Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Về sự gắn kết giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (980.48 KB, 9 trang )

HNUE JOURNAL OF SCIENCE
Educational Sciences, 2020, Volume 65, Issue 4C, pp. 3-11
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1075.2020-0021

VỀ SỰ GẮN KẾT GIỮA TRƯỜNG SƯ PHẠM VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG
TRONG PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP CHO GIÁO VIÊN TRẺ

Trương Thị Bích
Trung tâm Nghiên cứu Giáo viên, Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, sự gắn kết chặt chẽ giữa trường sư phạm
và trường phổ thông là một trong những yếu tố quan trọng, không những có ý nghĩa trong
quyết định chất lượng sản phẩm nhà giáo được đào tạo mà còn có ý nghĩa trong quá trình
phát triển nghề nghiệp của bản thân giáo viên trong thời gian họ hành nghề giáo dục tại
trường phổ thông. Điều này đặc biệt có ý nghĩa hơn đối với đội ngũ giáo viên trẻ, những
người mới từ môi trường đào tạo với tư cách là người học chuyển sang môi trường giáo dục
với tư cách người dạy với rất nhiều những khó khăn hiện hữu.
Bài viết đã định danh một cách khái quát thế nào là giáo viên trẻ; những khó khăn họ đang
phải trải qua trong trường phổ thông cũng như những nhu cầu cấp thiết họ cần được sự hỗ
trợ từ trường sư phạm. Bài viết cũng đề cập đến những biện pháp để gắn kết giữa trường sư
phạm với trường phổ thông trong việc phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên trẻ đáp
ứng những yêu cầu của đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Giáo viên trẻ, phát triển nghề nghiệp, trường sư phạm, trường phổ thông, sự gắn kết.

1. Mở đầu
Đứng trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới
căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, coi phát triển đội
ngũ nhà giáo là khâu then chốt, các trường đại học sư phạm cần đặt nhiệm vụ đào tạo và định
hướng phát triển nghề nghiệp cho giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trẻ như là nhiệm vụ
quan trọng và được xây dựng trong lộ trình chiến lược phát triển của nhà trường. Theo đó, các


cơ sở đào tạo giáo viên cần gắn kết chặt chẽ với trường phổ thông trong việc triển khai nhiệm
vụ đào tạo và bồi dưỡng này bởi nhà trường phổ thông chính là cơ sở giáo dục sử dụng sản
phẩm đào tạo của trường sư phạm, là địa chỉ khẳng định những ưu điểm, những bất cập của
trường sư phạm qua chất lượng của đội ngũ giáo viên được đào tạo từ trường. Nhận thức được ý
nghĩa quan trọng của thực tiễn này, không ít các nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu và đã có
những công trình nghiên cứu thực sự có giá trị trong việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên
cũng như hỗ trợ giáo viên nhất là giáo viên trẻ trong quá trình phát triển nghề nghiệp của họ ở
trường phổ thông.
Công trình nghiên cứu của Thomas (2003) cho rằng trường phổ thông là nơi “tiêu thụ sản
phẩm” của trường sư phạm. Điều đó cho thấy quan hệ giữa trường phổ thông và trường sư phạm
là mối quan hệ cung - cầu [1]. Trong giai đoạn đào tạo ban đầu tại trường sư phạm để chuẩn bị
cho sinh viên có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu cơ bản trong hoạt động nghề ở trường phổ
thông, mối quan hệ giữa trường sư phạm và trường phổ thông được thiết lập bởi các hoạt động
Ngày nhận bài: 1/2/2020. Ngày sửa bài: 17/3/2020. Ngày nhận đăng: 2/4/2020.
Tác giả liên hệ: Trương Thị Bích. Địa chỉ e-mail:

3


Trương Thị Bích

tổ chức cho giáo sinh thực hành, kiến tập và thực tập sư phạm [2-3]. Việc học tập trong giai
đoạn tập sự của giáo viên mới vào nghề được xem là giai đoạn chuyển tiếp từ học ở trường sư
phạm với giai đoạn hành nghề như một giáo viên chính thức. Ở giai đoạn này giáo viên trẻ vẫn
đang trong giai đoạn học “làm nghề giáo viên”. Học tập lúc này diễn ra đồng thời ở hai hình
thức chính: (i) học qua kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ thực tế của người giáo viên ở nhà
trường dưới sự hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm; (ii) học qua các lớp bồi dưỡng, tập
huấn định kì của địa phương hoặc của tổ chức có trách nhiệm với việc phát triển nghề nghiệp
cho giáo viên trẻ mới vào nghề [4-5]. Tham gia bồi dưỡng cho giáo viên trẻ ở các lớp học này
có thể là các giảng viên các trường sư phạm, các chuyên gia bên ngoài nhà trường, các chuyên

