Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Lân Huế: Độc đáo và Tinh hoa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (64.78 KB, 5 trang )

LÂN HUẾ:
ĐỘC ĐÁO, TINH HOA
Mỗi dịp rằm tháng Tám, trên những con phố chính của Huế dường
như nhộn nhịp, tưng bừng, đa sắc màu hơn với những mặt hàng để phục vụ
Tết Trung thu như: đầu Lân, ông Địa, trống, lồng đèn, bánh trung thu...
Chúng được làm hoàn toàn bằng thủ công từ những bàn tay tài hoa của
người dân nơi đây.
Du khách đến Huế vào những dịp này, chắc hẳn sẽ thích thú với không khí
trung thu ấm cúng như ở nhà và còn được khám phá được những nét văn hóa
đặc biệt của vùng đất Cố đô, đó là sự độc đáo của múa Lân Huế và tinh hoa
nghề làm Lân Huế.
Độc đáo múa Lân Huế
Nhiều người Huế còn quan niệm ông Lân, ông Địa vào nhà là may mắn, là
ấm no, nhà có làm ăn thì tin vào sự sung túc, phát đạt nên thường mở rộng của
để đón Lân vào nhà. Trong tiếng trống, tiếng phèng la thúc giục, Lân oai vệ,
đĩnh đạc nhảy vào gian giữa của ngôi nhà, múa rất oai vệ, múa càng đẹp chủ nhà
càng thưởng, cười thả ga với ông Địa vui tính, biểu trưng cho sự đủ đầy.
Một chi tiết khá thú vị liên quan đến tên gọi, nguồn gốc của con vật mà ta
hay gọi là con Lân và múa Lân, đó là nhiều người vẫn có quan niệm múa Lân là
từ Trung Quốc du nhập sang Việt Nam, tuy nhiên, trái với suy nghĩ của rất nhiều
người Việt, người Hoa không gọi là con Lân hay múa Lân mà gọi là Sư tử và
múa Sư tử. Đây cũng là cách gọi của người miền Bắc nước ta đối với loại hình
nghệ thuật này, chỉ có người miền Nam từ Huế trở vào mới gọi đó là múa Lân
mà thôi. Đi tìm cách gọi tên này cũng là hiểu hơn về múa Lân ở Huế.
Điệu múa Lân Huế khá đặc biệt vì nó xuất phát từ điệu múa Lân trong cung
thời nhà Nguyễn. Múa Lân của cung đình Huế là điệu múa cầu cho quốc thái
dân an và thịnh vượng với cao trào là tiết mục “Lân mẫu xuất Lân nhi” tượng
trưng cho sự sinh sôi nảy nở phồn vinh. Đây là điệu múa đầy nét độc đáo, chỉ để
phục vụ cho các những ngày lễ trọng đại của triều đình như mừng thọ vua, thái
hậu và đón tiếp sứ thần. Điệu múa này được xây dựng trên cơ sở điệu múa Mã
Vũ, Bát Man đi kèm với một số động tác âu yếm, chăm sóc, đùa giỡn… của Lân


bố mẹ khi sinh hạ một Lân con, biểu thị cho sự thịnh trị, thái bình của vương
triều, sự no ấm của muôn nhà.
Do hình thức múa cho Vua xem nên con Lân của Huế rất đĩnh đạc, có
những bước nhảy thấp. Tiết tấu trống Lân Huế mang âm sắc cung đình, đó là
tiếng trống đánh lên nghe không vang rền, như bị kìm lại, bị tức nên rất mạnh.
Đây là điểm khác biệt giữa múa Lân Huế với múa Lân Sài Gòn (thực chất chính


