bản, một hình thức cao hơn
của xuất khẩu hàng hóa. Đây là hai hình thức xuất khẩu luôn bổ sung và hỗ trợ nhau
trong chiến lược thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường của các công ty, tập đoàn nước
ngoài hiện nay. Trong nhiều trường hợp việc buôn bán hàng hóa ở nước sở tại là đi tìm
kiếm thị trường, tìm hiểu luật lệ để đi đến quyết định đầu tư. Ngược lại, việc thành lập
các doanh nghiệp đầu tư ở nước nhận đầu tư là điều kiện để xuất khẩu máy móc, vật tư,
nguyên vật liệu và khai thác tài nguyên của nước này. Cùng với hoạt động thương mại
quốc tế, hoạt động đầu tư quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, hợp thành những dòng
chính trong trào lưu có tính qui luật trong liên kết hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay.
Khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign direct investment - FDI):
FDI là hình thức đầu tư rất phổ biến của đầu tư quốc tế, vì vậy có rất nhiều cách
định nghĩa FDI của các tổ chức khác nhau:
Theo định nghĩa của IMF (International Monetary Fund) trong Balance of
payments manual, Fifth edition, 1993: đầu tư trực tiếp nước ngoài là loại hình đầu tư
quốc tế mà nhà đầu tư nước này đặt lợi ích dài hạn trong các công việc đầu tư và kinh
doanh ở doanh nghiệp tại một nước khác. Mục tiêu của nhà đầu tư là giành được một
mức độ ảnh hưởng hiệu quả trong quản lý.
Theo định nghĩa của OECD trong The Detailed Benchmark Definition of
Foreign Investment, Third edition, 1996: đầu tư trực tiếp nước ngoài thể hiện mục tiêu
đạt được lợi ích dài hạn của một nhà đầu tư vào một nền kinh tế. Lợi ích dài hạn nghĩa
là sẽ tồn tại một mối quan hệ lâu dài giữa nhà đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp; và nhà
đầu tư sẽ có một mức độ ảnh hưởng đáng kể trong quản lý doanh nghiệp.
Về cơ bản, hai khái niệm này đều nhấn mạnh mối quan tâm dài hạn và quyền
quản lý của nhà đầu tư đi kèm với một số lượng cổ phần nhất định. OECD đưa ra quan
điểm rộng hơn IMF về quyền quản lý còn IMF đưa ra quan niệm nhà đầu tư phải sở
hữu ít nhất là 10% tổng vốn đầu tư để có quyền quản lý và được xem là đầu tư trực tiếp
nước ngoài. OECD không khuyến khích các nước áp dụng ngưỡng góp vốn tối thiểu
này, vì ở một số nước, trong một số trường hợp, tỷ lệ này không phản ánh đúng mức độ
ảnh hưởng của nhà đầu tư. Đôi khi việc nhà đầu tư sở hữu 10% cổ phiếu thường hoặc
quyền bỏ phiếu cũng không mang lại cho họ quyền quản lý đáng kể với doanh nghiệp;
trong khi với một số trường hợp khác, nhà đầu tư có thể sở hữu dưới 10% vốn đầu tư
nhưng vẫn có quyền quyết định hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài (như trong
trường hợp là thành viên sáng lập).
Các nhà kinh tế quốc tế định nghĩa: đầu tư trực tiếp nước ngoài là người sở hữu
tại nước này mua hoặc kiểm soát một thực thể kinh tế của nước khác. Đó là một khoản
tiền mà nhà đầu tư trả cho một thực thể kinh tế của nước ngoài để có ảnh hưởng quyết
định đối với thực thể kinh tế ấy hoặc tăng thêm quyền kiểm soát trong thực thể kinh tế
ấy.
Theo cách hiểu của Luật đầu tư của Việt Nam thì FDI – Đầu tư trực tiếp nước
ngoài là việc tổ chức, các nhân nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kì
tài sản nào được chính phủ Việt Nam chấp nhận để hợp tác kinh doanh thu lợi nhuận
trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ những khái niệm trên có thể hiểu một cách khái quát về đầu tư trực tiếp nước
ngoài như sau: “đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tại một quốc gia là việc nhà đầu tư ở
một nước khác đưa vốn bằng tiền hoặc bất kì tài sản nào vào quốc gia đó để có được
quyền sở hữu và quản lý hoặc quyền kiểm soát một thực thể kinh tế tại quốc gia đó, với
mục tiên tối đa hoá lợi ích của mình”. Tài sản trong khái niệm này, theo thông lệ quốc
tế, có thể là tài sản hữu hình (máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ, bát động sản, các
loại hợp đòng và giáy phép có giá trị …), tài sản vô hình (quyền sở hữu tí tuệ, bí quyết
và kinh nghiệm quản lý…) hoặc tài sản tài chính (cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, giấy ghi
nợ…). Như vậy FDI bao giờ cũng là một dạng quan hệ kinh tế có yếu tố nước ngoài.