viên giáo dục (từ các cấp quản lí hay các trung tâm giáo dục – đào tạo).
Để đưa ra các biện pháp hỗ trợ nghề nghiệp cho giáo viên trẻ, nhiều công trình đã nghiên
cứu về thực trạng đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, về khả năng đáp ứng yêu cầu thực
tiễn giáo dục phổ thông của sinh viên năm cuối và giáo viên trẻ cũng như những đề xuất biện
pháp bồi dưỡng giáo viên trẻ ở môi trường giáo dục phổ thông [6-7]; đúc rút ra được những
kinh nghiệm quốc tế về đào tạo giáo viên cũng như hỗ trợ giáo viên mới tốt nghiệp ở các nước
có nền giáo dục phát triển [8-9]. Đây thực sự là những bài học có giá trị đối với công cuộc đổi
mới giáo dục của đất nước trong thời kì hội nhập quốc tế sâu rộng. Ngoài ra một số nghiên cứu
bước đầu đã đề xuất những biện pháp hỗ trợ cho giáo viên trẻ trong những năm đầu tác nghiệp
tại trường phổ thông [10-11]. Một số công trình còn nghiên cứu thực trạng nhu cầu của sinh
viên trong thời gian thực tập sư phạm ở trường phổ thông cũng như sự “vênh”, “lệch” giữa cơ
sở đào tạo giáo viên và trường phổ thông trong trong đào tạo giáo viên [12-13], từ đó rút ra
những nội dung cần phải đào tạo cho sinh viên để ngay sau khi tốt nghiệp họ có thể tự tin đứng
lớp. Nhìn chung, đã có không ít các công trình nghiên cứu về những khó khăn của đội ngũ giáo
viên trẻ trong những năm đầu hành nghề dạy học ở trường phổ thông; những bất cập của sinh
viên trong thời gian thực tập sư phạm, từ đó đã đề xuất những biện pháp ban đầu trong đào tạo
và bồi dưỡng giáo viên. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu về mối quan hệ chặt chẽ, về sự
sự gắn kết giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong đào tạo và phát triển nghề nghiệp
cho giáo viên trẻ cũng như việc trường sư phạm cần và luôn phải chủ động trong việc bảo hành,
bảo trì chất lượng đào tạo giáo viên thì chưa nhiều. Trên thực tế rất cần tiếp tục có những nghiên
cứu sâu hơn về vấn đề này để đảm bảo đạt được những mục tiêu giáo dục, nhất là trong tiến
trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa được triển khai từ năm học 2020 - 2021.

2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Giáo viên trẻ và vấn đề phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ
Giáo viên trẻ là những người vừa mới bước vào nghề, vào thế giới công việc trong môi
trường sư phạm. Đây là bước chuyển đổi phức tạp, có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời của
họ, nhất là trong một hai năm đầu. Đó là việc thay đổi các mối quan hệ xã hội; từ quan hệ bạn
bè, thầy cô trong trường sư phạm đơn giản sang các mối quan hệ với nhiều đối tượng khác nhau,
học sinh, đồng nghiệp, cha mẹ học sinh,… có tính tế nhị, phức tạp hơn. Đó là sự thay đổi vị trí,

vai trò, chuyển từ là người học sang người dạy, từ việc chỉ chịu trách nhiệm với việc học của
mình sang người chịu trách nhiệm về việc học của nhiều học sinh, từ chỗ hoạt động chủ yếu là
mang tính lí thuyết sang hoạt động thực hành, thực tiễn đa dạng… Trở thành giáo viên, các em
phải chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động sư phạm tại nơi làm việc, trách nhiệm với chất
lượng giáo dục học sinh. Tất cả những điều này gây nên những khó khăn không nhỏ cho giáo
viên trẻ khi mới bước vào hoạt động nghề nghiệp [Dẫn theo 14].
Tại sao phải phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ? Đây là câu hỏi được nhiều quốc gia
quan tâm tìm kiếm và đã đưa ra các giải pháp thực hiện. Còn ở Việt Nam, các nghiên cứu gần đây
đã cho thấy: Giáo viên trẻ bên cạnh những ưu điểm nổi bật là khả năng đáp ứng tốt kiến thức
4


Về sự gắn kết giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ

chuyên môn, cập nhật được những vấn đề đổi mới của giáo dục phổ thông Việt Nam và trên thế
giới, tư cách đạo đức tốt, tác phong mẫu mực, chững chạc, nhiệt tình và say mê với công việc, có
năng lực tự học, tự bồi dưỡng nhân cách và nâng cao năng lực chuyên môn [1-2], [7].
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận những khó khăn, hạn chế của giáo viên trẻ ở
trường phổ thông [6, 7, 15]. Đó là giáo viên trẻ còn gặp khó khăn trong giải quyết các tình
huống sư phạm; trong tìm hiểu đối tượng giáo dục; trong quản lí, giáo dục học sinh; trong công
tác chủ nhiệm lớp; trong cách trình bày bài giảng; trong giao tiếp với học sinh; trong sử dụng
các phương tiện dạy học; trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; trong xây dựng
và quản lí hồ sơ giáo án; trong kĩ năng tìm hiểu đặc điểm tâm lí và phân loại học sinh; trong kĩ
năng tổ chức giờ sinh hoạt lớp, kĩ năng tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, kĩ năng giáo
dục học sinh cá biệt, kĩ năng tư vấn, kĩ năng dạy học tích hợp, dạy học phân hóa, kĩ năng xây
dựng và quản lí hồ sơ dạy học, giáo dục. Trong đó, những kĩ năng đạt mức độ thấp nhất là kĩ
năng giáo dục học sinh cá biệt, kĩ năng tư vấn, tham vấn, kĩ năng dạy học phân hóa và tích hợp.
Từ những khó khăn, hạn chế trên, các nghiên cứu cũng xác định nhu cầu được rèn luyện kỹ
năng nghiệp vụ sư phạm của giáo viên trẻ như: Kĩ năng giải quyết tình huống sư phạm; Kĩ năng
hiểu biết về nhà trường phổ thông và công việc cụ thể của một người giáo viên; Kĩ năng làm