là múa Lân Trung Quốc – do những cư dân người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn tổ
chức).
Từ chỗ xuất hiện trong cung đình, múa Lân sau đó rất phổ biến trong dân
gian. Vì vậy, một màn múa Lân Huế đầy đủ thì phải có 7 trường đoạn, đó là
“Thần linh xuất động” (Lân tỉnh dậy sau một thời gian tu luyện và ra khỏi hang),
“Bát bộ liên hoa” (tám bước trên đài sen), “Phục Lân”, “Lân linh chi”, “Lân
tranh châu”, “ Lân lý kiều” (đi qua cầu) và “Lân hồi sơn” (Lân về núi), kèm với
Lân là ông Địa bụng to, chuyên chọc phá, gây cười, tạo thích thú cho người
xem. Điểm nổi bật của múa Lân truyền thống Huế là múa theo các trường đoạn
trên nên tính nghệ thuật cũng mang nặng ý nghĩa biểu cảm. Bởi vậy, người múa
Lân muốn thành công phải hiểu các trường đoạn mới nhập vai có hồn, có thần.
Đây là điểm khác biệt giữa múa Lân Huế với múa Lân của những cư dân
người Việt gốc Hoa ở TP. Hồ Chí Minh thường mang đậm tính biểu diễn võ
thuật, để biểu dương sức mạnh và tính mạo hiểm, chứ không theo một điển tích
cụ thể nào cả. Vì thế, con Lân múa rất cao, biểu diễn ào ạt. Múa Lân Huế cũng
khác xa so với Lân Nhật Bản thiên về lối thiền cần đến sự hỗ trợ của đàn, sáo.
Không chỉ là nghệ thuật múa mà hình ảnh con Lân Huế còn có một vẻ đẹp
rất thơ như cốt cách của người dân Huế. Quan sát logo biểu tượng Lân Huế luôn
thấy có ánh trăng thu, đây là điều độc đáo mà chỉ riêng Huế có được. Xem múa
Lân Huế, bao giờ cũng thấy có hai con đực và cái, đó là con Kỳ và con Lân, biểu
tượng cho sự hòa hợp của âm dương, nhân văn, cải tạo nên vạn vật và ông Địa
tượng trưng cho sự hoan hỉ, cầm quạt để xua đuổi tà ma, đem lại không khí vui

vẻ, lạc quan cho gia chủ.
Ngày này, múa Lân Huế không còn bó hẹp trong phạm vi Huế mà những
bước nhảy của Lân Huế đã đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới. Tại các Liên
hoan múa Lân quốc tế tổ chức tại Huế hay ở nước ngoài, múa Lân Huế luôn
nhận được nhiều lời khen ngợi bởi sự độc đáo, tài hoa. Cách trình diễn thì bài
bản, có tích có tuồng nên dễ gây xúc động, hình ảnh con Lân thì mềm mại, uyển
chuyển, duyên dáng. Trong từng màn múa Lân Huế cũng chuyển tải bao khát
vọng của con người, đó là khát vọng thái bình, no ấm.
Có thể thấy rằng, múa Lân Huế thụ hưởng được những nét văn hóa đặc sắc
của múa Lân trong cung cấm. Vì vậy, múa Lân trong dân gian của xứ Huế cũng
có đẳng cấp. Đẳng cấp này phân biệt dựa trên màu, màu lông lợp trên cặp lông
mày của con Lân. Vốn là con vật biểu thị cho sự thịnh trị, thái bình của vương
triều, sự no ấm của muôn nhà nên con Lân ngày xưa thường có hai màu chủ yếu:
màu vàng tượng trưng cho Vua và màu xanh lá cây tượng trưng cho hoàng tộc.
Theo cụ Hồ Thái Nghi, người sáng lập Đoàn Lân Thái Nghi Đường từ những
năm 30 của thế kỷ trước: “Ngày xưa Đoàn múa Lân cũng có đẳng cấp. Đẳng
cấp này phân biệt dựa trên màu lông lợp trên cặp lông mày của con Lân.


