NHỮNG PHƯƠNG HƯỚNG BIỆN PHÁP CHỦ YẾU NHẰM ĐẨY MẠNH TIÊU
THỤ SẢN PHẨM Ở CÔNG TY DA GIẦY HÀ NỘI
I/ Phương hướng phát triển :
Cùng với sự phát triển của xã hội nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi ngày một nâng
cao. Xu hướng tiêu dùng nhằm vào các chủng loại giầy dép phong phú về mẫu mã,
chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp. Để định hướng phát triển thị trường tiêu thụ
cần căn cứ vào mục tiêu chiến lược của toàn ngành và của Tổng công ty da giầy
Việt nam, căn cứ vào thực trạng tình hình phát triển sản xuất kinh doanh của Công
ty trong những năm gần đây cũng như căn cứ vào kết quả bước đầu nghiên cứu thị
trường, Công ty Da giầy Hà nội đã xác định các định hướng kế hoạch cho những
năm tới. Cụ thể như sau :
- Khẳng định quan điểm hướng ra xuất khẩu với phương hướng chuyển mạnh
từ gia công sang mua nguyên liệu bán thành phẩm, đảm bảo nâng cao thành quả
tăng nhanh tích luỹ, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu.
- Coi trọng thị trường nội địa, tự từ kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu với
giá rẻ ổn định, đáp ứng yêu cầu chất lượng. Khai thác tối đa năng lực nhằm phục
vụ nhu cầu ngày càng phát triển của tiêu dùng trong nước về các mặt hàng thông
dụng, trang phục, nhu cầu bảo hộ lao động và đáp ứng các nhu cầu sản xuất công
nghiệp khác.
- Hình thành mạng lưới tiêu thụ xuyên suốt trên phạm vi cả nước, tổ chức các
đại lý, các cửa hàng bán lẻ để dần thoả mãn thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng, tổ chức
nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường chú trọng mẫu mốt thời trang để vươn tới chiếm
lĩnh thị trường. đồng thời tổ chức mạng lưới tiêu thụ tại các thành phố lớn, khu
công nghiệp trọng tâm, khu dân cư và vùng nông thôn ...để đáp ứng yêu cầu của
đông đảo người tiêu dùng, tạo thế cạnh tranh với hàng nhập từ Trung quốc và các
nước trong khu vực.
- Chú trọng đào tạo thiết kế mẫu mốt thời trang, đào tạo đội ngũ tiếp thị trẻ có
năng lực để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng giúp Công ty chuyển đổi
phương thức nhanh chóng đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của Công ty cũng
như mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước sau năm 2010.
- Bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành
nghề của Công ty đảm bảo tiếp thu nhanh chóng sự chuyển dịch sản xuất từ các
nước đã phát triển phấn đấu làm chủ trong sản xuất.
- Tìm kiếm và phát triển nguồn lực tài chính lâu dài ưu tiên các dự án đầu tư
mở rộng và đầu tư mới nhằm gia tăng năng suất, đảm bảo đạt trình độ công nghệ.
II/ Một số biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở Công ty Da
giầy Hà nội :
Sau thời gian thực tập tại Công ty Da giầy Hà nội qua việc phân tích những lý
luận chung nhất về công tác tổ chức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất,
qua việc phân tích tình hình chung về kết quả sản xuất kinh doanh, em nhận thấy
công tác tổ chức tiêu thụ sản phẩm đối với doanh nghiệp là rất cần thiết. Vì vậy em
mạnh dạn xin đề đạt một số ý kiến nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản
phẩm của Công ty như sau :
1/ Nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến mẫu mã sản phẩm :
Trong nền kinh tế thị trường, chất lượng của sản phẩm là nội dung quan trọng
và luôn được các doanh nghiệp quan tâm. Một sản phẩm được đưa ra thị trường,
được thị trường chấp nhận nhưng không có gì để đảm bảo dám chắc rằng sản phẩm
đó sẽ tiếp tục thành công hay không . Nếu như doanh nghiệp không duy trì cải tiến,
đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó để có thể cạnh tranh mạnh mẽ với
các sản phẩm cùng loại trên thị trường thì việc nâng cao chất lượng và cải tiến, đổi
mới mẫu mã sản phẩm hơn nữa là không thể thiếu được. Hiện nay, sản phẩm của
Công ty đã đạt tiêu chuẩn chất lượng khá cao, không thua kém gì so với hàng
ngoại.
