Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Người thầy đầu tiên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (185.09 KB, 3 trang )

Người thầy đầu tiên


Phải nói thế nào cho đúng nhỉ, đó chính là người thầy đầu tiên của tôi, hay đúng hơn là ông của tôi, ông
ngoại.
Ngày tôi còn nhỏ, nhà nghèo, quần áo lam lũ, sống bên cạnh ông bà ngoại, mẹ tôi chỉ ở nhà, đơn thuần làm
một người nội trợ đảm đang, ba tôi chạy trên chiếc xe đạp cà tàng, đi khắp hang cùng ngõ hẻm vá lại cái
nồi, cái thau kiếm tiền đong gạo. Nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa lon ton đến lớp học mẫu giáo gần nhà
mà tôi nôn nao đến lạ. Đó là cái háo hức rất trẻ con, rồi tôi bám lấy chân mẹ, tôi cũng muốn mặc áo đẹp đi
học mẫu giáo. Nhưng khi ấy nhà tôi làm gì có tiền. Ông ngoại nhìn mẹ khóc, tôi khờ khạo ngây ngô không
hiểu vì sao, tôi nắm tay ông ngoại, lo sợ. Rồi ông ôm tôi, ông bảo ông sẽ dạy riêng cho tôi, chỉ dạy cho một
mình tôi những thứ mà các bạn đi học mẫu giáo được học. Lúc ấy tôi vui lắm, cái cảm giác tự mãn rằng chỉ
một mình mình được dạy riêng, có một ông thầy riêng.
Ông tôi là giáo viên cấp hai, thời trai trẻ lao vào cuộc chiến giành lại từng mảnh đất quê nhà. Tôi không biết
bọn trẻ kia học những gì nhưng bài học đầu tiên của tôi là câu: “Thưa ba, thưa mẹ con đi học”. Và tôi thực
hành câu đó với rất nhiều người, rất nhiều trường hợp: Thưa ba con đi chơi, Thưa ông ngoại con về nhà
con,… rất ngộ nghĩnh, nhưng những lần tôi thưa như vậy, mọi người rất vui, ai cũng cười và ai cũng khen
tôi ngoan. Điều đó thực sự khiến tôi rất thích. Rồi ông dạy tôi cách xem đồng hồ kim, ông vẽ nhiều giờ, rồi
chỉ cho tôi cách xem, thế này là bao nhiêu giờ, thế kia là bao nhiêu giờ. Ông bảo biết xem giờ để biết khi
nào mình sẽ làm việc gì, để biết sắp xếp thời gian cho cuộc sống mình. Tôi loay hoay với những kim giờ,
kim phút nên chỉ nhớ những gì ông nói với tôi chứ thật ra thì không hiểu cho lắm. Lúc ấy, đối với tôi sắp xếp
thời gian là hẹn với ba mẹ con sẽ qua nhà ông ngoại và chơi tới bốn giờ kém mười lăm sẽ về. Sao lại là
bốn giờ kém mười lăm, vì nói như thế có vẻ rất ….trí thức.
Bài học thứ ba, bài học về bảng cửu chương, về những phép nhân, mặc dù tôi chưa được học phép cộng
và phép trừ, nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng đó là một cách học rất thú vị. Tôi không biết phép nhân là gì,
đối với tôi bảng cửu chương chính là “hai lần một là hai, hai lần hai là bốn,….”, mỗi ngày một hai dòng tính,
học miệt mài với niềm tin vào ông Ngoại, tôi không biết nó là cái gì, chỉ biết rằng ông Ngoại nói rằng nó rất
có ích cho cuộc sống, vậy là học thôi. Cứ học như thế tròn trèm một năm, thì tôi vào lớp một, tôi hân hoan
cầm tay ông Ngoại dung dăng đến lớp. Là ông ngoại chứ không phải là ba mẹ như bao đứa trẻ khác. Vậy
đấy, trường học đầu tiên của tôi là nhà ông ngoại, người thầy đầu tiên là ông ngoại.
Rồi với những con chữ A, B rắc rối, những phép cộng loạn xạ, tôi sợ hãi giữa lớp học của mình khi tôi luôn


