Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Nghiên cứu một số biểu hiện về giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (777.01 KB, 3 trang )

VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 2 tháng 5/2020, tr 236-238

ISSN: 2354-0753

NGHIÊN CỨU MỘT SỐ BIỂU HIỆN VỀ GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG
TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY
Bùi Thị Hằng
Article History
Received: 22/4/2020
Accepted: 03/5/2020
Published: 25/5/2020
Keywords
traditional values,
globalization, ethical
standards.

Trường Đại học Hồng Đức
Email:
ABSTRACT
Each ethnic group has a different set of value standards depending on the
system of physical and mental needs formed on the basis of certain socioeconomic conditions. And a system of certain values, once accepted by the
society, will become the basis for forming the tradition of that people.
Although the value system is stable but not invariable, it always changes
along with changes of socio-economic conditions. The paper analyzes the
trend of changing from upholding traditional values to overlooking traditional
values under current globalization conditions, contributing to educatiing and
preserving the traditional good values of Vietnamese people.

1. Mở đầu


Toàn cầu hóa hiện đang là xu thế tất yếu, khách quan, hợp quy luật tác động đến tất cả các lĩnh vực trong đời
sống xã hội của các quốc gia, đòi hỏi các quốc gia phải hội nhập vào dòng chảy toàn cầu nếu không muốn ngày càng
bị tụt hậu xa hơn so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không chỉ đem lại cho các nước những cơ hội
để phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá, làm giàu có thêm hệ giá trị của dân tộc mình mà còn đặt các quốc gia trước
những thách thức không nhỏ, một trong những thách thức đáng lo ngại là sự “lệch chuẩn” trong hệ thống thang bậc
giá trị, sự phá vỡ những giá trị vốn có từ lâu đời của dân tộc mình, làm cho dân tộc bị hoà tan hay trở thành “cái
bóng” của dân tộc khác, tức là làm đánh mất bản thân mình và đánh mất sức mạnh vốn có của chính dân tộc mình.
Mỗi dân tộc có một hệ thống chuẩn mực giá trị khác nhau phụ thuộc vào hệ thống các nhu cầu vật chất và tinh thần
được hình thành dựa trên những điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội nhất định và một hệ thống chuẩn mực giá trị nào
đó khi đã được xã hội chấp nhận thì sẽ trở thành cơ sở để hình thành nên truyền thống của chính dân tộc đó. Hệ giá trị
tuy mang tính ổn định nhưng không phải bất biến mà luôn biến đổi cùng với sự thay đổi của điều kiện KT-XH.
Với tư cách là một yếu tố thuộc di sản văn hóa và xã hội, giá trị truyền thống (GTTT) được hiểu là tập hợp những tư
tưởng và tình cảm, những thói quen trong tư duy, lối sống và ứng xử của một cộng đồng người nhất định được hình thành
trong lịch sử và đã trở nên ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việt Nam có một di sản những GTTT
vô cùng phong phú, trong đó phải kể đến những giá trị điển hình như: tinh thần yêu nước; ý thức coi trọng gia đình; ý chí
tự lực, tự cường; tinh thần nhân văn, nhân ái; chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân,
tương ái… Trong đó, tinh thần yêu nước là một giá trị chủ đạo, xuyên suốt. Chính những GTTT trong con người Việt Nam
là kết tinh và tiêu biểu cho sức sống, bản lĩnh, bản sắc và những phẩm giá của cả dân tộc. Tuy nhiên, trong điều kiện toàn
cầu hóa hiện nay, đã và đang xuất hiện xu hướng xem nhẹ các GTTT dân tộc. Đây là một trong những xu hướng đáng lo
ngại. Bài viết phân tích sự biến đổi của một số GTTT trước tác động của toàn cầu hóa để minh chứng cho điều đó.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Giá trị truyền thống yêu nước
Tinh thần yêu nước là GTTT cao quý nhất, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam. Nó ngấm sâu vào
tình cảm, tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam, làm nên một sức mạnh kì diệu chiến thắng biết bao kẻ thù. Sức
mạnh của truyền thống yêu nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu
nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi,
nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả
lũ bán nước và lũ cướp nước” (Ban Bí thư Trung ương Đảng, 2011, tr 38). Truyền thống yêu nước của dân tộc ta
được thể hiện nổi bật ở tinh thần đấu tranh dũng cảm, bất khuất, tự cường, tự tôn dân tộc, không chịu khuất phục
trước kẻ thù, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, quyết tâm bảo vệ bản sắc văn hoá của dân tộc.

