Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Lạm phát tiền tệ hay lạm phát giá cả

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (94.24 KB, 4 trang )

LẠM PHÁT TIỀN TỆ HAY LẠM PHÁT GIÁ CẢ?
(Vnbourse) Tạp chí Kinh tế và Dự báo số tháng 11 năm 2005 có
đăng kiến giải của tác giả Nguyễn Xuân Kinh qua bài viết “Lạm
phát tiền tệ hay lạm phát giá cả?”. Theo đó (quan điểm của tác
giả Xuân Kinh), cả về mặt học thuật cũng như thực tế, trước nay,
vẫn còn 3 sai lầm trong nhận thức và vận hành chính sách kinh tế
vĩ mô nhằm kiềm chế lạm phát. Dưới đây, Trưởng ban biên tập
Vnbourse xin có một vài ý kiến trao đổi với ông Nguyễn Xuân
Kinh xung quanh 3 “sai lầm” mà ông đã chỉ ra và một số vấn đề
khác có liên quan.
Ngay ở những lời dẫn giải, ông Xuân Kinh cho rằng: “Các nước cũng có hoàn cảnh bị cúm
gia cầm như ta, lại tiêu thụ xăng nhiều hơn như Trung Quốc (chiếm 7,2% mức tiêu thụ
xăng của thế giới) nhưng chỉ số giá cả cũng chỉ có 2,5%”. Đọc đến đây, e rằng người viết
đã quá chủ quan khi áp nguyên lý kinh tế học vào thực tế.
Chúng ta đều biết rằng, khi nghiên cứu ảnh hưởng của một nhân tố nào đó tới tổng thể, thì
cần giả định các nhân tố khác không đổi. Nhưng, trong một nền kinh tế hiện thực, sự vận
động của nó chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố, và mỗi nhân tố lại chịu ảnh hưởng của
rất nhiều yếu tố khác; chưa kể trong trường hợp này, có đến ... hai “nền kinh tế hiện thực”
(Việt Nam và Trung Quốc) với nhiều nét rất khác nhau. Đó là logic cho thực tế rằng: dù
các tri thức được trang bị là tương tự nhau, nhưng vẫn có nền kinh tế phát triển, đang phát
triển, hay kém phát triển - tuỳ thuộc vào sự vận dụng linh hoạt của nhà quản lý (chủ quan)
và các đặc điểm riêng biệt có tính ổn định của tự thân nền kinh tế đó (khách quan).
Vậy nên, chỉ số giá cả của Việt Nam cũng như Trung Quốc không chỉ phụ thuộc vào hậu
quả của dịch cúm gia cầm và “nhu cầu tiêu thụ xăng” như ông Xuân Kinh đã nêu. Bản thân
“nhu cầu tiêu thụ xăng” chưa chắc đã là nguyên nhân rõ ràng tác động tới mức giá cả
chung, vì cần phải đặt nó trong tương quan với nguồn cung ứng và phân phối. Bên cạnh
đó, hai nhân tố này có tác động tới “lạm phát giá cả” (chữ dùng của tác giả Xuân Kinh) của
hai nước với cùng tỉ tệ hay không, cũng là điều mà tác giả chưa làm rõ.
Nhưng tác giả Xuân Kinh không cho rằng có lạm phát giá cả, mà chỉ có lạm phát tiền tệ.
Ông viết: “Thấy rõ sai lầm không thể bào chữa (?) của trường phái lạm phát giá cả, chúng
ta cần loại bỏ ngay chỉ số giá đồng nhất tăng giá với lạm phát (9,4% năm 2004) bằng cách


