NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN SẢN
XUẤT CHÈ
I . Tổng quan về cây chè
1. Vị trí cây chè trong nền kinh tế quốc dân
1.1 Chè là một thức uống lý tưởng và có nhiều giá trị về dược liệu, phòng và chữa
được nhiều loại bệnh:
Trung Quốc là nước đầu tiên chế biến chè để uống sau đó nhờ những đặc tính tốt
của nó, chè trở thành thức uống phổ biến trên thế giới. Ngày nay chè được phổ biến
rộng rãi hơn cả cà phê, rượu vang và ca-cao. Tác dụng chữa bệnh và các chất dinh
dưỡng của nước chè đã được các nhà khoa học xác định như sau:
Cafein và một số hợp chất ancaloit khác có trong chè là những chất có khả năng
kích thích hệ thần kinh trung ương, kích thích vỏ đại não làm cho tinh thần minh mẫn,
tăng cường sự hoạt động của các cơ trong cơ thể, nâng cao năng lực làm việc, giảm bớt
mệt mỏi sau những lúc làm việc căng thẳng.
Hỗn hợp tanin chè có khả năng giải khát, chữa một số bệnh đường ruột như tả,
lỵ, thương hàn. Nhiều thầy thuốc còn dùng nước chè, đặc biệt là chè xanh để chữa bệnh
sỏi thận, sỏi bàng quang và chảy máu dạ dày. Theo xác nhận của M.N. Zaprometop thì
hiện nay chưa tìm ra được chất nào lại có tác dụng làm vững chắc các mao mạch tốt
như catechin của cây chè. Dựa vào số liệu của Viện nghiên cứu y học Leningrat, khi
điều trị các bệnh cao huyết áp và neprit mạch thì hiệu quả thu được có triển vọng rất tốt,
nếu như người bệnh được dùng catechin chè theo liều lượng 150mg trong một ngày.
E.K. Mgaloblisvili và các cộng tác viên đã xác định ảnh hưởng tích cực của nước chè
xanh tới tình trạng chức năng của hệ thống tim mạch, sự cản các mao mạch, trao đổi
muối - nước, tình trạng của chức năng hô hấp ngoại vi, sự trao đổi vitamin C, trạng thái
chức năng của hệ thống điều tiết máu.v.v...
Chè còn chứa nhiều loại vitamin như vitamin A, B1, B2, B6, vitamin PP và
nhiều nhất là vitamin C.
Một giá trị đặc biệt của chè được phát hiện gần đây là tác dụng chống phóng xạ.
Điều này đã được các nhà khoa học Nhật Bản thông báo qua việc chứng minh chè có
tác dụng chống được chất Stronti (Sr) 90 là một đồng vị phóng xạ rất nguy hiểm. Qua
việc quan sát thống kê nhận thấy nhân dân ở một vùng ngoại thành Hirôsima có trồng
nhiều chè, thường xuyên uống nước chè, vì vậy rất ít bị nhiễm phóng xạ hơn các vùng
chung quanh không trồng chè. Các tiến sĩ Teidzi Ugai và Eisi Gaiasi (Nhật Bản) đã tiến
hành các thí nghiệm trên chuột bạch cho thấy với 2% dung dịch tanin chè cho uống sẽ
tách ra được từ cơ thể 90% chất đồng vị phóng xạ Sr - 90.
1.2 Chè là một cây công nghiệp lâu năm, có đời sống kinh tế lâu dài, mau cho sản
phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao.
Chè trồng một lần, có thể thu hoạch 30-40 năm hoặc lâu hơn nữa. Trong điều
kiện thuận lợi của ta cây sinh trưởng tốt thì cuối năm thứ nhất đã thu bói trên dưới một
tấn búp/ha. Các năm thứ hai thứ ba (trong thời kỳ kiến thiết cơ bản) cũng cho một sản
lượng đáng kể khoảng 2-3 tấn búp/ha. Từ năm thứ tư chè đã đưa vào kinh doanh sản
xuất.