Thường có 3 đẳng cấp: Râu trắng trên 25 năm, râu đỏ trên 10 năm và râu đen
trên 5 năm. Không phải ai muốn làm đầu Lân theo màu nào cũng được đâu”.
Ngày nay, đầu Lân ở Huế được làm nhiều màu, đa dạng về kiểu dáng hơn,
người múa cũng không còn phân biệt đẳng cấp. Người làm nghề Lân Huế, đặc
biệt là các nghệ nhân trẻ cập nhật hơn với các kiểu Lân mới nên các con Lân đặc
sắc, phong phú hơn, Tuy nhiên, nếu so với cách làm đầu Lân của Sài Gòn thì
nghề làm đầu Lân Huế vẫn còn giữ những nét chủ yếu của ngày xưa.
Tinh hoa nghề làm Lân Huế
Có thể thấy, để tạo hình đầu Lân, tung ra thị trường là cả sự tâm huyết của
những người làm. Từ chiếc khuôn làm bằng xi măng hay khung sườn bằng mây
tre, qua bàn tay khéo léo, cần mẫn chế tác thủ công, những người thợ làm Lân

Huế đã cho ra đời những chiếc đầu Lân sống động không cái nào giống cái nào.
Một chiếc đầu Lân hoàn thành là tác phẩm nghệ thuật mà mỗi người thợ muốn
thổi hồn vào sản phẩm mình làm ra. Dù theo nghề lâu năm hay mới, những
người làm Lân Huế luôn giữ được sự tinh tế, tài hoa trong chế tác, tạo nên nét
riêng biệt từ tài năng, tình cảm và đam mê của mình.
Ông Lê Văn Trai, chủ hiệu làm đầu Lân Thu Đông (đường Phan Đăng Lưu,
TP Huế), đây là cơ sở làm đầu Lân cha truyền con nối đã gần 60 năm nay cho
biết: “Bây giờ đầu Lân Huế làm nhiều màu sắc hơn nhưng đó là những đầu Lân
nhỏ, dành riêng cho trẻ em. Với những đầu Lân lớn thì chúng tôi vẫn làm theo
quan điểm của Lân Huế xưa. Hình dáng con Lân hội tụ những nét tinh hoa của
các linh thú khác. Có 3 màu chủ đạo là vàng, đỏ, đen là những màu thể hiện sự
hài hoà giữa trời và đất. Hai ngù của Lân và phần trán là hai cái ngù và nét tinh
anh của con rồng; hai má Lân có màu vàng tượng trưng cho con hổ, vì vậy
người ta gọi là: “ Hổ - Báo hình” (tức là hình dạng con Lân là của con hổ và con
báo). Miệng của Lân là miệng của cá chép theo điển tích “Cá chép hoá rồng”.
Quanh đầu Lân, chúng tôi vẫn vẽ theo điển tích xưa, có đủ các con vật như con
ốc sên, rắn, rít... theo đúng truyền thuyết Lân bị đày phải ở trong hang đá nên
các loài vật đeo bám đầy trên mình”.
Những nghệ nhân làm lân luôn giữ những nét đặc trưng của Lân Huế trong
chế tác, cùng với sự sự tỉ mỉ, tinh tế, nét vẽ hoạ tiết, hoa văn sáng tạo, sắt nét,
độc đáo mang độ khó cao, tạo nên nét tinh hoa riêng biệt, nên đầu Lân Huế luôn
được các bạn trẻ, khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tìm hiểu về nghề Lân Huế, chúng tôi mới nhận ra những người giữ nghề,
có uy tín trong giới đều xuất phát từ sự đam mê, yêu mến với môn nghệ thuật
này. Từ sự thích thú, họ tự làm Lân cho mình để phục vụ đam mê, cộng thêm tài
năng, năng khiếu vốn có từ những con người vùng đất Huế nên thơ, dần dần họ
trở thành những nghệ nhân làm đầu Lân có tiếng tăm, mỗi một đầu Lân làm ra là
một tác phẩm sáng tạo, giữ được những nét tinh hoa, độc đáo của Lân Huế.



