Những bài học từ TTCK quốc tế
TTCK Việt Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn, liên tục đặt các nhà đầu tư vào
tâm trạng nơm nớp lo sợ. Tuy nhiên, thay vì sợ hãi, tại sao chúng ta không thử lật
lại lịch sử chứng khoán thế giới, xem thử các nền kinh tế khác đã đối mặt với
những đợt khủng hoảng TTCK như thế nào?
Mỹ - khủng hoảng nợ dưới chuẩn và hiệu ứng domino
Kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn hồi mùa Thu năm ngoái, thị trường
bất động sản, thị trường tín dụng, và cả TTCK Mỹ vẫn đang phải đối mặt với
những vấn đề khó có thể kiểm soát.
Những bản báo cáo tài chính đáng thất vọng của các tập đoàn doanh nghiệp hàng
đầu, giá dầu leo thang trong khi chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống
mức thấp chưa từng thấy là những bằng chứng rõ ràng nhất về sự xuống dốc của
nền kinh tế Mỹ. Giới đầu tư hoang mang lo sợ, bán tháo cổ phiếu, khiến TTCK
càng trở nên ảm đạm. Tuy nhiên, vài phiên gần đây, đã bắt đầu có những tín hiệu
đáng mừng cho thấy sự tăng điểm trở lại của các sàn giao dịch, kết quả của một
chuỗi cố gắng từ Chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED):
- Bơm tiền vào thị trường: tính đến nay, FED đã 5 lần bơm tiền mặt vào hệ thống
các ngân hàng trong nước với tổng số 130 tỷ USD nhằm cung cấp đủ tiền mặt cho
các ngân hàng đang gặp khó khăn về vốn.
- Duy trì tình trạng đồng USD mất giá nhằm kích thích xuất khẩu, giảm nhập
khẩu, làm giảm thâm hụt cán cân thương mại Mỹ. Tuy giải pháp này kéo theo
nguy cơ lạm phát, nhưng theo nhận định của các chuyên gia Mỹ thì "lạm phát vẫn
không đáng sợ bằng sụp đổ thị trường tài chính".
- Hoàn trả thuế cho các hộ gia đình nhằm cải thiện đời sống người dân, tạo việc
làm và hồi phục kinh tế.
- Đồng loạt giảm lãi suất tại các ngân hàng thương mại nhằm kích cầu đối với
người dân và các doanh nghiệp, tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện tình trạng kinh doanh để giá cổ phiếu tăng lên.
Đồng thời, các nhân vật uy tín công bố hàng loạt thông tin và dự đoán tốt lành
nhằm trấn an tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư, tránh tình trạng bán tháo cổ
phiếu gây rối loạn TTCK.
Nhật Bản - vực dậy nền kinh tế sau khi bong bóng vỡ
Sau khi bong bóng kinh tế vỡ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, kinh tế Nhật Bản
chuyển sang thời kỳ trì trệ kéo dài. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân
hàng năm giai đoạn 1991 - 2000 chỉ là 0,5%, thấp hơn rất nhiều so với các thời kỳ
trước. Thị trường tài chính đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng ngay sau khi
bong bóng kinh tế và bong bóng giá tài sản vỡ. Nhằm vực dậy nền kinh tế, Chính
phủ Nhật Bản đã thực hiện một số chính sách sau:
- Cắt giảm chi tiêu và vay nợ của Chính phủ nhằm hạn chế tối đa gánh nặng ngân
sách. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng với mức đầu tư lớn được hoãn lại,
nguồn vốn tập trung hỗ trợ cho các thành phần kinh tế đang gặp khó khăn.
- Xoá nợ: Chính phủ chấp nhận xoá bỏ các khoản nợ xấu để lành mạnh hoá hệ
thống ngân hàng và các tập đoàn lớn.
- Trao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương để tăng cường sự linh hoạt.
