PHÂN TÍCH CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN
SẢN PHẢM CHO VAY TIÊU DÙNG
4.1 NHÓM NHÂN TỐ KHÁCH QUAN
Đó là các nhân tố bên ngoài có sự tác động mạnh mẽ đến sự tồn tại và phát triển của
sản phẩm vay tiêu dùng tại ngân hàng TMCP Á Châu chi nhánh Cần Thơ. Đó là các
nhân tố sau:
- Nhân tố thứ nhất là các chính sách, hệ thống văn bản phát luật của ngân hàng nhà
nước Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện cần và rất quan trọng để ngân hàng
có thể phát triển sản phẩm tín dụng tiêu dùng, vì hoạt động của ngân hàng luôn tuân thủ
theo chủ trương, chính sách của nhà nước.
- Nhân tố thứ hai là sự biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước thời gian
qua. Kinh tế thế giới có nhiều biến động lớn. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ liên tục
cắt giảm lãi suất, đồng USD mất giá mạnh, giá dầu và giá vàng tăng cao. Nền kinh tế
Việt Nam, vượt qua những biến động ấy, đã đạt được một số kết quả tích cực. GDP
tăng trưởng 8,48%, đầu tư phát triển và xuất khẩu tiếp tục tăng. Vốn đầu tư trực tiếp
của nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục, viện trợ phát triển cấp nhà nước (ODA) lớn nhất
từ trước tới nay. Dự trữ ngoại tệ tăng lên gần 20 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2007, thị
trường ngoại hối lần đầu tiên được bình ổn, tiền đồng Việt Nam không chịu áp lực giảm
giá mà chịu áp lực tăng giá. Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, khẳng định vị
thế là một kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế. Tuy vậy, môi trường kinh doanh
năm 2007, nhất là lĩnh vực ngân hàng, có những yếu tố không thuận lợi. Nhập siêu quá
lớn và lạm phát cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Thị trường bất động sản biến
động bất thường và thị trường liên ngân hàng diễn biến phức tạp. Ngân hàng Nhà nước
đưa ra một số quyết định ảnh hưởng không nhỏ đến kinh doanh ngân hàng, chẳng hạn
như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi trong quý 2; khống chế dư nợ cho vay kinh
doanh chứng khoán.
- Nhân tố khách quan quan trọng nhất tác động đến sự phát triển sản phẩm tín dụng
tiêu dùng của Á Châu hiện nay có lẽ là sự phát triển và cạnh tranh của các ngân hàng
TMCP trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong những năm gần đây. Các tác nhân này có
thể là:
+ Tác nhân từ phía NHTM mới tham gia thị trường. Các NHTM mới tham gia thị
trường với những lợi thế quan trọng như: Mở ra những tiềm năng mới; Có động cơ và
ước vọng giành được thị phần; Đã tham khảo kinh nghiệm từ những NHTM đang hoạt
động; Có được những thống kê đầy đủ và dự báo về thị trường… Như vậy, bất kể thực
lực của NHTM mới là thế nào, thì các NHTM hiện tại đã thấy một mối đe dọa về khả
năng thị phần bị chia sẻ; ngoài ra, các NHTM mới có những kế sách và sức mạnh mà
các NHTM hiện tại chưa thể có thông tin và chiến lược ứng phó.