1.2. Đặc điểm của FDI
i) Các chủ đẩu tư nước ngoài phải đóng góp một số vốn tối thiểu tùy theo quy
định của luật đầu tư từng nước. Tùy thuộc vào tình hình kinh tế, mục tiêu thu hút vốn
và nhu cầu quản lý, các nước quy định các tỷ lệ góp vốn tối thiểu khác nhau. IMF đưa
ra một ngưỡng góp vốn tối thiểu là 10% tổng vốn đầu tư.
ii) Quyền điều hành doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ góp vốn của chủ đầu tư
trong vốn pháp định. Mức độ góp vốn càng cao thì mức độ ảnh hưởng của nhà đầu tư
càng lớn. Nếu góp 100% vốn pháp định thì nhà đầu tư toàn quyền quyết định hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp. Việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình điều
hành quản lý doanh nghiệp giúp đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
iii) Lợi nhuận của các chủ đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào kết quả hoạt động
kinh doanh và được chia theo tỷ lệ góp vốn trên vốn pháp định sau khi đã nộp thuế cho
nước sở tại và trả cổ tức nếu có. Với FDI, các nhà đầu tư tự mình hạch toán lợi nhuận
và chịu trách nhiệm về việc kinh doanh của mình do đó không để lại gánh nặng nợ nần
cho nền kinh tế.
iv) FDI thường đi kèm với chuyển giao công nghệ. Dù có hay không có chủ ý thì
trong quá trình chuyển vốn vào một nước nhà đầu tư cũng đem lại kèm theo dòng vốn
đó máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất…. Hơn nữa, để hoạt động có hiệu quả nhà
đầu tư cũng sẽ áp dụng những kinh nghiệm quản lý mới và tăng cường đào tạo nhân
lực. Chính vì đặc điểm này mà các nước, đặc biệt là các nước đang phát triến luôn chú
trọng thu hút FDI để nhanh chóng hiện đại hóa nền kinh tế.
2. Các nhân tố ảnh hưởng đến FDI
2.1. Các nhân tố liên quan đến nước chủ đầu tư
Các biện pháp liên quan trực tiếp đến đầu tư ra nước ngoài và một số biện pháp
khác có liên quan gián tiếp đến đầu tư ra nước ngoài các của các nước có ảnh hưởng rất
lớn đến việc định hướng và đến lượng vốn của nước đó chảy ra nước ngoài. Các nước
có thể có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ cho các chủ đầu tư nước mình tiến hành
đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và trong những trường hợp cần thiết, cũng có thể áp dụng
các biện pháp để hạn chế, hoặc cấm đầu tư ra nước ngoài.
Các biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bao gồm: Tham gia
ký kết các hiệp định song phương và đa phương về đầu tư hoặc có liên quan đến đầu tư;
chính phủ đứng ra bảo hiểm cho các hoạt động đầu tư ở nước ngoài; ưu đãi thuế và tài
chính; khuyến khích chuyển giao công nghệ; trợ giúp tiếp cận thị trường; cung cấp
thông tin và trợ giúp kỹ thuật.
Ngoài ra chính phủ nước nhận đầu tư cũng có thể đưa ra các biện pháp hạn chế
đầu tư như: Hạn chế chuyển vốn ra nước ngoài; hạn chế bằng thuế; hạn chế tiếp cận thị
trường; cấm đầu tư vào một số nước.
