TÍN DỤNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ CHẤT LƯỢNG TÍN
DỤNG NGẮN HẠN NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRONG NỀN KINH
TẾ THỊ TRƯỜNG
1.1. Tín dụng ngân hàng thương mại.
1.1.1. Lịch sử ra đời và quá trình phát triển tín dụng NHTM.
Lịch sử ra đời và phát triển của tín dụng gắn liền với lịch sử phát triển
của phương thức sản xuất hàng hóa. Hình thức sơ khai nhất của tín dụng là
tín dụng nặng lãi. Người đi vay sẽ không những phải trả vốn mà còn phải
trả phần lãi rất lớn cho người cho vay. Hình thức này chỉ tồn tại ở xã hội
trước tư bản và mục đích của nó là để duy trì cuộc sống cho những người
cần vay.
Đến phương thức tư bản chủ nghĩa tín dụng nặng lãi không còn phù
hợp. Sản xuất phát triển, đi vay không những để cho tiêu dùng mà còn để
phát triển sản xuất. Lãi suất cho vay cũng phải thấp hơn do có nhiều người
cho vay hơn và để cho nhà tư bản đi vay đảm bảo việc sản xuất có lợi
nhuận. Vay mượn không chỉ đơn thuần là tiền mà còn là các máy móc thiết
bị, tư liệu sản xuất... Từ đó lãi suất không còn do người cho vay đơn
phương áp đặt nữa mà phải có sự thỏa thuận giữa người vay và người cho
vay.
Từ đó ta có thể hiểu tín dụng là quan hệ vay mượn dựa trên nguyên tắc
hoàn trả. Đó là quan hệ giữa hai bên trong đó một bên chu cấp tiền hay
hàng hóa, dịch vụ cho bên kia và bên kia cam kết sẽ thanh toán lại trong
tương lai gồm cả khoản nợ gốc và khoản lãi.
Cùng với sự phát triển của sản xuất và hàng hóa, tín dụng ngày càng
có những phát triển cả về nội dung và hình thức. Và hình thái phát triển
cao nhất là tín dụng ngân hàng.
Tín dụng ngân hàng là một quan hệ vay mượn dựa trên nguyên tác
hoàn trả (cả vốn và lãi) sau một thời gian nhất định.
Tín dụng ngân hàng đã thực sự mở rộng các mối quan hệ, thay thế
quan hệ giữa các cá nhân với nhau bằng mối quan hệ giữa các cá nhân với
tổ chức, giữa các tổ chức với nhau và cao nhất là quan hệ tín dụng quốc tế.
Tuy tín dụng ngân hàng là hình thức phát triển cao của quan hệ tín
dụng nhưng nó vẫn giữ nguyên được những bản chất ban đầu của quan hệ
tín dụng. Vẫn là quan hệ vay mượn lẫn nhau theo nguyên tắc có hoàn trả cả
gốc và lãi vào một thời gian nhất định trong tương lai nhưng trong đó một
bên là ngân hàng thương mại và một bên là các cá nhân, các tổ chức kinh
tế, tổ chức chính trị xã hội hay là tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng thương
mại khác.
1.1.2. Đặc điểm của tín dụng ngắn hạn ngân hàng thương mại.
Tín dụng ngân hàng là một hình thức phát triển cao của tín dụng. Nó
cơ bản giữ được những bản chất chung của tín dụng, ngoài ra còn có một
số đặc điểm sau:
Rủi ro tín dụng ngắn hạn thấp. Do khoản vay chỉ cung cấp trong thời
gian ngắn vì vậy ít chịu ảnh hưởng của sự biến động không thể lường trước
của nền kinh tế như các khoản tín dụng trung và dài hạn. Ngoài ra, các
khoản vay được cung cấp cho các đơn vị sản xuất kinh doanh theo hình
thức chiết khấu các giấy tờ có giá, dựa trên tài sản bảo đảm, bảo lãnh chắc
chắn sẽ có khoản thu bù đắp trong tương lai vì vậy rủi ro mang đến thường
thấp.
Lãi suất thấp: lãi suất cho vay được hiểu là khoản chi phí người đi vay
trả cho nhu cầu sử dụng tiền tạm thời của người khác. Chính vì rủi ro mang
lại của khoản vay thường không cao do đó lãi suất người đi vay phải trả
thông thường nhỏ.
Vốn tín dụng ngắn hạn mà ngân hàng cấp cho khách hàng thường được
khách hàng dùng để mua nguyên vật liệu, trả lương, bổ xung vốn lưu động
nên số vốn vay thường là nhỏ.
