NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CẠNH TRANH VÀ NĂNG LỰC CẠNH
TRANH CỦA CTCK
1.1. KHÁI NIỆM SỰ CẠNH TRANH
Cạnh tranh là sự so sánh, đối chứng sức mạnh cơ bản giữa các doanh nghiệp,
những đe dọa, thách thức hoặc cơ hội của doanh nghiệp chủ yếu có được từ quá
trình đối kháng của sức mạnh này. Cạnh tranh diễn ra trên nhiều phương diện:
thương hiệu, chất lượng, mẫu mã, giá cả.
Theo C.Mark: “Cạnh tranh là sự ganh đua, sự đấu tranh gay gắt giữa các cá
nhân nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa
để thu được lợi nhuận siêu ngạch”.
“Cùng ngành nghề chứ không cùng lợi nhuận, cạnh tranh là tất yếu của
thương trường”.
Năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp xét theo nghĩa rộng là bất cứ khả
năng nào giúp cho doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển hay ít nhất là giữ nguyên
được vị trí của mình trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Xét theo nghĩa hẹp
đó là khả năng giúp doanh nghiệp có thể tồn tại, duy trì hay tăng thị phần, lôi kéo
khách hàng trên thị trường bằng sản phẩm dịch vụ để gia tăng giá trị tài sản, thị
phần, doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
CTCK là một định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực đặc thù có sản phẩm là
các dịch vụ tài chính, dịch vụ KDCK. Do đó, cạnh tranh giữa các CTCK cũng không là
ngoại lệ vẫn là cạnh tranh bằng giá trị gia tăng nhưng có phần khốc liệt hơn so với
cạnh tranh trong các lĩnh vực khác. Tuy hoạt động trong lĩnh vực có đặc thù riêng
nhưng lợi thế cạnh tranh của các CTCK cũng giống các doanh nghiệp hoạt động
trong các lĩnh vực khác, đều phải được thể hiện trên các khía cạnh: chất lượng sản
phẩm (dịch vụ) cung cấp, giá cả (mức phí), thương hiệu, khả năng đón đầu trào lưu
thị trường.
Theo em, năng lực cạnh tranh của CTCK chính là khả năng tạo ra, duy trì, phát
triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất so với đối thủ cạnh tranh nhằm tìm
kiếm lợi nhuận siêu ngạch.
1.2 SỰ CẦN THIẾT NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CTCK.
Cạnh tranh có vai trò quan trọng trong nền sản xuất hàng hoá nói riêng và
trong lĩnh vực kinh tế nói chung, là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần
vào sự phát triển kinh tế. Cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là cho người
tiêu dùng. Người sản xuất phải tìm mọi cách để làm ra sản phẩm có chất lượng hơn,
đẹp hơn, có chi phí sản xuất rẻ hơn, có tỷ lệ tri thức khoa học, công nghệ trong đó cao
hơn... để đáp ứng với thị hiếu của người tiêu dùng. Cạnh tranh làm cho người sản
xuất năng động, nhạy bén, nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, thường
xuyên cải tiến kỹ thuật, áp dụng những tiến bộ, các nghiên cứu thành công mới nhất
vào trong sản xuất, hoàn thiện cách thức tổ chức trong sản xuất, trong quản lý sản
xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp chính là cạnh tranh về giá trị gia tăng. Để
tạo ra được một lợi thế so với các tổ chức cung ứng dịch vụ chứng khoán khác nhau
thì điều quan trọng là: Phải tạo ra giá trị vượt trội đối với các dịch vụ chứng khoán
mà doanh nghiệp cung ứng cho khách hàng. Ưu thế vượt trội đó được thể hiện qua
việc cạnh tranh về các lĩnh vực: Chất lượng sản phẩm, giá cả, thương hiệu và thời
gian như trong bất kỳ ngành nào. Tuy nhiên, trong ngành dịch vụ KDCK, các lĩnh vực
chất lượng trên lại được quyết định cơ bản bởi mức ứng dụng công nghệ thông tin
và trình độ chuyên môn của đội ngũ hành nghề.
+ Công nghệ thông tin.
Chính công nghệ thông tin đã làm thay đổi một số mặt chủ yếu của dịch vụ tài
chính, chứng khoán, đó là: Cách thức mà dịch vụ này được tạo ra, đựợc cung ứng,
được làm giá, được đón nhận và sử dụng. Mối quan hệ giữa người sử dụng dịch vụ
và người cung ứng dịch vụ cũng thay đổi. Và điều này đã làm tăng lên nhanh chóng
sự đa dạng và phức tạp của dịch vụ. Việc áp dụng CNTT và viễn thông đã làm giảm
chi phí, giảm rủi ro, tạo điều kiện cho người có vốn và người cần vốn có điều kiện
giao dịch trực tiếp với nhau. Kết quả là áp lực cạnh tranh trong ngành trở nên lớn
hơn bao giờ hết, khiến cho các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính phải không ngừng
ứng dụng các công nghệ mới - đó là vì mục đích sống còn trong cạnh tranh.
