TỪ CÂY GẬY THẦN
ACSIMET
Tác giả:
Nguyễn Hữu Dy
Nhà xuất bản:
Kim Đồng
Năm xuất bản:
1983
Lời nói đầu
Tất cả mọi vật quanh ta, từ những sinh vật nhỏ bé mắt thường không thể nhìn thấy, tới
các vì sao vô cùng to lớn trong vũ trụ bao la đều không ngừng chuyển động. Ngay cả dải
Trường Sơn hùng vĩ mà bạn tưởng muôn đời không xê dịch, thì cũng đang ngày đêm
quay theo Trái Đất với một vận tốc đáng kể. Sự đứng yên của nó chỉ là tương đối.
Sự chuyển động trong thế giới tự nhiên là muôn hình vạn trạng, không tài nào kể xiết,
nhưng nói chung đều tuân theo các quy luật nhất định, được gọi là các định luật cơ học.
Cơ học xuất hiện tự thực tiễn lao động sản xuất và gắn bó chặt chẽ với đời sống của con
người. Cách đây hai ngàn năm, người ta gọi nó là “nghề thủ công của đời sống”. Với sự
đóng góp của nhiều thế hệ các nhà bác học, cơ học lớn lên không ngừng. Đến thế kỷ thứ
18, nhà bác học thiên tài Niutơn với ba định luật cơ bản nổi tiếng và định luật vạn vật hấp
dẫn bao quát toàn vũ trụ, đã đưa cơ học vươn lên sánh vai với các ngành khoa học khác
như toán học, vật lý, hóa học…
Ngày nay, cơ học vẫn phát triển không ngừng và ngày càng liên quan mật thiết với các
ngành khoa học kỹ thuật khác. Đó là cơ sở cho các tính toán thiết kế xây dựng, chế tạo
máy, hàng không, hàng hải… Có thể nói rằng, không có cơ học thì không có máy móc,
không có điện, không có cả ôtô, máy bay, tên lửa vũ trụ…
Thông qua những mẩu chuyện lý thú, chúng tôi muốn giúp các bạn làm quen với cơ học
trên những nét lớn và vai trò của nó trong đời sống, thực tiễn sản xuất. Chúng tôi mong
rằng, cuộc du lịch vào tòa lâu đài cơ học đẹp đẽ này sẽ góp phần chắp cánh cho những
ước mơ khoa học của các bạn.
Mục lục
LỜI NÓI ĐẦU
Chương 1 – TRONG “THẾ GIỚI TƯƠNG ĐỐI” CỦA GALILE
• Chuyển động hay đứng yên?
• A – sin và con rùa
• Một cuộc ngao du với… ba quan phí tổn
• Từ câu chuyện về chất thuốc gia tốc
• Những sân ga quay
• Đuổi theo thời gian
Chương 2 – BA VIÊN GẠCH KỲ DIỆU CỦA NIUTƠN
• Nếu Trái Đất ngừng quay!
• Dùng tay không bắt đạn
• “Đạn” táo lê và “bom” dưa hấu
• Ông thị trưởng thành Gotem và đại lực sĩ Xviatogo
• Từ thí nghiệm đến định luật
• Những động cơ phản lực trên bộ đầu tiên
Chương 3 – CÂY GẬY THẦN CỦA ACSIMET
• Sức mạnh của trí tuệ
• Hội kiệu đình
• Thế nào là công và năng lượng
• Người nô lệ máy
• Bẫy bắt gió
• Người lao động vĩ đại
Chương 4 – TỪ CON CÙ GIẢI TRÍ ĐẾN CON QUAY CƠ HỌC
• Lực ly tâm – Một người giúp việc đắc lực
• Nhưng mà cũng là một kẻ đã từng gây tai họa
• Những cảnh giác kỳ là trong “quả cầu ma”
• Từ con cù ngoài hè phố…
• …Đến con quay kỹ thuật
• Một cách cân gian mà thật thà (!)
• Nếu Trái Đất quay nhanh hơn!
Chương 5 – NHỮNG LỰC SĨ “MỀM” VÀ “VÔ HÌNH”
• Lực sĩ vô hình
• Sức mạnh của “thủy thần”
• Đại lực sĩ Paxcan
• Oreca! Oreca!
