Tải bản đầy đủ (.docx) (23 trang)

Tiểu luận cao học, Môn cơ sở lý luận báo chí, báo in trong môi trường truyền thông hiện đại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (113.07 KB, 23 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Theo dòng chảy lịch sử, sự phát triển của ngày càng mạnh mẽ của
khoa học công nghệ đã tạo ra những thay đổi căn bản đối với con người ở
mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đặc biệt trong đó, báo chí - truyền thông là
một trong những lĩnh vực ứng dụng công nghệ nhanh chóng và nhạy bén
nhất. Sự tiến bộ không ngừng của khoa học - công nghệ trong lĩnh vực
thông tin – truyền thông đã làm xuất hiện nhiều loại hình báo chí mới. Sự
phát triển nhanh chóng của với phương thức đưa tin, truyền tin kiểu mới
dường như đã làm cho báo in không còn giữ được vị thế như trước. Việc
nhiều tờ báo in vốn rất hấp dẫn đối với người đọc nay phải giảm số lượng
phát hành đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết đối với những người
làm báo. Mặc dù vậy, báo in vẫn luôn giữ vai trò trục chính của truyền
thông đại chúng và trên thực tế, loại hình báo chí truyền thống này đang đi
tìm sự thích nghi mới trong thời đại báo chí hội tụ - đa phương tiện. Trong
tiểu luận này, tác giả xin được đóng góp những ý kiến để xây dựng lên cơ
sở lý luận – thực tiễn báo chí – truyền thông hiện đại về báo in, cũng như
đưa ra những phân tích để làm rõ quá trình hình thành, bản chất, thuận lợi
và hạn chế cũng như định hướng phát triển của báo in trong thời đại báo chí
– truyền thông hội tụ, đa phương tiện ngày nay. Với phạm vị nghiên cứu
nhỏ hẹp và thời lượng không lớn, tiểu luận này chắc chắn không tránh khỏi
những thiếu sót, tác giả mong nhận được sự nhận xét, bổ sung để hoàn
thiện cho những lần nghiên cứu tiếp theo.


NỘI DUNG
I. KHÁI NIỆM VÀ NHỮNG THẾ MẠNH, HẠN CHẾ CỦA
BÁO IN
1. Khái niệm
Báo chí là hiện tượng xã hội có quá trình phát triển lâu đời, ngày
càng chi phối rộng rãi và mạnh mẽ đến mọi tiến trình xã hội. Do đó, trong
quá trình phát triển, khái niệm báo chí đã được hiểu, được dùng với nhiều


nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung lại, thông thường, có thế hiểu theo nghĩa
rộng và nghĩa hẹp.
Báo chí được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm báo in, báo phát thanh,
báo truyền hình, báo mạng điện tử - tức là những kênh truyền thông đại
chúng sản xuất và quảng bá thông tin thường xuyên liên tục nhất, trên
phạm vi rộng lớn nhất, định kỳ (và phi định kỳ) đều đặn và cập nhật nhất,
tác động đến nhiều người nhất, đa dạng và phong phú nhất. Trong tiểu luận
này, tác giả chỉ nói tới báo chí theo nghĩa hẹp đó là báo, tạp chí – báo in và
các sản phẩm in ấn khác.
Báo in là những ấn phẩm xuất bản định kỳ, bằng ký hiệu chữ viết,
hình ảnh và các ngôn ngữ phi văn tự, thông tin về các sự kiện và vấn đề
thời sự, phát hành rộng rãi và định kỳ nhằm phục vụ công chúng – nhóm
đối tượng nào đó với mục đích nhất định. Báo in và các loại sản phẩm in ấn
khác bao gồm có nhật báo (báo hàng ngày: báo buổi sáng, báo buổi chiều),
tuần báo, báo thưa kỳ (mỗi tuần xuất bản 2, 3 hoặc 4, 5 kỳ), tạp chí, bản tin
thời sự…
2. Một số thế mạnh và hạn chế của báo in
a. Những thế mạnh của báo in


Thứ nhất, báo in có thể thông tin, phân tích, giải thích và giải đáp
những vấn đề phức tạp một cách hệ thống, sâu sắc với độ tin cậy cao, báo
in tác động vào thị giác, do đó có lợi thế thu phục lí trí và tình cảm con
người bằng tính logic và chiều sâu của nghệ thuật lập luận, thông qua các
luận điểm, luận cứ, luận chứng và số liệu chân thực với sức lôi cuốn của sự
thật sinh động. Tuy nhiên, phần lớn báo in nước ta hiện nay chưa khai thác
và phát huy triệt để lợi thế này, mà chủ yếu chạy theo tin “hot”, hay sa vào
giật gân câu khách, đây lại là lợi thế của báo mạng điện tử; trong khi chưa
chú trọng chọc lọc sự kiện, phân tích sự kiện và vấn đề thời sự theo chiều
sâu để lôi kéo, thuyết phục công chúng, chiếm lĩnh thị trường thông tin.