2.2. Các nhân tố liên quan đến nước nhận đầu tư
Khi lựa chọn địa điểm để đầu tư ở nước ngoài, chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc đến
các điều kiện sản xuất, kinh doanh ở địa điểm đó xem có thuận lợi hay không nghĩa là
cân nhắc đến các yếu tố có liên quan đến lợi thế địa điểm của nước nhận đầu tư. Các
nhân tố ảnh hưởng đến lợi thế địa điểm của các nước nhận đầu tư được chia thành ba
nhóm :
Thứ nhất là khung chính sách về FDI của nước nhận đầu tư, bao gồm các qui
định liên quan trực tiếp đến FDI và các qui định có ảnh hưởng gián tiếp đến FDI. Các
qui định của luật pháp và chính sách liên quan trực tiếp FDI bao gồm các qui định về
việc thành lập và hoạt động của các nhà đầu tư nước, các tiêu chuẩn đối xử đối với FDI
và cơ chế hoạt động của thị trường trong đó có sự tham gia của thành phần kinh tế có
vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, một số các qui định, chính sách trong một số
ngành, lĩnh vực khác cũng có ảnh hưởng đến quyết định của chủ đầu tư. Các qui định
này ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng và kết quả của hoạt động FDI. Các qui định
thông thoáng, có nhiều ưu đãi, không có hoặc ít có các rào cản, hạn chế hoạt động FDI
sẽ góp phần tăng cường thu hút FDI vào và tạo thuận lợi cho các dự án FDI trong quá
trình hoạt động. Ngược lại, sẽ khiến cho FDI không vào được hoặc các chủ đầu tư
không muốn đầu tư. Các qui định của luật pháp và chính sách sẽ được điều
chỉnh tùy theo định hướng, mục tiêu phát triển của từng quốc gia trong từng thời
kỳ.
Thứ hai là các yếu tố của môi trường kinh tế. Tùy động cơ của chủ đầu tư nước
ngoài mà có thể có các yếu tố sau của môi trường kinh tế ảnh hưởng đến dòng vốn FDI:
Các chủ đầu tư có động cơ tìm kiếm thị trường sẽ quan tâm đến các yếu tố như
dung lượng thị trường và thu nhập bình quân đầu người; tốc độ tăng trưởng của thị
trường; khả năng tiếp cận thị trường khu vực và thế giới; các sở thích đặc biệt của
người tiêu dùng ở nước nhận đầu tư và cơ cấu thị trường.
Các chủ đầu tư tìm kiếm nguồn nguyên liệu và tài sản sẽ quan tâm đến tài
nguyên thiên nhiên; lao động chưa qua đào tạo với giá rẻ; lao động có tay nghề; công
nghệ, phát minh, sáng chế và các tài sản do doanh nghiệp sáng tạo ra (thương hiệu, ...);
cơ sở hạ tầng phần cứng (cảng, đường bộ, hệ thống cung cấp năng lượng, mạng lưới
viễn thông).
Các chủ đầu tư tìm kiếm hiệu quả sẽ chú trọng đến chi phí mua sắm các nguồn
tài nguyên và tài sản được đề cập ở phần trên, có cân đối với năng suất lao động; các
chi phí đầu vào khác như chi phí vận chuyển và thông tin liên lạc đi/ đến hoặc trong
nước nhận đầu tư; chi phí mua bán thành phẩm; tham gia các hiệp định hội nhập khu
vực tạo thuận lợi cho việc thành lập mạng lưới các doanh nghiệp toàn khu vực.
Thứ ba là các yếu tố tạo thuận lợi trong kinh doanh, bao gồm chính sách xúc
tiến đầu tư; các biện pháp ưu đãi, khuyến khích đầu tư; giảm các tiêu cực phí bằng cách
giải quyết nạn tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả hoạt động
của bộ máy quản lý Nhà nước; nâng cao chất lượng các dịch vụ tiện ích xã hội để đảm
bảo chất lượng cuộc sống cho các chủ đầu tư nước ngoài (các trường song ngữ, chất
lượng cuộc sống, ...); các dịch vụ hậu đầu tư. Từ lâu các nước nhận đầu tư đã ý thức
được tầm quan trọng của các yếu tố này, vì vậy các nước thường tìm cách cải tiến các
yếu tố này nhằm tạo thuận lợi nhiều hơn cho các chủ đầu tư.
2.3. Các nhân tố của môi trường quốc tế
Đó là các yếu tố thuộc môi trường kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu có ổn định
hay không, có thuận lợi hay không thuận lợi cho nước chủ đầu tư và nước nhận đầu tư
cũng như cho chính chủ đầu tư khi tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Tình hình
cạnh tranh giữa các nước trong thu hút FDI ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy FDI. Để
nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút FDI các nước sẽ phải cải tiến môi trường
đầu tư, tạo thuận lợi và đưa ra những ưu đãi cho FDI. Nước nào xây dựng được môi
trường đầu tư có sức hấp dẫn cao hơn thì nước đó sẽ có khả năng thu hút được nhiều
FDI hơn. Cùng với môi trường đầu tư ngày càng được cải tiến và càng có độ mở cao,
dòng vốn FDI trên toàn thế giới sẽ dễ dàng lưu chuyển hơn và nhờ vậy lượng vốn FDI
toàn cầu có thể tăng nhanh.