• Từ hạt vừng bướng bỉnh đến chiếc tàu ngầm ngoan ngoãn
• Vài bài toán oái oăm
• Chất thuốc mất trọng lượng và những con tàu nhẹ hơn không khí
Chương 6 – MỘT ĐỊNH LUẬT VĨ ĐẠI
• Đi tìm điều bí ẩn kỳ diệu
• Ngọc càng mài càng sáng
• Lời bàn về quả táo và Trái Đất
• Những sợi dây vô hình
• Đường dây cáp khó tưởng tượng
• Mấy câu hỏi “Tại sao?”
• Du lịch trong cái giếng không đáy
• Một phát minh kỳ diệu trong… tưởng tượng
Chương 7 – TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
• Những giấc mơ bay
• Từ phương án của một người tử tù
• Vì sao tên lửa bay được?
• Từ pháo thăng thiên đến tên lửa hiện đại
• Từ đỉnh núi Niutơn đến ba vận tốc vũ trụ
• Ước mơ của một thầy giáo trường làng
Chương 1: Trong “thế giới tương đối” của
Galile
Chuyển động hay đứng yên?
Ra đời cách đây ba trăm năm, thuyết của Galilê không phải là dễ dàng được người đương
thời chấp nhận.
Con người ngày xưa vốn quen nhìn nhận hiện tượng bên ngoài mà ít đi sâu vào bản chất
của sự vật. Hằng ngày, ai mà chẳng thấy Mặt Trời vạch một đường cung lớn từ đông qua
tây? Thế mà nhà bác học người Ý đó lại khẳng định: “Mặt Trời không đi, trái lại, chính
Trái Đất đang quay quanh nó, từ tây qua đông!”.
Ngày nay có lẽ chẳng ai còn thắc mắc về cái chân lý thật đơn giản mà cũng thật vĩ đại
này. Chỉ cần lấy một sự việc thông thường nhất như khi ta đi tàu hỏa làm thí dụ. rõ ràng
là tàu chạy mà bạn lại cứ tưởng hàng cây bên đường đang đuổi nhau lao vun vút về phía
sau. Trái Đất – quê hương của chúng ta – chẳng qua cũng như con tàu, còn Mặt Trời thì
như hàng cây…
Nhưng không phải chỉ có hành tinh chúng ta, mà cả Mặt Trời và muôn vàn vì sao cũng
đang mải miết chạy theo quỹ đạo của chúng.
Còn khi bạn đang ngồi bên cửa sổ? Sự ngồi yên đó cũng chỉ là tương đối nốt, tương đối
so với ngôi nhà của bạn. Vì thật ra thì cả bạn lẫn ngôi nhà vẫn đang chuyển động theo
Trái Đất.
Đó là thực chất của nguyên lý tương đối Galilê.
Giờ xin mời bạn hãy đi sâu một chút vào thế giới chuyển động tương đối này. Nó sẽ đem
lại cho chúng ta nhiều điều bổ ích và lý thú.
Asin và con rùa
Dũng sĩ Asin trong trường ca “Iliát” của Hôme nổi tiếng không những vì có công lớn
trong việc đánh chiếm thành Tơroa mà còn vì cặp giò “chạy nhanh như gió”.
Thế mà Dênông, nhà triết học cổ Hy Lạp (thế kỷ thứ 5 TCN) dám quả quyết rằng “Asin
không thể đuổi kịp một… con rùa”!?
Dênông chống lại thuyết chuyển động. Theo ông thì “chuyển động chỉ là ảo ảnh của mắt,
nó đánh lừa ta”. Ông lập luận như sau: “Giữa con rùa và Asin có một khoảng cách. Khi
dũng sĩ vượt hết khoảng cách đó thì chú rùa cũng đã đi được một quãng đường nữa. Asin
đuổi xong khoảng cách mới, thì đối thủ lại bò thêm một quãng khác. Và cứ thế, rùa ta vẫn
luôn luôn ở trước Asin…”
Người ta kể lại rằng, khi nghe xong lời giảng này, nhà triết học Điôgien đã lặng thinh, đi
đi lại lại trước mặt nhà thông thái râu dài. Hình như ông ta cảm thấy đó chỉ là một thứ
ngụy biện, nhưng không đủ lý luận để cãi lại thầy…
Cái sai của Dênông là đã tách chuyển động ra khỏi thời gian. Ngày nay, với khái niệm
vận tốc trung bình và những công thức cơ học đơn giản, một câu học trò nhỏ cũng có thể
giải được bài toán này.
Tuy nhiên, cái thuyết kỳ quặc của Dênông cũng đã từng là chỗ bấu víu của bọn học giả
duy tâm trong nhiều thế kỷ sau này. Họ muốn chứng minh rằng vạn vật là bất biến và từ
đó đi tới khẳng định sự bất di bất dịch của một chế độ xã hội.
