Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Văn hóa-Sức sống mãnh liệt..

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (141.72 KB, 3 trang )

Văn hóa - sức sống bất diệt và mãnh liệt
Tùy bút của Nguyễn Trung
Ông Nguyễn Trung trả lời phỏng vấn của báo chí
tại lễ ra mắt sách “Thực thể Việt – nhìn từ các
tọa độ chữ” của PGS.TS Trần Ngọc Vương
chiều 14/11 (ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện).
Trong bài viết này, tôi không viết về cuốn sách Trần Ngọc Vương trao tặng, mà chỉ mượn cảm
hứng sau khi đọc nó để nói lên điều lâu nay làm mình day dứt.
Mùa thu năm nay tôi có đôi ba “sự kiện văn hóa” của riêng mình. Gọi là sự kiện riêng, vì nó làm tôi
thú vị.
Càng vào thu, tôi càng bồng bềnh giữa không biết bao nhiêu suy nghĩ về 1.000 năm Thăng Long,
miên man liên hệ với con đường đất nước ta đã trải qua suốt chiều dài thời gian này. Lặn ngụp,
trôi dạt trong thác lũ mênh mông miên man ấy, đầu tôi đụng đi đụng lại vào hai chữ “văn hóa”. Đơn
giản vì câu hỏi trong đầu tôi “Cái gì làm nên sức sống của dân tộc mình?” không dễ đối với tôi
chút nào… Vì đến nay tôi vẫn chưa làm sao trả lời rành rọt được cho chính mình. Vì thế tôi đặt tên
cho nó là “câu hỏi đời”. Chắc chắn nó sẽ còn đeo đuổi tôi, hay là chính tôi đeo đuổi nó, suốt đời…
Giữa lúc ấy, đến với tôi như là một cánh lá vàng đẹp, do ngọn gió thu nào đó mang tới: “Đằng sau
những ước lệ ngôn từ của Thiên Đô Chiếu” (đăng trên Tia Sáng số ra đầu tháng 10/2010).
Đọc xong, việc đầu tiên tôi phải gọi điện thoại ngay cho tác giả và sau cuộc đàm thoại, tác giả
tặng tôi cuốn “Thực thể Việt – nhìn từ các tọa độ chữ” vừa mới xuất bản của anh.
Trong bài viết này, tôi không viết về cuốn sách Trần Ngọc Vương trao tặng, mà chỉ mượn cảm
hứng sau khi đọc nó để nói lên điều lâu nay làm mình day dứt.
Trong cuốn sách của mình, với thái độ đi vào gốc và hồn từng “con chữ”, Trần Ngọc Vương nêu
lên nhiều vấn đề hệ trọng trong đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước ta kể từ thời
Triệu Đà cho tới ngày nay. Tác giả nêu không ít nhận xét, đánh giá của riêng mình, rất đáng là
“nhiên liệu” cho việc đào sâu, tìm tòi, xác định cái thực thể Việt đích thực của chúng ta, để nghĩ
tiếp, đi tiếp.
Tôi nghĩ: Hiển nhiên, còn rất nhiều việc phải làm, không thể là công việc của một người mà phải
cùng nhau làm, để bóc gỡ tiếp các lớp màng phủ và đồ ngụy trang khác nhau, để làm cho “nó” -
cái thực thể Việt đích thực - lộ diện hẳn ra; tách bạch ra dưới ánh sáng ban ngày: đâu là cái thực
thể Việt đích thực, chỗ nào là cái yếu bẩm sinh của nó? Đâu là những cái ngụy tạo? Cái gì thực


