Tìm hiểu về nhóm tài sản tài chính cấu trúc, tài
chính phân lớp Structured Finance
Xung quanh một định nghĩa về Tài chính Phân lớp, Tài sản đã cơ cấu rủi ro hoặc
Tài chính Cấu trúc, Tài sản đa lớp (Structured Finance) chúng tôi xin trình bày vài
nét cơ bản như sau, để cộng đồng SAGA cùng góp ý và nghiên cứu thêm.
Trong cuốn sách Collateralized Debt Obligations & Structured Finance (John
Wiley & Sons, 2003) TS. J. Tavakoli cho rằng tài chính phân lớp là một thuật ngữ
chung, có nghĩa rộng nhằm ám chỉ các phương pháp và tài sản cung cấp và giao
dịch tài chính phức tạp hơn so với các loại vốn vay truyền thống, trái phiếu coupon
giản đơn, hoặc vốn cổ đông thông thường. Các giao dịch tương đối giản dị giúp
làm giảm bớt chi phí vốn cho doanh nghiệp bằng cách chuyển đổi một khoản
nghĩa vụ nợ tài chính với lãi suất động sang khoản nợ có lãi suất cố định thông qua
việc sử dụng swap lãi suất được xem là một loại giao dịch tài chính phân lớp điển
hình và cổ điển. Các kỹ thuật tài chính thực hành có liên quan tới những loại hình
doanh nghiệp được sinh ra chỉ để thực hiện một mục tiêu đầu tư tài chính đặc biệt
cũng được xem là một phần của tài chính phân lớp
(tài chính cấu trúc).
Các loại tài sản tài chính có nguồn gốc từ tiền vay
đặc biệt phức tạp như các nghĩa vụ nợ tài chính có tên
gọi CPDOs (constant proportion debt obligations) và
các cấu trúc chứng khoán khóa phức tạp như nợ vay
đã thế chấp (CDO – collateralized debt obligations)
cũng là những tài sản được xếp thuộc vào nhóm tài
chính cấu trúc.
Động cơ chủ yếu khiến cho giới kinh doanh sử dụng tài chính cấu trúc/phân lớp là
nhằm làm giảm bớt chi phí vốn, thay đổi cấu trúc vốn thể hiện qua cán cân giữa nợ
và vốn góp cổ đông trong bảng cân đối kế toán, chuyển hóa công ty trở thành đại
chúng hay sở hữu nhóm hẹp cổ đông, tạo ra diện mạo mới và năng lực tài chính
mới cho một bảng cân đối kế toán chưa được như ý, “tiền tệ hóa” các tài sản thuộc
bảng cân đối kế toán, cung cấp tài chính cho các tài sản kinh doanh, tìm kiếm cơ
lợi vốn, góp phần bảo vệ năng lực thanh toán nghĩa vụ nợ cho doanh nghiệp, cung
cấp tài chính cho hoạt động LBO, phòng ngừa việc bị thâu tóm, đầu cơ, và thay
đổi để phù hợp với các quy tắc kế toán mới hay cấu trúc nợ mới. Các cấu trúc tài
sản mới có thể giải quyết một số vấn đề vướng mắc tài chính mà doanh nghiệp gặp
phải khi hoạt động, bao gồm cả việc chuyển rủi ro, đáp ứng yêu cầu kế toán và
thuế, phá sản hay tăng cường khả năng vay mới.
Theo TS. Frank J. Fabozzi (Yale Universitys School of Management và Journal of
Portfolio Management) tài chính cấu trúc là một thuật ngữ bao hàm một số lớn các
giao dịch và sản phẩm của thị trường tài chính. Một số định nghĩa quen thuộc và
chung nhất thường tập trung xung quanh “chứng khoán hóa.” Tuy vậy, các sản
phẩm tài chính phân lớp (cấu trúc) còn hàm chứa cả chứng khoán phái sinh tín
dụng, trái phiếu kèm thêm các quyền đặc dụng, thuê mua tài sản nợ, tài trợ dự án,
và một loạt các giao dịch tài chính phức hợp khác nữa nữa.