công tác chủ nhiệm; Kĩ năng tìm hiểu đối tượng học sinh; Kĩ năng thuyết trình trước đám đông;
Kĩ năng sử dụng phương pháp dạy học hiện đại; Kĩ năng giao tiếp với phụ huynh học sinh; Kĩ
năng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh [7].
Có thể nhận thấy, trong những năm đầu tác nghiệp, giáo viên trẻ đã ý thức được nguyên
nhân của những thiếu hụt đó và đặt ra kế hoạch cần phải lấp đầy, bổ sung những kiến thức cũng
như kĩ năng sư phạm cần thiết so với yêu cầu thực tế nghề nghiệp của mình. Thực tế này đã đặt
ra cho trường sư phạm cũng như trường phổ thông phải đưa ra những biện pháp cụ thể, thiết
thực trong rèn luyện và phát triển nghề dạy học cho giáo viên trẻ; trong đó vai trò của nhà
trường phổ thông là bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp cho giáo viên còn vai trò của nhà trường
sư phạm là để “bảo dưỡng” sản phẩm đào tạo của mình.

2.2. Mối quan hệ gắn kết giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong đào tạo
và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ
2.2.1. Xây dựng cơ sở pháp lí giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong việc tổ chức
cho sinh viên thực tập sư phạm và bồi dưỡng cho giáo viên trẻ
Sự gắn kết giữa trường sư phạm và trường phổ thông đã trở thành một vấn đề được đặc biệt
quan tâm của các nhà nghiên cứu, chính sách và quản lí giáo dục trong thời đại toàn cầu hoá.
Vấn đề này được xem như một điểm nóng để giải quyết cho cải cách giáo dục và đào tạo giáo
viên trong việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trong việc phát triển nghề
nghiệp cho giáo viên trẻ, mối quan hệ giữa trường sư phạm và trường phổ thông phải diễn ra
mối quan hệ chuyên môn trên một hay một số phương diện như: (1) Trong đào tạo và phát triển
cho giáo viên, trong đó phổ biến nhất là việc đưa sinh viên về trường phổ thông thực tập sư
phạm để họ có được năng lực nghiệp vụ sư phạm tốt nhất giúp cho những năm đầu khi dạy ở
phổ thông không bị bỡ ngỡ và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; (2) Trong vấn đề tạo mối liên
kết trách nhiệm của việc nghiên cứu cải tiến thực tiễn giáo dục và đào tạo; (3) Trong quản lí,
đảm bảo chất lượng của giáo dục và đào tạo giáo viên trẻ. Sự tham gia trách nhiệm của mỗi
thành viên, bao gồm cả trường sư phạm, trường phổ thông và cơ quan quản lí giáo dục các cấp,
là điều kiện để bảo đảm cho chất lượng và hiệu quả của sự gắn kết này và cho kết quả hoạt động
từng thành viên.
Sự gắn kết giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong việc tổ chức cho sinh viên thực

tập sư phạm và bồi dưỡng cho giáo viên trẻ lấy cải tiến thực tiễn lớp học và nhà trường phổ
thông làm động lực, phản ánh mối quan hệ quản lí chất lượng bên trong. Vậy sự gắn kết này đầu
5


Trương Thị Bích

tiên cần được hỗ trợ bằng quản lí của ngành Giáo dục. Bộ GD&ĐT phải có các văn bản quy
định trách nhiệm, hướng dẫn cho các trường sư phạm và trường phổ thông trong việc tổ chức
thực tập cho sinh viên cũng như trong việc bồi dưỡng cho giáo viên trẻ. Cụ thể hoá của văn bản
này phải xác nhận rằng sự tham gia của giáo viên hướng dẫn vào trong thực tập sư phạm cần
được đánh giá và công nhận từ nhiều mức độ khác nhau như: (1) Ở cấp quốc gia tiêu chí này
phải đưa vào trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; (2) Ở
cấp Sở căn cứ vào tiêu chuẩn trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên phải tổ chức đánh giá, xếp loại
trường học, cán bộ quản lí, giáo viên trong việc hoàn thành nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ sinh
viên thực tập sư phạm, giáo viên trẻ; (3) Ở cấp thiết chế ghi nhận thành tích của giáo viên trẻ
qua hệ thống chứng chỉ, chứng nhận có liên quan đến lương, thưởng của họ.
2.2.2. Xây dựng mối quan hệ cộng tác giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong
phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ
Mối quan hệ cộng tác ở đây thể hiện cả vai trò, trách nhiệm, nội dung công việc của cả
trường sư phạm và trường phổ thông. Ở đây, khái niệm phát triển giáo viên trẻ được dùng để
nói đến sự nỗ lực học tập của giáo viên trẻ để hoàn thiện những kiến thức, nhất là kĩ năng còn
thiếu và yếu trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm; để nâng cao năng lực nghề nghiệp cho
bản thân, đáp ứng tốt hơn với những yêu cầu đang đặt ra trong các hoạt động giáo dục của nhà
trường, nhất là trong các lần đổi mới giáo dục. Phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ không
có nghĩa với việc họ đi học để có bằng cấp cao hơn chuẩn yêu cầu đặt ra đối với giáo viên dạy ở
một trình độ, cấp học nào đó. Điều cần nhấn mạnh là hệ quả tất yếu của phát triển nghề nghiệp
cho giáo viên trẻ chính là sự hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của mình; giúp cho học sinh học
tập tốt nhất dẫn đến chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ được nâng lên. Như vậy, khái niệm
phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ nhấn mạnh về mặt định tính hơn là về mặt định lượng