Chính vì vậy, năm 2002 vừa qua, số lượng sản phẩm tiêu thụ đã đạt
534.331đôi, tăng 74% so với số lượng tiêu thụ năm 2001. Song ta cũng thấy rằng,
số lượng tiêu thụ tăng này chủ yếu là do tăng tiêu thụ trong nước còn số lượng
hàng xuất khẩu đã giảm xuống và không đạt kế hoachj đề ra là 3,71%. Một trong
những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sản phẩm của Công ty chưa cạnh
tranh được mạnh mẽ với những đôi giầy ngoại có độ tinh xảo và độ bền rất cao do
được sản xuất từ những dây chuyền công nghệ hết sức hiện đại. Vì vậy, để cạnh
tranh được với giầy ngoại thì Công ty cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt kỹ
thuật và trang thiết bị hiện đại.
- Việc nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh đối với các
sản phẩm cùng loại có chất lượng cao thì không chỉ dựa vào dây chuyền sản xuất
hiện đại mà còn phải dựa vào trình độ tay nghề và năng lực của công nhân sản
xuất.
Ngoài ra, Công ty còn có thể sử dụng các đòn bẩy tiền lương, tiền thưởng để
khuyến khích công nhân sản xuất làm việc có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Công ty
cũng cần cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân như điều kiện về nhà xưởng,
ánh sáng, độ thông gió, không gian sản xuất...để công nhân có khả năng phát huy
và nâng cao tay nghề.
- Đa dạng hoá mẫu mã, mầu sắc, kiểu dáng sản phẩm:
Hiện nay, sản phẩm của Công ty về mẫu mã, kiểu dáng là khá phong phú nên
đã được ưa chuộng ở thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt năm 2002 vừa qua
lượng tiêu thụ trên thị trường nội địa tăng khá rõ rệt. Tuy nhiên, ta thấy rằng lượng
tiêu thụ này tăng chủ yếu là do tăng sản phẩm giầy dùng trong lao động sản xuất và
luyện tập thể dục thể thao, còn các loại giầy khác lượng tiêu thụ tăng hoặc không
tăng không nhiều. Thêm vào đó, số lượng giầy xuất khẩu cũng giảm. Một trong
những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mẫu mã, kiểu dáng giầy của Công
ty còn chưa thực sực thu hút được nhu cầu về giầy dép của mọi đối tượng tiêu
dùng.Do vậy Công ty có thể thực hiện những biện pháp như:
- Tiến hành nghiên cứu thị trường thật kỹ lưỡng.
- Công ty nên thiết lập riêng phòng Marketing để chuyên làm các công việc
tìm hiểu thị trường.
- Công ty có thể tạo ra một sản phẩm “ mới “ thông qua việc cải tiến sản
phẩm.
- Công ty có thể tiến hành thiết kễ biểu tượng sản phẩm của Công ty.
- Công ty cần có ngân sách chi tiêu ổn định cho công tác nghiên cứu tìm hiểu
và phát triển thị trường, công tác thiết kế mẫu sản phẩm.
- Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản phẩm thật tốt thì nguyên vật liệu nhập
vào để sản xuất phải đúng yêu cầu, có chất lượng cao và hệ thống bảo quản sản
phẩm trong kho phải thật tốt, phải đạt tiêu chuẩn, tránh làm hư hỏng sản phẩm mặc
dù đây không phải là loại sản phẩm khó bảo quản.
2/ Tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm:
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, để có thể
tiêu thụ được sản phẩm của mình, các doanh nghiệp ngoài việc tiến hành cạnh
tranh bằng chất lượng sản phẩm, còn cạnh tranh bằng giá bán sản phẩm vì đây là
một biện pháp hiệu quả. Chính vì vậy, trong tình hình biến động mạnh của thị
trường năm qua, để không những giữ vững được số lượng tiêu thụ mà còn tăng
lượng tiêu thụ lên, Công ty đã phải hạ thấp giá bán của tất cả các loại sản phẩm so
với kế hoạch.