Ngay cả những tờ báo chính trị hàng đầu cũng ngày càng thiếu vắng những
cây bút chính luận – lợi thế hơn hẳn và có khả năng thu phát tâm điểm chú
ý của công chúng và định hướng dư luận xã hội. Báo chí chính trị mà thiếu
vắng cây bút chính luận có sức thuyết phục lý trí và cảm xúc công chúng
thì trở lên nhạt nhẽo, vô hồn.
Thứ hai, người đọc có thể hoàn toàn chủ động về không gian, thời
gian và tư thế trong việc tiếp nhận thông tin; mặt khác, có thể đọc đi đọc lại
một ấn phẩm để nhận thức, khai thác các tầng nấc thông tin về những vấn
đề phức tạp, tế nhị. Chính lợi thế này đặt ra yêu cầu về tính chuyên nghiệp
cao cho những người làm báo in trong quá trình cạnh tranh thông tin hiện
nay.
Thứ ba, thông tin có độ tin cậy, chính xác là tính tư liệu cao, dễ bảo
quản, nhất là đối với một số nước ở trong khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm như
nước ta. Do đó, người ta còn cho rằng nhà báo là nhà chép sử, là người thư
ký của thời đại. Mỗi số báo là một tờ lịch cuộc sống. Hiện nay, với sự hỗ
trợ của công nghệ thông tin, việc lưu trữ trên máy tính và phương tiện khác
rất thuận lợi, nhưng tư liệu báo in vẫn có sức nặng riêng của nó. Vấn đề
này cũng lại đặt ra cho những người làm báo in trong việc chắt lọc và liên


kết các chi tiết, sự kiện và vấn đề thông tin để có thể tạo lập hệ thống thông
tin dữ liệu tin cậy và thú vị, có sức thuyết phục cao.
Thứ tư, có thể dễ dàng chuyền tay nhau các ấn phẩm báo in và bản
tin thời sự, do đó công chúng trực tiếp có khả năng lây lan và kết nối với
công chúng gián tiếp, hình thành dư luận xã hội bền vững hơn.
Thứ năm, đề tài và nguồn tin trên báo in có thể là nguồn tin cho các
loại hình báo chí khác khai thác, phát triển, nhất là truyền hình.
Những thế mạnh trên đây đòi hỏi những phẩm chất nghề nghiệp và
năng khiếu báo chí – báo in ở những người làm báo in; như phẩm chất tư
duy logic và trí tuệ, độ linh hoạt của sự thu phục, khả năng quan sát và

năng lực biểu đạt ngôn từ…
b. Những điểm hạn chế
Thứ nhất, tính thời sự của thông tin bí chậm. Chu kỳ xuất bản hiện
nay ngắn nhất là 24 đến 12 giờ, trong khi tốc độ phát triển cuộc sống ngày
càng nhanh, nhu cầu thông tin của công chúng cập nhật đòi hỏi ngày càng
cao trong điều kiện có sự hỗ trợ tối đa của kĩ thuật, công nghệ truyền thông
cùng các công cụ hỗ trợ mềm.
Thứ hai, kí hiệu thông tin của báo in đơn điệu, chỉ có chữ viết và
hình ảnh tĩnh, nếu kĩ năng xử lý thông tin bằng ngôn từ không cao mà kỹ
thuật viết, trình bày và in ấn không bắt mắt sẽ hạn chế tính hấp dẫn.
Thứ ba, việc phát hành báo in tốn kém, chậm chạp, cồng kềnh, phụ
thuộc vào phương tiện vận tải, đường sá giao thông và cả điều kiện thiện
nhiên. Ở ngay thủ đô Hà Nội, nhưng nhật báo hầu như không đến được
công chúng trước 7 giờ sáng, còn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa thì lại là
vấn đề nan giải hơn nữa.


Thứ tư, báo in nhìn chung đắt hơn các ấn phẩm truyền thông khác.
Trị giá mỗi tờ báo, một tháng phải chi tới hàng chục ngàn đồng. Mức chi
này không phải nhóm công chúng nào cũng đáp ứng được, đặc biệt là nông
dân và dân nghèo thành thị. Do đó, báo in không chỉ kén chọn công chúng
từ bình diện trình độ văn hóa mà còn cả mức sống và điều kiện sống.
Thứ năm, trước đây, khi mua báo đọc xong, giấy báo cũ được sử
dụng vào nhiều mục đích dân sinh khác, ngày nay giấy báo cũ hầu như chỉ
còn dùng vào việc tái chế lại. Phát triển báo in liên quan đến nguồn giấy,
vấn đề trồng rừng và bảo vệ môi trường sinh thái; hiện nay trong khi sử
dụng, mực in báo dễ phai dính; sau khi sử dụng, rác thải báo in cũng có vấn
đề.
II. BÁO IN – TRỤC CHÍNH CỦA TRUYỀN THÔNG ĐẠI
CHÚNG

1. Quá trình ra đời và phát triển của báo chí thế giới
Sau sách, các ấn phảm tiền thân của báo chí được xuất hiện từ trước
Công nguyên với tư cách là các bản tin, những ký hiệu hình hài chép tay
khắc trên vỏ cây, trên đất nung hoặc trên da thú. Từ 4000 năm trước Công
nguyên, khi đời sống nông nghiệp phát triển và ổn định đã hình thành các
đô thị ở Ai Cập, Mesopotania, sau đó là Trung Đông, Tây Á, các bản thông
báo có niên đại từ thời kì này đã được phát triển. Thế kỷ XII, khi quá trình
thai nghén tư sản tích cực “cựa quậy” trong lòng chế độ phong kiến, hình
thức bản tin, truyền tin ngày càng lô diện và đóng vai trò tích cực cho đến
khi trở thành công cụ tư tưởng quan trọng phá tan xiềng xích và ngai vàng
phong kiến. Chính sự ra đời và phát triển lâu dài, phức tạp và nhanh chóng
của báo in (và phát thanh, truyền hình sau này), các nhà lý luận báo chí đã
phân định có bốn loại hình báo chí trong lịch sử: báo chí tăng lữ - phong
kiến, báo chí tư sản, báo chí vô sản – xã hội chủ nghĩa và báp chí tôn giáo.