Do tác động của toàn cầu hóa cùng với xu thế hội nhập, giá trị yêu nước truyền thống đang có những biến động
theo những chiều hướng khác nhau. Nếu như trước kia, yêu nước gắn liền với niềm tự hào về truyền thống dân tộc
thì hiện nay, một bộ phận người Việt Nam có xu hướng phủ nhận những giá trị đạo đức truyền thống, đánh mất đi

236


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 2 tháng 5/2020, tr 236-238

ISSN: 2354-0753

niềm tự hào dân tộc. Họ cho rằng những giá trị đạo đức ấy không có gì đáng tự hào, thậm chí có người còn kết tội
những truyền thống đó là nguyên nhân của sự nghèo nàn lạc hậu và không muốn bảo vệ những giá trị đạo đức đó
nữa. Hiện nay, bên cạnh một bộ phận sinh viên sống có hoài bão, lí tưởng, sẵn sàng góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên mơ hồ về lí tưởng phấn đấu, chưa xác định được trách nhiệm của
sinh viên nói chung và bản thân nói riêng, họ chạy theo chủ nghĩa cá nhân, xác định cho mình một lối sống thực
dụng, họ dần quên đi những truyền thống tốt đẹp tại chính nơi mình sinh ra, nơi mình lớn lên, học tập. Trong tư tưởng
và hành động của họ coi nhẹ và phủ nhận những giá trị quý giá của truyền thống dân tộc - những giá trị đã và đang
là một trong những động lực quan trọng để phát triển KT-XH nước ta.
Trong bài “Thời đại mới, cách tiếp cận mới” bà Aya Wassef (1993) đã từng cảnh báo: thời đại ngày nay nói nhiều
đến cái mới: bột giặt mới, bánh quy với phong vị mới làm người ta tưởng rằng cứ cái gì mới là tự nhiên nó thành hiện
đại và chỉ riêng từ “mới” đã có sức thần diệu biến một vật thể, một sự vật thành hiện đại. Bằng cách trao cho cái mới
một giá trị tự thân, những người đầu tiên ở châu Âu tuyên bố rằng mình là hiện đại, cho thấy họ đã đoạn tuyệt với truyền
thống. “Việc lựa chọn cái mới làm giá trị tư tưởng như vậy đã thôi thúc người ta lao vào bóng tối u u minh minh một
cách phiêu lưu, thậm chí có thể đi đến làm mất ổn định trật tự đã được thiết lập” (Phạm Văn Đồng, 1994).
Đây là một thách thức đối với những quốc gia kém và đang phát triển. Như vậy, có thể nói, trong bối cảnh toàn
cầu hóa hiện nay, GTTT yêu nước đang đối mặt với những thách thức không nhỏ và cần có những định hướng đúng
đắn để phát huy hơn nữa sức mạnh của nó trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay.

