MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CHO VAY
TIÊU DÙNG TẠI NGÂN HÀNG
Qua phân tích thực trạng và các nhân tố tác động đến chất lượng và sự phát triển của
sản phẩm cho vay tiêu dùng tại ACB Cần Thơ ta thấy rằng sản phẩm này hiện nay được
xem là một khoản mục mang lại lợi nhuận tương đối lớn cho ngân hàng, tuy nhiên kết
quả phân tích cũng cho thấy sản phẩm này hiện còn một số tồn tại như sau:
- Rủi ro đối với khoản tín dụng tiêu dùng còn cao, đặc biệt là khoản cho vay tiêu
dùng tín chấp. Do không có tài sản đảm bảo nên nguy cơ không thu hồi được nợ gốc và
lãi đúng hạn là rất lớn. Bên cạnh đó, việc đánh giá các khoản vay này quả thật không
đơn giản nhất là trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng như hiện nay,
chúng ta không thể bị động hay đưa ra các quy định cho vay quá khắt khe đối với khách
hàng. Mặc dù cho vay tiêu dùng thế chấp có tài sản đảm bảo, song chúng ta cũng không
được quá chủ quan, lơ là ngân hàng cần có những biện pháp thích hợp để theo dõi biến
động của khoản vay này, tình hình thu nợ nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro của khoản vay
này.
- Bên cạnh đó vay tiêu dùng hiện nay vẫn chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu
các khoản vay của ACB, ngân hàng cần có những biện pháp để phát triển và gia tăng thị
phần của khoản vay đầy triển vọng này.
Trên cơ sở những tồn tại của sản phẩm cho vay tiêu dùng tại ACB Cần Thơ, tôi đã
tìm hiểu và đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế các rủi ro tín dụng tiêu dùng và tìm
cách phát triển sản phẩm tiêu này, gia tăng thị phần của sản phẩm trong tương lai trên
địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng và thị trường tín dụng cả nước nói chung. Một số
biện pháp được đưa ra ở đây là: Nâng cao vai trò của hệ thống tính điểm tín dụng tiêu
dùng; Kiểm tra quá trình vay vốn sử dụng vốn và quản lý giám sát tín dụng; Tăng
cường các chế độ bảo hiểm các khoản vay tiêu dùng tín chấp và một số giải pháp để
phát triển sản phẩm tín dụng tiêu dùng trong tương lai.
5.1 MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU RỦI RO TRONG CHO VAY TIÊU
DÙNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP Á CHÂU CHI NHÁNH CẦN THƠ
Ở phần phân tích thực trạng tín dụng tiêu dùng (trang 51) ta thấy rằng nợ quá hạn của
ngân hàng hiện nay tương đối cao và tốc độ giảm nợ quá hạn giai đoạn sau (2006 -
2007) chậm hơn rất nhiều so với giai đoạn 2005- 2006. Đặc biệt là tín dụng tiêu dùng
tín chấp. Điều này mang đến rủi ro cho ngân hàng, nếu không sớm khắc phục sẽ thiệt
hại đến lợi nhuận và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Sau đây là một số biện pháp
nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng:
5.1.1 Nâng cao vai trò của hệ thống tính điểm tự động đối với tín dụng tiêu
dùng
Ngày nay rất nhiều ngân hàng sử dụng hệ thống tính điểm tín dụng tự động. Ưu diểm
của việc sử dụng hệ thống này là giải quyết nhanh chóng một số lượng lớn yêu cầu mà
không cần nhiều sức người, điều đó sẽ làm giảm chi phí hoạt động, và có thể là cách
đánh giá có hiệu quả thay thế cho việc sử dụng các cán bộ tín dụng thiếu kinh nghiệm.
Điều này giúp giảm bớt các khoản nợ khó thu hồi. Nhiều khách hàng cũng muốn những
lá đơn xin vay của họ được xem xét một cách nhanh chóng thông qua một hệ thống tính
điểm tự động.
Hệ thống tính điểm tự động thường dựa trên cơ sở các mô hình đặc biệt hoặc một số
kỹ thuật có liên quan như mô hình trung thực, trong đó một vài biến số sẽ được kết hợp
lại để đánh giá về điểm số cho mỗi lá đơn. Nếu lá đơn đó đạt mức điểm giới hạn thì nó
gần như sẽ được thông qua trừ trường hợp có những thông tin không bình thường.
