CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CHO VAY CỦA NHTM
ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TẠI CÁC NGÂN HÀNG
THƯƠNG MẠI
1.1 Tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
1.1.1 Tổng quan về doanh nghiệp nhỏ và vừa
1.1.1.1 Khái niệm về doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khi nói đến DNNVV là nói đến quy mô của doanh nghiệp. DNNVV là
những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về mặt vốn, lao động hay doanh thu.
DNNVV có thể chia thành 3 loại cũng căn cứ vào quy mô, đó là doanh nghiệp siêu
nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa. Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng
Thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10
người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến 50 người, còn doanh
nghiệp vừa có từ 50 đến 300 lao động. Ở mỗi nước người ta có tiêu chí riêng để
xác định DNNVV ở nước mình. Có thể một doanh nghiệp đối với quốc gia này là
doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng đối với nước khác là doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên
không thể áp dụng khuôn mẫu cho tất cả các nước mà còn tuỳ vào sự phát triển
kinh tế của nước đó, tuỳ từng lĩnh vực ngành nghề và tuỳ từng giai đoạn nhất định.
Có thể đưa ra khái niệm chung nhất về DNNVV như sau: “ DNNVV là những cơ
sở sản xuất kinh doanh có tư cách pháp nhân kinh doanh vì mục đích lợi
nhuận, có quy mô doanh nghiệp trong những giới hạn nhất định tính theo các
tiêu thức vốn, lao động, doanh thu, giá trị gia tăng thu được trong từng thời kì
theo quy định của từng quốc gia.”
Theo Điều 3 Nghị định 90/2001/NĐ-CP, ngày 23/11/2001 của Chính phủ về
trợ giúp phát triển DNNVV thì “ Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở sản xuất, kinh
doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký
không quá 10 tỉ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300
người”. Theo cách xác định trên thì hiện nay nước ta có khoảng 270.000 doanh
nghiệp và hộ kinh doanh cá thể là DNNVV, chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp
trên toàn quốc.
Theo Nghị định 90/CP thì DNNVV gồm các loại sau: Doanh nghiệp tư nhân,
Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã, hộ kinh
doanh cá thể đăng kí kinh doanh theo Nghị định số 02/2000/NĐ - CP ngày
03/02/2000 của Chính phủ về đăng kí kinh doanh.
1.1.1.2 Đặc điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
DNNVV là một loại hình doanh nghiệp nên nó mang đầy đủ đặc điểm của
một doanh nghiệp. Ngoài ra DNNVV còn có đặc điểm riêng sau:
* Các DNNVV là những doanh nghiệp cần vốn đầu tư ban đầu thấp, quy mô
sản xuất kinh doanh nhỏ, khả năng thu hồi vốn nhanh, hiệu quả kinh tế cao. Vì loại
hình DNNVV có quy mô vừa phải nên yêu cầu về vốn đầu tư sản xuất không quá
lớn hơn nữa chu kỳ sản xuất kinh doanh thường ngắn, vòng quay của mỗi đồng
vốn nhanh. Chính vì thế mà quy mô cấp tín dụng cho loại hình doanh nghiệp này
cũng không lớn.
* Các DNNVV thường là doanh nghiệp có năng lực tài chính thấp, thực hiện
quá trình sản xuất và tái sản xuất mở rộng chỉ bằng số vốn tự có của một hoặc một
số cá nhân. Với lượng vốn ít như vậy doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong
việc đổi mới dây chuyền công nghệ, tăng năng suất, nâng cao chất lượng và hiệu
quả của quá trình sản xuất kinh doanh.
* Về cơ cấu tổ chức thì DNNVV là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ cấu tổ
chức đơn giản gọn nhẹ, có tính linh hoạt cao nên dễ thích nghi với sự thay đổi của
môi trường kinh doanh. Cơ cấu gọn nhẹ là điều kiện thuận lợi để chủ doanh nghiệp
quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng
thời làm giảm thiểu sai lệch thông tin do giảm bớt cấp trung gian. Vì có tính linh
hoạt cao nên các DNNVV có thể nhanh chóng điều chỉnh các mục tiêu và chiến
lược kinh doanh để thích ứng với tình hình thị trường. Tuy nhiên tính ổn định trong
sản xuất kinh doanh của DNNVV không cao gây khó khăn cho ngân hàng trong
việc thẩm định và theo dõi khoản vay.
* DNNVV có khả năng nắm bắt và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại
và thường có những sáng kiến đổi mới công nghệ để phù hợp với quy mô nhỏ và
vừa của mình. Trong thời đại bùng nổ khoa học công nghệ như hiện nay thì các
doanh nghiệp không chỉ phải cạnh tranh về sản phẩm, về thị phần tiêu thụ mà còn
phải cạnh tranh gay gắt về công nghệ kỹ thuật. Việc đổi mới dây chuyền công nghệ
của DNNVV đòi hỏi nguồn vốn bổ sung không nhiều lại có thể thu hồi vốn nhanh.