II. Thương mại quốc tế
1. Khái niệm và đặc điểm của thương mại quốc tế
1.1. Khái niệm thương mại quốc tế
Luật Thương mại Việt Nam 2005 có nêu cách hiểu về hoạt động thương mại như
sau:
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán
hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục
đích sinh lợi khác, Điều 3 khoản 1, luật thương mại Việt Nam 2005.
Như vậy, khái niệm “thương mại” cần được hiểu là toàn bộ các hoạt động kinh
doanh trên thị trường. Nếu hoạt động trao đổi hàng hóa (kinh doanh hàng hóa) vượt ra
khỏi biên giới quốc gia mình thì người ta gọi đó là thương mại quốc tế (ngoại thương).
Thương mại quốc tế (ngoại thương) là một ngành kinh tế thực hiện chức năng
lưu thông hàng hóa giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Nói cách khác
thương mại quốc tế là sự trao đổi dưới hình thức mua bán hàng hóa và những dịch vụ
kèm theo như lắp ráp, bảo hành, bảo hiểm, thanh toán quốc tế, vận tải quốc tế của một
quốc gia này với một quốc gia khác hoặc một tổ chức quốc tế.
1.2. Đặc điểm của thương mại quốc tế
Xuất phát từ định nghĩa, thương mại quốc tế có những đặc điểm sau:
i) Chủ thể là những nhà xuất nhập khẩu mang quốc tịch khác nhau (hoặc có trụ
sở kinh doanh ở các nước khác nhau) vì ngoại thương thực hiện chức năng lưu thông
hàng hóa vượt ra khỏi biên giới một quốc gia.
ii) Đối tượng của hoạt động thương mại quốc tế là tài sản; do được đem ra mua
bán, tài sản này biến thành hàng hóa. Hàng hóa này có thể là hàng đặc định (specific
goods) và cũng có thể là hàng đồng loại (generic goods). Hàng hóa – đối tượng của hoạt
động thương mại quốc tế được di chuyển ra khỏi biên giới quốc gia.
iii) Đồng tiền thanh toán sử dụng trong các hoạt động thương mại quốc tế là
ngoại tệ đối với một trong hai hoặc tất cả bên tham gia.
iv) Thương mại theo giá cả và thanh toán mang tính quốc tế. Hàng hóa muốn
bán được trên thị trường quốc tế phải phù hợp với giá cả của hàng đồng loại của những
nhà cung cấp chính và phương thức thanh toán cũng phải phù hợp với yêu cầu của
khách hàng nước ngoài và tập quán quốc tế.
2. Các nhân tố tác động đến thương mại quốc tế
2.1. Toàn cầu hóa và khu vực hóa
Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra trên thế giới hiện nay là sự gia tăng các mối
quan hệ gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Toàn
cầu hóa là một xu hướng bao gồm nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã
hội, quân sự, môi trường sinh thái… Trong các mặt đó thì toàn cầu hóa kinh tế vừa là
trung tâm, vừa là cơ sở và cũng là động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác của xu thế toàn
cầu hóa. Toàn cầu hóa kinh tế là sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động kinh tế vượt
qua mọi biên giới quốc gia, khu vực, tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế
trong sự vận động phát triển hướng tới một nền kinh tế thế giới hội nhập và thống nhất.
Sự gia tăng của xu thế này được thể hiện ở sự mở rộng mức độ và quy mô thương mại
toàn cầu, sự lưu chuyển của các dòng vốn và lao động trên phạm vi toàn cầu. Toàn cầu
hóa kinh tế được thể hiện chủ yếu ở hai bình diện: mở rộng thị trường tiêu thụ và mở
rộng địa bàn sản xuất. Liên quan tới hai bình diện nói trên là các quá trình tự do hóa
hoạt động kinh tế mà ở đó nổi bật lên ba quá trình chính là tự do hóa thương mại, tự do
hóa tài chính và tự do hóa đầu tư.
Bên cạnh xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, ngày
nay xu hướng hình thành và phát triển các liên kết khu vực cũng ngày càng gia tăng.