- Bãi bỏ nhiều quy định về kinh doanh để khuyến khích các nhà đầu tư cũ quay trở
lại, đồng thời thu hút đầu tư mới. Các thủ tục thành lập doanh nghiệp cũng được
đơn giản hoá.
- Lên kế hoạch tư nhân hóa bưu điện Nhật (hệ thống bưu điện Nhật - bên cạnh
chức năng theo tên gọi, còn là một ngân hàng khổng lồ với tổng giá trị tài khoản
lên đến hơn 320.000 tỷ yên - tương đương 2.800 tỷ USD).
Hồng Kông - cuộc tấn công đầu cơ
Dựa vào điểm yếu là tỷ lệ lạm phát ở Hồng Kông cao hơn ở Mỹ, tháng 10/2007,
giới đầu cơ tấn công vào đồng đô la Hồng Kông (HKD), vốn được neo vào USD
với tỷ giá 7,8 HKD/USD, gây sụt giảm nghiêm trọng giá chứng khoán và đe dọa
thị trường tài chính. Các động thái của Hồng Kông nhằm cứu giá chứng khoán đã
gây sửng sốt cho giới đầu tư và đầu cơ chứng khoán trên toàn thế giới:
- Chi hơn 1 tỷ USD nhằm bảo vệ đồng HKD.
- Nâng lãi suất cho vay qua đêm từ 8%/năm lên 23%/năm, thậm chí vọt lên mức
500%/năm.
- Mua vào 120 tỷ HKD các loại chứng khoán, trong đó có các loại cổ phiếu thành
phần của chỉ số HangSeng nhằm làm giảm áp lực giảm giá cổ phiếu.
Những nỗ lực này đã giúp tỷ giá HKD so với USD được bảo toàn.
Thái Lan - tấn công đầu cơ và rút vốn đồng loạt
Năm 1997, khi thị trường bất động sản Thái Lan bị vỡ, một số định chế tài chính
phá sản và người dân không còn tin vào khả năng giữ tỷ giá hối đoái cố định của
Chính phủ, giới đầu cơ bắt đầu tấn công đồng Baht khiến các nhà đầu tư nước
ngoài đồng loạt rút vốn. Sau khi nhận hai gói cứu trợ trị giá 19,9 tỷ USD từ Quỹ
Tiền tệ quốc tế (IMF), Thái Lan đã tự vạch ra các chính sách nhằm tái xây dựng
lại nền kinh tế và thị trường tài chính:
Về lâu dài:
- Đẩy mạnh giáo dục và tiếp cận công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các
doanh nghiệp Thái Lan trong thời kỳ toàn cầu hoá.
- Hiện đại hoá các doanh nghiệp nhà nước, tăng mức độ tham dự của khu vực tư
nhân trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, nhằm cải thiện kết cấu hạ tầng, đặc
biệt là dịch vụ thông tin.
- Tăng cường sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô, thiết lập môi trường kinh
doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
- Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bộ phận
chủ chốt tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhằm hỗ trợ tăng trưởng cân
đối, ổn định và có chất lượng.
Các cải tổ thị trường tài chính:
- Để cho các ngân hàng kinh doanh thua lỗ phá sản.
- Mở rộng thị trường cho cổ phiếu ngân hàng.
- Củng cố những tổ chức tài chính chủ chốt nhằm xây dựng hệ thống tài chính mở
và cạnh tranh hơn.
- Đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu chính phủ và thành lập cơ quan quản lý
nợ chính phủ.
- Tăng cường giám sát các ngân hàng, CTCK và công ty bảo hiểm, siết chặt kỷ
luật thị trường.
Những "bài thuốc" này không mang tính đối phó nhất thời, đều đòi hỏi thời gian
để triển khai thực hiện cũng như phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, Thái Lan đã chứng
minh được các chính sách trên là hoàn toàn hợp lý bằng sự phát triển chậm mà
chắc của nền kinh tế cũng như thị trường tài chính trong những năm gần đây.