và nói đến hiệu quả thực tế của sự phát triển của giáo viên trẻ. Điều đó cho thấy, phát triển nghề
nghiệp cho giáo viên trẻ gắn với sự học tập không ngừng, liên tục của giáo viên, từ trong đào
tạo ban đầu tại trường sư phạm, đến học trong giai đoạn mới vào nghề (giai đoạn tập sự) và bồi
dưỡng thường xuyên trong quá trình đang làm việc tại trường, cho mục tiêu chất lượng của giáo
viên nói riêng và của giáo dục nói chung.
2.2.2.1. Các giai đoạn phát triển nghề nghiệp của giáo viên trẻ tại trường phổ thông
a) Trong giai đoạn đào tạo ban đầu, sinh viên được đưa xuống trường phổ thông để làm
quen với sinh hoạt ở nhà trường, quan sát các hoạt động của các thành viên của nhà trường như
học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh, cộng đồng, các nhân viên khác..; tìm hiểu và tập làm các
công việc của người giáo viên trong môi trường thực dưới sự hướng dẫn và quản lí của giáo
viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và cán bộ quản lí của trường phổ thông. Rất nhiều những
kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm dạy học và giáo dục, giáo sinh thu hoạch được từ trong hoạt
động ở trường phổ thông. Có thể nói, trường phổ thông là nơi giáo sinh học trong thực tiễn, về
thực tiễn và để thực hành những điều đã được học trong các bài học lí thuyết. Do vậy, trường
phổ thông được xem là nơi giúp giáo sinh học thông qua tiếp xúc với thực tiễn sinh động nhà
trường, bằng tìm tòi, trải nghiệm và thực hành những kĩ năng nghề trên nền lí luận đã được
trang bị, tức là gắn học lí thuyết với học từ thực tế. Do đó, cần hiểu đầy đủ hơn về vai trò của
trường phổ thông trong đào tạo giáo viên, tránh xem trường phổ thông chỉ là địa bàn thực hành,
thực địa của trường sư phạm. Chính vì thế, trường phổ thông tham gia đào tạo ban đầu như một
đối tác giúp giáo sinh có kĩ năng và kinh nghiệm hoạt động nghề trong hoàn cảnh thực tiễn.
b) Giai đoạn tiếp theo, giáo viên trẻ với công việc học tập trong giai đoạn tập sự của khi
mới vào nghề được xem là giai đoạn chuyển tiếp từ học ở trường sư phạm với giai đoạn hành
nghề như một giáo viên chính thức. Ở giai đoạn này giáo viên trẻ vẫn đang trong giai đoạn học
“làm nghề giáo viên”. Học tập lúc này diễn ra đồng thời ở hai hình thức chính: (1) Học qua kinh
nghiệm thực hiện các nhiệm vụ thực tế của người giáo viên ở nhà trường phổ thông dưới sự
6