Nếu như ở miền xuôi, cây lúa là cây chủ đạo thì ở miền núi cây chè là cây chủ
lực mang tính chất quyết định để phát triển kinh tế - xã hội, là cây xoá đói giảm nghèo
cho đồng bào ta ở miền ngược. Sống trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng
cây chè Việt lại có một sức sống mãnh liệt, thích nghi với môi trường, địa hình miền
núi. Ở nước ta, nhiều địa phương thuộc khu vực miền núi và trung du Bắc bộ, cao
nguyên được đánh giá là rất có thế mạnh cho phát triển cây chè. Đây cũng là cây trồng
đã được phát triển ở 34 tỉnh, với khoảng 6 triệu lao động tham gia. Năm 2008, số liệu
thống kê diện tích trồng chè của cả nước là 131 nghìn ha. Theo kế hoạch đến năm 2015
sẽ nâng diện tích này lên 150.000 ha. Nếu phát triển được những giống chè mới đạt
năng suất khoảng 12 tấn búp tươi/ha tương đương với 2,5 tấn khô/ha và giá xuất khẩu
đạt mức 3.000 USD/tấn thì cây chè hoàn toàn có thể trở thành cây xoá đói giảm nghèo.
1.3 Ở nước ta, chè là một trong những cây có giá trị xuất khẩu cao.
Căn cứ vào năng suất bình quân đã đạt được năm 1969 của khu vực nông trường
quốc doanh (42,39 tạ búp/ha), nếu chỉ đứng về mặt xuất khẩu mà xét thì một ha chè của
khu vực nông trường quốc doanh so với một số cây công nghiệp dài ngày của cùng khu
vực này bằng hơn 5 lần một ha cà phê, gần 10 lần một ha sả. Nếu năng suất chè đạt 100
tạ búp/ha thì xuất khẩu có thể thu được đủ để nhập 46 tạ phân hóa học, hoặc 3,1 tạ
bông, hoặc 25 - 30 tạ bột mì. Như vậy một ha chè có năng suất 100 tạ búp có giá trị
xuất khẩu ngang với 200 tấn than. Chè là sản phẩm có thị trường quốc tế ổn định, rộng
lớn và ngày càng được mở rộng. Năm 2009, sản lượng chè xuất khẩu của nước ta là
134.000 tấn, với mức giá bình quân 1336 USD/tấn.
1.4 Phát triển sản xuất chè giúp sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên và tạo công
ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Để sử dụng nguồn tài nguyên phong phú và nguồn lao động dồi dào, thay đổi cơ
cấu sản xuất nông nghiệp với điều kiện không tranh chấp với diện tích trồng cây lương
thực, chè là một trong những cây có ưu thế nhất.
Hiện nay nước ta mới sử dụng khoảng 50% đất nông nghiệp. Nguồn lao động
của nước ta dồi dào nhưng phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng,
chè là một loại cây yêu cầu một lượng lao động sống rất lớn. Do đó việc phát triển
mạnh cây chè ở vùng trung du và miền núi là một biện pháp có hiệu lực, vừa để sử
dụng hợp lý vừa để phân bố đồng đều nguồn lao động dồi dào trong phạm vi cả nước.
Việc phát triển mạnh cây chè ở vùng trung du và miền núi dẫn tới việc phân bổ các xí
nghiệp công nghiệp chế biến chè hiện đại ngay ở những vùng đó, do đó làm cho việc
phân bố công nghiệp được đồng đều và làm cho vùng trung du và miền núi mau chóng
đuổi kịp miền xuôi về kinh tế và văn hóa.
Cây chè còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, chống xói mòn
và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của cây chè
Cây chè chịu ảnh hưởng rất lớn do tác động của các điều kiện sinh thái trong quá
trình sống của nó. Nguyên sản của cây chè ở vùng khí hậu rừng á nhiệt đới. Tuy vậy
cây chè cho đến nay đã được phân bố khá rộng rãi, từ 30 vĩ tuyến nam đến 45 vĩ tuyến
bắc, là những nơi có điều kiện tự nhiên khác xa với nơi nguyên sản. Trong những điều
kiện như vậy, muốn cho cây chè sinh trưởng bình thường và có năng suất phẩm chất tốt
phải có trình độ khoa học cao trong canh tác. Những công trình nghiên cứu nhiều năm
của Liên Xô cho thấy: sự tạo thành và tích lũy các vật chất khác nhau trong cây, phần
lớn phụ thuộc vào điều kiện khí hậu và phân bố theo từng vùng. Tổng hợp các điều kiện
ngoại cảnh là yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến phẩm chất chè.
Vì vậy, xét đến điều kiện sinh thái của cây chè là đề cập đến những điều kiện
sống thích hợp nhất về các mặt. Nắm vững những yêu cầu cụ thể về sinh thái cũng như
khả năng thích ứng của cây chè với điều kiện tự nhiên, là một trong những cơ sở khoa
học để xác định những biện pháp kỹ thuật trồng trọt thích hợp.