Anh Nguyễn Văn Ái (Khu quy hoạch Bàu Vá, TP. Huế) đến với nghề Lân
14 năm nay, từ sở thích múa Lân, kết hợp với tính cách thích tạo hình các con
vật bằng mây tre, đất nặn. Ngày còn nhỏ, thấy cháu thích múa Lân, ông nội là
nghệ nhân làm diều Huế đã tạo những con Lân thô sơ, nhưng man g những nét
mềm mại của nghệ thuật tạo hình từ mây, tre, giấy của diều. Từ sự đam mê, anh
Ái đã cải tiến lại, hết cấp hai, anh đã bắt đầu kiếm tiền từ những đầu Lân đầu
tiên làm cho bạn bè, rồi dần vào nghề. Anh Ái tâm sự: “Nói về Lân thì tất cả mọi
miền đều chơi và làm Lân, nhưng đặc điểm của Lân Huế là độ sắc nét trong tạo
hình, con Lân được làm từ mây, tre mang độ khó cao hơn và đặc biệt thần thái
rất hồn, nên khách các tỉnh yêu thích, chọn Lân Huế”.
Để tạo ra con Lân, từ sự tinh tế, kỹ lưỡng của người Huế, người nghệ nhân
trẻ chọn cách làm khung Lân bằng tre, sau đó dùng mây để tạo các nét mắt, mũi,
sừng thành hình đầu Lân, công đoạn tiếp theo là dùng vãi lợp cho có điểm tựa
rồi dùng giấy bồi lên các lớp. Công đoạn quan trọng, tạo thần thái là vẽ màu cho
Lân, đảm bảo các yếu tố truyền thống của Lân Huế, vẽ hoa văn, lên lông, điểm
nhãn. Những đầu Lân sản xuất hàng loạt (hàng chợ) gần đây cũng được những
người thợ chọn cách đúc từ những đầu Lân làm bằng khung sườn tre. Chúng vừa
nhẹ nhàng, dể di chuyển, ngồi làm trong nhà, vừa có những đường nét thủ công
trên dáng Lân.
Người thợ làm Huế mất khoảng hai đến ba ngày để hoàn thành một đầu
Lân tùy theo kích cỡ. Mỗi con Lân đều làm hoàn toàn theo phương pháp thủ
công nên mỗi sản phẩm đều chứa đựng cái hồn, vẻ đẹp khác nhau, tùy theo tâm
trạng và cảm xúc của người làm. Điều quan trọng nhất để hình thành một con
Lân đẹp là nằm ở đôi mắt. Lân mạnh mẽ, hung dữ, hiền lành… đều thể hiện qua
ánh mắt.
Mặc dù tạo hình Lân công phu, nhưng thu nhập của nghệ nhân khi vào mùa
cũng không cao, tầm 7 triệu đồng/ tháng. Để chuẩn bị vào mùa Lân phải chuẩn
bị từ tháng 2 đến tháng 6 mới có sản phẩm tung ra thị trường do chủ yếu bằng
thủ công nên mất thời gian.
Được mệnh danh là người làm đầu Lân độc, lạ nhất Huế, anh Phan Hoàng

Nhật (đường Nhật Lệ, TP. Huế) được giới chơi Lân trong và ngoài nước biết đến
bởi cách làm Lân công phu của mình, đó là làm tay từ đầu đến cuối, mỗi đầu
Lân là một khung sườn riêng, không con nào giống con nào và đặc biệt là sự
tinh tế, tỉ mỉ trong nét vẽ với những hoa văn, điển tích độc đáo, sử dụng lông
cừu tạo nét thần thái ở ánh mắt của Lân. Mỗi mùa, anh Nhật chỉ sản xuất tầm
200 đầu, cung cấp cho các đoàn múa Lân trong và ngoài nước.
Năm 2014, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, chàng giáo viên tương lai không
xin được việc làm. Những ngày đợi việc, cái máu đam mê múa Lân thôi thúc,
Nhật suy nghĩ, làm việc trái ngành, trái nghề thu nhập cũng cũng chỉ vài ba
triệu. Cũng vào dịp Trung thu, nên anh rủ bạn bè trong xóm lập đội Lân đi múa