Về sự gắn kết giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ


hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm; (2) Học qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn định kì do
trường sư phạm tổ chức và trường sư phạm có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên
phổ thông bù đắp những thiếu hụt, “lỗi nghề nghiệp”, “những khiếm khuyết” trong đào tạo cho
giáo viên trẻ; giúp cho giáo viên trẻ bổ sung thêm kiến thức, kĩ năng, từng bước tự hoàn thiện
mình để có thể đạt được yêu cầu của người giáo viên đứng lớp.
c) Trong giai đoạn bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp cho giáo viên tại trường phổ thông thì
giáo viên trẻ đóng vai trò như những giáo viên khác. Sự gắn kết giữa trường sư phạm và trường
phổ thông chủ yếu diễn ra ở các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn theo chuyên đề, bồi dưỡng
thường xuyên. Sự tham gia của giảng viên đại học trong phát triển nghề cho giáo viên chủ yếu
với tư cách chuyên gia về lĩnh vực, vấn đề cụ thể. Và vấn đề bồi dưỡng cho giáo viên là nhằm
phát triển năng lực của giáo viên nói chung, giáo viên trẻ nói riêng để đáp ứng với các yêu cầu
mới do sự thay đổi của xã hội, giáo dục, nhà trường mang lại. Đây là hình thức bồi dưỡng nâng
cao cho giáo viên không chỉ để cập nhật thông tin, nhiệm vụ mới mà còn là cung cấp những
kiến thức khoa học mới có liên quan và những kết quả nghiên cứu giáo dục mới.
2.2.2.2. Tại trường sư phạm: Đào tạo giáo viên luôn thích ứng với sự đổi mới của giáo dục
a) Phát triển chương trình đào tạo giáo viên theo hướng gắn kết với chương trình giáo dục phổ
thông, đào tạo ra giáo viên có đủ trình độ và năng lực vận hành hiệu quả chương trình phổ thông mới
Nhiệm vụ của trường sư phạm vô cùng quan trọng khi đặt viên gạch đầu tiên cho tri thức
nghề nghiệp dạy học ở sinh viên; trang bị cho các thế hệ giáo viên tương lai trở thành những
công dân có tầm nhìn hướng ra thế giới, có bản lĩnh và hoài bão, tâm huyết với nghề dạy học.
Chương trình đào tạo giáo viên cần gắn bó chặt chẽ với chương trình giáo dục ở trường phổ
thông. Một trong những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
là phát huy năng lực của người học, vận dụng có hiệu quả kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng công
cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy chương trình đào tạo giáo viên ở
trường sư phạm cần phải được hiệu chỉnh cho phù hợp nhằm cung cấp sản phầm đầu ra cho
ngành giáo dục - đào tạo những người thầy có đủ trình độ và năng lực vận hành hiệu quả
chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường sư phạm nói riêng, các cơ sở đào tạo giáo
viên nói chung cần xác định bốn định hướng cho chương trình giáo dục đào tạo giáo viên trong
bối cảnh thay đổi: Giáo dục tập trung phát triển năng lực; học tập tích hợp; mở cửa trường đại
học ra xã hội; đánh giá thúc đẩy quá trình học tập. Đào tạo giáo viên trong bối cảnh hội nhập

hiện nay là một trong những nhiệm vụ cấp bách và sống còn, quyết định tới chất lượng giáo
dục, tới công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Để có thể thực hiện được
những nhiệm vụ đó, các cơ sở đào tạo giáo viên khi phát triển chương trình giáo dục cần hướng
vào những phẩm chất, năng lực để đáp ứng yêu cầu của một nền giáo dục luôn thay đổi. Với hệ
thống những năng lực cơ bản, người giáo viên sẽ có đủ khả năng đào tạo những lớp học sinh
phổ thông Việt Nam trở thành những công dân của thế kỷ 21, sẵn sàng đi vào cuộc sống lao
động hoặc học cao hơn trong một thế giới không ngừng biến động. Đó sẽ là nơi cung cấp nguồn
nhân lực có năng lực cạnh tranh trong thời kì hội nhập và toàn cầu hóa, góp phần nâng cao vị trí
của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo như tinh thần trên, chương trình đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm cần thay
đổi, hiệu chỉnh theo hướng tăng cường tính thực hành; phát triển năng lực chuyên môn, năng
lực sư phạm, năng lực ứng phó với các tình huống phát sinh. Cần kết hợp mô hình đào tạo nối
tiếp và song song bởi mỗi loại mô hình đều có những ưu điểm và nhược diểm, đều có những bất
cập và vượt trội; kiểm soát chuẩn tốt nghiệp đầu ra; xây dựng chuẩn hệ thống kiểm định chất
lượng; tăng cường cho sinh viên nghiên cứu khoa học,…
b) Phát triển nghề nghiệp cho sinh viên tại môi trường thực địa
Việc phát triển nghề nghiệp cho sinh viên phải gắn bó chặt chẽ với môi trường giáo dục
phổ thông. Bốn năm học trong trường sư phạm, sinh viên được học rất nhiều kiến thức từ Tâm lí
7


Trương Thị Bích

học, Giáo dục học, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất, Logic học đến các môn học chuyên
ngành, các môn học về Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn. Tuy nhiên nội dung lí thuyết
đang nhiều mà nội dung thực hành đang thiếu. Vậy cần phải xây dựng chương trình đào tạo cân
đối, hợp lí giữa các môn học cơ bản với các môn học về rèn nghề, phát triển kĩ năng sư phạm.
Cần giảm tính lí thuyết, hàn lâm trong các môn học để tăng cường tính thực tiễn, phải bám sát
hơn nữa với chương trình dạy học ở trường phổ thông. Phần lớn sinh viên khi xuống trường
phổ thông thực tập mới nhận ra rằng các môn Tâm lí học, Giáo dục học được đào tạo ở trường