Một cuộc ngao du với… ba quan phí tổn
Một hôm, trên nhiều tờ báo ở thủ đô Pari, người ta thấy xuất hiện mấy dòng quảng cáo:
“Quý vị nào hâm mộ những cuộc viễn du không vất vả, ít tốn kém, xin hãy bỏ ra ba quan
– chỉ ba quan thôi! – theo địa chỉ dưới đây…”
Không ít người nhẹ dạ đã vội gởi tiền và sau đó nhận được một bức thư ngắn gọn: “Thưa
quý ngài! Xin mời quý ngài hãy cứ nằm đàng hoàng trên giường của mình; chỉ mong quý
ngài chú ý cho rằng hiện nay Trái Đất của chúng ta đang quay. Ở vĩ độ 49 của Pari, mỗi
ngày đêm quý ngài đi được 25.000 km, vị chi mỗi giờ quý ngài đã vượt hơn ngàn km…
Nếu ngài muốn ngắm cảnh trên đường đi, xin hãy vén cao rèm cửa sổ. Bầu trời đầy sao
đang chờ ngài thưởng ngoạn đó! Xin kính chào và chúc ngài thượng lộ bình an…”
Thế rồi chàng láu cá đó bị gọi ra trước vành móng ngựa. Sau khi nghe quan tòa phán xử
và nộp tiền phạt vì tội lừa đảo, anh ta đứng dậy trịnh trọng nhắc lại lời tuyên bố bất hủ
của Galile, khi ông buộc phải khước từ học thuyết của mình trước thế lực nhà thờ:
“Nhưng dù sao thì Trái Đất vẫn quay!”.
Chẳng ai dại gì mà đứng ra bào chữa cho anh chàng này, nhưng cũng phải mỉm cười mà
nhận rằng lý lỹ y có phần đúng. Tuy nhiên y còn quên mất sự chuyển động của Trái Đất
quanh Mặt Trời với khoảng 950 triệu km mỗi vòng. Như vậy, nó phải lao đi trong không
trung với vận tốc gần 30km/giây!
Ngay cả Mặt Trời, được coi là trung tâm cố định của hệ Mặt Trời thì cũng không ngừng
chuyển động cùng với toàn bộ các hành tinh của nó quanh tâm của Thiên Hà với vận tốc
khủng khiếp: 250km/giây! Và chính Thiên Hà của chúng ta lại chuyển động quanh một
các mốc nào đó nữa…
Từ câu chuyện về chất thuốc gia tốc
Nhà văn viết truyện tưởng tượng người Anh Hecbe Oenxơ trong cuốn tiểu thuyết “Chất
thuốc gia tốc” đã kể lại câu chuyện như sau: “Một nhân vật của ông sau khi uống hết liều
thuốc này đã quan sát được mọi vật rất rõ ràng, mặc dù có vật chuyển động nhanh như tia
chớp. Một cái cốc đang rơi. Anh ta thấy nó như “treo” lơ lửng trong không khí. Mộ người
lao vun vút qua đường phố lưu lại trong võng mạc anh ta như một bức tượng đá. Mấy con
én bay liệng như bị dán vào khung cửa sổ… và nhân vật của Oenxơ đang du lịch trong
thế giới hầu như bất động…
Điều mơ ước trên đây ngày nay đã được thực hiện. Đó là những “kính lúp thời gian” –
những chiếc máy quay phim hiện đại có thể ghi nhận hàng nghìn hình trong một giây
đồng hồ. Nhờ đó, ta có thể kịp thời nhận dạng những chuyển động quá nhanh và phức
tạp.