- Về mặt chất lượng dịch vụ: Để tạo ra sự vượt trội trong chất lượng dịch vụ
cung ứng cho khách hàng, CNTT hiện đại được ứng dụng để nâng cấp các dịch vụ
hiện tại, cũng như thực hiện cung ứng các dịch vụ mới làm cho các dịch vụ này hiện
diện trước khách hàng theo những cách mới.
- Về mặt không gian và thời gian: Các nhà cung ứng dịch vụ tài chính đã và
đang sử dụng công nghệ viễn thông để vượt qua một số hạn chế về địa lý và tính kịp
thời trong việc công bố thông tin, giúp nhà đầu tư xử lý thông tin và đưa ra các quyết
định đầu tư kịp thời. Điều này cũng làm tăng tính minh bạch và sự công bằng trong
xử lý thông tin đến người sử dụng dịch vụ.
- Về giá cả: Việc áp dụng CNTT trong khu vực dịch vụ tài chính cho phép các
doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng lực phân phối, năng lực phục vụ khách
hàng, trong khi đó chất lượng dịch vụ vẫn đảm bảo ở mức tối ưu.
Như vậy, rõ ràng ứng dụng CNTT mang lại nhiều sự vượt trội về mọi mặt cho
doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tài chính và chứng khoán. Sự phát triển và đổi mới
CNTT là một quá trình tiếp diễn không ngừng, do đó để không bị tụt hậu so với đối
thủ cạnh tranh thì các doanh nghiệp phải luôn bắt kịp tiến trình này - tiến trình
mang tên cạnh tranh về công nghệ viễn thông và xử lý thông tin trong ngành tài
chính.
+ Trình độ chuyên môn.
Nếu như tất cả các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tài chính và chứng khoán
đều có thể tiếp cận và áp dụng công nghệ mới như nhau tạo ra sự khác biệt với dịch
vụ của doanh nghiệp khác cùng hoạt động trong ngành thì yếu tố con người lại trở
thành yếu tố có tính chất quyết định. Thực tế là máy móc chỉ hỗ trợ con người chứ
không thể thay thế cho con người và trong trường hợp nào cũng vậy. Đặc biệt đối với
hoạt động KDCK là hoạt động kinh doanh đặc thù đòi hỏi đội ngũ nhân viên hành
nghề phải có trình độ chuyên môn cao, khả năng phân tích nhạy bén để có thể đưa ra
các quyết định đầu tư đúng đắn và kịp thời.
1.3 Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của CTCK.
1.3.1 Các chỉ tiêu định tính.
Các chỉ tiêu định tính đóng vai trò rất quan trọng trong việc xem xét, đánh giá
năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung và CTCK nói riêng. Đặc biệt,
những ngành kinh doanh đòi hỏi hàm lượng chất xám cao như các dịch vụ KDCK thì
chỉ tiêu này lại càng quan trọng. Các chỉ tiêu định tính bao gồm:
+ Chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị.
Năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực thể hiện ở: Trình độ đào tạo, trình độ
thành thạo nghiệp vụ chuyên môn, động cơ phấn đấu, mức độ cam kết gắn bó với
công ty. Một đội ngũ nhân viên có năng lực chuyên môn giỏi sẽ là tài sản vô hình của
công ty, nói lên tiềm năng sức mạnh, năng lực cạnh tranh của công ty đó.
Năng lực quản lý phản ánh năng lực điều hành của ban lãnh đạo CTCK. Năng
lực quản lý thể hiện ở mức độ chi phối và khả năng giám sát của ban lãnh đạo, mục
tiêu, động cơ, mức độ cam kết của ban lãnh đạo đối với việc duy trì và nâng cao năng
lực cạnh tranh của CTCK. Một ban lãnh đạo tốt sẽ có khả năng đưa ra những chính
sách, chiến lược hợp lý, thích ứng với những thay đổi của thị trường, sẽ tạo điều kiện
cho việc giảm thời gian và chi phí cho mỗi giao dịch đồng thời góp phần giảm thiểu
rủi ro cho các hoạt động kinh doanh từ đó nâng cao được tính cạnh tranh.
+ Chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Chất lượng sản phẩm dịch vụ là kết tinh những ưu thế của công ty, thể hiện qua
phương thức phục vụ và những tiện ích của sản phẩm dịch vụ đó. Chất lượng sản
phẩm nói lên tính chuyên nghiệp và văn hóa kinh doanh của công ty, qua đó sẽ thu
hút khách hàng và tạo được khách hàng tiềm năng cho công ty. Tiện ích, chi phí thấp
chính là lý do hấp dẫn khách hàng, tạo ra được sự khác biệt và tính ưu việt của sản
phẩm dịch vụ. Một sản phẩm chứa đựng những ý tưởng sáng tạo, độc đáo sẽ giúp
công ty không ngừng gia tăng thị phần, tạo nét đặc trưng của sản phẩm dịch vụ.
Trên cơ sở đó khẳng định năng lực cạnh tranh của công ty so với các công ty khác.
+ Thương hiệu, uy tín của công ty.