Tài chính cấu trúc nhìn từ một góc rộng có thể bao gồm các sản phẩm tài chính:
- Chứng khoán hóa
- Chứng khoán phái sinh lãi suất (options)
- Chứng khoán phái sinh tín dụng (swap tài sản và swap lãi)
- Các cấu trúc đa tài sản đã chứng khoán hóa và cấu trúc tài trợ dự án cấu thành từ
nhiều loại tài sản và rủi ro khác nhau
- Các CDO tiền mặt hoặc mô phỏng
- Các giao dịch thuê mua tài chính phức tạp
- Tài trợ dự án
Tài chính phân lớp có vai trò quan trọng và đang tăng lên trong các thị trường tài
chính hiện đại. Trên thực tế, một phần lớn các sáng kiến và sản phẩm tài chính
mới trong những năm gần đây có liên quan tới chứng khoán hóa, phái sinh tín
dụng, hoặc kết hợp cả hai.
Một nghiên cứu khác của Henry Davis trên tạp chí The Journal of Structure
Finance, Fall 2005, đã thu nhận ý kiến của 23 chuyên gia về định nghĩa của tài
chính phân lớp. Theo nghiên cứu này, ngày nay, thế giới kinh doanh xem tài chính
phân lớp và tài sản có cấu trúc như một nhóm khái niệm rộng mở. Nó có thể được
định nghĩa nhiều cách chẳng hạn là các giao dịch phức hợp giúp chuyển rủi ro
khỏi doanh nghiệp, một giao dịch cung cấp tài chính trong đó người ta sử dụng các
cấu trúc pháp lý để cô lập riêng rủi ro của một pháp nhân hay tài sản, giúp làm
giảm rủi ro cho người phát hành; hoặc tiền tệ hóa các quyền lợi tài chính tương lai
bằng cách tạo ra căn cứ pháp lý để chuyển quyền đó cho một bên thứ ba và thu
tiền sớm.
Chứng khoán hóa rõ ràng là một phần quan trọng của tài chính phân lớp, bao gồm
một loạt các công cụ tài chính ngày nay đã được sử dụng phổ biến như chứng
khoán bảo đảm bằng tài sản tài chính (chứng khoán ABS), chứng khoán bảo đảm
bằng khế ước vay bất động sản nhà ở (RMBS), chứng khoán bảo đảm bằng khế
ước vay bất động sản thương mại (CMBS) và collateralized debt obligations
(CDOs). Hầu hết các chuyên gia cũng cho rằng khái niệm tài chính có cấu trúc nên
gộp cả phái sinh chứng khoán nợ, tài trợ dự án, các giao dịch thuê mua tài chính
phức tạp, và những cơ cấu cho phép chuyển tải bớt rủi ro khỏi cấu trúc tài chính
hiện tại.
Như vậy, chúng ta nhìn chung tài chính cấu trúc (tài chính phân lớp) là các công
cụ và phương pháp giao dịch tài chính phức hợp, đặt ra những mục tiêu riêng rõ
ràng, nhằm chuyển tải rủi ro và làm lành mạnh hóa dòng tiền, tăng khả năng huy
động vốn hoặc giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Việc ứng dụng ở Việt Nam đã
từng được bắt đầu ở các dự án đầu tư nước ngoài trước khi TTCKVN cho phép
tăng tính thanh khoản tài sản tài chính và việc đánh giá rủi ro vẫn còn những bất
lợi về chi phí vốn.
Sắp tới đây, thị trường tài chính Việt Nam sẽ có những bước chuyển biến mới, và
chúng ta sẽ được xem việc ứng dụng các công cụ này trong đời sống kinh doanh
thực tế diễn ra như thế nào.