các nước đã làm là loại bỏ giá dầu lửa và giá các nông sản nhạy cảm với thiên tai ra khỏi
chỉ số giá để chỉ số giá phản ánh chính xác hơn mức độ lạm phát tiền tệ.” Hãy cùng xem
xét những “sai lầm không thể bào chữa” ấy.
1. “Sai lầm cho rằng có cả lạm phát vàng”(?)
Theo chúng tôi, sai lầm nằm ngay ở quan niệm của tác giả khi cố gán cái vai trò phương
tiện lưu thông với tư cách tiền tệ cho vàng. Ông Kinh viết rằng: “Với định nghĩa “lạm phát
biểu hiện mức giá cả chung tăng lên”, trường phái “lạm phát giá cả” đã suy luận ra là có cả
lạm phát vàng khi giá cả chung tăng lên trong một quốc gia đang tiêu tiền vàng”; và ông
không thừa nhận có lạm phát vàng.
Nếu phải đặt nghi vấn, thì ông Xuân Kinh sẽ trả lời sao khi được hỏi: “Còn bao nhiêu quốc
gia trên thế giới hiện nay tiêu tiền vàng?”. Cần nhìn nhận vàng trong giai đoạn hiện nay
với nhiều phương diện. Đương nhiên, như vai trò ngàn xưa của nó, vàng là một thứ đồ
trang sức, nên nó là hàng hoá, và chịu tác động của quy luật cung cầu. Đó là chưa nói đến
nhu cầu sử dụng vàng với tư cách là một thứ nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho nhiều
ngành công nghiệp. Khi đó, sẽ dễ chịu hơn để chấp nhận, vàng cũng có thể có tác động vào
mức giá cả chung, hay thường gọi là lạm phát.
Dưới góc độ tiền tệ, vàng ngày nay là phương tiện dự trữ, nằm trong các kho vàng của các
ngân hàng trung ương. Trên thị trường ngoại hối, vàng vẫn được giao dịch như khi người
ta giao dịch các loại ngoại tệ, bởi ngoại hối là khái niệm mà nội hàm của nó bao gồm cả
ngoại tệ, các giấy tờ có giá ghi bằng ngoại tệ, kim loại quý (có vàng), đá quý. Như vậy, nếu
theo quan điểm hiện đại, vàng cũng là tiền, và lạm phát vàng không còn là nỗi lo của riêng
“trường phái lạm phát giá cả” nữa, vì nó đang nằm trong giới hạn của lạm phát tiền tệ.
Từ giác độ dân sinh, nên nhìn nhận vàng như một loại tài sản dự trữ thì phù hợp hơn. Thời
gian gần đây, vàng liên tục tăng giá đến mức chóng mặt, hiển nhiên, người nắm giữ vàng
sẽ có lợi. Điều này cũng không nằm ngoài quy luật về lạm phát: sự phân phối lại giữa
người nắm hàng và người nắm tiền, mà theo đó, người nắm hàng trong tay sẽ có lợi hơn.
2- “Sai lầm khi suy luận ra loại lạm phát cầu kéo”(?)
Chúng tôi không được rõ, liệu tác giả cho là cách suy luận ra loại lạm phát cầu kéo là sai
lầm, hay quan điểm cho rằng có lạm phát cầu kéo cũng là sai lầm(?).
Tác giả Xuân Kinh cho rằng: “Tổng cung < tổng cầu là hiện tượng mất cân đối về kinh tế,