Nhưng những tờ báo hiện đại, xuất bản định kỳ, đều đặn, số lượng
lớn với hình hài diện mạo “trưởng thành” và như một công cụ chính trị đắc
lực thì xuất hiện vào nửa đầu thế kỉ XVI, nhất là trong cuộc chiến tranh
Đức – Anh (1521-1526). Có thể nói rằng, giai cấp tư sản, xã hội tư bản đã
sáng tạo ra và sử dụng báo chí hiện đại như một vũ khí lợi hại, hữu ích
trong việc giành, giữ chính quyền và xây dựng xã hội phát triển. Đáng chú
ý là ở những thời khắc lịch sử, báo chí đã thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của
mình. Vào đêm cách mạng Pháp nổ ra, hàng loạt tờ nhật báo ra đời để
tuyên truyền lý tưởng, mục tiêu cuộc cách mạng Pháp và cổ vũ hành động
cách mạng của nhân dân.
Khoa học, kỹ thuật và công nghệ phát triển; trình độ văn hóa dân cư
được nâng cao; giao thông ngày một thông thoáng; cuộc đấu tranh chính trị
tư tưởng và việc giành, giữ quyền lực chính trị ngày càng phức tạp; kinh tế
thương mại và giao lưu quốc tế giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng mở

mang, mức sống cư dân được nâng cao…là những điều kiện thúc đẩy, kích
thích sự phát triển của báo chí –truyền thông.
Cùng với báo in, các hàng thông tấn – dịch vụ thông tin ra đời và
phát triển. Năm 1835, hàng thông tấn Pháp Agence Havas; năm 1849, hãng
thông tấn Wolffer Bureau của Đức và năm 1851, hãng Agence Reuter của
Anh ra đời… Ngày nay, thông tấn xã là một ngành có hệ thống kỹ thuật –
công nghệ phát triển hiện đại với đội ngũ lao động chuyên nghiệp chuyên
cung cấp thông tin – dịch vụ cho các cơ quan báo chí – truyền thông. Ngày
15 tháng 9 năm 1945 là Ngày truyền thống của TTXVN (lúc đó mang tên
Việt Nam Thông tấn xã). Đó là ngày VNTTX chính thức phát đi bản Tuyên
ngôn độc lập và danh sách thành viên Chính phủ lâm thời của nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Pháp.


Năm 1848, với sự ra đời bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của
C.Mác và Ph. Ăng-ghen, hệ tư tưởng mới ra đời – hệ tư tưởng cộng sản,
xuất hiện dòng báo chí mới – báo chí vô sản. Báo chí vô sản do C.Mác và
Ph.Ăng-ghen khởi xướng ra đời trong lòng xã hội tư bản đã triệt để lợi
dụng tự do báo chí tư sản đề truyền bá hệ tư tưởng mới – tư tưởng vô sản
của giai cấp công nhân, là công cụ đắc lực trong việc đưa giai cấp công
nhân từ đấu tranh kinh tế lên đấu tranh chính trị và từ đấu tranh chính trị
lên đấu tranh tư tưởng.
Năm 1917, với sự thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa
Tháng Mười Nga, nền báo chí vô sản – xã hội chủ nghĩa hình thành và phát
triển cùng với hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trong sự đối lập với hệ
thống tư bản chủ nghĩa. Năm 1991, sau trận “động đất chính trị”, Liên Xô
và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng như hệ thông các nước chủ
nghĩa xã hội tan vỡ. Thế giới từ hai cực, hai hệ thống trở thành thế giới đa
cực; cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển với tốc độ như vũ
bão. Trong bối cảnh đó, cùng với kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, báo

chí vô sản – xã hội chủ nghĩa ngày càng hội nhập đa phương, phát triển
toàn diện.
Sự bùng nổ của báo in và các hãng thông tấn ở thế kỷ XVIII, XIX đã
dẫn tới việc thành lập các tập đoàn báo chí – truyền thông khổng lồ kinh
doanh báo chí – truyền thông không chỉ đưa lại những khoản doanh thu
khổng lổ mà còn có thể tạo ra khả năng hình thành và chi phối dư luận xã
hội trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
Trong xã hội hiện đại – thời đại số hóa, các kênh truyền thông phát
triển không ngừng, ngày càng hiện đại và cạnh tranh lôi kéo công chúng xã
hội diễn ra gay gắt, nhưng không kênh nào có thể “tiêu diệt” được kênh kia
mà các kênh cùng cạnh tranh, liên kết và phát triển theo cách của riêng


mình. Vấn đề sống còn là khả năng thích ứng của chủ thể truyền thông và
sự chọn lựa của công chúng – thị trường. Mặt khác, trong hệ thống các
kênh truyền thông đại chúng hiện nay, báo in vẫn là kênh trục chính và các
kênh khác phát sinh xoay quanh nhờ sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ,
nhất là công nghệ thông tin – truyền thông. Nhưng báo in truyền thống
cũng đang đứng trước những thách thức gay gắt. Đầu thế kỷ XXI cho đến
nay, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra, nhiều tờ báo lớn trên thế
giới giảm sút chỉ sổ phát hành, thậm chí có những tờ phát triển lâu đời bị
đóng cửa, hàng ngàn người hoạt động trong lĩnh vực báo in mất việc…đã
và đang đặt ra những thách thức không nhỏ
Một thực tế là từ đầu thế kỉ XXI, nhiều tờ báo in trên thế giới đã bị
sụt giảm số lượng bản in nhanh chóng. Ví dụ: Tờ Le Monde Diplomatique
(Pháp) giảm 12% lượng phát hành trong năm 2004 và hơn 20% trong năm
2010; nhật báo Mỹ International Herald Tribune giảm hơn 14%;… Ở Mỹ,
trong những năm 2000-2010, riêng ngành báo in đã có 10.000 nhân viên bị
sa thải, chiếm 6% chỗ là việc. Hãng tin Reuters cũng đã công bố cắt giảm
4.500 số nhân viên hưởng lương. Trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu từ

