Tải bản đầy đủ (.docx) (1 trang)

Văn hóa...tảng đá quảng cáo cần trèo qua

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (41.36 KB, 1 trang )

Văn hóa...tảng đá quảng cáo cần trèo qua
Quảng cáo nước tẩy sàn nhà S. được minh họa bằng hình ảnh một cô gái xinh đẹp mỗi lần mở nắp chai
chất tẩy liền đưa lên mũi… hít một hơi sảng khoái.
Nhiều người xem mẩu quảng cáo trên đều chặc lưỡi: “Dở hơi”. Đúng là chất tẩy mà đưa lên mũi hít sảng
khoái thì “thần kinh có vấn đề”. Và biết đâu cái dở hơi kia lại bị các em nhỏ bắt chước? Có thể không chủ
ý, nhưng mẩu quảng này vô tình tạo nên một hình ảnh “người Việt ngớ ngẩn”.
Không ngớ ngẩn bằng hình ảnh nhưng câu slogan quảng cáo cho thuốc ho P. lại độc chiêu hơn chỉ với
năm âm tiết: “Thuốc nam mà hiệu quả”. Có lẽ không ai nghi ngờ thiện ý của nhà quảng cáo, nhưng với
cách dùng từ ngữ như thế (Thuốc nam... mà hiệu quả) thì thiển nghĩ đây là cách… hạ thấp thuốc nam
hoàn hảo nhất.
Bằng hình ảnh đi kèm slogan, quảng cáo không chỉ chuyển tải một thông tin mà còn thể hiện một khía cạnh
văn hóa. Mỗi quốc gia có một bản sắc văn hóa khác nhau, do đó quảng cáo cũng phải dựa trên cái phông
văn hóa đặc trưng ấy.
Thế nhưng trong thực tế lại không hẳn như vậy. Xem quảng cáo trên các kênh truyền hình Việt, có thể thấy
thường xuyên một điều là có nhiều mẩu quảng cáo phô, nếu không muốn nói là phản cảm, và làm nhạt
nhòa hình ảnh văn hóa như các ví dụ vừa nêu.
Nêu vấn đề văn hóa trong quảng cáo không phải là đặt một đòi hỏi quá vĩ mô, nghiêm trọng. Ở đây chỉ bàn
đến những chi tiết hàm chứa yếu tố văn hóa trong đời sống hằng ngày mà thôi.
Gây ấn tượng, bỏ qua tính hợp lý trong các mẩu quảng cáo là điều có thể hiểu, nhưng gây ấn tượng mà
bất chấp những yếu tố văn hóa thì quả thật khó chấp nhận. Trước đây, Hãng dầu gội S. tung ra một
slogan: “Sống là không chờ đợi” khiến nhiều người bị sốc.
Thế nhưng sau đó có một điều chỉnh nhỏ: “Vì cuộc sống là không chờ đợi” khiến câu slogan này trở nên
dễ chịu hơn nhiều. Và, như thế chỉ cần một hai chữ trong cấu trúc thay đổi đó đã thể hiện một tinh thần
cầu thị của người làm quảng cáo, câu slogan cũng chuyên chở giá trị tinh thần tốt đẹp hơn.
Quảng cáo, sao không là văn hóa? Đành rằng mục đích chính của quảng cáo là chuyển tải thông tin sản
phẩm. Nhưng một khi quảng cáo khước từ yếu tố văn hóa, chỉ chăm chăm tìm cách gây sốc bằng mọi
cách thì trước hết sẽ tạo nên phản ứng ngược.
Và từ những hình ảnh chỉ thoáng qua giây lát sẽ dần tạo nên những thói quen văn hóa trong tiềm thức. Sẽ
không chỉ thấy những mẩu quảng cáo phản cảm mà còn thấy ở đấy: người Việt vô duyên, người Việt ngớ
ngẩn, người Việt tự ti…
Tạo dấu ấn văn hóa không phải là điều dễ dàng, nhưng ý thức về nó luôn cần thiết. Văn hóa nhiều khi


không cần phải thêm vào mà phải bỏ bớt đi, ví như câu slogan quảng cáo thuốc nam P. nếu bỏ đi chữ “mà”
thì sẽ hay biết mấy. “Thuốc nam hiệu quả” đó không phải là hiệu quả của nhà quảng cáo hay sao? Và đó
cũng chính là hiệu quả văn hóa mà mỗi người đang góp vào đời sống mỗi ngày.

×