nhưng Samuelson lại nhầm lẫn với hiện tượng tiền tệ: cung tiền tệ > cầu tiền tệ dẫn đến
lạm phát.” Xin thưa! Nếu cung tiền tệ lớn hơn cầu tiền mà không dẫn đến lạm phát, thì
người nhầm lẫn chính là là tác giả. Lý luận về tiền tệ hiện đại khẳng định, việc Ngân hàng
trung ương (NHTW) thực thi chính sách tiền tệ mở rộng là khi cả lượng tiền cơ sở và
lượng tiền cung ứng đều gia tăng. Nguyên nhân là hệ thống ngân hàng thương mại
(NHTM) gia tăng tín dụng (mở rộng cho vay) khiến nhu cầu chi tiêu của chính phủ, doanh
nghiệp, hộ gia đình cũng tăng, giá cả tăng.
Trong khi đó, chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình là 3 tác nhân cơ bản của tổng cầu (AD
= C + I + G + X – IM). Sự gia tăng chi tiêu của các thành tố này tất yếu đẩy tổng cầu gia
tăng. Đó không phải là lạm phát cầu kéo?
“Phương thuốc đặc trị” cho lạm phát nói chung vẫn làm đau đầu các nhà kinh tế từ trăm
năm qua, chưa nói gì đến phương thuốc cho lạm phát cầu kéo. Ông Xuân Kinh viết: “Khi
nêu loại lạm phát cầu kéo, Samuelson không nghiên cứu ra được phương thuốc đặc trị cho
loại “lạm phát” này và yên chí khi gọi nó là lạm phát là có thể dùng các công cụ của chính
sách tiền tệ như nghiệp vụ thị trường mở, nâng lãi suất ... để chữa cho loại lạm phát này.”
Ở đây, sự gia tăng tổng cầu có nguyên nhân từ tiền tệ, mà sâu xa là từ chính sách tiền tệ
mở rộng. Do vậy, việc sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ để “chữa” tận gốc của “căn
bệnh” thì đâu có gì là khó hiểu, Samuelson đã “kê đơn” hợp lý.
Ông Kinh cũng có vẻ không hài lòng lắm về cách dùng công cụ nghiệp vụ thị trường mở,
nâng lãi suất để giảm cầu, vì sẽ hạ lương, tăng thuế, giảm phúc lợi công cộng. Như đã nói
ở trên, một giải pháp tối ưu cho kiềm chế lạm phát là điều không thể (chưa thể). Cuộc
chiến chống lạm phát luôn đòi hỏi sự đánh đổi, không cứ gì nền kinh tế đang phát triển hay
phát triển tiên tiến, phải chấp nhận.
(Vnbourse) Như vậy, việc dùng “bài thuốc chữa lạm phát tiền tệ” trong tình huống
này là hợp lý, cả về lý luận cũng như thực tiễn. Như ta đã biết, việc tác động vào tăng
trưởng tiền tệ thường có độ trễ nhất định, và cách hành xử của người Mỹ vào các
năm 1974 và 1980 là đúng, khi sau đó, lạm phát giảm nhanh (vẫn theo F. Mishkin,
hình 28.7 . Lạm phát và tăng trưởng tiền tệ: 1960 – 1990)
3- “Sai lầm về lạm phát chi phí đẩy”(?)
Ông Kinh cho rằng, Samuelson đã nhầm lẫn trong việc sử dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ,

