NSNA Hoàng Quốc Tuấn: Nhiếp ảnh
là lập trình số phận
NSNA Hoàng Quốc Tuấn
Một bức chân dung đẹp không chỉ chụp đầy đủ tai, mắt, mũi, miệng mà còn
phải độc đáo. Chân dung phải có thần, có tiếng nói. Tiếng nói từ ánh mắt, với bao nỗi
khắc khoải, nuối tiếc, nhớ nhung, đớn đau,... đến vui mừng, hạnh phúc trần gian. Đối
với nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Tuấn, thông qua chân dung các nhân vật, anh muốn
truyền đến người xem những xúc cảm tận đáy lòng về số phận của con người, nhất là
những người dân tộc thiểu số đang mất dần bản sắc văn hóa...
Nếu như ví cuộc đời con người là một hành trình thì nhiếp ảnh với Hoàng Quốc
Tuấn là "lập trình số phận". Tốt nghiệp sư phạm, trở thành giáo viên miền núi, dạy
văn, anh được nhà trường phân công thêm nhiệm vụ cầm máy ảnh để phục vụ công tác
tuyên truyền của trường. Say mê, hào hứng, anh chăm chỉ cầm máy tham gia vào tất cả
phong trào của trường và đến năm 1980, Hoàng Quốc Tuấn quyết định rời bục giảng
chuyển sang làm công việc nhiếp ảnh.
Thời gian này, anh cầm máy vì cuộc sống mưu sinh chứ chưa để tâm đến sáng
tạo nghệ thuật đích thực. Anh mở studio làm dịch vụ trang phục lễ cưới. Thành quả
được khẳng định bằng 2 giải nhất toàn quốc về Ảnh đẹp cô dâu vào năm 2001 và
2007, cùng 1 giải xuất sắc và 2 huy chương vàng quốc tế về Ảnh đẹp ngày cưới ở Nhật
Bản năm 2001 và Áo năm 2007. Chính những bức ảnh chân dung trong studio đã góp
phần tạo thành sở trường chụp ảnh chân dung nghệ thuật sau này của anh. Rất nhiều
giải thưởng anh đạt được chính là những bức ảnh chân dung mà anh đã chụp tại các
tỉnh Tây Nguyên như: Mắt biếc, Mong đợi, Hai bạn già, Bóng chiều, Chân dung số 5,
Nhớ mẹ...
Năm 2003, anh cùng 4 đồng nghiệp là Huỳnh Ngọc Dân, Tôn Thất Bằng, Duy
Trung và Nguyễn Hồng Nga tổ chức triển lãm Tranh của nhà nhiếp ảnh tại Hội Mỹ
thuật Tp. Hồ Chí Minh để bán gây quỹ từ thiện giúp trẻ khuyết tật.
Khi đã tạm ổn định về kinh tế, anh mới bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho
ảnh nghệ thuật. Từ giữa thập niên 1990, Hoàng Quốc Tuấn đã hợp cùng Hoàng Thạch
Vân, Huỳnh Ngọc Dân, Hoàng Thế Nhiệm, Lê Hồng Linh, Thái Phiên, Văn Lang,...
hình thành nên thế hệ những nhà nhiếp ảnh nghệ thuật mới ở Tp. Hồ Chí Minh. Riêng
Hoàng Quốc Tuấn vốn là người phụ trách chuyên môn trong Ban chủ nhiệm Câu lạc
bộ Nhiếp ảnh Gia Định đã có công lớn giúp câu lạc bộ đoạt liên tiếp 2 cúp vàng toàn
năng và 1 huy chương vàng tập thể vào các năm 2003, 2004, 2005. Đây cũng là câu
lạc bộ nhiếp ảnh đi vào kỷ lục Guinness Việt Nam về giải thưởng năm 2004, khi 32
trong số 60 thành viên đã đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế. Đây cũng là thời
kỳ mà Hoàng Quốc Tuấn xem là thành đạt trong nghề nghiệp mới, cho ra đời nhiều tác
phẩm có giá trị.
Mắt biếc
Từ niềm đam mê này, Hoàng Quốc Tuấn táo bạo chuyển sang nghiên cứu và
thể hiện ảnh ý tưởng. Với nhiếp ảnh thế giới, thể loại ảnh này không mới, nó còn được
gọi là ảnh thể nghiệm, ảnh sáng tạo. Nhưng với Việt Nam đây là một thể loại ảnh chưa
có nhiều người hướng tới. Theo Hoàng Quốc Tuấn, ảnh ý tưởng giúp anh thể hiện
những điều mình muốn nói mà thể loại ảnh thông thường không làm được. Để có được
một bức ảnh ý tưởng rất kỳ công, mất nhiều công sức và phải có trí tưởng tượng phong
phú. Những ý tưởng sáng tạo đến với anh bất kể lúc nào. Ở bất cứ nơi đâu anh cũng
nhìn thấy những góc ảnh đẹp. Có những vật vô tri nhưng nếu người nghệ sĩ biết thổi
hồn, thổi ý tưởng vào sẽ làm nó trở nên sống động. Bức Thông điệp số 5, anh đã thực
sự thổi hồn vào bộ xương cá, hoặc với Thông điệp số 3, anh đã lồng vào hình ảnh quả
địa cầu lời cảnh báo về tương lai của hành tinh chúng ta; hay bộ ảnh Sự khắc khoải của
môi trường, anh còn thổi hồn vào bột màu và sơn nước cùng nhiều tĩnh vật khác. Qua
những bức ảnh ý tưởng của mình, anh cố gắng thể hiện được nét văn hóa Việt Nam.
Và cũng chính năm đầu tiên thử nghiệm với thể loại ảnh ý tưởng, bức ảnh Bức thông
điệp cùng với 4 ảnh khác đã giúp anh giành được giải thưởng Nhà nhiếp ảnh xuất sắc
giải VAPA - FUJIFILM.
Gần 30 năm cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh, trong số hơn 200 giải thưởng
anh đã nhận có tới 43 giải nhất và giải vàng cùng 2 giải thưởng lớn (1 ở Nhật năm
1999 và 1 ở Serbia 2008) và được phong các tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế xuất
sắc (E.FIAP), Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Việt Nam (E.VAPA), HON.E.YMCA.HK
(Hong Kong), HON.M.PSP (Pakistan). Tâm niệm của anh không muốn dừng lại để
đếm số lượng huy chương, mà khao khát đưa ảnh Việt hòa nhập thế giới...