Câu chuyện sau đây xảy trên sân cỏ nước Anh vào mùa hè năm 1966. trận chung kết
tranh cúp “Nữ thần vàng” đang diễn ra quyết liệt giữa đội Anh và đội Cộng hòa Liên
bang Đức. người ta đinh ninh rằng trận đấu ngang sức này sẽ kết thúc với tỉ số 2:2. Thế
nhưng trung phong nổi tiếng của Anh là Hexot đã lao tới như bay và sút. Quả bóng đập
mạnh vào khung thành đối phương, rồi lại lập tức bật ra ngoài. Cả biển người nhốn nháo:
“Vào chưa? Rồi! Chưa!…”. Ngay Đinát, trọng tài chính người Thụy Sỹ cũng bối rối, phải
đến hỏi trọng tài biên Bacramop, người Liên Xô. Ông “phó chánh án” gật đầu. Thế là tỷ
số 3:2 được thông báo, nghiêng về đội Anh. Chỉ với bàn thắng quyết định này, “Nữ thần
vàng” đã tạm biệt Braxin về với Luân Đôn. Tuy nhiên, sự việc chưa kết thúc một cách
đơn giản như vậy. Sớm hôm sau, báo chí và đài phát thanh Đức nhao nhao phản đối trọng
tài Liên Xô với những lời lẽ không đẹp tai. Nhưng Bacramop tin vào mắt mình và khẳng
định: “Vào!” Và, không quá một ngày, chiếc máy thu hình đã xác minh đôi mắt tinh
tường của người trọng tài công bằng này. Giây phút quyết định trên đây đã được đưa lên
màn bạc với những hình ảnh chuyển chậm: Quả bóng từ từ chạm vào mé dưới xà ngang
rồi rơi xuống đất, phía trong đường khung thành, sau đó xoáy vòng và lăn ra sân cỏ…
Như vậy là khỏi phải bàn cãi.
Những loại chuyển động vừa xoáy vừa lăn này còn được các cầu thủ bóng bàn, bóng
chuyền tạo ra để gây khó khăn cho đối phương. Trong thiên nhiên và kỹ thuạt cũng
không thiếu gì những dạng chuyển động phức tạp này. Kỹ thuật ngày nay cho phép ghi
nhận những chuyển động với thời gian vô cùng ngắn, ở mức độ một phần trăm triệu giây.
Phân số này cũng như một giây so với mười năm! Đối với ta khoảng khắc này không có
nghĩa lý gì, nhưng ánh sáng thì đã đi được 3m rồi đấy!
Những sân ga quay
Mời bạn hãy quan sát một đoàn tàu vào ga.
Cách xa bốn năm trăm mét, tàu đã rúc mọt hồi còi, rồi xả hơn phì phì để giảm vận tốc.
Đoàn tàu tiến vào ga chậm dần, chậm dần rồi dừng hẳn, nhưng không tắt máy. Chờ cho
hành khách lên xuống xong xuôi, tàu lại từ từ chuyển bánh, tăng tốc và tiếp cuộc hành
trình…
Không kể thời gian dành cho hành khách lên xuống, chỉ tính việc tăng giảm vận tốc, tàu
đã phải mát đi từ 5 đến 7 phút. Nếu ta lấy chặng đường Hà Nội – Hải Phòng làm ví dụ,
thì với 16 ga dọc đường, nó đã mất tới một tiếng rưỡi. Lại còn một hao phí khác rất quan
trọng, đó là chất đốt: than dầu hoặc điện. Người ta đã tính rằng, chỉ riêng việc tăng giảm
vận tốc khi qua mỗi ga, tàu đã tiêu phí mất hơn một nửa chất đốt trong mỗi chuyến đi.
Nếu ta có cách gì đó khiến tàu khi vào ga vẫn cứ chạy mà hành khách vẫn lên xuống an
toàn, thì ta sẽ tiết kiệm được biết bao thời gian và chất đốt.
Từ ý nghĩ táo bạo đó người ta đã sáng tạo ra cái sân ga… quay.
Sân ga gồm 2 cái mâm tròn lớn, đồng tâm. Sân ngoài với đường kính năm sáu chục mét,
có thể quay nhanh chậm tùy ý. Còn sân trong thì nhỏ hơn nhiều, cố định, có cầu thanh
dẫn ra ngoài. Bao quanh sân ngoài là đường ra lượn tròn, cố định. Tất cả các cơ cấu đó
nằm trong một hệ thống điều khiển của nhà ga.
Và đây, mời bạn hãy quan sát đoàn tàu đang tiến vào sân ga này.
Hành khách đợi tàu đang có mặt ở sân ga ngoài. Một hồi còi rúc lên từ xa báo hiệu tàu
sắp đến. sân ga từ từ quay, nhanh dần nhanh dần. Đoàn tàu tiến tới, lượn tròn quanh sân
ga (lúc này tàu có thể giảm vận tốc chút ít). Tàu và sân cùng quay nhanh như nhau, theo
sát nhau như hình với bóng. Hành khách đến, chỉ việc xuống sân ngoài, đi vào sân trong
và ra ngoài ga theo một hệ thống cầu thang. Vì sân ga cố định nhỏ nên vận tốc vòng trong
của sân quay tiếp xúc với nó không đáng kể. Do đó, việc đi lại giữa hai sân này không có
gì khó khăn. Còn hành khách đi thì từ sân ngoài ung dung bước lên tàu. Chỉ khi nào hành
khách lên xuống xong xuôi đoàn tàu mới rời ga.