sư phạm chưa giúp họ được nhiều trong việc nắm bắt tâm lí học sinh, trong việc xử lí các tình
huống dạy học và giáo dục, trong công tác chủ nhiệm, trong việc tổ chức các hoạt động tập thể,
trong việc lập một kế hoạch công tác,…
Đa số sinh viên cho rằng khi về phổ thông học mới bắt đầu có những hình dung đầy đủ và
rõ nét về người giáo viên. Thời gian thực tập sư phạm 5 tuần mới đủ để các em “bắt chước” và
“làm theo” chứ chưa đủ tự tin để chủ động thực hiện một cách sáng tạo, linh hoạt các nhiệm vụ
dạy và học ở trường phổ thông. Sinh viên phải được hình dung sớm hơn chức năng, nhiệm vụ
của người giáo viên phổ thông trong thực tiễn để sớm có sự định hướng rèn luyện ngay từ khi
bước chân vào trường sư phạm. Và để đến khi ra trường, các em mới có thể nhanh chóng tác
nghiệp ngay từ những ngày đầu làm nghề dạy học. Vậy muốn phát triển nghề nghiệp cho sinh
viên tại môi trường thực địa phải:
* Tổ chức cho sinh viên về trường phổ thông ngay từ năm học thứ nhất
Dạy học là một nghề, vì vậy, quá trình học nghề không thể thoát li thực tế dạy học. Ngay từ
năm thứ nhất, nên bố trí cho sinh viên có từ 1 đến 2 tuần tiếp xúc với nhà trường phổ thông.
Mục đích là để sinh viên làm quen với giáo dục phổ thông với tư cách người giáo viên. Những
tuần đầu này, sinh viên chỉ nghe các báo cáo về giáo dục ở địa phương. Sinh viên sẽ từng bước
hiểu về vị trí, vai trò của người giáo viên trong công tác giảng dạy cũng như công tác chủ
nhiệm. Từ những quan sát ban đầu, sinh viên sẽ xác định cho mình những yêu cầu rèn luyện để
trở thành một giáo viên thực thụ. Sang năm thứ hai, vẫn tiếp tục cho sinh viên xuống trường phổ
thông nhưng nội dung thay đổi đó là họ dự giờ để nắm được yêu cầu và cách thức tiến hành một
bài dạy. Sinh viên tham gia làm công tác chủ nhiệm để nắm được các nội dung cần phải thực
hiện và cách thức thực hiện các nội dung đó. Tham gia tìm hiểu tâm lí đối tượng học sinh, tham
gia tìm các biện pháp để giáo dục học sinh nói chung và học sinh cá biệt nói riêng. Với các nội
dung này, sinh viên bước đầu đã rèn được một số phẩm chất, năng lực cần thiết của người giáo
viên: tự tin trước học sinh, ý thức được vị trí, vai trò của mình trong nhà trường, trong việc giúp
đỡ, giáo dục học sinh. Bước đầu nắm được yêu cầu, nội dung và cách thức thực hiện các thao
tác nghề nghiệp. Sang năm thứ ba, sinh viên xuống trường phổ thông để làm công tác chủ
nhiệm, dự giờ và chuẩn bị soạn bài để dạy thử một số tiết. Ở năm thứ ba này, SV đã cơ bản nắm
được các hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường PT, hình dung được những nhiệm vụ,
những công việc mà người giáo viên phổ thông phải đảm nhiệm. Và đến năm thứ tư, năm cuối

cùng, sinh viên xuống trường phổ thông để thực tập lần cuối. Thời gian này, sinh viên đã tích
luỹ cho mình bản lĩnh nghề nghiệp, các thao tác nghề nghiệp, các kĩ năng dạy học - giáo dục,…
từ các đợt xuống phổ thông trước đó. Vì vậy, chắc chắn kết quả lần xuống trường phổ thông này
sẽ đạt kết quả cao. Cách thức tổ chức cho sinh viên về trường phổ thông ngay từ năm đầu chắc
chắn góp phần đào tạo những giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có năng lực sư
phạm, có bản lĩnh nghề nghiệp, yêu nghề,… đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
* Mời giáo viên phổ thông giàu kinh nghiệm lên lớp, dạy mẫu cho sinh viên trong quá trình
rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên
Là những người trực tiếp gắn bó với giáo dục phổ thông, hơn ai hết, giáo viên phổ thông là
người truyền đạt tốt nhất kiến thức từ sách giáo khoa tới học sinh. Và chắc chắn cũng là người
xử lí tốt nhất các tình huống sư phạm xảy ra trong quá trình giáo dục. Trước khi đưa sinh viên
8


Về sự gắn kết giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ

xuống các trường phổ thông để thực tập sư phạm, trường sư phạm nên có kế hoạch mời giáo
viên phổ thông về nói chuyện, trao đổi với sinh viên về các hoạt động dạy học - giáo dục ở
trường phổ thông, về kinh nghiệm lên lớp, kinh nghiệm làm chủ nhiệm lớp,...
* Trường sư phạm cử giảng viên về trường phổ thông giám sát hoạt động thực hành của sinh viên
Là người trực tiếp xây dựng chương trình, tổ chức dạy học - dạy nghề cho giáo viên tương
lai, giảng viên sư phạm cần phải am hiểu môi trường phổ thông, nắm bắt chính xác và khách
quan những ưu điểm cũng như nhược điểm của sinh viên trong những lần cọ xát với thực tế môi
trường ấy để có hướng điều chỉnh, bổ sung trong kế hoạch dạy học và giáo dục của mình.
* Tổ chức các buổi hội thảo khoa học về đào tạo giáo viên có sự tham gia của giáo viên
phổ thông
Các buổi hội thảo khoa học là cơ hội rất tốt để trường sư phạm và trường phổ thông gắn kết
trên các phương diện: thực tế cập nhật khoa học sư phạm trong nước và trên thế giới; trình độ
chung của giáo viên phổ thông; những thuận lợi, những khó khăn của họ; điều kiện cơ sở vật
chất; trình độ, các khía cạnh tâm lí của học sinh phổ thông. Từ sự gắn kết này, trường sư phạm