khống chế dư nợ, nâng lãi suất... vốn là bài thuốc chữa lạm phát tiền tệ, sang chữa cho lạm
phát chi phí đẩy tại Mỹ thời kỳ 1973 – 1982. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn
kiến giải của của giáo sư F. Mishkin trong cuốn “The Economics of Money, Banking, and
Financial Markets” về lạm phát giai đoạn này (bản dịch của Nguyễn Quang Cư & PTS.
Nguyễn Đức Dỵ - NXB Khoa học và Kỹ thuật 2001).
“Kết luận rằng lạm phát là một hiện tượng tiền tệ được khá nhiều người ủng hộ trong thời
kỳ từ 1960 đến 1980. Trong thời kỳ này có một sự tương quan chặt chẽ giữa những chuyển
động trong tỷ lệ lạm phát với tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ từ hai năm trước...Việc lạm phát tăng
từ năm 1960 đến 1980 có thể quy cho là do tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ tăng lên trong thời gian
đó; nhưng chắc bạn cũng nhận thấy rằng trong năm 1974 – 1975 và 1979 – 1980 tỷ lệ lạm
phát cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ từ hai năm trước...việc tỷ lệ lạm phát bùng tăng lên
tạm thời trong những năm đó có thể được cho là do những cú sốc cung ứng của giá dầu mỏ
và giá lương thực tăng trong những năm 1973 – 1975 và 1978 – 1980.” (trang 818 – 819)
Như vậy, việc dùng “bài thuốc chữa lạm phát tiền tệ” trong tình huống này là hợp lý, cả về
lý luận cũng như thực tiễn. Như ta đã biết, việc tác động vào tăng trưởng tiền tệ thường có
độ trễ nhất định, và cách hành xử của người Mỹ vào các năm 1974 và 1980 là đúng, khi
sau đó, lạm phát giảm nhanh (vẫn theo F. Mishkin, hình 28.7 . Lạm phát và tăng trưởng
tiền tệ: 1960 – 1990). Còn việc tác giả Xuân Kinh dẫn ra những số liệu cho thấy tác động
ngược chiều của biện pháp kiềm chế lạm phát là điều gần như ai cũng thấy trước.
Quan điểm cho là giá dầu và giá lương thực là tác nhân gây lạm phát cũng không loại trừ
(dẫn lời F. Mishkin ở trên). Việc lạm phát gia tăng đột biến trong giai đoạn đó có thể xuất
phát từ cả nguyên nhân giá cả và nguyên nhân tiền tệ, và như vậy, Samuelson có cho là lạm
phát chi phí đẩy cũng không sai, và cách chống lạm phát vẫn hiệu quả.
4- Trách nhiệm của ai?
Sau khi đã vạch ra những “sai lầm” của trường phái “lạm phát giá cả”, ông Xuân Kinh đề
xuất rằng, “loại bỏ giá dầu lửa và giá các nông sản nhạy cảm với thiên tai ra khỏi chỉ số giá
để chỉ số giá phản ánh chính xác hơn mức độ lạm phát tiền tệ”.
Như phân tích ở trên, lạm phát không thể chỉ bao gồm nguyên nhân tiền tệ. Nó còn bao
gồm các nguyên nhân xuất phát từ thị trường hàng hoá. Do vậy, không có cơ sở để khẳng
định chỉ số giá chỉ phản ánh mức độ lạm phát tiền tệ. Về việc loại bỏ giá dầu và giá nông

sản khỏi chỉ số giá như các nước khác đã làm (ông Kinh không dẫn ra nước nào), xin mạo
muội luận giải cùng tác giả: nếu như một số nước nào đó có thể tự chủ được nguồn cung
dầu (tự chế xuất từ dầu thô, kho dầu dự trữ), và trong cơ cấu tiêu dùng, lương thực thực
phẩm không chiếm tỉ lệ lớn, thì loại bỏ hai mặt hàng này khỏi danh mục tính chỉ số giá là
có thể. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn ngược lại trong điều kiện Việt Nam.
Về trách nhiệm đối phó với lạm phát, tác giả Xuân Kinh nói: “Cần loại bỏ “lạm phát giá
cả” ra khỏi đời sống kinh tế để khỏi choàng cho Bộ Tài chính trách nhiệm can thiệp vào
cung - cầu của nền kinh tế trong nước và thế giới, trái với quy luật thị trường và chống cả
thiên tai”. Nếu từ giác độ quản lý tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), điều này là mâu thuẫn,
bởi trước nay, NHNN chỉ thừa nhận, tiền tệ là một trong những yếu tố tác động tới lạm
phát, chứ không phải là khởi nguồn của lạm phát, và vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thận
trọng, linh hoạt.
Chúng ta đều biết, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị
trường, và do đó, chúng ta chịu khá nhiều thua thiệt trên ứng xử quốc tế. Chúng tôi đồng ý
với quan điểm cho rằng, lạm phát tại Việt Nam trong thời gian qua, có nguyên nhân từ cả
phía tiền tệ và phía phi tiền tệ. Bởi vậy, đối phó và giải quyết hậu quả của lạm phát đòi hỏi
có sự phối hợp của nhiều bộ ngành, để có được giải pháp tổng thể. Can thiệp là hành vi trái
quy luật thị trường, nhưng khi nó nhằm đảm bảo cho sự ổn định của nền kinh tế, thì can
thiệp đó là cần thiết.
Lý Tú Toàn

×