Ở đây, các nhà kỹ thuật đã ứng dụng nguyên lý tĩnh tương đối trong cơ học: Khi hai vật
thể chuyển động cùng hướng và cùng vận tốc thì chúng đứng yên so với nhau.
Ở thị trấn Xalobento (ngoại ô Beclin, thủ đô Cộng hòa dân chủ Đức) người ta đã thử
nghiệm thành công những sân ga xe điện kiểu trên đây, tiết kiệm được khoảng 30% năng
lượng.
Tuy nhiên, việc xây dựng sân ga kiểu này cho xe lửa trong thực tế hiện nay còn gặp nhiều
khó khăn, kể cả các nước có nền công nghiệp tiên tiến.
Cũng theo nguyên lý này, người ta có thể không dùng sân quay mà dùng một đoàn tàu
phụ. Khi tàu tốc hành vào ga thì tàu phụ cùng chạy song song với nó. Hành khách đi thì
bước từ tàu phụ sang tàu chính; còn hành khách đến thì ngược lại. Ở đây, người ta cũng
phải tính toán thời gian của cuộc “đón tiếp” cho vừa khớp với mật độ hành khách từng
ga.
Máy bay tiếp dầu cho nhau ở trên không cũng hoàn toàn dựa theo nguyên tắc này. Hai
con “chim sắt” bay sát nhau và người ta bắt đầu nối vòi tiếp dầu.
Nhưng kỳ diệu nhất có lẽ là những giờ phút “bắt tay nhau” của 2 con tàu vũ trụ. Mặc dầu
đang bay với vận tốc gần 3 vạn km/giờ, chúng vẫn có thể ghép được lại với nhau khá dễ
dàng. Đó là những cuộc hội ngộ đầu tiên giữa 2 con tàu “Liên hợp 4” và “Liên hợp 5”
của Liên Xô ngày 15/2/1969, giữa “Liên hợp” và “Apolo” của Mỹ năm 1975. Việc tính
toán, điều khiển để đạt được mục đích này tất nhiên phải rất tinh vi, với độ chính xác cực
kỳ cao. Vì ở đây, nếu “sai một ly” thì đi không phải một dặm mà là… hàng chục hoặc
hàng trăm dặm!
Đuổi theo thời gian
Con người có thể đuổi kịp thời gian không?
Xin thưa: Có! Và thậm chí còn có thể vượt cả thời gian nữa đấy! Nhưng ta không thể
dùng sức mạnh của đôi chân mà phải dùng đến trí thông minh của mình.
Mời bạn ngồi lên chiếc MIG – 23 hiện đại của Liên Xô. Từ Hà Nội bạn hãy sang
Lahabana, thủ đô của đất nước Cuba anh em ở bên kia bán cầu. chỉ cần giữ cho vận tốc
máy bay luôn không nhỏ hơn 1600km/h là bạn có thể đuổi kịp thời gian. Nghĩa là, nếu ở
thủ đô ta bạn cất cánh lúc 12h thì suốt dọc đường đi cho tới đích, ông Mặt Trời vẫn luôn
luôn ở giữa đỉnh đầu. Nhưng nếu con “chim sắt” của bạn bay nhanh hơn nữa, khoảng
2000km/h chẳng hạn, thì bạn sẽ còn vượt được… thời gian! Nghĩa là, bạn có thể hạ cánh
không phải giữa trưa mà có thể vào 10h sáng hôm đó!
“Đuổi theo Mặt Trăng” không vất vả bằng đuổi theo Mặt Trời. Chị Hằng quay quanh Trái
Đất chậm hơn Trái Đất tự quay quanh trục của nó 29 lần. vì vậy, ở những vĩ độ trung
bình, một chiếc tàu thủy chạy từ 25 đến 30km/h là đã có thể đuổi kịp Mặt Trăng.
Điều này thực ra không có gì phi lý cả, nếu ta hiểu rằng không những chuyển động là
tương đối mà thời gian cũng chỉ là quy ước.