năm 2007 đến nay, hàng loạt tờ báo in sụt giảm, thậm chí phá sản; hàng
ngàn người mất việc.
2. Lịch sử hình thành và phát triển báo chí Việt Nam
a. Báo in tiếng Việt Nam cuối thế kỷ XIX, những năm đầu thế kỷ XX.
Ở Việt Nam, báo in ra đời cùng với đội quân xâm lược Pháp đặt chân
lên Nam bộ tiến hành cuộc xâm lược dải đất hình chữ S này. “Lần trong
đống hành lý của đội quân xâm lược, nhưng phương tiện đầu tiên của kỹ
thuật in hoạt bản được nhập vào nước ta. Dường như được chuẩn bị từ
trước, trên chiếc thuyền chiến chở đầy súng ống và lính đánh thuê của đô
đốc Bonard đã sắp sẵn một cỗ máy in và thợ sử dụng. Những thiết bị này


kịp thời giúp cho bọn xâm lược in chỉ thị, công văn và bằng những phương
tiện đó viên đô đốc đã cho lên khuôn tờ công báo đầu tiên (Bulletin official
d”Expedition de la Cochinchinef 1861). Báo in tiếng Việt ở nước ta ra đời
muộn, được đánh dấu bằng tờ Gia Định báo, xuất bản số đầu ngày 15-41865. Vai trò của báo chí tiếng Việt trong giai đoạn gắn liền với tên tuổi
nhà báo, nhà văn hóa, nhà bác học Trương Vĩnh Ký – người có công lớn
đối với lịch sử báo chí tiếng Việt cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ở giai
đoạn này, báo chí đã có vai trò lịch sử là truyền bá văn hóa và phát triển
chữ quốc ngữ.
b. Nền báo chí cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX đến nay
Vào những năm 20 đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập
ra tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn làm nòng cốt cho tổ chức Việt Nam
Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội - Một tổ chức yêu nước Việt Nam
đầu tiên đi theo con đường cách mạng vô sản, đồng thời xuất bản báo
Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Ngày 21/6/1925,
Thanh niên, tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam, ra số 1.
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, cho xuất bản báo
Búa liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng, Ban công vận Trung ương
của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động...

Tháng 9/1929, An Nam Cộng sản Đảng ra báo Đỏ. Những tờ báo của
các tổ chức Cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo
dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho
quần chúng lao động.
Tháng 2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được triệu tập
dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đảng
Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng, quyết định


Trung ương và địa phương sẽ ra báo của Đảng Cộng sản Việt Nam thống
nhất. Ngày 5/8/1930, Trung ương cho ra báo Tạp chí đỏ; ngày 15/8/1930,
báo Tranh đấu ra mắt.
Tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng
sản Đông Dương. Trung ương Đảng cho ra báo Cờ vô sản và tạp chí Cộng
sản. Các xứ ủy, tỉnh ủy, nhiều huyện ủy và chi bộ cũng ra báo. Báo chí
trong thời kỳ này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào
cách mạng của công nông chống đế quốc-phong kiến, đỉnh cao là cao trào
Xô viết - Nghệ Tĩnh. Cũng trong thời kỳ này, Ban lãnh đạo ở nước ngoài
của Đảng được thành lập làm nhiệm vụ tạm thời của Trung ương, xuất bản
tạp chí Bônsêvích làm cơ quan lý luận để thống nhất Đảng, Tháng 3/1935,
Đại hội Đảng lần thứ nhất họp, quyết định chuyển tạp chí Bônsêvích thành
tạp chí lý luận Trung ương của Đảng.
Các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn cũng đã xuất bản báo và
tạp chí. Báo chí trong những năm 1930-1936 đã phục vụ tích cực cho xây
dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng
dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ
nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản của Việt
Nam quốc dân Đảng, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến
lên một cao trào mới.
Tranh thủ điều kiện quốc tế có nhiều thuận lợi, mặt trận nhân dân

chống phát xít được thành lập ở nhiều nước, trong đó có nước Pháp và hình
thành Mặt trận nhân dân thế giới chống phát xít, Lợi dụng khả năng hoạt
động nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất
bản công khai, hợp pháp. Một số tờ báo cách mạng bằng chữ Pháp được
xuất bản ở Hà Nội, cùng với đó, một loạt các tờ báo tiếng Việt đã được xuất


bản công khai hợp pháp, trong đó có tờ Dân chúng, cơ quan Trung ương
của Đảng.
Báo chí thời kỳ vận động dân chủ in ty-pô số lượng lớn. Có tờ chiếm
kỷ lục như Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15.000 bản. Trình bày bài vở
trên mặt báo đã mang dáng dấp hiện đại, biên tập và in nhanh, phát hành
nhanh, rộng trong cả nước và ra nước ngoài.
Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Tháng 8/1941, báo Việt
Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lấy danh nghĩa Việt Minh
tỉnh Cao Bằng, sau mở rộng thành Việt Minh Cao Bằng - Bắc Cạn, rồi Cao
Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn.
Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc, cơ quan của tổng bộ Việt Minh ra
đời.
Ngày 10/10/1942, báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng
xuất bản số 1. Trung ương còn xuất bản tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý
luận. Các kỳ bộ Việt Minh và tỉnh bộ Việt Minh lần lượt cho xuất bản báo
của địa phương cùng với báo của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương:
Công nhân, Thanh niên, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ...
Báo chí phục vụ tích cực cho xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp
đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Từ sau khi có chỉ thị sửa soạn
khởi nghĩa của tổng bộ Việt Minh (5/1944) và nhất là sau cuộc đảo chính
Nhật-Pháp (3/1945), Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới
Tổng khởi nghĩa, một số báo của các lực lượng vũ trang từ các căn cứ
kháng Nhật và khu giải phóng được xuất bản.

Hai tờ báo Cờ giải phóng và Cứu quốc có cống hiến lớn nhất trong
việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi lịch sử tháng Tám
1945.