có thể tiếp nhận để cải tiến, cải cách, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học;
đưa hoạt động học ở trường sư phạm gần với hoạt động dạy ở trường phổ thông.
2.2.3. Xây dựng mối quan hệ cộng tác giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong
việc tổ chức các nghiên cứu cải tạo thực tiễn
Việc tổ chức nghiên cứu cải tạo thực tiễn được trường sư phạm phối hợp, cộng tác với
trường phổ thông tổ chức thực hiện với nhiệm vụ nghiên cứu giáo dục rất đa dạng nhưng loại
hình nghiên cứu ứng dụng hướng đến cải tiến thực tiễn (gắn chủ yếu với việc áp dụng những lí
thuyết, lí luận vào thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục) có tính phổ biến và gắn thực
tế nhiều hơn trong nhiều vấn đề trong đó có mảng phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên trẻ.
Trước hết, trong các nghiên cứu nhằm vào cải tạo thực tiễn ở trường phổ thông, các thành
viên nghiên cứu của trường sư phạm và trường phổ thông cùng tham gia vào nghiên cứu, phát
hiện và giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong nhà trường ở cả khâu quản lí, tổ chức dạy
học, giáo dục của giáo viên trẻ. Với cách thức nghiên cứu đặt tại trường phổ thông và do các
thành viên của trường sư phạm và trường phổ thông thực hiện cùng với một số chuyên gia bên
ngoài sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt. Trước hết, kết quả từ nghiên cứu sẽ giúp trường phổ thông
hiểu được chính mình, nắm được các vấn đề đang tồn tại của giáo viên trẻ, đưa ra những giải
pháp thiết thực để phát triển năng lực nghề cho giáo viên trẻ; chính vì vậy những giải pháp đưa
ra sẽ sát thực và khả thi hơn.
Hơn nữa, khi giáo viên phổ thông đặc biệt là giáo viên trẻ tham gia vào nghiên cứu với tư
cách là những người hoạt động thực tiễn - nghiên cứu (không phải như một người hỗ trợ hay
người cung cấp thông tin), họ sẽ tham gia đóng góp với nhà trường như những chủ nhân thực
sự. Do đó, giáo viên trẻ trở nên mạnh dạn, tự tin và có năng lực hơn. Mặt khác, hợp tác cùng với
các chuyên gia nghiên cứu là giảng viên sư phạm, các thành viên ở trường phổ thông sẽ học tập
được những kĩ năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Do đó, giáo viên trẻ trở nên mạnh dạn, tự
tin và có năng lực hơn. Ở mức độ cao, trường phổ thông có thể tổ chức nghiên cứu để tìm giải
pháp cho một vấn đề riêng, các giảng viên hay cán bộ nghiên cứu của trường sư phạm có thể
được mời như chuyên gia bên ngoài cùng phối hợp. Ngược lại, từ phía trường sư phạm khi tham
gia hợp tác với trường phổ thông sẽ nắm rõ hơn về thực tiễn nhà trường và có được những thông
tin, kết quả nghiên cứu để làm phong phú cho vốn hiểu biết về trường phổ thông, từ đó đưa ra
những cải tiến, bổ sung cho nội dung đào tạo giáo viên trong trường sư phạm.


3. Kết luận
Trong sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, việc gắn kết chặt chẽ giữa trường sư
phạm với trường phổ thông là vô cùng cần thiết. Quá trình đào tạo không thể thoát li thực tế
9


Trương Thị Bích

trường phổ thông. Ngược lại, kết thúc một khoá đào tạo 4 năm không phải là đã kết thúc “sự
học” của một giáo viên. Việc tự học, tự bồi dưỡng để không ngừng nâng cao chất lượng giảng
dạy là công việc luôn song hành cùng người giáo viên trong suốt cuộc đời dạy học. Và địa chỉ
tin cậy của họ chính là trường sư phạm, nơi tập trung các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đầu
ngành, những người thầy tâm huyết và trách nhiệm với sự nghiệp đào tạo giáo viên nói riêng và
với công cuộc đổi mới giáo dục nói chung.
Trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nếu sự gắn kết này được thực hiện tốt,
chắc chắn sinh viên khi tốt nghiệp ra trường sẽ đích thực là “niềm kiêu hãnh” khi đem những
kiến thức mới nhất, tiên tiến nhất về trường phổ thông “hành nghề” dạy học. Và giáo viên phổ
thông chắc chắn cũng tự trau dồi, hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của mình để tiếp tục là
những tấm gương dạy tốt; đáp ứng các yêu cầu của xã hội hiện đại.
Để cung cấp cho xã hội những giáo viên có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu mới
của giáo dục phổ thông, cũng là cần thu thập thông tin về ưu điểm và hạn chế của sản phẩm đào
tạo giúp cho việc điều chỉnh chương trình đào tạo, nội dung, cách thức đào tạo,… trường sư
phạm cần có trách nhiệm với đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ trong việc tiếp tục cung
cấp cho họ những khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để cập nhật thông tin khoa học hiện
đại, để bù đắp những thiếu hụt, những khó khăn họ gặp phải trong những năm đầu làm nghề dạy
học. Việc này chỉ có thể thực hiện được bằng sự gắn kết giữa trường sư phạm với trường phổ
thông trên cơ sở khung pháp lí với những mối quan hệ cộng tác cụ thể. Với quy trình “bảo
hành”, “bảo trì” trong đào tạo giáo viên, cùng với việc xây dựng được chương trình đào tạo chất
lượng, nội dung, cách thức đào tạo hiệu quả và gắn kết với phổ thông sẽ đào tạo được những thế