sai trong những bài toán, luôn có những chữ viết ngoằn ngoèo, khó …. hiểu. Tôi sợ cô giáo khẽ tay, sợ
tiếng trêu chọc đầy ác ý của bạn cùng lớp. Tôi không muốn đến trường, tôi chỉ muốn ở nhà với mẹ để
không ai có thể chọc quê mình. Mẹ với ba cứ hết năn nỉ đến hâm dọa, có ai đời con cái nhà ai mới đi học có
mấy ngày đã đòi nghỉ học mãi mãi. Ông không khuyên tôi phải đi học, ông chỉ hỏi tôi rằng tôi có muốn bị
người ta trêu chọc không? Tất nhiên là không. Tôi nói to và rõ lắm, ông cười, nếu vậy thì làm sao để giỏi
hơn họ, sẽ không có người nào dám trêu chọc người giỏi hơn mình. Lúc ấy, ý chí “phục thù” của tôi mãnh
liệt lắm, tôi phải học giỏi để trêu chọc lại bọn họ. Nhưng con hông biết tính cộng, hông viết chữ đẹp, vậy là
ông cùng học bài với tôi, cùng cộng ba cây chuối ở bụi chuối này với hai cây chuối ở bụi chuối kia, ông còn
bảo tôi chép lại mấy bài thuốc nam mà ông sưu tầm được, chữ viết siêu vẹo, to như con cua. Nhưng ông tin
tôi nên mới giao cho tôi nhiệm vụ ấy, phải làm cho tốt chứ.
Vậy đấy, những ngày bé thơ tôi theo học một ông thầy khó tính, bắt buộc tôi phải đứng lên tại nơi mình ngã
xuống, bắt buộc tôi phải tin tưởng với chính mình, bắt buộc tôi phải có trách nhiệm với bản thân, với những
việc mình làm, … rất nhiều thứ không bằng roi vọt, không bằng câu chỉ trích mà chỉ bằng cách khơi gợi tính
ham muốn trẻ con, bật dậy cái tôi trong bản thân tôi.
Tôi thi rớt đại học, mặc dù suốt mười hai năm học luôn là học sinh giỏi, luôn đứng Nhất nhì trong lớp. Người
thương thì bảo là học tài thi phận, kẻ ghét thì nói bóng gió xa gần rằng chắc hồi còn đi học quay cóp mới có
điểm cao. Tôi thất vọng tưởng chừng mình không thể sống nổi, nhưng khi ấy ông ngoại đã không còn bên
tôi, không còn câu hỏi nào ông ngoại dành cho tôi để giúp tôi đứng dậy. Tôi đi học ở một trường cao đẳng,
người khuyên ra, kẻ khuyên vào, nhưng tôi vẫn làm theo ý mình. Ba năm trôi quá mau, tôi ra trường, tìm
được việc làm và đang lần bước trở về nơi tôi đã từng ngã. Tôi thi liên thông lên đại học, đó chính là con
đường từ khi bé tôi đã ước mơ, dù bằng cách này hay cách khác tôi cũng phải cố gắng mà thực hiện. Tôi
đã rất cô gắng và tôi tin ông ngoại đang ở bên cạnh tôi, ủng hộ tôi mãi mãi.
Giờ này ông không còn bên tôi, và những thầy cô giáo khác cho tôi nhiều kiến thức mới, một cách có bài
bản, có luật lệ, nhưng tôi không quên được những bài học vỡ lòng không theo quy tắc nào của ông ngoại.
Có một câu mà con đã nói với rất nhiều người nhưng chưa một lần con nói với ngoại, con cảm ơn ngoại.
Cảm ơn những bài học của ngoại cho con niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân mình. Không có ai giỏi, chỉ
có người biết cố gắng và không biết cố gắng mà tôi, phải không ngoại.
Kính tặng ông ngoại - người thầy đầu tiên.
Mã bài: NBTA0000273
Tác giả: Lê Phương Trúc Thùy

Ngày gửi: 24-11-2009

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×