Kể từ khi báo Thanh niên ra đời đến tháng 8/1945, tổng cộng có hơn
270 tờ báo và tạp chí.
Báo chí thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975:
Từ tháng 8/1945 trở đi, dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách
mạng xuất bản công khai, in ty-pô với số lượng lớn. Báo Cứu quốc xuất
bản hàng ngày là tờ báo lớn nhất cả nước. Trong làng báo xuất hiện hai cơ
quan mới: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã
(nay là Thông tấn xã Việt Nam). Cuối năm 1945, Đảng chuyển vào bí mật,
báo Cờ giải phóng ngừng xuất bản; báo Sự Thật ra đời với danh nghĩa cơ
quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.
Trong năm đầu của chính quyền cách mạng, báo chí phục vụ tích cực
cho nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai bùng nổ và lan
rộng. Báo chí cách mạng có một bộ phận xuất bản công khai ở các vùng tự
do và các căn cứ kháng chiến, một bộ phận xuất bản trong vùng địch
chiếm. Những văn kiện của Đảng, bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí
Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng được in trên các báo Trung ương
và các báo địa phương.
Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu
xuất bản, tạp chí Cộng sản, tạp chí Sinh hoạt nội bộ, báo Quân đội Nhân
dân ra đời.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta
tạm thời chia làm 2 miền với 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có
một nhiệm vụ chung: Đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách
mạng giải phóng dân tộc.



Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất
bản bí mật bất hợp pháp ở vùng địch tạm chiếm ở miền Nam. Trong điều
kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Báo Nhân Dân ra
hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến. Trung ương cho
ra tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi là tạp chí Cộng sản.
Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức,
kỹ thuật và các tỉnh đều xuất bản báo.
Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết
rộng rãi các nhà báo trong nước và tháng 7/1950 gia nhập Tổ chức Quốc tế
các nhà báo (OIJ).
Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá
nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí,
phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Theo thống kê mới đây, cả nước
hiện có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó
có 02 đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam,
01 đài của ngành (Đài Truyền hình KTS VTC); 64 đài phát thanh và truyền
hình địa phương với 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình (99
kênh truyền hình, 73 kênh phát thanh) Về đội ngũ cán bộ báo chí, cả nước
hiện có gần 17000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ, 19000 Hội
viên Hội nhà báo Việt Nam, sinh hoạt tại các chi hội, liên chi hội...
III. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI BÁO IN TRONG THỜI
ĐẠI BÁO CHÍ – TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN
1. Báo in trong thời đại báo chí – truyền thông đa phương tiện
Trên thế giới, nỗi quan ngại về sự "hết thời" của báo in đã được đặt
ra cách đây đã lâu, khi sự khủng hoảng số lượng phát hành lan tới cả các
"đại gia" báo in của nước Mỹ, như: New York Times, Washington Post,



Los Angeles Times... thậm chí tờ báo đã có 80 năm tuổi là Newsweek
cũng phải đình bản in để chuyển hoàn toàn sang báo điện tử. Theo một
nghiên cứu của Hiệp hội báo in Hoa Kỳ (NNA), vào năm 2005, số người
đọc báo qua mạng vượt trội hẳn so với số người đọc báo in theo tỷ lệ
không những gấp đôi mà thậm chí còn gấp sáu lần: New York Times: 12.8
triệu/5 triệu; Washington Post: 7.8 triệu/1.8 triệu, Los Angeles Times: 4.3
triệu/2.4 triệu... Cũng giống như thị trường báo chí Mỹ, báo in ở Pháp
cũng rơi vào khủng hoảng khi nhiều báo lớn đều phải cắt giảm nhân sự,
giảm đáng kể lợi nhuận và phải chuyển sang báo điện tử để tiếp tục duy trì
hoạt động. Ðiển hình như tờ nhật báo Lemonde, đã có phiên bản điện tử
ngay từ những năm 1990 và đến nay, trở thành tờ báo điện tử có uy tín bậc
nhất nước Pháp cũng như thế giới. Tây Ban Nha cũng không nằm ngoài
cuộc khủng hoảng khi tờ nhật báo hàng đầu là El Pais đã phải cắt giảm tới
129 nhân sự trong năm 2012 và lượng phát hành thì tụt xuống còn
455.666 bản mỗi ngày so với thời hoàng kim cách đó 10 năm là một triệu
bản. Lượng phát hành giảm kéo theo doanh thu giảm xuống còn 194 triệu
euro so với 453 triệu euro năm 2005. Sau thất bại của tờ báo in, El Pais
tìm cách lấy lại uy tín cũng như doanh thu bằng cách chuyển hướng sang
báo điện tử.
Tại Giải thưởng Pulitzer năm 2012, báo điện tử tiếp tục lên ngôi khi
được vinh danh ở hai thể loại. Tại lễ trao Giải thưởng này, phóng viên
David Wood của báo điện tử The Huffington Post chiến thắng ở hạng mục
tin bài trong nước. David Wood đã có một loạt bài viết về những nỗi đau
tinh thần cũng như thể xác mà những người lính Mỹ bị thương tại I-rắc,
Áp-ga-ni-xtan đã phải chịu đựng trong suốt 10 năm diễn ra chiến tranh. Ở
một thể loại khác là tranh biếm họa, tờ báo điện tử Politico cũng được vinh
danh khi họa sĩ Matt Wuerker giành chiến thắng với tác phẩm miêu tả cuộc
chiến giữa Ðảng Dân chủ và Ðảng Cộng hòa thông qua hình ảnh biếm họa



