Thế giới bằng phẳng: Bí mật bằng 0
Nguồn: abviet.com
Blog bàn luận về những sự kiện lớn cần mang tính xây dựng và chuyên nghiệp để
giúp người đọc phổ thông hiểu đúng về sự kiện. Không nên nghĩ “ném đá” vào thế
giới ảo mà không ai “nhìn” thấy.
Truyền thông trong thế giới phẳng
Internet giúp cho Barack Obama lên làm Tổng thống Mỹ. Nhưng có những
email, blog hay dữ liệu trong máy tính cá nhân có thể làm tan nát một sự
nghiệp. Nhiều người mắc vào vòng lao lý mới chợt ước rằng, giá như trái đất
này đừng kết nối Internet.
Theo Thomas Friedman, toàn cầu hóa hiện nay đã sang version 3.0. Phiên
bản 1.0 từ năm 1492, khi Columbus tìm ra châu Mỹ, trái đất hình cầu, kéo
dài đến năm 1800. Version 2.0 kéo dài đến năm 2000 khi thế giới phẳng hơn,
bé hơn với WWW, bắt đầu hội nhập với các công ty đa quốc gia.
Friedman cho rằng, thế giới version 3.0 là phẳng lỳ và bé tý. Internet đã kết
nối các quốc gia lại gần nhau. Người bên kia bán cầu tại Mỹ “ngồi” cạnh một
đồng nghiệp đang ở Hà Nội. Khoảng cách địa lý không còn. Vì “gần” như thế
nên mọi câu chuyện của hai người có thể được bên thứ ba “nghe lỏm”. Thế
giới này không còn gì bí mật tuyệt đối.
Mấy tháng trước, trên chương trình Discovery giới thiệu phim tài liệu về tầu
ngầm Mỹ theo sát tầu ngầm Liên Xô cũ cách đây mấy chục năm. Họ ghi được
cả tín hiệu bồn nước vệ sinh dội ào ào bên đối phương.
Thời gian trước, có tin tàu ngầm Trung Quốc đụng máy định vị âm thanh của
khu trục hạm Mỹ gần bờ biển Philippines. Phía Trung Quốc nói chiếc tàu Mỹ
"có vẻ như không nhận biết được tàu ngầm". Đương nhiên, câu chuyện trong
thực tế thực hư thế nào, ai biết ai làm gì, chỉ có đô đốc của hai tầu này biết.
Tầu chiến đã thế thì thế giới mạng máy tình còn nguy hiểm hơn nhiều. Khi đã
kết nối PC vào mạng Internet trong thế giới số hóa, từng byte trên máy tính
cá nhân sẽ bị một người vô hình copy sang máy chủ đặt bên kia trái đất vào
bất kỳ lúc nào. Hiểu điều đó sẽ biết hành xử với thế giới ảo.
Thế giới có hàng trăm triệu blog, Việt nam ta cũng đóng góp vài triệu. Ai đó
nghĩ rằng cứ dùng blog có server ở nước ngoài là an toàn, viết bậy bạ không
ai bắt được. Rồi dùng những tên “Người đưa tin”, “Không đồng ý”, “Thế thôi
mà” khó ai mà tìm được.
Đó là sai lầm của cư dân mạng, ảo lại rất thật. Mỗi máy tính có một địa chỉ IP
tương đương như số nhà của bạn. Cho dù tên ảo Yahoo hay Gmail thì cái IP
kia luôn chỉ cho người quản trị mạng là máy tính của bạn đang ở chỗ nào
trên trái đất này. Không có cách nào giấu được IP. “Tên tuổi” của bạn sẽ hiện
ra trước mặt. Hoặc một gateway ở cổng Internet quốc gia cũng đủ xem những
thông tin ra vào biên giới.
Mỗi chủ blog có thể liệt kê toàn bộ các IP thuộc về các nhà “bình luận”. Vì
thế, không ai có thể che mắt được những nhà tin học gạo cội. Bao nhiêu
hacker bị bắt chỉ vì IP bị truy ra từ gốc. Không ít người chống đối nhà nước,
dù bên Mỹ, Nga, Trung Quốc hay tại Việt Nam, bị đưa ra ánh sáng vì dùng
máy tính trao đổi thông tin.
Viết gì cho bằng với "mặt phẳng"
Nhiều blog có các bài viết khá sâu sắc, tìm cách đóng góp thật sự cho sự phát
triển. Có thể còn điều ngang trái trong đời gây bức xúc trong cộng đồng net,
nhưng góp ý là muốn người đọc bị thuyết phục. Thông thường blog để chia sẻ
trong bạn bè, người quen từ vài chục đến vài trăm. Những blog nổi tiếng có
hàng vạn bạn đọc, thậm chí có cả các vị lãnh đạo cao cấp thích đọc blog vì
thật ra nhật ký là người.
Tuy nhiên, có blog buôn dưa lê chính trị khá nhạy cảm, kể cả tình dục rẻ tiền,
cốt làm sao có nhiều người đọc và "comment" (bình luận). Càng nhiều "hit"
càng tốt để tự hào khoe bạn. Đôi khi họ vào đây xả stress, chửi bới vô tội vạ,
thiếu tính xây dựng. Có người còn chửi tục, rất vô văn hóa.
Viết lên báo sẽ được biên tập và cắt gọt. Blog do mình tự viết, tự biên tập và
tự công bố. Nhưng hy vọng mình không chịu trách nhiệm với nội dung blog
thì có thể bạn đã "bé cái nhầm".
Mỗi quốc gia có kỷ cương riêng, có vạch giới hạn, nhập gia tùy tục, dù là Mỹ,
Myanmar, Anh hay Việt Nam. Trong ngày nhậm chức (20/1/2009) của
Obama vẫn có người mang khẩu hiệu “Bắt giam Bush” đi khắp quảng
trường National Mall. Anh ta thử bắt thật xem, chắc chắn sẽ bị cảnh sát tóm
cổ.
Vì thế, các entry và comment trên blog bàn luận về những sự kiện lớn cần
mang tính xây dựng và chuyên nghiệp để giúp người đọc phổ thông hiểu đúng
về sự kiện. Không nên nghĩ “ném đá” vào thế giới ảo mà không ai “nhìn”
thấy.
Ngồi rỗi đọc lại blog của mình bỗng nhớ cuốn sách Thomas Friedman và thế
giới hôm nay. Rồi tự hỏi mình, trước mỗi sự kiện lớn và thú vị, nên suy nghĩ
và viết entry thế nào cho bằng với "mặt phẳng" này.
Biết đâu, những điều đang viết trong entry này đã được một bạn “ảo” nào đó
copy về blog của họ trong khi tôi chưa hề publish (công bố). Login vào máy
tính là bạn đã tham gia vào thế giới Friedman, phẳng, nhỏ bé, minh bạch,
không còn chỗ nào bí mật. Việc làm đúng sai được những byte bít hiện lên
trước mắt nhân loại.
Tôi thường tự hỏi, viết như thế này đã là quá giới hạn chưa đây?