Thời hạn thu hồi vốn nhanh, số vòng quay vốn tín dụng nhiều: Vốn tín
dụng ngắn hạn thường được sử dụng để bù đắp những thiếu hụt trong ngắn
hạn như đảm bảo cân bằng ngân quỹ, đối phó với chênh lệch thu chi trong
ngắn hạn... Thông thường những thiếu hụt này chỉ mang tính tạm thời hay
mang tính thời điểm, sau đó khoản thiếu hụt này sẽ sớm thu lại dưới hình
thái tiền tệ vì vậy thời gian thu hồi vốn sẽ nhanh.
Hình thức phong phú: Để đáp ứng nhu cầu hết sức đa dạng của khách
hàng, phân tán rủi ro, đồng thời để tăng cường sức cạnh tranh trên thị
trường tín dụng, các ngân hàng thương mại không ngừng phát triển các
hình thức tín dụng ngắn hạn của mình. Điều đó đã làm cho các hình thức
tín dụng ngắn hạn rất phong phú như: nghiệp vụ ứng trước, nghiệp vụ thấu
chi, nghiệp vụ chiết khấu....
1.2. Chất lượng Tín dụng ngắn hạn Ngân hàng thương
mại.
Trong quá trình phát triển của hệ thống ngân hàng, dù môi trường kinh
doanh có thay đổi nhưng hoạt động tín dụng vẫn luôn là hoạt động cơ bản,
chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ hoạt động của các ngân hàng thương mại
và là hoạt động sinh lời chủ yếu của các ngân hàng thương mại. Cùng với
quá trình phát triển của thị trường, hoạt động tín dụng ngày càng được mở
rộng và phát triển đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Do đó quan hệ tín dụng cũng được mở rộng cả về đối tượng và quy mô làm
cho hoạt động tín dụng của NHTM càng trở nên khó khăn. Để hệ thống
ngân hàng thương mại thể tồn tại và đứng vững trong điều kiện cạnh tranh
ngày càng gay gắt cũng như để phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế thì các
NHTM phải nâng cao chất lượng các khoản tín dụng.
1.2.1. Khái niệm về chất lượng tín dụng ngắn hạn.
Ở phần trên ta đã có khái niệm chung về “Tín dụng ngân hàng thương
mại”. Căn cứ vào thời hạn của khoản tín dụng- kể từ khi cấp tín dụng đến
thời điểm hoàn trả ta có thể chia thành hai hình thức tín dụng. Đó là tín
dụng ngắn hạn và tín dụng trung, dài hạn. Do khả năng và thời gian có hạn
nên trong bản Đề án tốt nghiệp này em chỉ đề cập đến vấn đề “Tín dụng
ngắn hạn”.
Ở mỗi quốc gia, thời hạn để xác định khoản tín dụng ngắn hạn là khác
nhau. Ở Mĩ người ta quan niệm những khoản tín dụng ngắn hạn là những
khoản cho vay có thời hạn dưới 3 năm. Nhưng ở Việt Nam, theo Quyết
định số 324 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tín dụng ngắn
hạn là hình thức mà tổ chức tín dụng cho khách hàng vay ngắn hạn nhằm
đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống . Thời
hạn đối với tín dụng ngắn hạn được tổ chức tín dụng khách hàng thoả thuận
tối đa là 12 tháng, được xác định phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh
và khả năng trả nợ của khách hàng.
Từ đó ta có thể hiểu chất lượng tín dụng ngắn hạn là sự đáp ứng yêu
cầu trước mắt (thường là một năm) của khách hàng phù hợp với sự phát
triển kinh tế xã hội và đảm bảo sự tồn tại, phát triển của NHTM. Để có
được chất lượng tín dụng thì hoạt động tín dụng ngắn hạn này phải có hiệu
quả và quan hệ tín dụng phải được thiết lập trên cơ sở sự tin cậy và uy tín.
Chất lượng tín dụng ngắn hạn được thể hiện:
Đối với khách hàng: tín dụng ngắn hạn phải phù hợp với mục đích sử
dụng trong ngắn hạn của khách hàng, với lãi suất và kì hạn hợp lý, thủ tục
đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo được các nguyên tắc tín dụng.
Đối với các ngân hàng thương mại: phạm vi, mức độ, giới hạn của
khoản tín dụng ngắn hạn phải phù hợp với thực lực của ngân hàng, đảm
bảo được tính cạnh tranh trên thị trường, cũng như đảm bảo được nguyên
tắc hoàn trả đúng thời hạn và có lãi.