hệ giáo viên giỏi về chuyên môn, bản lĩnh, năng động về nghiệp vụ sư phạm, hoàn thiện về nhân
cách, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng.
Lời cảm ơn: Bài báo là sản phẩm nghiên cứu đề tài cấp Trường: Nghiên cứu phát triển năng lực
dạy học cho giáo viên trẻ ở trường THPT đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. MS: SPHN1904VNCSP.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Thomas, E., 2003. Partnership and partnership change in teacher education. Xem trong:
Razdevšek-Pučko,C. (2006), Partnership in teacher education: are we speaking the same
laguage? 31st Annual ATEE (Association of Teacher Education in Europe) Conference.
www.pef.uni.lj.si
[2] Lampert, M., 2010. Learning teaching in, from, and for practice: what do we mean?
Journal of teacher education 2010;61;21. www.jte.sagepub.com
[3] ALTC (Australian Learning and Teaching Council), 2009. Practicum partnership:
exploring models of practicum organisation in teacher education for a standard-based
profession. Final report. VCDE, the University of Melbourne, RMIT university, Victorian
institute of teaching. www.altc.edu.au
[4] Nâng cao trình độ giáo viên ở Singapore: Gắn chặt với bồi dưỡng tại chỗ.
Http://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=208.
[5] Trải nghiệm hệ thống giáo dục ở Canada, />/nghiem-he-thong-giao-duc-o-canada-68745.
[6] Nguyễn Thị Kim Dung, 2011. Thực trạng đào tạo giáo viên – nhìn từ khả năng đáp ứng
yêu cầu thực tiễn giáo dục PT của sinh viên năm cuối và giáo viên trẻ. Tạp chí Giáo dục và
Xã hội, số 10 (68), tháng 10/2011, Tr. 13-15, ISSN 1859-3917.
10


Về sự gắn kết giữa trường sư phạm và trường phổ thông trong phát triển nghề nghiệp cho giáo viên trẻ

[7] Đào Thị Oanh, 2010. Nhu cầu của giáo viên trẻ đối với nội dung rèn luyện nghiệp vụ sư
phạm. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên
các trường đại học sư phạm. Đại học Sư phạm Hà Nội, tr. 81-88.
[8] Trương Thị Bích. Một số vấn đề về phát triển nghề nghiệp giáo viên ở Malaysia và

Singapore và bài học cho Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế, 2017, Tr. 179-192.
[9] Tào Thị Hồng Vân. Vai trò hỗ trợ giáo viên trẻ tại trường phổ thông ở các nước châu Âu.
Tạp chí Dạy và học ngày nay, số 2/2018, Tr. 70-74.
[10] Trương Thị Bích. Vai trò của trường đại học sư phạm trong phát triển nghề nghiệp cho
giáo viên trẻ. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Volume 63, issue 2A,
2018. Tr. 23-32.
[11] Trần Thị Yến. Giải pháp hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp của trường đại học sư phạm đối với
giáo viên trẻ ở trường phổ thông. Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Volume 63,
Issue 217, Tr. 188-197.
[12] Nguyễn Thị Cảnh, 2010. Lắng nghe ý kiến của sinh viên khi thực tập sư phạm ở trường
phổ thông. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng nghiệp vụ sư phạm cho sinh
viên các trường đại học sư phạm. Hà Nội. Tr.153-157.
[13] Nguyễn Thành Thi, 2010. Từ “học” đến “hành” và “tập” – khoảng cách cần phải rút
ngắn trong đào tạo giáo viên. Kỉ yếu hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng nghiệp vụ sư
phạm cho sinh viên các trường đại học sư phạm, tr. 260.
[14] Nguyễn Thị Kim Dung, 2017. Phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên trẻ theo
hình thức học tập tại chỗ thông qua mạng internet. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Phát
triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đại học Huế, tr. 78-86.
[15] Đinh Quang Báo, 2011. Báo cáo thực trạng đào tạo giáo viên phổ thông ở Việt Nam. Quỹ
Hòa bình và phát triển Việt Nam.
ABSTRACT
Partnership between education university and high school
on young teachers’ professional development

Truong Thi Bich
Centre for Teacher Research, Institute for Education Research,
Hanoi National University of Education
In training and in-service training of teachers, the partnership between education
universities and high schools is one of the important factors, which not only plays a key point in
teacher training quality but also has significant influence in the process of teachers’ selfdevelopment in high school practicing. This is especially meaningful for young teachers who

have just left the training environment as learners then switched to an educational environment
as teachers with many existing difficulties.
The article generally identifies what a young teacher is; the difficulties they are facing at
high school as well as the urgent situation that they need to get support from education
university. The paper also discusses measures to connect education university with high schools
in developing professional competence for young teachers to meet the requirements of
educational innovation in the current context.
Keywords: Young teachers, professional development, education university, high school,
partnership.
11



×