cuộc chiến giữa "con lừa" và "con voi". Pulitzer là giải thường niên, được
đánh giá là danh giá nhất trong lĩnh vực báo chí ở Mỹ. Việc có hai tờ báo
điện tử được xướng tên để nhận giải cho thấy tầm ảnh hưởng cũng như sức
mạnh của loại hình báo chí hiện đại này.
Theo cuộc điều tra thường niên của Hội Biên tập viên Tin tức Mỹ
(ASNE) công bố ngày 28 tháng 7 năm 2014 cho thấy ngành báo in truyền
thống của Mỹ tiếp tục đối mặt với tương lai ảm đạm khi số việc làm trong
ngành giảm 10,4% trong năm 2014, xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu
thống kê năm 1978. Điều đó có nghĩa là số nhân viên trong các tòa soạn
báo in đã giảm xuống 32.900 trong năm 2014 so với 36.700 của năm 2013.
Số liệu trên nhấn mạnh tới tình trạng "mất máu" tại các tòa soạn báo in
truyền thống trong bối cảnh người đọc tiếp tục xu hướng lựa chọn đọc tin
từ các nguồn trực tuyến. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy một số tín hiệu
tích cực từ các tờ báo lớn và báo có tổng số phát hành nhỏ. Cụ thể, số nhân
viên tại các tòa soạn báo có số lượng phát hành hàng ngày trong khoảng từ
250.000 - 500.000 bản tăng 13,98%, trong khi con số này ở các báo nhỏ có
ấn bản hàng ngày dưới 5.000 là 15,9%. Tuy nhiên, ở phân khúc còn lại, các
báo với tổng số phát hành trong khoảng 100.000 - 250.000 lại giảm 21,58%
số nhân công. Theo chuyên gia trên, nếu xu hướng này tiếp diễn, tới năm
2016 hoặc 2017, số phóng viên còn hoạt động sẽ chỉ còn bằng một nửa so
với thời điểm 16 năm trước.
Những năm gần đây, ngành báo in Mỹ nói riêng và thế giới nói
chung đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn. Doanh số bán ra cũng
như doanh thu từ quảng cáo trên báo giấy đồng loạt sụt giảm trước sự phát
triển mạnh mẽ của Internet, báo mạng và quảng cáo online.


Nhiều tờ báo lớn của Mỹ đã phải đóng cửa hoặc ngừng các sản phẩm
báo giấy. Một số tòa soạn báo khác buộc phải cắt giảm đội ngũ nhân sự để
tiết kiệm chi phí.

Ở Việt Nam, báo điện tử cũng tạo ra một bước ngoặt trong hoạt động
báo chí, với sự gia tăng không ngừng số lượng các tờ báo, trang tin điện tử.
Thống kê cho thấy đến hiện tại, cả nước có 77 tờ báo điện tử và gần 200
trang tin điện tử với lượng thông tin dày đặc mỗi ngày. Và báo in cũng phải
đối diện với cuộc cạnh tranh khốc liệt khi các báo điện tử không chỉ mang
đến một cách đọc tin mới mà còn mang đến những cách tiếp cận thông tin
mới mẻ, phù hợp tâm lý của đông đảo công chúng hiện đại. Nhiều tờ báo in
cũng đã có một số dấu hiệu "lùi bước" khi phải cắt giảm phóng viên, nhân
viên, vì sự suy giảm phát hành và quảng cáo đã làm cho nguồn thu giảm
nghiêm trọng. Quả thực, báo mạng với những tiện ích mà báo in khó có thể
sánh được đã bùng nổ mạnh mẽ, khiến một số báo in không còn cách nào
khác là phải giảm số lượng phát hành và ngậm ngùi nhường vị trí áp đảo
cho báo mạng. Không chỉ báo in, ngay cả hệ thống truyền hình và phát
thanh cũng khó cạnh tranh với báo mạng bởi tính nhanh nhạy, tính tương
tác và không gian không hạn định của loại hình báo chí này.
Rất may mắn là trong tình cảnh “nhiễu nhương” của báo chí Việt
Nam bây giờ, các tờ báo chính thống như Nhân dân, Quân đội nhân dân
vẫn giữ vững được tiêu chí hoạt động, sứ mệnh cách mạng của mình. Mở
các trang báo này ra, người đọc sẽ không bao giờ phải xốn mắt, bực bội vì
những “tít” bài giật gân, thổi phồng hoặc các hình ảnh, các thông tin quảng
cáo không đúng mực. Chất lượng các bài viết được trau truốt, nội dung
nghiêm túc: về chính trị thì truyền đạt trong sáng những thông tin chính trị
trong nước cũng như đường lối, chính sách của Đảng CSVN, của Nhà nước
& chính phủ; về quốc tế thì giữ được tính khách quan và có những nhận
định sâu sắc trong đánh giá, nhìn nhận các sự kiện cũng như thể hiện được


chính sách ngoại giao của Việt Nam, đặc biệt là giữ được sự tỉnh táo trong
bối cảnh phức tạp ở Biển Đông;vvề xã hội thì nhìn nhận mang tính xây
dựng, nhân văn.


Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, chính vì cách làm việc nghiêm túc như vậy
nên đối với một bộ phận xã hội, đặc biệt là những người bên ngoài bộ máy
nhà nước – quân đội, các tờ báo chính thống này là “giáo điều”, là “lỗi
thời”, là “xa rời thực tế”. Và thực tế thì rõ ràng báo Nhân dân, báo Quân
đội nhân dân dường như vắng bóng trên các sạp báo trên phố, các giỏ báo
tại gia đình, quán nước, công ty,… Xét theo nhiệm vụ “nói cho dân hiểu,
dân nhớ, dân theo, dân làm” như lời Bác Hồ dạy thì phải chăng các báo,
đặc biệt là báo Nhân dân – tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt
Nam – đã bỏ trống một mảng lớn trên mặt trận tuyên truyền? Các báo Nhân
dân, QĐND đã có một lịch sử vẻ vang trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ và
xây dựng tổ quốc cũng như có chỗ đứng quan trọng trong lòng nhân dân
suốt hơn nửa thế kỷ qua thì ngày nay, đội ngũ kế thừa cần phải nỗ lực hơn
nữa trong việc duy trì và phát triển hình ảnh, truyền thống ấy.
2. Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của báo in
Trong xu thế cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình báo chí hiện nay,
báo in sẽ phải thích nghi bằng những phương thức kinh doanh, tồn tại và
phát triển thích hợp, từ việc viết thế nào cho hấp dẫn, trình bày, thiết kế, in
ấn và quản lý ra sao, rồi kết hợp với các dạng thức truyền thông khác như
thế nào,..Có thể có nhiều nguyên nhân làm cho báo in sụt giảm số lượng
phát hành, mất nhiều việc làm và gặp khó khăn hơn, ngoài sự cạnh tranh
gay gắt của các kênh truyền thông hiện đại.
Thứ nhất, xu hướng chi phối, kiểm soát ngày càng chặt chẽ của các
tập đoàn kinh tế và các thế lực chính trị đã làm cho thông tin trở lên khô