Đối với sự phát triển kinh tế xã hội: tín dụng phục vụ sản xuất và lưu
thông hàng hóa, góp phần giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy quá trình
tập trung và tích tụ sản xuất, giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa tăng
trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế.
Vậy ta phải hiểu thế nào là khoản tín dụng ngắn hạn có chất lượng
cao ?
Xét trên khía cạnh nền kinh tế, căn cứ vào sự thể hiện của chất lượng
tín dụng ta có thể hiểu khoản tín dụng ngắn hạn có chất lượng cao là khi
khoản vốn huy động được ngân hàng sử dụng đúng mục đích, tạo được số
tiền lớn, ngân hàng thu được cả vốn và lãi. Còn doanh nghiệp vừa trả được
nợ ngân hàng đúng hạn vừa bù đắp được chi phí và có lợi nhuận. Như vậy,
ngân hàng vừa tạo ra hiệu quả kinh tế, vừa đem lại hiệu quả xã hội.
Và ngược lại một khoản tín dụng ngắn hạn không có chất lượng, hay
chất lượng không cao là khi khách hàng không sử dụng khoản tín dụng
đúng theo mục đích ban đầu, không tạo ra số tiền để trả lãi, gốc đúng thời
hạn cho ngân hàng, không đem lại hiệu quả kinh tế xã hội nói chung.
Hiểu đúng bản chất, phân tích, đánh giá, xác định chính xác các
nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng ngắn hạn sẽ giúp ngân
hàng tìm được các biện pháp quản lý thích hợp để có thể đứng vững trong
nền kinh tế thị trường.
1.2.2. Sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng tín dụng ngắn hạn
ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường.
Trong nền kinh tế thị trường thì hoạt động tín dụng là kênh dẫn vốn
chủ yếu để thúc đẩy tiến trình phát triển của cả xã hội. Với đòi hỏi nền
kinh tế xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ thì vấn đề chất lượng tín dụng
nói chung và chất lượng tín dụng ngắn hạn nói riêng luôn và sẽ dành được
sự quan tâm lớn.
1.2.2.1. Đối với nền kinh tế xã hội:
Tín dụng ngắn hạn và nền kinh tế xã hội có mối quan hệ mật thiết hai
chiều. Tín dụng ngắn hạn góp phần làm lành mạnh hóa nền kinh tế xã hội,
tạo điều kiện cho kinh tế xã hội phát triển, ngược lại để hoạt động tín dụng
ngắn hạn có chất lượng thì đỏi hỏi nền kinh tế xã hội phải ổn định, phải có
cơ chế phù hợp, có sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp các
ngành.
- Chất lượng tín dụng ngắn hạn được bảo đảm và nâng cao là điều
kiện cho Ngân hàng làm tốt vai trò trung gian tín dụng- cầu nối giữa tiết
kiệm và đầu tư- trong nền kinh tế, Từ đó điều hoà nguồn vốn cho đầu tư
ngắn hạn hợp lý, làm xã hội bớt được lãng phí ở những nơi thừa vốn, giảm
được khó khăn cho những nơi thiếu vốn.
- Chất lượng tín dụng ngắn hạn được nâng cao cũng sẽ tạo điều kiện
để NHTM làm tốt vai trò trung tâm thanh toán của nền kinh tế thị trường.
Vì khi chất lượng tăng lên nghĩa là các khoản tín dụng được thực hiện đúng
theo thời hạn, do đó số vòng quay của vốn tín dụng tăng lên với một lượng
tiền trong lưu thông là không đổi. Góp phần mở rộng hình thức thanh toán
không dùng tiền mặt. Qua đó tiết kiệm chi phí phát hành tiền.
- Tín dụng là một trong những công cụ để Đảng và Nhà nước thực hiện
các chủ trương chính sách về phát triển kinh tế xã hội theo ngành, lĩnh vực.
Nhờ chất lượng tín dụng nâng cao nghĩa là sự phân tích, đánh giá khả năng
phát triển của các đối tượng để ra các quyết định đầu tư đúng đắn để khai
thác khả năng tiềm tàng của tài nguyên, lao động, đảm bảo cho sự chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cân đối giữa các ngành nghề, các khu vực
trong cả nước.
- Nâng cao chất lượng tín dụng còn góp phần kiềm chế lạm phát, ổn
định tiền tệ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Như ta đã biết về khả
năng tạo tiền của hệ thống ngân hàng thương mại. Đó là thông qua việc cho
vay chuyển khoản, thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thương
mại có khả năng mở rộng số tiền ghi sổ lên rất nhiều lần so với số tiền thực
tế mà Nhà nước bỏ vào lưu thông. Như vậy khi chất lượng tín dụng được
nâng lên tạo khả năng giảm bớt lượng tiền trong lưu thông, góp phần hạn
chế lạm phát, ổn định tiền tệ.