Ngược lại nếu lá đơn đạt điểm thấp hơn mức giới hạn thì lá đơn đó gần như bị bác bỏ
trừ trường hợp có yếu tố giảm nhẹ. Hệ thống tín điểm tín dụng này thường lựa chọn từ
7 đến 12 yếu tố từ đơn xin vay của khách hàng và đánh giá mỗi khoản mục bằng cách
cho điểm từ 0 đến 10.
Ở ngân hàng Á Châu hiện nay cũng đã sử dụng hệ thống tín điểm tín dụng tự động,
nhưng chỉ áp dụng đối với các sản phẩm cho doanh nghiệp, còn đối với các sản phẩm
dành cho khách hàng cá nhân như tín dụng tiêu dùng thì hiện nay ngân hàng vẫn chưa
xây dựng được một hệ thống tính điểm riêng. Do đó tôi đã nghiên cứu và tham khảo các
tài liệu về hệ thống tín điểm tín dụng tự động được áp dụng tại một số ngân hàng khác,
trên cơ sở tình hình thực tế của ngân hàng Á Châu chi nhánh Cần Thơ để lựa chọn một
số nhân tố đánh giá chất lượng tín dụng tiêu dùng. Những biến số quan trọng được
dùng trong hệ thống này là xếp loại chất lượng tín dụng, số người ăn theo, số nhà cửa
sở hữu, thu nhập ròng, có điện thoại cố định tại nơi ở hay không, loại nghề nghiệp, thời
gian làm việc tại chỗ làm hiện tại, thời gian cư trú tại nơi sống hiện tại. Sau khi lựa
chọn được các yếu tố sẽ tiến hành cho điểm từng yếu tố.
Bảng 10 : Các yếu tố cho việc dự đoán chất lượng tín dụng tiêu dùng
CÁC YẾU TỐ ĐIỂM SỐ
1. Nghề nghiệp hay loại công việc của khách hàng
- Chuyên nghiệp hoặc điều hành kinh doanh 10
- Công nhân viên chức Nhà nước 8
- Nhân viên văn phòng 7
- Công nhân không có chuyên môn 5
- Nhân viên làm việc bán thời gian 2
2. Tình trạng về nhà cửa
- Có nhà riêng 9
- Nhà hoặc căn hộ thuê 4
- Sống với bạn bè họ hàng 2
3. Xếp loại về chất lượng tín dụng là
- Rất tốt 10
- Khá 7
- Trung bình 5
- Không có hồ sơ 2
4. Thời gian làm việc ở nơi hiện tại
Lớn hơn 05 năm 6
Từ 01 đến 05 năm 4
Nhỏ hơn 01 năm 2
5. Thời gian cư trú tại nơi hiện tại
- Lớn hơn 05 năm 8
- Từ 01 đến 05 năm 5
- Nhỏ hơn 01 năm 2
CÁC YẾU TỐ (tt) ĐIỂM SỐ
6. Có điện thọai cố định tại nơi ở hay không
- Có 2
- Không 0
7. Số người ăn theo hiện nay
- Không có 6
- Từ 01 đến 03 người 3
- Lớn hơn 03 người 0
8. Thu nhập hàng tháng
- Trên 5.000.000 đồng/ tháng 9
- Từ 3.500.000 đến 5.000.000 đồng/ tháng 7
- Từ 1.500.000 đến dưới 3.500.000 đồng/ tháng 3
- Thấp hơn 1.500.000 đồng/ tháng 0
Điểm số được cho dựa vào mức độ quan trọng của yếu tố tức là yếu tố đó có đảm
bảo khả năng trả nợ của khách hàng hay không.
- Nghề nghiệp hiện tại của khách hàng: Đây được xem là yếu tố quan trọng
hàng đầu để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Nghề nghiệp còn phản ánh sự
biến động của thu nhập. Nếu một người có nghề nghiệp ổn định chắc chắn thu nhập của
họ cũng sẽ ổn định. Chính vì thế điểm số tối đa của yếu tố này là 10 (nếu khách hàng
đang giữ vị trí điều hành hoặc lãnh đạo của một doanh nghiệp). Tương tự cho các nghề
nghiệp tiếp theo với mức biến động về thu nhập ngày càng cao nên điểm số càng giảm.