cứng và đơn điệu, vốn đã không được cập nhật bằng các kênh như phát
thanh, truyền hình, Internet với nhiều hình thức trực tuyến, đa nguồn tin.
Thứ hai là ở các nước phát triển, loại nhật báo phát không (sống nhờ
vào quảng cáo) và phát tận nhà trước khi người ta bước ra khỏi cửa nhà lúc

sáng sớm cũng ngày càng gia tăng.
Thứ ba là không ít tờ báo in tự đánh mất mình khi ngày càng đi vào
ngụy tạo sự kiện (như các cơ quan báo chí “a dua” theo chính quyền Mỹ và
Anh loan tin rằng Iraq có vũ khí giết người hàng loạt…), chuyện giật gân rẻ
tiền và gàn đây là sử dụng tự do báo chí của một số tờ báo phương Tây đã
xâm hại đến tự do tín ngưỡng của người Hồi giáo, mà ít chú tâm tới việc
phát huy thế mạnh của mình là tác động vào nhận thức lý trí, khai thác
chiều sâu sự kiện và vấn đề bằng lối viết gần gũi, hấp dẫn cũng như ít chú ý
khai thác mảng đề tài bình dân, sát thực với đời sống thường ngày của dân
cư. Và nhiều nguyên nhân khác nữa.
Nhiều tờ báo in chạy theo tin “hot” - trong khi không phải thế mạnh
của mình, bỏ rơi hoặc xem nhẹ năng lực lựa chọn và phân tích thông tin để
thuyết phục và thu phục công chúng.
3. Bài học kinh nghiệm và định hướng giải quyết những khó
khăn của báo in trong thời đại báo chí đa phương tiện
Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá
đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời
đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu
cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng
của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan
ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.


Cần khẳng định rằng, sự ra đời của báo điện tử có thể ảnh hưởng tới
số lượng phát hành báo in nhưng chưa hẳn là sẽ đẩy báo in tới bờ vực thẳm
như có người nói. Nhất là sau thời kỳ phát triển rầm rộ, nhanh chóng, đến
nay báo điện tử như đã bước vào giai đoạn bão hòa, với sự ra đời hàng trăm
tờ báo, trang tin na ná nhau. Ðây là thời điểm để báo in lấy lại đà phát triển
dựa trên những lợi thế nhất định.
Một trong những lợi thế của báo in là chất lượng thông tin được bảo

đảm. Việc kiểm duyệt, biên tập được thực hiện chặt chẽ kỹ lưỡng, khiến
các thông tin trên báo in được bảo đảm về tính chính xác, tính chính thống,
tính khách quan. Các vấn đề của đời sống, kinh tế, văn hóa,... được bàn giải
chuyên sâu, có chọn lọc với những bài chuyên luận sâu sắc. Công chúng
hiện đại với tri thức và quan niệm sống lành mạnh, có thói quen đọc báo
trên thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh (smart - phone),
ipad,... sẽ khó chấp nhận các báo điện tử mà tin bài chủ yếu là "sốc - sex sến". Ðiều đó hoàn toàn có thể làm cho uy tín của loại hình báo chí này có
nguy cơ giảm sút. Như ở Việt Nam hiện tại, sự tồn tại đôi khi khá nhập
nhèm của một số trang tin điện tử với số lượng tin - bài giật gân, câu khách,
dễ dãi và thiếu cân nhắc, khai thác lại của nhau, thậm chí khai thác và sửa
chữa theo ý mình, đã khiến nhiều bạn đọc mất niềm tin ở một số trang báo,
trang tin điện tử.
Hơn nữa, với số lượng tin - bài được cập nhật hàng giờ, nhiều trang
báo điện tử rơi vào tình trạng xuất bản ẩu. Tình trạng đua nhau đưa tin
trước, đưa tin giật gân, câu khách mà một số báo mạng và trang tin có xu
hướng chụp giật thông tin, không kiểm chứng, nội dung sai lạc. Rồi lỗi
chính tả xuất hiện rất nhiều, tiếng Việt bị méo mó, không ít bài có nội dung
nhảm nhí, xuyên tạc, đặt "tít" sai lệch hẳn so với nội dung tin - bài, chạy
theo loại tin - bài để câu view... Có thể nhận thấy điều này qua việc người
đọc bày tỏ sự khó chịu bằng các bình luận (comment) phản đối trên chính


các trang báo đó. Ðáng tiếc là tình trạng trên không mới, đã bị cảnh báo,
song xuất hiện ngày càng nhiều với những chiêu trò ngày càng đa dạng với
mục đích tăng lượng người đọc. Và chính những cách làm theo kiểu "ăn
xổi" như thế, một số trang báo, trang tin điện tử đã và đang đánh mất uy tín
trước độc giả.
Một trong những lợi thế khác không chỉ của báo điện tử mà báo in
hoàn toàn có thể tận dụng hiệu quả là đội ngũ nhà báo công dân (citizen
journalist) rộng khắp. Một thí dụ điển hình về việc sử dụng hiệu quả mạng