thể Việt ngày nay vẫn gìn giữ được và phát triển? cái gì thực thể Việt hiện nay của chúng ta bị
tước mất, bị làm cho quặt quẹo, biến dạng, chịu khuất phục...
Đặt ra câu hỏi như vậy, nghĩ như vậy, vì tôi hay so đo nước mình với nhiều nước khác – kể cả so
với lịch sử Mỹ, để cố tìm ra “cái thực thể Mỹ” – cho yêu cầu hiểu biết của chính mình; so với cả
Nhật, cả Trung Quốc… Nhất là tôi đã đánh vật không biết bao nhiêu lần với câu hỏi: Thực thể Hàn
nào làm nên Hàn Quốc hôm nay? – vì rất nhiều lý do dễ hiểu. Nhất là Hàn Quốc gần ta quá, về rất
nhiều mặt, trong quá khứ cũng như trong hiện tại.
So sánh tất cả các thời bừng lên suốt cả chiều dài lịch sử đất nước mình đến nay, hình như có thể
dễ dàng nhận thấy ngay sự bừng lên hào hùng và mãnh liệt của thực thể Việt trong hầu hết mọi
cuộc đất nước phải cùng nhau đứng lên chống ngoại xâm – hầu như không có ngoại lệ. Có nhiều
yếu tố cho sự bừng lên này lắm, song nổi bật nhất có lẽ là yếu tố “phải cùng nhau” – một biểu
hiện của yếu tố dân chủ, trước nghĩa vụ cứu nước. Vua cũng như tôi, lãnh đạo cũng như bị lãnh
đạo, tất cả phải cùng nhau cứu nước… Có thể kết luận: Trong bối cảnh ngày ấy, Diên Hồng tiêu
biểu trước hết là dân chủ - và ở đây rõ ràng là dân chủ với nghĩa người dân là chủ đất nước trước
nghĩa vụ cứu nước nên hết lòng cứu nước, dân chủ với nghĩa không phân biệt một ai trước nghĩa
vụ cứu nước… Điều này rõ lắm, trong tất cả các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cũng gần
như không có ngoại lệ, cho đến tận ngày nay...
Từ lâu, tôi đã cố tìm sự bừng lên như thế của thực thể Việt trong thời bình. Đơn giản: Chẳng lẽ cứ
phải chờ đến lúc phải đánh ngoại xâm, cái thực thể Việt mới ý thức được chính mình, mới bừng
dậy hay sao?
Nếu nhìn gần hơn nữa, nhìn vào cái phần quá khứ còn đang nóng bỏng, đang dính liền với hiện tại
chúng ta đang sống, vâng, nếu nhìn vào thế kỷ 20 cho đến nay, sự bừng lên như thế trong thời
bình của thực thể Việt như thế nào?
Vâng, nhìn gần lại hơn nữa, từ thế kỷ 20 này, cảm nghĩ đầu tiên của tôi là chua xót. Rất chua xót.
Dân tộc ta, nước ta đã bị cướp đoạt mất gần hết cả thế kỷ này. Thực ra chỉ còn lại hơn 10 năm
cuối cùng của thế kỷ này là nước ta bắt đầu có hòa bình với đúng nghĩa của nó! Phần nửa đầu
của thế kỷ này là sự rên xiết quằn quại trong số phận của kẻ nô lệ mất nước. Phần nửa sau của
thế kỷ này, khi công nghiệp thế giới chuyển sang một thời kỳ hoàn toàn mới, kinh tế thế giới phát
triển năng động chưa từng có, nước ta phải ba lần cầm súng chống xâm lược, lại còn sự giao
tranh khốc liệt bên ngoài và bên trong giữa cái gọi là hai con đường… Nói cho hết nhẽ, cả thế kỷ

20, nước ta chỉ còn mươi mười lăm năm sau cùng để bắt đầu đi vào con đường tìm lại chính mình
trong hòa bình. Con đường ấy mới chỉ được vỡ vạc, hôm nay mới chỉ đặt chân vào… Cố nói hết
nhẽ như vậy, mà cũng mới chỉ là “thấy” rõ thêm một chút thôi, còn rất nhiều việc phải làm để
“hiểu”.
Trong tầm hiểu biết và theo cách tư duy của mình, nghĩa là rất riêng, rất chủ quan, tôi nghĩ rằng
thời bình, cái thực thể Việt đích thực mới chỉ được đánh thức kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi
mới. “Nó” mới chỉ bắt đầu được đánh thức thôi, “nó” đang cựa mình, mới bắt đầu tỉnh dậy, bắt đầu
tìm cách gỡ bỏ mọi cái gì không phải là của “nó”, vừa gỡ bỏ, vừa phải chống trả mọi thứ cứ muốn
ốp lên “nó”, đầu độc tiếp “nó”… – đơn giản, không thể nào đồng nghĩa giải phóng thống nhất đất
nước với giải phóng “nó”. Tôi không chấp nhận một sự đồng nghĩa như thế. Toàn bộ cuộc giải
phóng “nó” – theo cách nghĩ này của tôi – còn đang ở phía trước. Theo cách nghĩ này, “nó” mới
chỉ được đánh thức trong đời sống kinh tế - và mới chỉ được đánh thức thôi, “nó” chưa thức tỉnh
hẳn, chưa vươn vai đứng dậy hẳn...
Phải, thành công của đổi mới 25 năm qua của đất nước nhìn thấy rõ nhất trong đời sống kinh tế.
Mười năm đầu là ngoạn mục, khó ai nghĩ được rằng nước ta sớm bước ra khỏi được cuộc khủng
hoảng kinh tế trầm trọng nước ta đã lâm vào ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng và thống
nhất. Đi tiếp dòng suy nghĩ này, có thể nói nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm nên những
thành công trong đổi mới là dân chủ, đương nhiên mới chỉ là bắt đầu thực hiện dân chủ với mức
độ khiêm tốn, trong kinh tế.
Trong con mắt tôi, thành tựu lớn nhất đạt được của đổi mới, thành tựu mở đường cho mọi thành
tựu khác, chính là những bước tiến bộ đầu tiên trong thực thi dân chủ - dù là chủ yếu mới chỉ trong
lĩnh vực kinh tế. Từ cái đạt được trong cuộc sống của đổi mới, dù chủ yếu mới chỉ là trong kinh tế,
tôi thấy không cần phải lý sự dài dòng, và dám nghĩ ngay rằng dân chủ đúng là nguồn lực của
sáng tạo. Dù còn mong manh, song dân chủ như thế đạt được trong kinh tế là thành tựu lớn nhất
của đổi mới, là thành tựu tạo nguồn cho mọi thành tựu khác đã đạt được.
Dân chủ trong đổi mới hiện nay, diễn đạt thật dân dã là: trước hết không duy ý chí áp đặt cái khiên
cưỡng vào cuộc sống, mọi người được làm kinh tế để mà sống. Bây giờ đang phấn đấu tiếp cho
làm kinh tế đúng là kinh tế - nghĩa là thừa nhận kinh tế thị trường, đang phấn đấu tiếp cho mọi
người đều bình đẳng trong làm kinh tế. Dân chủ trong đổi mới cho đến nay mới chỉ là như vậy.
Phía trước là chặng đường dài phấn đấu cho mọi người bình đẳng trước pháp luật, cho công