Yêu cầu tổng hợp các điều kiện sinh thái thích hợp cho cây chè là: đất tốt, chua,
thoát nước, khí hậu ẩm và ấm. Dưới đây, ta xét một số điều kiện sinh thái chủ yếu:
2.1 Điều kiện đất đai và địa hình
So với một số cây trồng khác, chè yêu cầu về đất không nghiêm khắc lắm. Song
để cây chè sinh trưởng tốt, năng suất cao và ổn định thì đất trồng chè phải đạt những
yêu cầu sau: tốt, nhiều mùn, sâu, chua và thoát nước. Độ pH thích hợp cho chè phát
triển là 4,5 - 6,0. Đất trồng phải có độ sâu ít nhất là 80 cm, mực nước ngầm phải dưới 1
mét thì hệ rễ mới phát triển bình thường.
Đất trồng chè của ta ở các vùng Trung du phần lớn là feralit vàng đỏ được phát
triển trên đá granit, nai, phiến thạch sét và mica. ở vùng núi phần lớn là đất feralit vàng
đỏ được phát triển trên đá mẹ phiến thạch sét. Về cơ bản những loại đất này phù hợp
với yêu cầu sinh trưởng của chè như có độ pH từ 4 đến 5 có lớp đất sâu hơn 1 mét và
thoát nước. Những đất này thường nghèo chất hữu cơ nhất là ở các vùng trồng chè cũ..
Vì thế vấn đề bón phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho chè và cải tạo kết cấu vật lý
của đất là rất cần thiết. Bên cạnh đó, phải coi trọng việc bón đủ và hợp lý phân hóa học
hàng năm cho chè. Chè là loại cây kỵ vôi, nhiều tài liệu cho biết trong đất trồng chè chỉ
có một lượng vôi rất ít, khoảng 0,2% CaCO3 đã làm cây chè bị hại. Bởi thế không bao
giờ người ta dùng vôi để bón vào đất trồng chè, trừ trường hợp đất có độ pH quá thấp,
dưới 4.
Quan hệ giữa đất và phẩm chất chè rất phức tạp. Phẩm chất do nhiều yếu tố
quyết định và tác dụng một cách tổng hợp. Song trong những điều kiện nhất định thì
điều kiện dinh dưỡng của đất có ảnh hưởng rất lớn đến phẩm chất. Kinh nghiệm của
Trung Quốc cho thấy: chè sinh trưởng trên loại đất pha cát, nhiều mùn, thích hợp cho
việc chế biến chè xanh: mùi vị hương của chè thành phẩm đều tốt. Chè trồng trên đất
nặng màu vàng thì có vị đắng và nước có màu vàng. Chè trồng trên đất xấu hương
không thơm, vị nhạt và chất hòa tan ít.
Địa hình và địa thế có ảnh hưởng rất rõ đến sinh trưởng và chất lượng chè. Thực
tiễn ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cho thấy: chè không trồng trên núi cao có
hương thơm và mùi vị tốt hơn chè trồng ở vùng thấp và đồng bằng. Kinh nghiệm nhận
thấy chè được chế biến từ nguyên liệu ở núi cao Xrilanca có mùi thơm của hoa mà
hương vị đó không thể có được trong chè trồng ở khu vực thấp.Phần lớn các vùng trồng
chè có phẩm chất tốt của các nước trên thế giới thường có độ cao cách mặt biển từ 500
đến 800 mét. Vùng chè ngon có tiếng ở Ấn Độ trồng ở độ cao cách mặt biển 2.000 mét.
Nghiên cứu của Viện nông học Hồ Nam (1957) cho thấy ảnh hưởng của độ cao so với
mặt biển tới hàm lượng tanin trong búp chè như sau:
Bảng 1.1: Ảnh hưởng của độ cao tới hàm lượng tanin trong chè
Độ cao so với mặt
biển
(m) 3 75 113 130 150 260
Hàm lượng tanin % 23,28 23,28 24,96 25,20 25,66 26,06
(Nguồn: Nghiên cứu của viện Nông học Hồ Nam năm 1957)
Chất lượng chè ở vùng cao tốt nhưng về sinh trưởng thường kém hơn ở vùng
thấp. Hướng dốc có ảnh hưởng đến khả năng tích lũy vật chất trong chè. Dogonatze
(1969) nhận thấy rằng cường độ tích lũy tanin và vật chất hòa tan phụ thuộc nhiều vào
chế độ nhiệt. Ở hướng dốc phía nam hàm lượng tanin và chất hòa tan trong búp chè cao
hơn ở hướng dốc phía bắc. Ở độ vĩ càng cao phẩm chất và sản lượng chè càng có xu
hướng giảm thấp. Do độ nhiệt thấp, độ ẩm thấp và ngày dài đã ảnh hưởng không tốt
đến sinh trưởng và tích lũy vật chất trong cây chè.