2.2. Giá trị truyền thống nhân văn
Nhân văn hiểu theo nghĩa chung nhất là lòng yêu thương con người, sự khoan dung, độ lượng, chống lại cái ác,
hướng tới cái thiện vì quyền tự do và hạnh phúc của con người. Tư tưởng nhân văn truyền thống Việt Nam là một
trong những giá trị đáng quý và tự hào nhất trong bảng giá trị tinh thần của người Việt. Tư tưởng nhân văn truyền
thống Việt Nam được hình thành bởi chính các điều kiện lịch sử - xã hội và những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.
Giá trị nhân văn là một giá trị tinh thần truyền thống vô cùng đáng quý của người dân Việt Nam. Trong lịch sử,
giá trị nhân văn truyền thống đã phát huy sức mạnh của mình và đóng góp một phần rất lớn vào những thắng lợi
oanh liệt của dân tộc. Với tinh thần “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, dân tộc ta đã vùng
lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, bảo vệ chính nghĩa. Dân tộc Việt Nam có quyền
khẳng định với toàn thế giới rằng chúng ta được hưởng tự do, độc lập, có quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc.
Tuy nhiên, do sự tác động của toàn cầu hóa, của cơ chế kinh tế thị trường và của một số nhân tố khác, giá trị nhân
văn của dân tộc ta nói riêng cũng như của toàn nhân loại nói chung đang có nguy cơ bị đe dọa. Khoa học và công
nghệ phát triển như vũ bão một mặt đã đem lại nhiều lợi ích lớn lao cho con người nhưng mặt khác cũng đặt con
người trước nguy cơ bị huỷ diệt bởi ô nhiễm môi trường, của những cuộc chạy đua vũ trang, chiến tranh sinh học…
Ở Việt Nam, do có sự xâm nhập ồ ạt những giá trị ngoại lai và do ảnh hưởng của cơ chế kinh tế thị trường, giá
trị nhân văn truyền thống đã có những dấu hiệu bị xâm phạm khiến cho tình yêu thương đùm bọc giữa con người với
con người dường như đang bị lấn át bởi những quan hệ vật chất, tiền bạc. Nếu như trước kia, người Việt Nam rất coi
trọng tình làng nghĩa xóm, “bán anh em xa, mua láng giềng gần” để “tối lửa tắt đèn có nhau” thì ngày nay, con người
sống theo lối “đèn nhà ai, nhà ấy rạng” đặc biệt ở các thành thị.
Trong lĩnh vực kinh doanh, chỉ vì tiền mà có những người sẵn sàng buôn bán chất cấm (heroin, ma túy), hàng
giả, hàng lậu…; một số công ty, nhà máy, xí nghiệp đã vì lợi nhuận mà sản xuất không đúng quy trình, không đảm
bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, không xử lí rác thải một cách hiệu quả; có những người còn kiếm tiền bằng con
đường phi pháp, chẳng hạn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em,… Những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội đó như một
hồi chuông cảnh tỉnh, đánh thức chúng ta, đòi hỏi hơn lúc nào hết giá trị nhân văn truyền thống cần phải được kế
thừa và phát huy mạnh mẽ để vừa tạo nên sức mạnh cho dân tộc, vừa khẳng định giá trị con người Việt Nam.
2.3. Giá trị truyền thống gia đình
Gia đình là khái niệm được dùng để chỉ một nhóm xã hội được hình thành, duy trì và củng cố chủ yếu dựa trên
cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống. Sự xuất hiện gia đình là sản phẩm của lịch sử, là một bước tiến của
nhân loại. Giá trị của gia đình được thể hiện ở vị trí, vai trò và những chức năng đặc biệt của nó. Với tư cách là tế
bào của xã hội, gia đình là một thiết chế đa chức năng mà không có bất cứ một thiết chế xã hội nào khác có thể thay

thế được, đó là chức năng tái sản sinh ra con người, chức năng kinh tế, chức năng tiêu dùng, chức năng giáo dục…
Gia đình là một giá trị chung của toàn thể nhân loại. Tại Việt Nam, giá trị này rất được chú trọng. Việt Nam là
một nước nông nghiệp với truyền thống nhân nghĩa, thuỷ chung lại chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo,
nên từ xưa đến nay, gia đình luôn có ý nghĩa hết sức hệ trọng đối với mỗi con người. Đối với mỗi người dân Việt

237


VJE

Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kì 2 tháng 5/2020, tr 236-238

ISSN: 2354-0753

Nam, gia đình luôn là một giá trị thiêng liêng, cao cả không gì có thể so sánh. Từ ngàn xưa, con người Việt Nam đã
coi trọng gia đình, huyết thống và dòng tộc thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của thế hệ trước; coi
trọng những hành động kính trên, nhường dưới, kính già, yêu trẻ; sự hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ; sự
chung thuỷ của vợ chồng. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, gia đình Việt Nam đã thực hiện tốt những chức
năng cơ bản của nó và đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, đã thực sự trở thành một GTTT bền vững.
Hiện nay, dưới sự tác động của xu thế toàn cầu hóa và tiến trình hội nhập quốc tế, nhiều giá trị văn hóa truyền
thống trong gia đình Việt Nam đang có những vận động và biến đổi mạnh mẽ. Bên cạnh việc xuất hiện nhiều giá trị
mới của xã hội hiện đại thì nhiều GTTT gia đình Việt Nam đang có nguy cơ bị xâm hại và dần mai một.
Nhiều nơi, nhiều gia đình đã có những dấu hiệu của sự khủng hoảng, các mối quan hệ truyền thống trong gia
đình vốn tốt đẹp và bền vững ngày càng trở nên lỏng lẻo, quan hệ tiền bạc, mua bán đang len lỏi vào các quan hệ gia
đình, giữa những người thân, chủ nghĩa thực dụng cá nhân, ích kỉ phát triển dẫn đến các vụ kết hôn, li hôn với những
lí do không chính đáng. Vì công danh, vì tiền bạc, vì những thú vui cá nhân,… mà vợ chồng ít quan tâm đến nhau
và ít quan tâm đến con cái. Phong cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình trở nên thô kệch, thiếu văn minh,
nhiều quan điểm, cách sống, lối sống xa lạ, lệch chuẩn đang được manh nha hình thành, đặc biệt là trong lớp trẻ, xu
hướng chạy theo lối sống thực dụng, sùng bái đồng tiền, đề cao lợi ích cá nhân vô tình đã quay lưng lại với các GTTT