Lợi thế này giúp cho các DNNVV nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá bán giúp
tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên do tài chính thấp nên các DNNVV khó có thể tiếp
cận được với công nghệ mới, các sản phẩm đưa ra thị trường không có tính cạnh
tranh.
* Năng lực quản trị điều hành của chủ DNNVV kém, còn thói quen điều
hành quản trị theo kiểu gia đình. Đôi khi, việc tách bạch giữa các bộ phận không rõ
ràng, những người quản lý các bộ phận cũng thường tham gia trực tiếp vào quá
trình sản xuất. Các chủ doanh nghiệp thường là những người chưa được qua đào
tạo về quản lý, phần lớn thiếu hiểu biết về pháp luật. Một số Luật nhiều doanh
nghiệp không nắm được như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,
Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp vi phạm
pháp luật mà cán bộ quản lí không biết.
1.1.1.3 Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa
DNNVV có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế.
Vai trò của DNNVV được thể hiện trên các mặt sau:
* DNNVV góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho người lao
động, giảm bớt áp lực về việc làm và thất nghiệp. Hiện nay, giải quyết việc làm
cho người lao động góp phần ổn định trật tự xã hội là vấn đề nan giải và cấp thiết
cho nhiều quốc gia. Tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước và cơ quan
hành chính sự nghiệp có chiều hướng giảm. Trong hoàn cảnh này các DNNVV
ngoài quốc doanh trở thành nơi giải quyết nhu cầu về việc làm cho số lao động
được tinh giảm trong các doanh nghiệp và hệ thống hành chính Nhà nước. Các
DNNVV còn là nơi tạo ra việc làm cho số lượng lớn những người mới tham gia
vào lực lượng lao động hàng năm. Nhìn chung các DNNVV là nguồn chủ yếu tạo
ra việc làm trong tất cả các lĩnh vực. Các DNNVV thường được dễ dàng thành lập
với quy mô vốn không lớn, mặt khác nó có khả năng đáp ứng được nhu cầu thay
đổi của thị trường. Vì thế, tuy số lượng lao động trong các DNNVV là ít nhưng
theo quy luật số đông với số lượng rất lớn các DNNVV như vậy đã tạo ra công ăn
việc làm cho hàng triệu người lao động.
* DNNVV tham gia vào quá trình tạo lập sự phát triển công bằng và
chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng, lãnh thổ. Một thực tế hiện nay là các
doanh nghiệp lớn thường tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã lớn, chính xu
hướng đó đã gây ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về trình độ phát triển kinh
tế, văn hoá xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền trong cả nước.
Sự phát triển của loại hình DNNVV là một giải pháp cho việc tạo lập lại sự cân
bằng về trình độ phát triển giữa các vùng miền và sự phát triển đồng đều giữa các
lĩnh vực của nền kinh tế, đồng thời thu hút lao động trong xã hội. Việc nhiều doanh
nghiệp, chủ yếu là DNNVV được thành lập tại các vùng nông thôn, vùng miền núi,
vùng sâu, vùng xa đã hạn chế sự chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị
tìm việc làm, đồng thời làm giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành
công nghiệp và dịch vụ.
* DNNVV cung cấp ra thị trường khối lượng sản phẩm hàng hoá, đa
dạng và phong phú về mẫu mã, chủng loại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế. Mặt khác, do đặc tính linh hoạt, mềm dẻo các DNNVV có khả năng đáp
ứng các nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, ở phần lớn các nền
kinh tế, các DNNVV là những nhà thầu phụ cho những nhà thầu lớn. Sự điều chỉnh
hợp đồng thầu phụ tại các thời điểm cho phép nền kinh tế có được sự ổn định. Vì
thế, DNNVV được ví là thanh giảm sóc cho nền kinh tế.
* Sự ra đời của các DNNVVđã tạo ra môi trường cạnh tranh thúc đẩy
phát triển sản xuất kinh doanh và gia tăng nguồn hàng xuất khẩu. Quá trình
hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và với mức độ
ngày càng sâu, rộng vì thế các DNNVVphải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt
không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn phải cạnh tranh với các doanh
nghiệp nước ngoài. Do áp lực cạnh tranh mạnh mẽ như vậy buộc các doanh nghiệp
phải thường xuyên cải tiến công nghệ, đổi mới mẫu mã chủng loại, nâng cao chất
lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh thành công. Hơn nữa, các DNNVV dành
được ưu thế trong cạnh tranh do biết nắm bắt cơ hội, lựa chọn đầu tư đúng hướng
và là người đi tiên phong trong việc áp dụng các phát minh mới về công nghệ đã
tạo ra một nguồn hàng lớn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Do đó đem lại nguồn
thu nhập lớn cho doanh nghiệp, đồng thời thu về một khối lượng lớn ngoại tệ cho
dự trữ ngoại hối quốc gia.