lưới các nhà báo công dân là hãng tin CNN. CNN là một trong những hãng
tin đầu tiên trên thế giới kêu gọi và sử dụng thông tin từ các cộng tác viên ở
khắp nơi trên thế giới. Dịch vụ iReport (dịch vụ nhận tin tức của độc giả)
của hãng này hiện có khoảng 1,3 triệu cộng tác viên, tăng sáu lần từ khi bắt
đầu vào năm 2008. Tại Việt Nam, khái niệm nhà báo công dân cũng không
còn là khái niệm mới, được hiểu nôm na là những người không nằm trong
sự quản lý của cơ quan báo chí nào nhưng lại tác nghiệp giống như một nhà
báo. Họ chính là những nguồn cung cấp thông tin đa dạng, phong phú,
thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Nếu các tòa soạn báo tin tận dụng tốt nguồn
thông tin này bằng các cách như: phản hồi nhanh chóng ngay khi nhận tin,
chọn lọc và sử dụng thông tin, chế độ đãi ngộ tốt thì chắc chắn đây sẽ là
một nguồn cung cấp thông tin hấp dẫn và chân thực.
Một trong các lợi thế khác của báo in là khổ báo được chú ý hoàn
chỉnh về khuôn khổ và hình thức sao cho phù hợp với thị hiếu của người
đọc, giúp họ dễ dàng lật, giở tìm kiếm thông tin mà không gặp trở ngại. Ðể
đáp ứng nhu cầu đó, nhiều tờ báo đã thay đổi kích cỡ tờ báo giúp người đọc
có sự thuận tiện nhất định. Báo in sẽ là lựa chọn hàng đầu, ngay cả với
những người ưa dùng các thiết bị công nghệ cao khi họ cần đọc để thư giãn
sau nhiều giờ làm việc, đọc trên máy tính. Nhiều người đọc vẫn thừa nhận
rằng, đọc báo in thấy thoải mái và được thư giãn hơn khi đọc tin trên các


trang điện tử vì không mang đến cảm giác nhức mắt hay mệt mỏi. Bên cạnh
đó, hiện nay nhiều tờ báo in còn chú trọng đổi mới cách thức trình bày, sinh
động, đẹp mắt. Các bài báo không chỉ có phần chữ viết (text) mà nội dung
còn được thể hiện qua nhiều hình thức khác như: biểu đồ, lược đồ, tranh,
ảnh, box thông tin sao cho phù hợp cách đọc, cách tiếp nhận của nhiều đối
tượng công chúng... Hơn nữa, báo in còn có nhóm độc giả trung thành là
lớp người lớn tuổi. Ngay cả khi "người người đọc báo mạng, nhà nhà lướt
web đọc tin" thì nhóm độc giả này vẫn say sưa tìm đọc báo in như một

phần không thể thiếu trong các công việc thường ngày của họ.


KẾT LUẬN
Mặc dù phải đối diện với những vấn đề phát sinh từ những hạn chế
của mình trong thời đại báo chí – truyền thông đa phương tiện, báo in vẫn
là trục chính của các phương tiện truyền thông đại chúng, mà quanh nó, các
loại hình báo chí - truyền thông khác phát triển. Với những ưu thế riêng,
báo in vẫn còn "đất để sống" nếu mỗi tòa soạn có định hướng phát triển
đúng đắn và phù hợp công chúng của mình. Ðó có lẽ là lý do giải thích cho
việc vào thời kỳ báo in dường như không tìm được lối thoát thì ông trùm
truyền thông Rupert Murdoch vẫn tin tưởng rằng "báo in sẽ vươn tới những
đỉnh cao mới trong thế kỷ 21" và theo ông, những ai cho rằng báo in đang
dần bị giết chết là "những người thiếu suy nghĩ". Tất nhiên, ngành báo in
thế giới cũng như Việt Nam còn nhiều việc phải làm nhưng với những thế
mạnh hiện có cộng thêm các đổi mới phù hợp, hoàn toàn có thể tin tưởng ở
một bước phát triển mới của báo in trong thời đại mới. Tiểu luận đã vận
dụng các kiến thức lý luận cơ bản của báo chí và truyền thông đại chúng để
chỉ ra các hạn chế, tồn tại của các báo in và đề xuât các giải pháp, kiến nghị
nhằm tăng hiệu quả công tác truyền thông. Tuy nhiên do thời gian nghiên
cứu ngắn và trình độ hiểu biết của cá nhân còn hạn chế, nội dung nghiên
cứu còn nhiều thiếu sót mong thầy cô và các bạn có những ý kiến đóng góp
để tiểu luận được hoàn thiện hơn.
Xin trân thành cảm ơn!
Người viết tiểu luận


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình: Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản
Tác giả: PGS, TS Nguyễn Văn Dững và PGS, TS Đỗ Thị Thu

Hằng. Nhà xuất bản Sự thật, 2012.
2. Giáo trình: Cơ sở lý luận báo chí
Tác giả: PGS,TS Nguyễn Văn Dững. Nhà xuất bản Lao Động,
2013.
3. Báo chí – những điểm nhìn từ thực tiễn.
Tác giả: PGS, TS Nguyễn Văn Dững (Chủ biên). H - Văn hóa Thông
tin. Tập I, 2000; Tập II, 2001.
4. Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945,
Tác giả: Đỗ Quang Hưng (Chủ biên), Nguyễn Thành Dương, Dương
Trung Quốc, Nhà xuất bản quốc gia Hà Nội, 2000
5. Báo chí và truyền thông hiện đại,
Tác giả: PGS, TS Nguyễn Văn Dững., Nhà xuất bản quốc gia Hà Nội,
2011
6. Báo Nhân dân
7. Báo Quân đội nhân dân
8. TTXVN



×