trong gia đình đó là lòng nhân ái, vị tha, sự đồng cảm, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau.
Đâu đó vẫn còn tình trạng giới trẻ quan hệ tình dục trước hôn nhân, những cặp nam nữ sống chung với nhau một
cách tự nguyện mà không cần kết hôn. Có những bậc cha mẹ vì bận làm ăn, buôn bán nên ít thời gian quan tâm, chú
ý đến con cái khiến nhiều trẻ em sinh hư hỏng, lười nhác, mải chơi, học hành sa sút; thiếu những kĩ năng sống trong
cư xử với người lớn, người già cũng như với bạn bè và những mối quan hệ trong xã hội. Tình trạng con cháu ngược
đãi ông bà, cha mẹ; vợ chồng lăng mạ, đánh đập nhau; nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em; tình trạng trẻ hóa tuổi đời
phạm tội và mắc phải tệ nạn xã hội của các thành viên trong gia đình vẫn xảy ra.
Mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường cùng với những ảnh hưởng của lối sống thực dụng đang tác động đến những
giá trị thiêng liêng vốn có của truyền thống gia đình. Có thể nói, trong số các nguyên nhân dẫn đến thực trạng gia
đình Việt Nam như đã đề cập trên đây thì tác động của lối sống không lành mạnh từ bên ngoài tràn vào thông qua
giao lưu, hội nhập, qua các phương tiện truyền thông hiện đại là không nhỏ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, giá trị gia đình hơn lúc nào hết cần phải được kế thừa, phát huy để xây
dựng gia đình hiện đại và lành mạnh; tăng “sức đề kháng” của giá trị truyền thống gia đình trước những ảnh hưởng
của giá trị ngoại lai, không phù hợp.
3. Kết luận
Như vậy, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nhiều GTTT đang dần bị mai một, không ít người quá đề cao giá
trị hiện đại, sùng bái phương Tây, xuất hiện xu hướng quay lưng với truyền thống, coi thường GTTT, đua đòi theo
lối sống bên ngoài, chạy theo đồng tiền và lợi nhuận. Từ đó, xuất hiện tư tưởng phủ nhận vai trò của các GTTT dân
tộc mà muốn thay vào đó một hệ giá trị hoàn toàn mới, dẫn tới sự đảo lộn các thang, bậc, chuẩn mực giá trị xã hội.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta cần khẳng định sức mạnh của những
GTTT dân tộc, từ đó mà kế thừa, phát huy những GTTT đó kết hợp với việc chủ động tiếp thu những giá trị tinh hoa
của nhân loại, xây dựng một nền tảng tinh thần tạo động lực đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn.
Tài liệu tham khảo
Aya Wassef (1993). Thời đại mới, cách tiếp cận mới. Tạp chí Người đưa tin UNESCO, số 7, tr 15-18.
Ban Bí thư Trung ương Đảng (2011). Hồ Chí Minh toàn tập (tập 7). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Mai Thị Quý (2009). Toàn cầu hóa và vấn đề kế thừa một số giá trị truyền thống của dân tộc trong bối cảnh toàn
cầu hóa hiện nay. NXB Khoa học xã hội.
Nguyễn Thị Ngân, Cao Ngọc Trung (2015). Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam
trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 3, tr 74-76.
Nguyễn Thị Quê, Nguyễn Thị Toan (2019). Một số vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống

cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 4, tr 278-280.
Phạm Minh Hạc (2004). Về phát triển văn hóa và xây dựng con người trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Phạm Văn Đồng (1994). Văn hóa và đổi mới. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

238



×