bằng, văn minh, cho chính dân chủ. Lúc tiến lên, lúc thụt lùi, con đường phấn đấu cho dân chủ của
đất nước ta mới chỉ đi được những bước đầu tiên.
Tới đây, dòng suy nghĩ của tôi rơi trở lại điểm xuất phát: Vì sao phấn đấu lao khổ như thế mà
nước ta vẫn cứ xa xa phía cuối lớp? Vì sao 25 năm đổi mới nước ta chỉ mới đi được khoảng một
nửa chặng đường 25 năm đầu tiên của Hàn Quốc trên con đường trở thành “NIC”? Cái thực thể
Việt đích thực khác cái cái thực thể Hàn ở chỗ nào mà lại tạo ra sự chậm chạp đủng đỉnh như thế?
Xin đừng quên trong 25 năm đầu tiên này ở cả hai nước, nguồn lực bên ngoài đổ vào nước ta lớn
hơn rất nhiều so với Hàn Quốc...
Trong khi viết những dòng này, truyền hình ta đưa lại câu chuyện lịch sử xây cầu Brooklyn ở New
York – một trong bảy kỳ quan công nghiệp của thế giới, khánh thành cách đây 127 năm… Ngồi
xem, tôi càng hiểu rõ: tầm nhìn, ý chí và trí tuệ, dân chủ ở mức cao nhất gắn với trách nhiệm cao
nhất, cùng với một thể chế làm việc chỉ bảo vệ những yếu tố này, đó là tất cả những yếu tố tinh
thần quyết định nhất làm nên cây cầu đẹp nhất, dài nhất thế giới này. Quá trình xây dựng cây cầu
này, bao chuyện quan liêu tham nhũng đã xảy ra, giống như ở bất kỳ nơi đâu trên thế gian trần tục
này, cả đầu cơ, gian lận, cướp công nhau nữa… – có lúc thép đưa vào làm dây cáp treo cầu chỉ
đáp ứng ¼ đòi hỏi kỹ thuật, tổng công trình sư chân chính của công trình, cũng là tác giả thiết kế
cây cầu, hết bị âm mưu này đến âm mưu khác lật đổ, loại bỏ… Cuối cùng thì cây cầu đứng sừng
sững như người đã thiết kế ra nó, sừng sững với thời gian như chúng ta đang thấy, những con
người chân chính đã thắng, thể chế đúng đã thắng. Thành công này, dù chỉ là một mẫu sinh thiết
từ cơ thể cuộc đời, cũng đủ cho thấy có thể làm được gì, một khi dân chủ trở thành văn hóa.
Nước Mỹ có lịch sử mới vài trăm năm thôi, nhưng đại thể được tạo dựng nên từ những con người
và thể chế làm nên những sự nghiệp cây cầu Brooklyn như thế.
Xem cuốn phim lịch sử cây cầu Brooklyn, tôi hiểu rõ hơn những tay cao-bồi, những người đi vỡ
hoang miền Tây nước Mỹ, những ai ai khác nữa đã rời bỏ châu Âu đến đây để lập nghiệp, dù là từ
Ireland, Anh, Đức, Pháp hay đâu đâu nữa tới, đi theo họ tới châu Mỹ là cả một di sản đồ sộ của
văn minh nhân loại tích tụ ở châu Âu từ thời kỳ Khai sáng cách đây gần ba thế kỷ. Tôi hiểu được
sức mạnh của văn hóa: Thừa hưởng được di sản văn hóa này, trong vòng ba trăm năm, nước Mỹ
đã bỏ lại phía sau tất cả các nước châu Âu có lịch sử hàng nghìn năm, đã làm nên một văn hóa
Mỹ riêng của mình, dù châu Âu đã là gì và hôm nay đang là gì đi nữa! Đương nhiên, câu chuyện
nước Mỹ không chỉ có văn hóa… Song rõ ràng sức sống mãnh liệt và sáng tạo của văn hóa là như

thế.
Viết tặng Trần Ngọc Vương, nhân đọc
“Thực thể Việt – nhìn từ các tọa độ chữ”
Tây Hồ, ngày 04-11-2010

×