* Bên cạnh đó, DNNVV còn góp phần quan trọng trong việc thu hút vốn
đầu tư trong dân cư, đồng thời khai thác và sử dụng tối ưu các nguồn lực của
địa phương. Với quy mô hoạt động nhỏ và vừa thì DNNVV là mô hình đầu tư phù
hợp cho những chủ thể có nguồn vốn và trình độ hạn chế muốn tham gia kinh
doanh. Trong quá trình hoạt động của mình, các DNNVV có khả năng huy động
vốn từ họ hàng, người thân, từ bạn bè...đây được coi là phương tiện hiệu quả trong
việc huy động vốn từ các tầng lớp dân cư. Số lượng các DNNVV đông và thường
phân tán ở hầu khắp các địa phương, chính vì thế sẽ tận dụng được lao động,
nguyên nhiên vật liệu, các sản phẩm phụ, phế liệu ở các địa phương.
1.1.2 Tín dụng Ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
1.1.2.1 Khái niệm
Theo Mác, tín dụng là sự chuyển nhượng tạm thời một lượng giá trị từ người
sở hữu sang người sử dụng, sau một thời gian nhất định quay về với một lượng giá
trị lớn hơn lượng giá trị ban đầu.
Trên cơ sở khái niệm tín dụng có thể khái niệm về tín dụng ngân hàng như
sau: Tín dụng ngân hàng là một giao dịch về tài sản giữa bên cho vay (ngân
hàng thương mại hoặc các định chế tài chính khác) và bên đi vay (cá nhân,
doanh nghiệp và các chủ thể khác), trong đó bên cho vay chuyển giao tài sản
cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thoả thuận, bên đi
vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện vốn gốc và lãi cho bên cho vay khi
đến hạn thanh toán.
1.1.2.2 Vai trò của tín dụng ngân hàng
a. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tín dụng ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của
doanh nghiệp trong đó có các DNNVV. Tuy nhiên khu vực này đang gặp khó khăn
về vốn. Đa phần các DNNVV có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lại luôn trong
tình trạng thiếu vốn, “khát vốn” cho mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư
cải tiến máy móc, trang thiết bị mới. Nhưng vốn huy động từ các dự án, hay nguồn
vốn tài trợ của nước ngoài là rất hiếm hơn nữa vốn huy động từ thị trường chứng
khoán thì các DNNVV không đủ điều kiện. Chính vì vậy, DNNVV chỉ có thể tiếp
cận nguồn vốn duy nhất là vốn tín dụng ngân hàng để mở rộng sản xuất và phát
triển hoạt động kinh doanh. Nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân
hàng đang gặp nhiều trở ngại. DNNVV đang “khát vốn” ngân hàng, chứng tỏ tín
dụng ngân hàng có vai trò vô cùng to lớn đối với DNNVV. Điều đó được thể hiện
trên các khía cạnh sau:
- Tín dụng ngân hàng giúp các DNNVV mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động của mình thông qua việc huy động nguồn
vốn tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế để tài trợ cho các thành phần kinh tế nói
chung và các doanh nghiệp nói riêng. Tín dụng ngân hàng giúp các doanh nghiệp
duy trì sản xuất, tái sản xuất mở rộng, phát triển các ngành nghề mũi nhọn. Ngoài
ra, ngân hàng còn cung cấp các dịch vụ khác cho doanh nghiệp như dịch vụ bảo
lãnh, mở LC, tài trợ xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực hoạt động đem lại ngày
càng nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các DNNVV. Đặc trưng
của tín dụng ngân hàng không chỉ là cung cấp một lượng giá trị trên cơ sở lòng tin
mà còn phải hoàn trả lượng giá trị đó trên nguyên tắc phải hoàn trả cả gốc và lãi.
Vì vậy khi doanh nghiệp sử dụng vốn vay của các ngân hàng phải tìm mọi biện
pháp để đồng vốn đó sinh lời. Doanh nghiệp phải đảm bảo sử dụng tiết kiệm vốn,
tăng nhanh vòng quay của vốn, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận lớn hơn lãi suất đi vay
của ngân hàng thì doanh nghiệp mới có khả năng trả được nợ và có lợi nhuận.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV. Trong điều kiện nền kinh tế
có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các DNNVV muốn tiếp tục đứng vững và
phát triển thì phải không ngừng cải tiến công nghệ, giảm chi phí, nâng cao chất
lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Muốn làm
được những điều đó thì điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải có đủ vốn.
