Bạn hiểu và xác định như trách nhiệm như thế nào của thế hệ giáo viên trẻ
Việt Nam trước việc thực hiện 4 trụ cột của giáo dục thế giới trong thế kỉ
21 : Học để biết,học để làm việc,học để chung sống với nhau,học để làm
người”?
Ngày nay,cuộc sống hiện đại cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị
trường đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ của con người. Một bộ phận học
sinh,sinh viên thời nay đã không xác định đúng đắn mục đích học tập của
mình. Họ miệt mài trong học tập như một cỗ máy,coi việc học như nghĩa
vụ,trách nhiệm. Họ học cho bằng cấp,cho sự nghiệp công danh sau này mà
họ trở nên thực dụng trong việc học và quên đi vai trò to lớn của việc học.
Năm 1996, UNESCO đã khuyến nghị giáo dục toàn thế giới trong thế kỉ 21
sẽ được xây dựng trên 4 trụ cột,đó là “Học để biết,học để làm việc,học để
chung sống với nhau,học để làm người’Vậy thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay
cần phải nhận thức như thế nào về vấn đề này?
Học tập là con đường muôn đời không bao giờ ngừng phát triển.Trước
hết,chúng ta cần tìm hiểu thấu đáo “học”là gì và nó có ý nghĩa quan trọng
như thế nào trong cuộc sống. Học là quá trình học hỏi,tiếp nhận kiến thức,kĩ
năng để phát triển tâm hồn,trí tuệ và nhân cách. Ở bất cứ nơi đâu ta cũng có
thể học hỏi,học ở trường lớp,thầy cô,bạn bè,học ở trong cuộc sống,ngoái xã
hội.Ngày nay đang là thời đại công nghệ thông tin,khi mà lượng thông tin là
bình đẳng với nhau,ta có thể ngồi ở nhà để tìm kiếm mọi thông tin liên quan
đến một vấn đề nào đó mà ta quan tâm.Ta có thể giao tiếp với những chuyên
gia ở cách chúng ta hàng ngàn cây số.
Trước hết học để biết: Học là một công việc mà mỗi chúng ta phải làm hàng
ngày và có khi là làm cả cuộc đời.Học là quá trình tìm kiếm,thu nhận,tích
lũy kiến thức cho bản thân mình từ thầy cô,bạn bè,từ cuộc sống.Kiến thức
nhân loại vô cùng phong phú,khoa học kĩ thuật không ngừng phát triển có
nhiều điều rất bổ ích và thú vị để chúng ta lĩnh hội.Tuy nhiên những điều
chúng ta biết chỉ là một giọt nước nhỏ trong khi những điều ta chưa biết lại
là biển cả rộng lớn bao la,thế nên việc học trước hết phải hướng đến mục
đích học để biết.
Bên cạnh việc học chúng ta còn phải biết vận dụng,biết thực hành : học để
làm. Chỉ học không thôi thì chưa đủ mà ta còn phải biết áp dụng những cái
mình đã học vào công việc,cuộc sống. Như thế mới đúng nghĩa của việc học
“học đi đôi với hành”. Học và dựa trên những kiến thức đã học để áp dụng
vào cuộc sống vừa là mục đích vừa còn là phương pháp học tập.Chúng ta đã
được nghe nói nhiều những “thợ”giải Toán,Lý từng đạt giải nhất,giải nhì các
kì thi học sinh giỏi cấp quốc gia(trong đó có cả những học sinh trường kĩ
thuật) nhưng loay hoay mãi không lắp nổi chiếc máy thuộc động cơ 4 kì. Chỉ
khi nào ta biến kiến thức thành sản phẩm dùng được khi đó kiến thức mới
thực sự có giá trị.Một khi đã nắm vững kiến thức,áp dụng vào giải quyết
những công việc thì đó là cơ hội để bản thân kiểm nghiệm những điều đã
học và phát triển tư duy sáng tạo của mình.