Trái Đất quay đều quanh trục của nó mỗi vòng hết một ngày một đêm, tức 24 tiếng đồng
hồ. Việt Nam cách Cuba đúng nửa vòng Trái Đất. Cho nên, khi Mặt Trời bắt đầu “lặn” ở
ta thì đồng thời nó cũng bắt đầu “mọc” ở nước bạn. Tại hai thủ đô, vận tốc quay của mặt
đất vào khoảng 1600km/h. Vì thế, muốn “đuổi kịp thời gian”, máy bay bạn cần có vận
tốc trên và bay đuổi theo Mặt Trời đang trốn về phía tây. Vì thời gian ở mỗi nơi đều căn
cứ vào vị trí của Mặt Trời trên bầu trời của mình, nên rõ ràng nó chỉ là tương đối.
Xoay quanh vấn đề thời gian còn có những hiện tượng tưởng như ngược đời. Chiếc máy
bay của ValeriScalop cất cánh ở Matxcova ngày 19/6/1937, vòng qua Bắc Cực và đến
nước Mỹ ngày 18/6/1937! Ngày 1/1/1974 ở vịnh Bering (vùng Viễn Đông Liên Xô) một
ngư dân đánh điện về Matxcova chúc Tết gia đình. Bức điện đã đến tay người nhà đúng
vào lúc… giao thừa!
Tại sao như vậy?
Đó là do một quy ước về “đường đổi ngày”. Người ta lấy kinh tuyến 180 chạy qua eo
biển Bering làm đường đổi ngày. Khi Bering bước qua 0h ngày 1/1 chẳng hạn, thì toàn
thế giới vẫn ở ngày 31/12. Như vậy, các vùng khác trên thế giới bước sang năm mới
chậm hơn Bering từ 0 đến 24h.
Chương 2: Ba viên gạch kỳ diệu của Niutơn
Nếu Trái Đất ngừng quay!
Trong cuốn “Chàng Photorinh làm nên những chuyện thần kỳ”, Hecbe Oenxo đã kể lại
câu chuyện sau:
Photorinh, nhân viên văn thư của một công sở nọ, được Chúa Trời cho phép toại nguyện
ngay tức khắc mọi điều ước…
Sau một bữa tiệc đêm kéo dài, để có thể về tới nhà trước lúc trời sáng, anh ta thấy cần
phải cầu ước để kéo dài đêm tối. Chàng ta đứng nghiêm, đưa hai tay lên trời và trịnh
trọng ra lệnh:
- -
Theo lệnh ta, Trái Đất hãy ngừng quay!
Chưa dứt lời thì một cơn gió lớn nổi lên cuốn băng cả Photorinh và không trung.
Tuy bị tối tăm mặt mày, anh ta vẫn kịp kêu lên: “Không được hại ta!”
Lời cầu mong ấy thốt ra đúng lúc: Chỉ trong khoảnh khắc anh ta được ném lên một đám
đất. Một quang cảnh cực kỳ rùng rợn diễn ra: Cây cối, đất đá, bò ngựa… đang theo nhau
lao vun vút và bầu trời. Nhà cửa, lâu đài sụp đổ ầm ầm và tất cả đều cuốn theo gió. Gió
gào thét kinh hồn là Photorinh không dám ngẩng đầu lên. Sấm vang, chớp giật… Rồi tiếp
đến tiếng ầm ầm, dồn dập, tưởng như cả bầu trời đang rạn nứt, sụp đổ. Dưới ánh sáng của
những tia chớp, Photorinh nhìn thấy những quả núi nước đen ngòm từ phía xa đang hùng
hổ lao tới chực nuốt chửng mình. Hoảng quá, chàng vội quát:
- -
Đứng lại! Không được tiến thêm nửa bước!
Anh ra lệnh cho nước, cho sấm chớp, gió bão…
Lệnh vừa ban ra, tức thì sóng yên, gió lặng. Trời đất bỗng ghìm cơn giận dữ và trở lại
hiền lành. Photorinh vò đầu, bứt tai, ngồi sụp xuống đất. “Thật là hú vía! Thôi từ nay xin
chừa, xin chừa!”.
- -
Tôi xin ước hai điều: Điều thứ nhất, tôi muốn tất cả đều trở lại như cũ. Điều
thứ hai, nếu những lời này còn ứng nghiệm thì hãy làm tôi mất hẳn cái khả năng ước gì
được nấy đi. Tôi không cần phép lạ nữa, không cần một chút nào, vì đó là những trò chơi
quá ư nguy hiểm…
Chúng ta hãy tìm hiểu, tại sao lại xảy ra cảnh tượng hỗn loạn trên đây?