Muốn vậy thì một trong những yếu tố quan trọng đó là Công ty phải tiết kiệm
được chi phí nhằm hạ thấp giá thành sản phẩm. Để làm tốt công việc này, Công ty
cần vận dụng một số biện pháp sau:
- Hạ thấp chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu:
Để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh Công ty phải nhập nhiều loại nguyên
vật liệu ở trong và ngoài nước. Vì vậy, điều quan trọng để hạ thấp chi phí nguyên
vật liệu đó là
+ Công ty phải lựa chọn nguồn cung ứng vật tư tối ưu.
+ Đảm bảo cung ứng vật tư đầy đủ, kịp thời điểm sản xuất.
+ Xây dựng định mức vật tư cho phù hợp với thực tế.
+ Công tác bảo quản vật tư phải thực hiện nghiêm ngặt tránh không để vật tư
hao hụt, mất mát và kém chất lượng.
- Phân công lao động khoa học hợp lý, nâng cao năng suất lao động của công
nhân, quản lý và sử dụng có hiệu quả chi phí tiền lương, tiền thưởng trong sản xuất
kinh doanh.
- Quản lý bảo dưỡng tốt các máy móc thiết bị, đảm bảo điều kiện kỹ thuật cho
máy móc thiết bị như: nhiệt độ, độ ẩm, độ thông gió, điện áp...máy móc thiết bị
được vận hành đúng quy trình kỹ thuật và phải được phát huy tối đa công suất thiết
kế để giảm chi phí khấu hao trên đơn vị sản phẩm.
- Hạ thấp chi phí quản lý doanh nghiệp:
Hiện nay chi phí quản lý doanh nghiệp của Công ty chiếm khoảng 5,2% giá
thành toàn bộ. Nếu Công ty xem xét lại chi phí quản lý doanh nghiệp để loại trừ
những khoản chi phí bất hợp lý, không cần thiết thì sẽ giảm được giá thành toàn bộ
sản phẩm.
3/ Một số biện pháp về công tác quản lý bán hàng nhằm tăng doanh thu tiêu
thụ sản phẩm:
Thực tế ở Công ty Da giầy Hà nội hiện nay cho thấy Công ty đã mở rộng thị
trường tiêu thụ nội địa, đặc biệt năm 2001, 2002 vừa qua Công ty đã mở rộng được
hệ thống phân phối sản phẩm thông qua các đại lý bán hàng, các cửa hàng bán và
giới thiệu sản phẩm ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. Việc mở rộng được thị trường
trong nước này đã tăng số lượng tiêu thụ của Công ty lên nhiều. Tuy nhiên, ta thấy
rằng đối với hệ thống bán buôn, bán lẻ sản phẩm của Công ty trên khắp cả nước,
Công ty vẫn chưa có các hình thức hướng dẫn hoặc khuyến khích họ hoạt động có
hiệu quả hơn, đảm bảo thanh toán tiền hàng cho Công ty nhanh và đúng thời hạn...
Vậy để cho việc bán hàng của Công ty cũng như các đại lý bán hàng của Công ty
hoạt động có hiệu quả thì Công ty nên xem xét các khiá cạnh sau:
- Các đại lý bán hàng phải có trình độ nghiệp vụ bán hàng ở một mức độ nhất
định để có thể thay mặt Công ty thực hiện các công việc giao dịch với khách hàng.
- Việc mở các đại lý cần chú ý đến vấn đề thanh toán của đại lý, vấn đề kiểm
soát chặt chẽ đối với các đại lý. Cho nên định kỳ có thể hàng tháng, hàng quý Công
ty cần trực tiếp kiểm tra các đại lý để phát hiện kịp thời các sai sót yếu kém và có
biện pháp khắc phục kịp thời.