- Cuối cùng chất lượng tín dụng nâng cao góp phần làm lành mạnh hóa
quan hệ tín dụng. Giảm thiểu rồi đi đến xóa bỏ tình trạng cho vay nặng lãi,
tín dụng đen đang rất phổ biến hiện nay. Mà gắn liền với tình trạng tín
dụng không lành mạnh này là những vấn đề xã hội phức tạp.
1.2.2.2. Đối với khách hàng:
- Cung cấp kịp thời nhu cầu về vốn cho khách hàng: Chất lượng tín
dụng cao sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng thị trường, cung cấp tín
dụng kịp thời, đáp ứng yêu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của khách
hàng.
- Lành mạnh hoá tình hình tài chính của khách hàng: Để đảm bảo chất
lượng tín dụng thì Ngân hàng tiến hành việc kiểm tra, kiểm soát việc sử
dụng vốn tín dụng của khách hàng qua đó cùng với khách hàng uốn nắn và
chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong hoạt động tài chính và kinh
doanh của họ. Do vậy việc nâng cao chất lượng tín dụng góp phần phát
triển chất lượng sản xuất kinh doanh cũng như làm lành mạnh hoá tình hình
tài chính của khách hàng.
1.2.2.3. Đối với ngân hàng thương mại:
Nâng cao Chất lượng tín dụng là sự cần thiết khách quan vì sự tồn tại
và phát triển lâu dài của hệ thống Ngân hàng thương mại:
- Nâng cao chất lượng tín dụng tức là tăng khả năng quay vòng vốn tín
dụng, qua đó mở rộng được các hình thức dịch vụ cung cấp cho khách hàng
cũng như mở rộng quy mô vốn tín dụng cho một khách hàng. Như vậy
không những duy trì được mối quan hệ với nhũng khách hàng truyển thống
mà còn mở rộng, thu hút thêm những khách hàng mới. Đó cũng là cách để
các ngân hàng thương mại mở rộng thị trường, nâng cao được lợi nhuận.
- Chất lượng tín dụng nâng cao sẽ giảm được chi phí nghiệp vụ, chi
phí quản lý, và đặc biệt là giảm được những chi phí, thiệt hại rất lớn do
không thu hồi được khoản tín dụng. Như vậy sẽ gia tăng khả năng sinh lời
của các sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng. Tăng
được lợi nhuận cho hệ thống ngân hàng thương mại.
Qua những phân tích trên ta thấy nâng cao chất lượng tín dụng có ý
nghĩa thật to lớn. Đối với ngân hàng thì đó là vì sự tồn tại, phát triển. Với
khách hàng thì đó là khả năng mở rộng sản xuất. Xét trên tầm vĩ mô thì
nâng cao chất lượng tín dụng là để đảm bảo cho nền kinh tế xã hội luôn
phát triển ổn đinh. Với sự phát triển và sản xuất lưu thông hàng hoá ngày
càng tăng, hoạt động tín dụng cần phải được phát triển tới mức độ nào đó
sao cho phù hợp, nhằm đáp ứng được những nhu cầu giao dịch cũng ngày
càng tăng trong xã hội. Vì thế, việc nâng cao chất lượng tín dụng không
những luôn được coi là chiến lược hàng đầu của các ngân hàng thương mại
mà còn của các nhà chức trách về kinh tế xã hội.
1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng
ngắn hạn ngân hàng thương mại.
Qua những vấn đề được phân tích ở trên, ta thấy rõ sự cần thiết của
việc củng cố tăng cường nâng cao chất lượng tín dụng ngắn hạn của các
Ngân hàng Thương mại vì sự tồn tại cũng như sự phát triển lâu dài của hệ
thống Ngân hàng Thương mại nói riêng và cho nền kinh tế xã hội nói
chung. Để thực hiện tốt công việc này, việc đi sâu phân tích, đánh giá để
thấy rõ được những nhân tố chủ yếu có ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng
ngắn hạn là điều không thể thiếu và luôn luôn phải được cân nhắc để tìm ra
những hướng khắc phục hiệu quả.
Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Ta có thể
chia thành hai nhóm nhân tố là nhóm nhân tố bên ngoài và nhóm nhân tố
bên trong.
1.3.1. Nhóm nhân tố bên ngoài:
Gồm 3 nhóm nhân tố là kinh tế, xã hội và pháp lý.