Cái nhìn sâu sắc hơn về Giả thuyết Thị trường Hiệu quả
Nhìn thoáng qua, Giả thuyết Thị trường Hiệu Quả - lần đầu tiên được Eugene
Fama đưa ra vào những năm 1970 thế kỉ trước - có vẻ có vô số thiếu sót. Tuy
nhiên, nó đồng thời có một mối liên hệ hết sức quan trọng với môi trường đầu tư
hiện đại mà tất cả các nhà đầu tư nên nắm rõ trước khi tham gia thị trường.
Một trong những đề tài tranh luận nóng bỏng nhất giữa các nhà đầu tư trên thị
trường chứng khoán là liệu thị trường có hiệu quả hay không - có nghĩa là liệu nó
có phản ánh đầy đủ tất cả mọi thông tin sẵn có đối với các thành viên của thị
trường vào bất kì thời điểm nào hay không? Giả thuyết Thị trường Hiệu quả
(EMH) cho rằng tất cả mọi cổ phiếu đều được định giá một cách hoàn hảo theo
những tài sản ẩn chứa sau cổ phiếu, theo những kiến thức và nguồn thông tin mà
tất cả các thành viên của thị trường đều có phần sở hữu bằng nhau. Nhìn thoáng
qua, Giả thuyết Thị trường Hiệu Quả - lần đầu tiên được Eugene Fama đưa ra vào
những năm 1970 thế kỉ trước - có vẻ có vô số thiếu sót. Tuy nhiên, nó đồng thời có
một mối liên hệ hết sức quan trọng với môi trường đầu tư hiện đại mà tất cả các
nhà đầu tư nên nắm rõ trước khi tham gia thị trường.
Nguyên lý EMH và những bất cập
Đầu tiên, EMH giả định rằng tất cả các nhà đầu tư đều nhận thức tất cả các thông
tin sẵn có trên thị trường theo cách thức y hệt nhau. Tuy nhiên, hằng hà sa số các
phương pháp phân tích và đánh giá cổ phiếu khác nhau đã đặt ra một loạt dấu
chấm hỏi cho tính đúng đắn trong giả định của EMH. Nếu một nhà đầu tư tìm
kiếm các cơ hội đầu tư đang bị định giá thấp hơn thực chất trong khi một nhà đầu
tư khác đánh giá một cổ phiếu dựa trên tiềm năng tăng trưởng của nó, thì chắc
chắn rằng hai nhà đầu tư này sẽ đi đến hai kết luận hoàn toàn khác nhau về giá trị
thị trường công bằng của một cổ phiếu. Vì thế nên, một lập luận phản đối EMH
chỉ ra rằng, vì các nhà đầu tư đánh giá cổ phiếu rất khác nhau nên việc chắc chắn
xem một cổ phiếu sẽ đáng giá như thế nào trong một thị trường hiệu quả là điều
không thể.
Hai là, theo Giả thuyết Thị trường Hiệu quả, không một nhà đầu tư đơn lẻ nào có
thể giành được lợi nhuận cao hơn một người khác với cùng số tiền đầu tư: sự sở
hữu cân bằng nhau về thông tin của họ đồng nghĩa với việc họ chỉ có thể thu về
những khoản lời y hệt nhau. Nhưng hãy xem xét lại một chuỗi những khoản lợi
nhuận rất khác biệt mà các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư…đã dành được. Nếu không
một nhà đầu tư nào có lợi thế hơn so với người khác, thì tại sao lại có chuyện cùng
là các quỹ tương hỗ, nhưng bản thống kê cho thấy có quỹ thì thua lỗ trầm trọng
còn có quỹ lại đạt lợi nhuận 50%, thậm chí hơn? Theo EMH, nếu một nhà đầu tư
có lợi nhuận, điều đó có nghĩa là tất tần tật toàn bộ giới đầu tư đều có lợi. Đơn
giản, trên thực tế, điều này không thể đúng!
Ba là, theo EMH, không một nhà đầu tư nào có thể đánh bại được thị trường hay
vượt qua được mức lợi nhuận trung bình năm mà tất cả các nhà đầu tư và các quỹ
đầu tư đạt được với sự nỗ lực hết mình. Giống như nhiều chuyên gia thị trường
thường nhấn mạnh, điều này ẩn ý rằng một chiến lược đầu tư hoàn hảo tuyệt đối
đơn giản là hãy đặt toàn bộ ngân quỹ bạn có vào một quỹ đầu tư về chỉ số (index
fund - quỹ đầu tư có danh mục gắn liền với các chỉ số có tầm rộng như S&P
500…). Một quỹ đầu tư như thế này sẽ lên xuống theo đúng mức độ lợi nhuận hay
thua lỗ chung của các doanh nghiệp. Thế nhưng trên thực tế, luôn có hàng loạt
những ví dụ về các nhà đầu tư đã đánh bại thị trường. Chẳng phải ai xa lạ, Warren
Buffett là ví dụ điển hình nhất về một nhà đầu tư thành công trong việc đi trước thị
trường hết năm này đến năm khác.