- Nâng cao chất lượng công tác bán hàng, giao dịch bán hàng:
Trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì việc phục vụ khách hàng
chu đáo là rất cần thiết. Công ty đã tiến hành giới thiệu trực tiếp sản phẩm với
khách hàng thông qua các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của mình. Để hoạt
động này có hiệu quả Công ty cũng cần chú ý đến việc trưng bày sản phẩm sao cho
thật đẹp, hấp dẫn có kèm theo nhiều hình mẫu quảng cáo sản phẩm, nhân viên bán
hàng phải có kiến thức về sản phẩm, có thái độ phục vụ khách hàng tận tình chu
đáo. Các cửa hàng này phải có điều kiện mua bán thuận lợi và thu hút khách hàng
như: nằm ở nơi dân cư đông đúc, thu hút được sự chú ý của nhiều người tiêu dùng,
có chỗ để xe thuận lợi cho khách vào nua hàng...
Ngoài ra, Công ty có thể đưa các khách hàng quan trọng đi tham quan quá
trình sản xuất để khách hàng có thể thấy và kiểm tra được chất lượng của từng
khâu sản xuất. Khi có sản phẩm mới hoặc sản phẩm đã được cải tiến so với sản
phẩm cũ, Công ty cũng cần trực tiếp giới thiệu với khách hàng trong quá trình giao
dịch để khách hàng thấy rõ được ưu điểm của sản phẩm. Nếu khách hàng có các
yêu cầu khác về sản phẩm tuy Công ty chưa sản xuất hoặc không sản xuất nhưng
có thể đảm nhận được, Công ty cũng có thể chấp nhận những yêu cầu của khách
hàng để nghiên cứu.
4/ Tăng cường các biện pháp khuyến khích kinh tế để thúc đẩy tiêu thụ sản
phẩm:
Để đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm Công ty cần sử dụng tất cả các biện
pháp có tính chất đòn bẩy như:
- Sử dụng chiết khấu bán hàng:
Trong năm qua, do sức mua trên thị trường đối với nhiều loại sản phẩm hàng
hoá có xu hướng chậm lại hoặc giảm sút. Chính vì vậy, khâu thanh toán tiền hàng
giữa các khách hàng lớn, các đại lý bán hàng với các doanh nghiệp sản xuất thường
xảy ra tình trạng thanh toán chậm, không đúng thời hạn đã ký kết, thậm chí còn có
trường hợp nợ nần chưa có khả năng thanh toán cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, tình hình thanh toán của Công ty Da giầy Hà nội cũng không
tránh khỏi có những trường hợp như vậy xảy ra, gây khó khăn không ít cho Công
ty trong việc huy động vốn đưa vào tái sản xuất hay thanh toán cho ngân hàng hoặc
khách hàng mà Công ty đã mua hàng của họ. Vì vậy, trong thời gian tới Công ty
cần xem xét để có thể vân dụng biện pháp chiết khấu hàng bán nhằm hạn chế việc
thanh toán chậm hoặc nợ quá hạn không có khả năng thanh toán. Công ty có thể
khấu trừ cho khách hàng một số tiền tương đương với một tỷ lệ phần trăm tính trên
trị giá số hàng hoá đã mua. Đối với khách hàng mua sản phẩm với khối lượng lớn,
thanh toán ngay sẽ được hưởng tỷ lệ chiết khấu cao, còn thanh toán trong một thời
gian ngắn thì được hưởng tỷ lệ chiết khấu thấp hơn. Tuy nhiên tỷ lệ chiết khấu phải
được quy định sao cho thích hợp để có thể phát huy được hiệu quả của nó trong
công tác thanh toán tiền hàng và phải được đặt trong sự liên hệ với lãi suất ngân
hàng.
- Giảm giá hàng bán:
+ Giảm giá theo mùa: ta thấy rằng thường vào giữa quý I cho đến hết quý II,
sản phẩm của Công ty có tiêu thụ chậm lại do đặc điểm sản phẩm của Công ty
không thích ứng với những mùa đó, đặc biệt là những sản phẩm tiêu thụ trong
nước. Do vậy, Công ty đã có chính sách giảm giá sản phẩm xuống để đẩy mạnh
tiêu thụ, nhưng chỉ giảm giá cho khách hàng mua với số lượng lớn và mức độ giảm
giá cũng không đáng kể.
Để có thể thúc đẩy được việc tiêu thụ hàng hoá vào thời điểm này, Công ty có
thể giảm giá sản phẩm xuống thấp hơn so với giá bán bình thường để làm sao cho
người tiêu dùng biết được mức độ giảm giá vì người tiêu dùng rất quan tâm đến
vấn đề này.