chơi. Không có tiền sắm Lân, anh mày mò, tự tay mình làm Lân để múa. Mùa
đầu tiên đem Lân đi biểu diễn, ai cũng tấm tắt khen Lân đẹp, độc đáo, Nhật nảy
ra ý thử làm Lân bán thử xem và quyết định vay mượn mua đồ nghề về làm.
Rút kinh nghiệm từ những con Lân đầu tiên làm chơi vào năm 2009, Nhật
nghiên cứu lịch sử về Lân Huế, tìm tòi sách vở, lên các trang web cập nhật hình
ảnh. Hơn 10 năm theo đuổi, sáng tạo Lân Huế, anh Nhật chia sẻ: “Đa số Lân
Huế đều được tạo hình từ sườn tre, mây. Người làm Lân tuỳ theo sở thích của
khách hàng mà biến thể theo ý. Dù làm công phu, nhưng Lân Huế giá thành rẻ
hơn so với các tỉnh. Do mức sống và cạnh tranh, nên ít đoàn, lò làm Lân Huế
duy trì được lâu dài, nên những người làm Lân chú tâm vào chất lượng, hoạ tiết,
nét vẽ để tồn tại với nghề”.
Bên những sản phẩm Lân tâm huyết, Nhật thổ lộ: “Những người làm Lân
và chơi Lân Huế muốn duy trì được nghề trước hết phải có đam mê, sau đó mới
nghĩ đến tiền bạc. Lân Huế được tạo hình công phu, tỉ mỉ, nét vẽ sắc nét, độc
đáo thể hiện tình cảm của người thợ nên rất riêng biệt, có hồn. Thu nhập có được
là từ sự siêng năng, cần cù, óc sáng tạo.” Nhìn vào ánh mắt ánh lên niềm đam
mê của Nhật, thiết nghĩ phải chăng vì những lý do đó mà Lân Huế luôn có nét
độc đáo riêng biệt, đậm nét tinh hoa, tinh tế được người chơi Lân trong và ngoài

nước tìm đến.
Trong quan niệm phương Đông, Lân là linh vật trong tứ linh mang đến
những điềm lành, phú quý, thịnh vượng. Chính vì những đặc tính tốt đẹp ấy mà
Lân có sức ảnh hưởng lớn đến văn hóa tâm linh của người Việt Nam và đối với
con người xứ Huế nói riêng. Kết hợp với truyền thống văn hoá của miền đất Cố
đô, Lân Huế ảnh hưởng phong cách và mang dáng dấp của cung đình.
Chứng kiến những công đoạn làm Lân Huế mới hiểu được sự tinh tế của
nghệ nhân làm đầu Lân. Người Huế vốn khéo léo, có truyền thống, kinh ngiệm
chế tác sản phẩm thủ công từ mây tre đan nên tạo hình đầu Lân tròn đều, đẹp,
toát lên sự tinh tế, mỗi bước thực hiện đều cẩn thận, tâm huyết. Công đoạn phủ
màu, vẽ, dán lông và phụ kiện khác tạo thần thái cho con Lân là lúc người làm
đầu thả hồn vào sự sáng tạo, công phu để làm nên những nét riêng cho Lân Huế.
Nét văn hóa trong cách trang trí họa tiết đầu Lân cùng với sự sáng tạo trong
phong cách múa Lân cung đình không hề lai tạp bất kể nơi nào khác. Lân Huế
sau những đổi thay của dòng chảy lịch sử vẫn khẳng định được chỗ đứng và là
chỗ dựa tinh thần cho mọi tầng lớp người dân xứ Huế.



×