Ngoài ra chúng ta còn học để chung sống. Học để chung sống nhằm trang bị
cho người học những tri thức kĩ năng,giá trị và thái độ cần thiết trong cuộc
sống. Biết chung sống cùng nhau là cả một nghệ thuật, vận dụng hiểu biết
vào thực tế,tìm ra cách ứng xử hợp lí trong từng hoàn cảnh nhất định.Cuộc
sống không thể không có các mối quan hệ,giữa cá nhân với cá nhân,giữa cá
nhân với tập thể,giữa cộng đồng này và cộng đồng khác,giữa các quốc gia
với nhau đều có sự đan xen giữa tình thương yêu đồng cảm và sự cạnh
tranh,thậm chí đấu tranh với nhau để tồn tại và phát triển,việc mối quan hệ
đó tốt hay xấu là phụ thuộc ở mỗi người chúng ta.Học tập sẽ giúp chúng ta
có thái độ đúng đắn,biết cách đối nhân xử thế,biết dung hòa các mối quan hệ
xã hội để tạo ra môt xã hội hòa bình,nhiều thiện chí. Hiện nay chúng ta đang
hội nhập vào nền kinh tế thế giới,nếu không học cách chung sống cùng nhau
chắc chắn chúng ta sẽ bị thanh lọc ra khỏi xã hội.
Nếu như học để biết thiên về nhận thức,yêu cầu có được kiến thức lí thuyết
về mọi lĩnh vực,để không bị tụt hậu với thời đại và yêu cầu của cuộc
sống,học để làm thiên về áp dụng kiến thức lí thuyết vào thực hành,biến kiến
thức kĩ năng đã biết vào thực tế và học để chung sống yêu cầu chúng ta ứng
dụng những kiến thức đã biết,những việc đã làm vào để cùng hòa nhập tốt
với cộng đồng thì việc học để làm người mang lại cho con người ta những
hiểu biết về đạo lí làm người. Người xưa coi việc học thiêng liêng như một
thứ đạo-đạo học “ngọc không mài không thành đồ vậy người không học
không biết rõ đạo”. Trong quá trình học tập chúng ta có nhiều bài học về đạo
đức,đạo lí đối nhân xử thế,nhiều câu chuyện hay về lòng trắc ẩn…từ đó hình
thành ý thức về chân-thiện-mĩ trong mỗi người. Ta biết mỉm cười trước niềm
vui của người khác,biết đau trước những nỗi đau của người khác,biết giúp
đỡ,chia sẻ,cảm thông với những số phận kém may mắn trong cuộc sống. Tri
thức tự nó đã là sức mạnh giúp cho con người rộng lượng hơn,vị tha hơn và
tư tin trong cuộc sống.
Từ những điều phân tích trên đây chúng ta càng nhận thức rõ về trách nhiệm
của thế hệ giáo viên trẻ hiện nay. Mỗi người ngay từ khi ngồi trên ghế giảng
đường ĐH phải tự xác định cho mình một mục tiêu để phấn đấu và nỗ lực
không ngừng để đạt được. Tích cực tìm tòi,nghiên cứu khoa học,tự trau dồi
chuyên môn,nghiệp vụ,bồi dưỡng các kĩ năng cần thiết để phục vụ cho công
việc sau này.Song song với việc luyện tài thi mỗi người phải tự rèn luyện
đạo đức,phẩm chất cho mình,hay nói cách khác là rèn luyện cho mình cách
sống vì cộng đồng,vì tập thể chung,tránh chủ nghĩa cá nhân,cái tôi ích kỉ.
Người giáo viên là những kĩ sư tâm hồn,họ là người đặt những viên gạch
đầu tiên để xây dựng nên nền móng cho những nhân cách của học trò,hơn ai
hết họ có một trách nhiệm vô cùng lớn lao.Vì lẽ đó họ phải luôn ý thức sâu
sắc về giá trị của việc học :học để biết,học để làm việc,học để chung sống
với nhau,học để làm người.
Xin chân thành cảm ơn quý vị đại biểu,các thầy giáo,cô giáo cùng toàn thể
các bạn sinh viên đã chú ý lắng nghe.