Liên kết kinh tế khu vực là liên kết giữa hai hay nhiều nước trong phạm vi địa lý nhất
định, đảm bảo mối quan hệ giữ các thành viên trong khu vực và quan hệ với nền kinh tế
thế giới.
Tính ưu việt của các tổ chức kinh tế khu vực là: thực hiện chính sách ưu đãi
trong nội bộ các thành viên về đầu tư tài chính, phát triển kĩ thuật, trao đổi hàng hóa…
Tổ chức kinh tế khu vực còn thực hiện chế độ mậu dịch tự do giữa các nước hoặc giảm
thuế đối với các lĩnh vực sản xuất mũi nhọn, tạo điều kiện phát triển cho mọi thành viên
và sự vững mạnh của cộng đồng. Từ các mối liên minh liên kết khu vực sẽ tạo ra điều
kiện cho các nước hình thành các thị trường thương mại, đầu tư, các trung tâm công
nghiệp khu vực, từ đó sẽ làm hàng rào thuế quan và phi thuế quan bị triệt tiêu, hàng hóa
giữa các nước lưu chuyển không bị hạn chế.
Toàn cầu hóa, khu vực hóa có tác động to lớn tới tất cả các hoạt động thương
mại quốc tế, trong đó có những tác động mang tính tích cực như thúc đẩy quá trình tự
do hóa thương mại, thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa sản xuất. Bên cạnh đó cũng có
những tác động tiêu cực làm kìm hãm sự mở rộng của thương mại quốc tế mà cụ thể là
hàng rào bảo hộ mậu dịch của các khối khu vực mạnh sẽ làm thu hẹp phạm vi và khối
lượng của thương mại quốc tế.
2.2. Phân công lao động quốc tế
Trong thời gian qua, quá trình phân công lao động quốc tế diễn ra mạnh mẽ và
tác động tới thương mại quốc tế thể hiện qua các mặt sau:
Một là, xu hướng phân công lao động thế giới đang chuyển dịch từ phân công
theo chiều dọc sang phân công theo chiều ngang. Dưới hình thức phân công lao động
theo chiều ngang, các nước sẽ tham gia vào một công đoạn nào đó trong quá trình sản
xuất và sản xuất trên phạm vi toàn cầu tạo thành một mạng lưới trong đó mỗi quốc gia
là một mắt xích. Trước đây nếu như các nước đang phát triển chỉ là nơi cung cấp
nguyên vật liệu cho các nước phát trển thì trong hình thức phân công lao động mới, các
nước đang phát triển có thể tham gia vào một vài khâu trong quá trình sản xuất. Quá
trình này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các công ty xuyên quốc gia khi họ di chuyển phần
lớn các quá trình sản xuất đơn giản và lắp ráp sang nước đang phát triển để lợi dụng
nguồn nhân công rẻ của nước nhận đầu tư.
Hai là sự xuất hiện các ngành công nghiệp chế tạo tổng hợp có khả năng thay
thế một số loại nguyên liệu thiên nhiên. Do khan hiếm tài nguyên, giá nguyên liệu tăng
cao đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng cường nghiên cứu tìm ra nguyên liệu thay thế. Sự ra
đời của các nguyên liệu nhân tạo đã làm giảm đáng kể các chi phí sản xuất của các
doanh nghiệp và từ đó dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt về giá, làm thay đổi đáng kể bộ
mặt thương mại quốc tế.
Ba là sự xuất hiện các hình thức hợp tác khoa học và công nghệ đa dạng phong
phú. Các sự kiện liên kết kinh tế quốc tế và khu vực phát triển mạnh làm cho sự giao
lưu kinh tế ngày càng đan xen và ràng buộc lẫn nhau. Nổi bật trong xu thế này là hình
thức sáp nhập và mua lại, hình thức chủ yếu của đầu tư quốc tế.
Bốn là, sự xuất hiện của các các công ty xuyên quốc gia (TNC), một loại cơ cấu
tổ chức kinh doanh quốc tế dựa trên quá trình sản xuất qui mô lớn của nhiều thực thể
kinh doanh quốc tế và quá trình phân phối khai thác thị trường quốc tế nhằm đạt hiệu
quả tối ưu. Song hành với việc thúc đẩy tự do hóa đầu tư, sự phát triển mạnh mẽ của
TNCs còn tạo ra mạng lưới sản xuất toàn cầu, đẩy mạnh liên kết sản xuất và phân công
lao động quốc tế.