+ Tác nhân là các đối thủ NHTM hiện tại. Đây là những mối lo thường trực của các
NHTM trong kinh doanh. Đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng đến chiến lược hoạt động kinh
doanh của NHTM trong tương lai. Ngoài ra, sự có mặt của các đối thủ cạnh tranh thúc
đẩy ngân hàng phải thường xuyên quan tâm đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng
các dịch vụ cung ứng để chiến thắng trong cạnh tranh.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ có trên 20 ngân hàng TMCP, các ngân
hàng này hiện nay đều có cơ sở hạ tầng vững chắc, hiện đại, các sản phẩm đa dạng,
dịch vụ phong phú, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng và là nhũng đối thủ nặng ký của
ACB hiện nay. Không chỉ riêng ACB mà các ngân hàng ở thành phố Cần Thơ đều nhận
thấy được tiềm năng phát triển của tín dụng tiêu dùng, các ngân hàng đã có những
chính sách tín dụng tiêu dùng rất hấp dẫn để thu hút khách hàng. Chẳng hạn NHTM cổ
phần An Bình (ABbank), tung ra sản phẩm cho vay tín chấp đối với khách hàng thể
nhân tối đa lên tới 200 triệu đồng cho mục đích tiêu dùng, thời hạn tối đa lên tới 5 năm
và lãi suất cho vay hết sức cạnh tranh, dưới 1%/tháng. NHTM cổ phần Phương Nam
tung ra sản phẩm cho khách hàng vay vốn mua nhà ở và đất ở tới 95% giá trị tài sản thế
chấp. Đặc biệt mới đây, NHTM cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tung ra
sản phẩm cho khách hàng vay tiền mua căn hộ tại dự án Sky Garden III của Phú Mỹ
Hưng với thời hạn vay tới 20 năm, trong đó, có tới 3 năm ân hạn bằng với thời gian
nhận nhà. Lãi suất Eximbank đưa ra cũng chỉ có 1%/tháng vào loại thấp nhất trong khối
NHTM cổ phần và thấp hơn cả Vietcombank. Mức cho vay tối đa tới 80% giá trị bất
động sản thế chấp bằng chính căn hộ mua, hoặc tới 100% giá trị bất động sản nếu có
thêm tài sản đảm bảo tiền vay khác.
Hàng loạt NHTM cổ phần khác như: Techcombank, IncomBank, Sacombank,…
cũng cho khách hàng vay tiền mua nhà, mua căn hộ trong các dự án chung cư,… lên tới
70 - 80% giá trị ngôi nhà hay căn hộ, thời hạn vay tối đa tới 15 - 20 năm. Đặc biệt
NHTM cổ phần Phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh cho vay tới 100% giá trị ngôi
nhà và thời hạn vay tới 30 năm.
NHTM cổ phần Sài Gòn - Hà Nội - SHB, từ đầu tháng 11/2007 còn tung ra sản
phẩm cho vay tín chấp có tính cạnh tranh lớn hơn. Đó là cho vay tín chấp tiêu dùng,
dành cho khách hàng đang làm việc tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp
nhà nước, công ty liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và văn phòng đại
diện các tổ chức nước ngoài. Theo đó, khách hàng chỉ cần có nguồn thu nhập ổn định từ
2,5 triệu đồng/tháng là có thể được vay, mức vay tối đa lên tới 300 triệu đồng.
Bên cạnh các ngân hàng TMCP trong nước, các ngân hàng còn chịu sự cạnh tranh
của các ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động trên địa
bàn thành phố Cần Thơ. Đối với khối ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng
nước ngoài thì tập trung vào phân khúc thị trường, đó là nhắm đến những người có thu
nhập khá trở lên. Đối tượng khách hàng này bao gồm: chủ doanh nghiệp, những người
làm việc cho các cơ quan nước ngoài và dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,
các đối tượng khác có thu nhập cao, có mua bảo hiểm nhân thọ tại các công ty bảo hiểm
có uy tín. Sản phẩm được khối ngân hàng này tập trung vào chủ yếu là khách hàng mua
căn hộ tại các khu chung cư, mua nhà ở của các dự án, mua ô tô mới tại các đại lý chính
thức, vay tiền đi du học nước ngoài. Riêng sản phẩm tín dụng cho khách hàng vay mua
nhà được khối ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài chú trọng tới
các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Indovina Bank và VIDB cho khách hàng vay với
thời hạn tới 20 năm, riêng HSBC cho vay với thời hạn tới 25 năm.
Qua những dẫn chứng cụ thể trên đây giúp cho ta thấy được sự cạnh tranh sôi nổi
trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng hiện nay ở khu vực Cần thơ nói riêng và trên cả nước
nói chung.