Đánh giá EMH
Eugene Fama không bao giờ cho rằng thị trường hiệu quả của ông sẽ luôn luôn đạt
hiệu quả 100%. Tất nhiên, một thị trường không thể nào luôn đạt được hiệu quả
tối đa bởi phải mất thời gian nhất định thì giá cả của các cổ phiếu mới có thể phản
ứng lại với một thông tin mới được tiết lộ cho cộng đồng các nhà đầu tư. Tuy
nhiên, EMH lại không đưa ra một định nghĩa cụ thể giá cả cần bao nhiêu thời gian
để có thể vận động đến mức đúng đắn. Thêm vào đó, trong một thị trường hiệu
quả, những sự kiện ngẫu nhiên bất chợt được chấp nhận hoàn toàn nhưng sẽ luôn
luôn bị san phẳng đi ngay sau đó bởi giá cả dịch chuyển đến mức thông thường
"đúng đắn".
Liệu EMH có đánh giá bản thân mình quá thấp trong việc xem xét đến những yếu
tố ngẫu nhiên hay những tình huống có thể xảy ra? Đây là một câu hỏi rất cần thiết
phải được nghiên cứu! Chắc chắn rằng những yếu tố ngẫu nhiên đó phải được đưa
vào xem xét dưới tính hiệu quả của thị trường. Thế nhưng, theo định nghĩa, sự
hiệu quả thật sự của thị trường đã và sẽ luôn luôn tính đến những yếu tố đó ngay
lập tức. Nói cách khác, giá cả phải phản ứng gần như tức thời với việc công bố
một thông tin có thể làm ảnh hưởng đến các đặc trưng đầu tư của một cổ phiếu.
Thế nên, nếu EMH chấp nhận có sự thiếu hiệu quả, nó có thể cũng sẽ phải thừa
nhận rằng sự hiệu quả tuyệt đối của thị trường là điều không thế.
Gia tăng hiệu quả của thị trường
Mặc dù việc đổ một gáo nước lạnh phản bác Giả thuyết Thị trường Hiệu quả là
điều quá dễ dàng, song thực tế cho thấy có một vài yếu tố trong giả thuyết này
đúng đắn và ngày càng mở rộng. Với sự ra đời và phát triển của hệ thống máy tính
hóa trong việc phân tích cổ phiếu, công ty, giao dịch, các khoản đầu tư đang dần
trở nên tự động hóa trên cơ sở phương pháp toán học hay phân tích cơ bản. Với
tốc độ và sức mạnh như hiện nay của hệ thống công nghệ thông tin, một số loại
máy tính có thể ngay lập tức xử lý bất kì và tất cả các thông tin có giá trị, và thậm
chí biến những phân tích đó thành một hành động giao dịch trên thị trường chỉ
trong tích tắc.
Tuy nhiên, phải nói răng, mặc dù trong khi máy tính đang ngày càng được sử dụng
rộng rãi hơn thì hầu hết các quyết định vẫn được đưa ra bởi con người. Và do đó,
nếu có gì sai sót, cố nhiên đó là lỗi của con người. Ngay cả trong phạm vi một tổ
chức, việc sử dụng các máy phân tích cũng chưa phải là một điều phổ biến. Trong
khi sự thành công trên thị trường chứng khoán vẫn chủ yếu dựa trên kĩ năng của
các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức thì mọi người sẽ còn tiếp tục công cuộc kiếm
tìm những công cụ chắc chắn hơn để đạt được lợi nhuận cao hơn mức trung bình
của các thị trường.
Kết luận
Hoàn toàn có thể nói rằng thị trường sẽ không thể sớm đạt được một mức độ hiệu
quả hoàn hảo. Để có thể làm cho mức độ hiệu quả lớn hơn xuất hiện, những tiêu
chuẩn sau cần phải được đáp ứng: (1)một cách thức chung cho việc tiếp cận các hệ
thống phân tích giá cả tiên tiến và có công nghệ cao; (2)một hệ thống phân tích
định giá cổ phiếu được chấp nhận rộng rãi; (3)sự vắng mặt tuyệt đối của yếu tố
cảm xúc con người trong việc đưa ra các quyết định đầu tư; (4)tất cả các nhà đầu
tư đều sẵn lòng chấp nhận thua lỗ hay lợi nhuận của họ đều giống y chang các
thành viên khác trên thị trường. Thực tế, ngay đến tưởng tượng thôi cũng khó có
thể nhận thấy cơ hội để bất kì một tiêu chuẩn nào trong số trên có thể được đáp
ứng!