2.2 Điều kiện độ ẩm và lượng mưa:
Thực vật nói chung muốn hình thành nên một phần vật chất hữu cơ để cấu tạo
thành cơ thể của chúng thì chúng phải cần tới 400 phần nước. Chè là loại cây ưa ẩm, là
cây thu hoạch búp, lá non, nên càng cần nhiều nước và vấn đề cung cấp nước cho quá
trình sinh trưởng của cây chè lại càng quan trọng hơn.
Yêu cầu tổng lượng nước mưa bình quân trong một năm đối với cây chè khoảng
1.500 mm và mưa phân bố đều trong các tháng. Bình quân lượng mưa của các tháng
trong thời kỳ chè sinh trưởng phải lớn hơn hoặc bằng 100 mm, nếu nhỏ hơn 100 mm
chè sinh trưởng không tốt. Chè yêu cầu độ ẩm không khí cao, trong suốt thời kỳ sinh
trưởng độ ẩm không khí thích hợp là vào khoảng 85%.
Lượng mưa và phân bố lượng mưa của một nơi có quan hệ trực tiếp tới thời gian
sinh trưởng và mùa thu hoạch chè dài hay ngắn, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến sản
lượng cao hay thấp. Vùng chè Doomđome ở Bắc Ấn Độ lượng mưa phân bố nhiều vào
tháng 5 tới tháng 8 cho nên sản lượng chè thu hoạch được trong năm cũng tập trung vào
thời kỳ đó. Ở ta phân bố sản lượng chè trong năm cũng có quan hệ rõ rệt với tình hình
phân bố lượng mưa trong các tháng.
Bảng 1.2: Quan hệ giữa lượng mưa và sự phân bố sản lượng búp chè
Tháng 1-2 3-4 5 6 7 8 9 10 11-12
Sản lượng chè
trong năm (%)
0,39 7,2 - 5,34 10,35 14,74 16,66 13,22 16,50 10,60 4,06
Lượng mưa
tháng (mm)
50 50 - 100
> 100
vụ thu hoạch chè chủ yếu
50
(Nguồn: Tài liệu của trại Thí nghiệm chè Phú Hộ)
Tổng lượng mưa bình quân hàng năm ở các vùng trồng chè của nước ta tương
đối thỏa mãn cho nhu cầu về nước của cây chè. (Phú Thọ: 1.747 mm, Hà Giang: 2.156
mm, Plâyku: 2.072 mm, Buôn Mê Thuột: 1.954 mm, Bảo Lộc: 2.084 mm).
Nhưng ở các vùng chè lượng mưa trong năm lại thường tập trung từ tháng 5 đến
tháng 10, cây chè gặp hạn từ tháng 11 đến tháng 3. Thời gian này hạn kết hợp với độ
nhiệt không khí thấp là những điều kiện bất thuận cho sự sinh trưởng của cây. Vì vậy,
bên cạnh biện pháp chống xói mòn cho chè vào mùa mưa còn cần chú ý đến việc chống
hạn giữ ẩm cho chè vào mùa khô. Nghiên cứu về yêu cầu của cây chè đối với độ ẩm,
Urusatze, Khamzaep xác định rằng độ ẩm đất thích hợp cho cây chè phát triển là 80 -
85% sức chứa ẩm tối đa đồng ruộng và độ ẩm không khí thích hợp là 75 - 80% hoặc
trên 80%. Thiếu nước, độ ẩm không khí và độ ẩm của đất không đủ thì sức sinh trưởng
của búp sẽ yếu, lá trở nên dày và cứng, hình thành nhiều búp mù, phẩm chất kém.
Nước có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phẩm chất chè. Khi cung cấp đủ
nước, cây chè sinh trưởng tốt, lá to mềm, búp non và phẩm chất có xu hướng tăng lên.
Những thí nghiệm về tưới nước cho chè ở Liên Xô cho thấy, tùy điều kiện đất đai khí
hậu khác nhau mà hiệu quả tăng sản của biện pháp tưới nước cũng khác nhau.Vùng chè
Gruzia tưới nước làm tăng sản bình quân 25 - 30%, vùng chè Kraxnoda 60 - 65%, vùng
chè Lencôran thuộc Azecbaizan trên 200%. Hiệu quả tăng sản của việc tưới nước cũng
rất rõ rệt ở một số nước trồng chè khác như: Trung Quốc (vùng Chiết Giang và Vân
Nam) tưới nước làm tăng sản 6,1%. Ấn Độ (vùng Atxam) 60% và ở Tây Phi 217 -
293%.