Nhưng các DNNVV lại có vốn ít, trong khi đó trình độ tổ chức lại yếu kém, lao
động có tay nghề không cao vì thế buộc các doanh nghiệp phải tìm đến tín dụng
ngân hàng. Nguồn vốn của Ngân hàng sẽ đem lại cho doanh nghiệp nguồn lợi ích
to lớn với mức lãi suất phù hợp đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh có lãi, giúp
doanh nghiệp thực hiện được mục đích của mình, mở rộng sản xuất kinh doanh,
chiếm lĩnh thị phần.
b. Đối với sự phát triển kinh tế
Trong nền kinh tế thị trường khi mà các mối quan hệ hàng hoá tiền tệ ngày
càng được mở rộng thì nhu cầu giao lưu kinh tế - xã hội giữa các nước trên thế giới
ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách. Việc phát triển kinh tế của mỗi quốc qia
luôn gắn chặt với sự phát triển của nền kinh tế thế giới và là một bộ phận cấu thành
nên sự phát triển đó. Vì vậy, nền tài chính của mỗi nước cũng phải hoà nhập với
nền tài chính quốc tế và ngân hàng thương mại cùng các hoạt động kinh doanh của
mình đã đóng một vai trò quan trọng trong sự hoà nhập này.Với các hoạt động kinh
doanh của mình, ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện thúc đẩy ngoại thương
không ngừng được mở rộng. Thông qua các hoạt động thanh toán, kinh doanh
ngoại hối, quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại nước ngoài, hệ thống
ngân hàng thương mại đã thực hiện vai trò điều tiết nền tài chính trong nước phù
hợp với nền tài chính quốc tế.
Bên cạnh đó, bằng hoạt động tín dụng và thanh toán giữa các ngân hàng
thương mại trong hệ thống, các ngân hàng thương mại đã góp phần mở rộng khối
lượng tiền cung ứng trong lưu thông. Thông qua việc cung ứng tín dụng cho các
ngành trong nền kinh tế, ngân hàng thương mại thực hiện việc dẫn dắt các luồng
tiền, tập hợp và phân chia vốn của thị trường, điều khiển chúng một cách có hiệu
quả và thực thi vai trò điều tiết gián tiếp vĩ mô: “ Nhà nước điều tiết ngân hàng,
ngân hàng dẫn dắt thị trường”.
Tín dụng ngân hàng còn là kênh tài trợ vốn cho nền kinh tế. Muốn có nhiều
vốn phải tăng thu nhập quốc dân và có mức độ tiêu dùng hợp lý. Để tăng thu nhập
quốc dân tức là phải mở rộng quy mô theo chiều rộng lẫn chiều sâu của sản xuất và
lưu thông hàng hoá, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành trong nền kinh tế và
muốn làm được điều đó cần thiết phải có vốn. NHTM là chủ thể chính đáp ứng nhu
cầu vốn cho sản xuất kinh doanh. NHTM đứng ra huy động các nguồn vốn tạm
thời nhàn rỗi ở mọi tổ chức, cá nhân, mọi thành phần kinh tế và thông qua hoạt
động tín dụng sẽ cung cấp vốn cho mọi hoạt động kinh tế và đáp ứng các nhu cầu
vốn một cách kịp thời cho quá trình tái sản xuất.
c. Đối với ngân hàng
Nghiệp vụ tín dụng là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn đồng thời là nghiệp vụ
sinh lời chủ yếu của ngân hàng. Các NHTM đang và sẽ chú trọng đến đối tượng
khách hàng là các DNNVV. Với số lượng đông đảo trong nền kinh tế thì loại hình
doanh nghiệp này mang đến cho các ngân hàng rất nhiều cơ hội. Việc cấp tín dụng
cho DNNVV một cách hợp lý sẽ giúp ngân hàng mở rộng khả năng cho vay, nâng
cao uy tín và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, ngân
hàng còn có cơ hội để phát triển các sản phẩm dịch vụ đi kèm để thoả mãn nhu cầu
của khách hàng giúp ngân hàng thu hút nhiều khách hàng, xây dựng thương hiệu
hình ảnh của mình trên thị trường.
1.1.3 Đặc điểm của hoạt động cho vay ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và
vừa
1.1.3.1 Về quy mô và tốc độ tăng trưởng dư nợ
Các DNNVV ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Song vấn
đề nổi lên hiện nay đó là giải quyết vấn đề vốn cho DNNVV. Trên thực tế, các
NHTM đang cạnh tranh mạnh mẽ để mở rộng cho vay đối với loại hình DNNVV,
đặc biệt là trong nhu cầu vốn tín dụng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên
việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp gặp rất nhiều trở ngại
do thiếu tài sản thế chấp, thủ tục phức tạp, lãi suất cao.... Hiện nay có ít DNNVV
được vay vốn ngân hàng, nhưng chủ yếu là tín dụng ngắn hạn, không đáp ứng
được nhu cầu đầu tư lớn và dài hạn.