- Xếp loại chất lượng tín dụng tại ngân hàng cũng là một yếu tố đáng tin cậy
khi quyết định có nên cho khách hàng đó vay hay không. Nếu khách hàng trước đây đã
từng vay ở ngân hàng, thì điều này tương đối dễ dàng ngân hàng có thể căn cứ vào xếp
loại tín dụng trước đây của khách hàng để cho điểm. Nếu khách hàng được xếp loại là
rất tốt hoặc khá thì ta có thể tin tưởng vào khả năng trả nợ của họ, tuy nhiên nếu xếp
loại tín dụng của khách hàng trước đây là trung bình thì ngân hàng cần có sự quan tâm
hơn, nên điều tra, xem xét nguyên nhân tại sao khách hàng bị xếp loại trung bình và
hiện nay đã khắc phục được các nhược điểm đó chưa. Trường hợp khách hàng hoàn
toàn mới, chưa có hồ sơ tại ngân hàng thì khả năng đảm bảo trả nợ sẽ thấp hơn, vì ngân
hàng không có căn cứ để xem xét. Vì thế trường hợp này điểm số cho là thấp nhất (2
điểm).
- Thu nhập của người xin vay cũng là một nhân tố quan trọng hàng đầu, căn cứ
vào mức thu nhập hàng tháng có thể đánh giá về khả năng tài chính và trả nợ của khách
hàng. Ở đây mức thu nhập tối thiểu để ngân hàng có thể cho vay là trên 1.500.000 đồng,
và ứng với từng mức thu nhập thì có mức cho vay khác nhau. Tuy nhiên khi xem xét về
khả năng trả nợ của khách hàng ta không chỉ hoàn toàn dựa vào thu nhập mà chúng ta
cần chú ý đến chi phí hàng tháng mà khách hàng phải trả. Nếu chi phí chi trả hàng
tháng quá lớn thì khả năng trả nợ của khách hàng sẽ suy giảm.
- Tình trạng nhà cửa hiện tại nếu khách hàng có nhà riêng thì đây có thể được
xem là một tài sản đảm bảo cho việc trả nợ của khách hàng. Ngược lại nếu khách hàng
chỉ ở nhà thuê hay ở chung với người thân thì rủi ro của khoản vay này sẽ tăng lên và
ngân hàng cần thận trọng hơn khi quyết định cho vay đối với các khách hàng này.
- Đối với các yếu tố còn lại như số năm làm việc, thời gian cư trú, số người ăn
theo... tuy là các yếu tố bổ sung khi xem xét cho vay, nhưng ngân hàng không nên xem
nhẹ các yếu tố này bởi vì các yếu tố đó cũng góp phần phản ánh khả năng trả nợ của
khách hàng cũng như uy tín của họ đối với môi trường xung quanh.
Đánh giá kết quả
Điểm tối đa một khách hàng có thể đạt được là 60 điểm, điểm tối thiểu khách hàng
đạt được là 10 điểm. Mức điểm trung bình đạt được của một khách hàng là (60 + 10)/
2= 35 điểm.
+ Nếu hồ sơ vay của khách hàng đạt nhỏ hơn 35 điểm: từ chối cho vay.
+ Nếu hồ sơ khách hàng đạt từ 35 điểm trở lên: đồng ý cho vay.
Lý luận cơ sở của hệ thống này là ngân hàng có thể định dạng được các yếu tố về tài
chính, kinh tế và động cơ của khách hàng để tách riêng các khoản cho vay loại tốt với
loại tồi thông qua việc quan sát, thu thập và tổng kết từ số đông những khách hàng đã
từng vay nợ từ trước đến nay. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng hệ thống tính điểm tiêu
dùng tự động ngân hàng không được quá chủ quan, vì các ngân hàng thường giả định
rằng các yếu tố tài chính và các yếu tố khác mà trước đây đã từng tạo ra sự khác biệt
giữa những khoản tín dụng chất lượng tốt và những khoản tín dụng chất lượng kém vẫn
có thể được áp dụng trong tương lai, với tỷ lệ sai sót rất nhỏ. Rõ ràng là các giả định
ngầm này có thể sai nếu nền kinh tế hoặc các yếu tố khác thay đổi đột ngột. Và đây là
lý do tại sao không nên chỉ dựa vào hệ thống tính điểm tự động này mà quyết định cho
vay hay không. Cần có sự kết hợp với việc phân tích của các nhân viên tín dụng để có
kết quả chính xác hơn và định kỳ phải kiểm tra lại hệ thống tính điểm tín dụng tiêu
dùng, phát hiện kịp thời và chính xác các yếu tố lỗi thời, không đánh giá đúng chất
lượng tín dụng và thay thế bằng các yếu tố mới thích hợp hơn.
5.1.2 Kiểm tra quá trình vay vốn, sử dụng vốn và quản lý giám sát tín dụng
Biện pháp này nhằm góp phần giảm thiểu nợ quá hạn của ngân hàng
5.1.2.1 Kiểm tra quá trình vay vốn sử dụng vốn
Kiểm tra quá trình vay vốn bao gồm kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay
a) Kiểm tra trước khi vay