Giữ nhân sự bằng văn hóa
doanh nghiệp
Mặc dù doanh nghiệp (DN) nào cũng tâm niệm và rất cố gắng, song người
giỏi vẫn cứ lần lượt ra đi. Giữ chân nhân viên, một yếu tố quan trọng là
chính người chủ DN phải nỗ lực cải thiện môi trường làm việc. Đó là văn
hóa DN.
Văn hóa DN – mỗi nơi hiểu theo mỗi cách. Nhưng cách nào đi nữa, cũng
không ngoài mục đích cuối cùng là nhằm tạo ra một môi trường làm việc tốt
nhất, thuận lợi, tạo niềm tin cho nhân viên, để họ gắn bó với công ty. Dưới
đây là kinh nghiệm của một số DN trong việc giữ chân nhân viên của mình.
Đó cũng là những phương diện của văn hóa DN.
Quản lý kiểu gia đình: bất tiện chứ không phải thuận tiện!
Một chủ DN tâm sự nỗi niềm, bà rất xót xa nhưng vẫn phải buộc lòng bán đi
cơ sở là nhà hàng lớn ở đảo Phú Quốc. Lý do đơn giản nhưng thật rắc rối:
Tất cả mọi công việc của công ty gặp phải một cản ngại lớn tại nơi người chị
của bà. Người chị này từ quê lên, không có năng lực, chỉ giữ một công việc
bình thường. Nhưng việc gì của nhân viên công ty cũng can thiệp vào.
Luật sư Nguyễn Ngọc
Bích – Văn phòng luật sư Phương Thuần và Bích – gọi điều này là quản trị
theo sự thuận tiện. Đây là đặc điểm khá rõ của các DN vừa và nhỏ ở VN.
Giám đốc cũng là chủ DN nắm mọi việc kinh doanh, còn người nhà như chị
em gái, mẹ, vợ… nắm tiền bạc sổ sách. Trung tâm quyền lực nằm trong tay
gia đình, ý kiến của nhân viên bị gạt bỏ ra ngoài do người thân của giám đốc
không chấp nhận. Ông Bích cho biết, thậm chí có DN tương đối lớn, vợ của
giám đốc còn can thiệp cả vào việc Hội đồng quản trị!
Theo ông Trần Trọng Gia Vinh, thư ký tòa soạn báo Doanh nhân Sài Gòn,
văn hóa DN thực chất là việc hành xử, giải quyết các mối quan hệ trong các
quyết định kinh doanh và quản lý của công ty. Văn hóa giao quyền luôn cho
phép mọi người bộc lộ những ý kiến trái ngược nhau. Khi quyền lực tập
trung vào một nhóm nhỏ gia đình hay để người nhà can thiệp vào, sẽ giết
chết từ trong trứng nước mọi ý tưởng, kế hoạch kinh doanh.
Bà Nguyễn Lan Hương, GĐ Công ty TNHH Tư vấn Châu Á Mới nói rằng,
tình trạng nhân viên thiếu tự tin cũng phát sinh do điều này. Nhất cử nhất
động đều phải xin ý kiến lãnh đạo, khiến nhân viên bị tiêu diệt tính chủ
động, sự sáng tạo và không dám chia sẻ gánh vác trách nhiệm cùng công ty.
Và cái kết cục tất yếu là nhân viên phải đi tìm môi trường mà nơi đó, họ
được tôn trọng, được sử dụng.
Giữ lời hứa để giữ niềm tin
Khi nghe các chủ DN than phiền về sự thiếu trung thành của nhân viên, như
làm việc không tận tụy, có cơ hội là bỏ ra đi, bà Nguyễn Lan Hương khuyên
họ cũng nên… nhìn lại sự trung thành của mình! Tính trung thành và giữ
cam kết trong DN – đó là văn hóa, là đạo đức, không chỉ riêng nhân viên,
mà trước hết người đứng đầu DN phải gương mẫu thực hiện. Nhiều khi,
chính chủ DN lại không giữ cam kết của mình đưa ra. Điều tệ hại dẫn tới
trong trường hợp này là nhân viên không còn động cơ gắn bó, không dám
chia sẻ khó khăn, gánh vác trách nhiệm với DN. Khi bị mất lòng tin, họ sẽ đi
tìm niềm tin của họ.
“Giám đốc sẽ có vô vàn lý do để giải thích cho sự thất hứa của mình, nhưng
không thể nào níu kéo lại được niềm tin bị sút giảm” – bà Hương nói.
Giải pháp cho vấn đề này thật là đơn giản. “Người chủ phải thực hiện cho
được những điều mình đã hứa với nhân viên. Nhân viên sẽ khó lòng thông
cảm với bất cứ lời giải thích nào. Và các ông chủ cũng không nên lấy việc
giải thích và xin lỗi ra để chống đỡ” – ông Neville Dean, chuyên gia tư vấn
người Úc, kinh nghiệm.
Công khai, minh bạch và trung thực
Một số công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Unilever, Pepsi, các
DN trong lĩnh vực CNTT, ngân hàng, tài chính… đã thành công trong lĩnh
vực sử dụng nhân viên. Ông Trần Sĩ Chương, GĐ Công ty Tư vấn kinh tế và
quản trị USA, giải thích: Chủ yếu vì họ có quyết tâm trong việc thực hiện
một cơ chế công bằng. Và điều quan trọng là họ công khai rõ ràng kế hoạch
xây dựng, phát triển nhân viên.
Các DN nước ngoài đặc biệt luôn công khai thông tin đến nhân viên trong
công ty về các vấn đề cơ chế, về quy hoạch, chiến lược phát triển nhân lực…
Điều trong các công ty Việt Nam rất mù mờ về chính công ty của mình và
chính mình. Họ sẽ đi tìm nơi mà ở đó, họ thấy được tương lai của mình. Đó
là các công ty nước ngoài.
Ông Võ Quốc Thắng, Tổng giám đốc Công ty gạch Đồng Tâm, nói rằng
hiện nay DN cần phải thay đổi quan niệm về người lao động: Nếu nhìn
người lao động như tài sản thì sẽ giữ gìn, bảo vệ, đầu tư và phát triển, còn
nếu xem người lao động là chi phí thì sẽ trả lương thấp, cắt giảm chi phí.
Ông cảnh báo: “DN cần phải chỉ ra cho nhân viên một lộ trình tương lai.
Nếu không, thì họ sẽ ra đi, công đào tạo trở thành công bắt tép nuôi cò”.
Đất lành chim đậu. Ông bà dạy từ ngàn xưa, và sẽ đúng đến mãi ngàn sau.