Tưới nước là một biện pháp tăng sản lượng và phẩm chất rất quan trọng đối với
chè. Ngoài biện pháp tưới nước, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng trọt tổng hợp
khác như cày đất, làm đất, xới đào, làm cỏ, mật độ và phương thức trồng hợp lý, phủ
đất, tủ gốc, chọn giống chịu hạn v.v... để giải quyết tốt nhu cầu nước trong quá trình
sinh trưởng phát triển của cây chè nhằm đạt sản lượng cao, phẩm chất tốt. Kết quả thí
nghiệm của trường trung cấp Sông Lô tại Nông trường Tân Trào và Tháng Mười cho
thấy tủ gốc làm cho độ ẩm của lớp đất mặt (0 - 20 cm) và ở các lớp đất dưới nhiều hơn
5 - 6% và 3 - 4% so với đối chứng (không tủ gốc), năng suất búp chè tăng từ 15,6 đến
19,6%.
2.3 Điều kiện nhiệt độ không khí
Để sinh trưởng phát triển tốt, cây chè yêu cầu một phạm vi độ nhiệt nhất định.
Theo nghiên cứu của Kvaraxkhêlia (1950) và Trang Vãn Phương (1956) thì cây chè bắt
đầu sinh trưởng khi độ nhiệt trên 10oC. Độ nhiệt bình quân hàng năm để cây chè sinh
trưởng phát triển bình thường là 12,5oC và sinh trưởng tốt trong phạm vi 15 - 23oC.
Giới hạn độ nhiệt thấp đối với sinh trưởng của chè biểu hiện rõ rệt qua thời kỳ ngừng
sinh trưởng trong mùa đông và sinh trưởng trở lại khi có độ nhiệt ấm áp của mùa xuân
trong những vùng khí hậu á nhiệt đới. Đối với sinh trưởng của cây trong thời kỳ này thì
độ nhiệt không khí trở thành nhân tố sinh thái chủ yếu. Cây chè yêu cầu lượng tích
nhiệt hàng năm 3.500 - 4.000oC. Độ nhiệt tối thấp tuyệt đối mà cây có thể chịu đựng
được thay đổi tùy theo giống, có thể từ -5oC đến -25oC hoặc thấp hơn.
Nghiên cứu của Trường Đại học Nông nghiệp Chiết Giang cho thấy độ nhiệt
thích hợp đối với cây chè là 20 - 30oC, nếu độ nhiệt tăng dần, thì tác dụng xúc tiến việc
hình thành và tích lũy tanin trong lá chè biểu hiện rất rõ rệt. Độ nhiệt quá thấp hoặc quá
cao đều giảm thấp việc tích lũy tanin. Độ nhiệt cao quá 35oC thì quá trình tích lũy tanin
bị ức chế và nếu độ nhiệt trên 35oC kéo dài liên tục, chè sẽ bị cháy lá. Ngược lại khi độ
nhiệt giảm thấp sẽ dẫn đến một loạt biến đổi về cơ năng sinh lý thành phần hóa học của
búp chè, ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng của cây và phẩm chất búp. Độ nhiệt thấp
và khô hạn là nguyên nhân hình thành nhiều búp mù.
Độ nhiệt là một trong những nhân tố chủ yếu chi phối sự sinh trưởng của búp và
quyết định thời gian thu hoạch búp trong chu kỳ một năm. Từ 16 độ vĩ nam đến 19 độ
vĩ bắc, không có hai mùa nóng lạnh rõ rệt, cây chè sinh trưởng quanh năm do đó búp
cũng được thu hoạch quanh năm. Từ 20 độ vĩ bắc đến 45 độ vĩ bắc, độ nhiệt mùa đông
xuống thấp, sinh trưởng và thu hoạch chè đã có mùa rõ rệt. Trong những vùng này nơi
nào độ nhiệt bình quân mùa đông càng thấp càng kéo dài thì thời gian sinh trưởng và
thu hoạch búp chè ở đó càng ngắn.
Bảng 1.3 : Ảnh hưởng của độ nhiệt đến thời gian thu hoạch búp
Vùng
Độ cao so với
mặt biển (m)
Vĩ tuyến
bắc
Nhiệt độ trung bình (oC)
Thời gian thu
hoạch búp
(tháng)
Tháng 1 Tháng 6