Làm giàu bằng đầu tư quan hệ
trong kinh doanh
Trong làn sóng cạnh tranh gay gắt của thị trường, mỗi một doanh nghiệp dù
kinh doanh cái gì và ở đâu cũng đều phải quan tâm tới cấp trên, chính quyền, đồng
nghiệp và các nhân viên sao cho tốt. Nói cách khác, dù bạn là nhà doanh nghiệp hay
nhà chính trị gia đều phải biết đầu tư cả trong quan hệ giữa con người với con người.
Tại sao vậy? Bởi vì trong cuộc sống, sự phát triển và thành công của mỗi doanh nhân
trước hết phần chính là do sự nỗ lực tối đa của bản thân nhưng một phần khác rất quan
trọng mà các doanh nhân không thể bỏ qua đó là nhờ ở sự khôn khéo trong khi giao
thiệp với đối tác cũng như với khách hàng.
Là chủ doanh nghiệp, bạn lại càng phải khéo léo với chính quyền, với đồng
nghiệp và với nhân viên để thúc đẩy doanh nghiệp luôn tiến triển vững chắc. Nếu
doanh nghiệp nào quy tụ được xung quanh mình những người sẵn sàng đem hết tâm
huyết để giúp đỡ, đưa ra những lời khuyên, những chỉ dẫn và hợp tác với sự nhiệt tình
cao sẽ tạo được rất nhiều lợi ích về kinh tế, thậm chí cả về uy tín trong kinh doanh.
Hiểu được điều đó và bằng mọi cách tạo lập các quan hệ thân thiết cũng là cách bạn
gia tăng sức mạnh và uy tín cho doanh nghiệp.
Đa số các nhà kinh doanh thành đạt đều biết quan hệ rất khéo với cấp trên, với
chính quyền địa phương, với cộng sự, với nhân viên, dung hoà đối thủ cạnh tranh và
biết quan hệ với những người danh tiếng ở các lĩnh vực thể thao, âm nhạc, hội hoạ,...
để gia tăng uy tín của mình. Warren Buffet hồi còn nhỏ rất nghèo khó, phải làm bồi
bàn để sống, sau này ông đã trở thành một trong những người giàu nhất Mỹ. Có được
địa vị như ngày hôm nay Warren đã kiên trì học hỏi và quan hệ tốt với các danh nhân
của Mỹ và các nước khác. Từ lúc còn đi làm thuê, Warren luôn mua sách vở để tự học,
có lần Warren nảy sinh ý định mua cuốn từ điển các doanh nhân nước Mỹ. Warren
nghiên cứu rất kỹ tiểu sử các doanh nhân hiện đại, Warren viết thư cho họ yêu cầu họ
cho biết thêm những chi tiết thuộc thời thơ ấu, những kinh nghiệm vượt lên sự ràng
buộc của hoàn cảnh khó khăn để trở thành những doanh nhân thành đạt mà từ điển
chưa thể miêu tả hết. Vì Warren tỏ ra rất biết “nghe” cho nên được các doanh nhân đó
kể chuyện mình cho Warren. Nhờ khéo kích thích những người đó tả lại thành công
của họ nên Warren nhanh chóng giao thiệp tốt với nhiều doanh nhân nổi tiếng của Mỹ,
thậm chí được nhiều vị tiếp đãi như khách quý. Sự giao thiệp đó đã hun đúc cho
Warren những đức tính quý báu, một hoài bão và một hy vọng lớn lao, xoay chuyển cả
cuộc đời Warren.
Nhà tỷ phú Hammer có biệt tại ngoại giao, quan hệ cá nhân với tất cả 12 tổng
thống Mỹ và có quan hệ gần gũi với tất cả các lãnh tụ Liên Xô cũ từ Lê Nin đến
Goocbachốp cũng như với các nguyên thủ quốc gia khác. Chính quan hệ đó đã giúp
cho các công việc kinh doanh của Hammer vô cùng thuận lợi và phát tài nhanh chóng.
Còn Henry Ford, nhà tỷ phủ nổi tiếng của Mỹ đặc biệt gia tăng sức mạnh và
quyền uy của mình nhờ kết thân với các nhà kinh tế và doanh nhân nổi tiếng như
Thome, A Edison, Hasvey Fisestota,... Nhờ hợp tác với những người đó mà Henry
Ford đã có thêm được những kinh nghiệm và kiến thức của họ. Điều này càng chứng
tỏ ảnh hưởng của doanh nhân này tới doanh nhân kia mạnh mẽ như thế nào và sức
mạnh của tình bằng hữu có khả năng tạo nên những sự nghiệp kinh doanh lớn lao.
Quả thật, để quản lý có hiệu quả một doanh nghiệp thì nhà quản lý phải có
nhiều hiểu biết và những kỹ năng nhất định, phải tham gia vào vô số những giao dịch
trên thương trường. Mỗi người chúng ta hoặc có cái này hoặc có cái khác nhưng ít ai
có đủ mọi đức tính và mọi hiểu biết. Vì thế cần phải mở rộng quan hệ để cho các đức
tính và các hiểu biết bổ sung lẫn nhau nhằm cho “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
ngay tại doanh nghiệp của bạn.
Nhiều khi bạn cũng chẳng cần đi đâu xa để tìm người hợp tác và thúc đẩy mối
quan hệ. Họ có thể là người phó giúp việc cho bạn, người đồng nghiệp sẵn sàng chung
sức,... Trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng cần có người hợp tác, bạn cần tìm cho ra
người hợp tác có thể tin cậy. Sự thành đạt của bạn trên thương trường phần lớn là do
những người trợ giúp đó, do chính những kiến thức, tình cảm của họ với bạn. hãy biết
quy tụ chung quanh bạn những người có tài sản và mỗi người đều sẽ cùng gành đỡ
nhau một phần công việc và đều được hưởng quyền lợi.
Một nhà quản lý doanh nghiệp tài danh bao giờ cũng phải biết chia sẻ, phân
phát sự thành công của mình với những người khác. Bởi sự thành công của mỗi nhà
quản lý, xét đến cùng, một phần lớn là do người khác góp phần xây đắp.
Có thể nói, trong kinh doanh, khả năng quan hệ, tổ chức động viên, thúc đẩy,
thừa nhận, biết ơn, đồng cảm với người khác là những điều không thể thiếu được đối
với một chủ doanh nghiệp. Bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn tồn tại và phát triển
cũng đều phải tập hợp kinh nghiệm và năng lực của nhiều cá nhân lại. Ngược lại,
chính sự tiến triển của doanh nghiệp lại cho phép các cá nhân hợp tác gắn bó với nhau
và cùng thành đạt.