- Sự xuất hiện các dịch vụ mới. Sự ra đời ồ ạt của các tổ chức tài chính trung gian đe
dọa lợi thế của các NHTM khi cung cấp các dịch vụ tài chính mới cũng như các dịch vụ
truyền thống vốn vẫn do các NHTM đảm nhiệm. Thị trường tín dụng tiêu dùng thời
gian gần đây đang diễn ra sự cạnh tranh sôi động giữa các ngân hàng và các tổ chức tài
chính phi ngân hàng đang phát triển mạnh ở nước ta. Hiện nay, chỉ cần có đầy đủ giấy
tờ pháp lý chứng minh được rằng bạn đang làm việc chính thức cho một doanh nghiệp,
một cơ quan, hay một tổ chức nào đó được hưởng lương là có thể dễ dàng vay tiền cho
mua sắm đồ cưới, mua xe máy, trang bị đồ dùng đắt tiền trong nhà, thậm chí là mua xe
hơi và mua nhà đất,... Những người khác tuy không có bảng lương và quyết định tuyển
dụng, nhưng có tài sản đảm bảo thì có thể vay tiền cho con em đi du học, cho người
thân đi chữa bệnh hay đi du lịch ở nước ngoài. Tất cả các ngân hàng thương mại và
định chế tài chính không phải là ngân hàng cũng đang nhanh chóng nhảy vào thị trường
tín dụng tiêu dùng đầy tiềm năng này.
Các trung gian này cung cấp cho khách hàng những sản phẩm mang tính khác biệt
và tạo cho người mua sản phẩm có cơ hội chọn lựa đa dạng hơn, thị trường ngân hàng
mở rộng hơn. Điều này tất yếu sẽ tác động làm giảm đi tốc độ phát triển của các
NHTM, thị phần suy giảm. Ngày nay, người ta cho rằng, khi các NHTM mạnh lên nhờ
sự rèn luyện trong cạnh tranh, thì hệ thống NHTM sẽ mạnh hơn và có sức đàn hồi tốt
hơn sau các cú sốc của nền kinh tế
- Nhân tố cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng là sức ép từ phía khách
hàng. Một trong những đặc điểm quan trọng của ngành ngân hàng là tất cả các cá nhân,
tổ chức kinh doanh sản xuất hay tiêu dùng, thậm chí là các ngân hàng khác cũng đều có
thể vừa là người mua các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, vừa là người bán sản phẩm dịch
vụ cho ngân hàng. Những người bán sản phẩm thông qua các hình thức gửi tiền, lập tài
khoản giao dịch hay cho vay đều có mong muốn là nhận được một lãi suất cao hơn;
trong khi đó, những người mua sản phẩm (vay vốn) lại muốn mình chỉ phải trả một chi
phí vay vốn nhỏ hơn thực tế. Như vậy, ngân hàng sẽ phải đối mặt với sự mâu thuẫn
giữa hoạt động tạo lợi nhuận có hiệu quả và giữ chân được khách hàng cũng như có
được nguồn vốn thu hút rẻ nhất có thể. Điều này đặt ra cho ngân hàng nhiều khó khăn
trong định hướng cũng như phương thức hoạt động trong tương lai.
4.2 NHÓM CÁC NHÂN TỐ CHỦ QUAN
Bên cạnh các nhân tố khách quan tác động đến sự phát triển của sản phẩm tín dụng
tiêu dùng tại ACB Cần Thơ, trên thực tế, nhóm các nhân tố thuộc về nội tại của ngân
hàng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sản phẩm và năng lực cạnh tranh của
ngân hàng này. Chúng bao gồm: Năng lực điều hành của ban lãnh đạo ngân hàng; Quy
mô vốn và tình hình tài chính của ngân hàng; Công nghệ cung ứng dịch vụ ngân hàng;
Chất lượng nhân viên ngân hàng; Cấu trúc tổ chức; Danh tiếng và uy tín của ngân hàng.
- Qua khảo sát 40 khách hàng hiện đang giao dịch tại ACB Cần Thơ, khi hỏi về các
nhân tố quan trọng khi quyết định vay tiêu dùng tại một ngân hàng nào đó, với các sự
lựa chọn như sau (khách hàng có quyền lựa chọn nhiều đáp án)
+ Uy tín của ngân hàng
+ Lãi suất vay
+ Chương trình khuyến mãi của ngân hàng
+ Đã vay nhiều lần ở ngân hàng này
+ Phong cách phục vụ của nhân viên
+ Cơ sở vật chất của ngân hàng
+ Thủ tục vay đơn giản tiết kiệm thời gian
+ Nguyên nhân khác
Kết quả thu thập được như sau:
- 21% khách hàng được phỏng vấn đều cho rằng lãi suất vay là nhân tố quan trọng
nhất để quyết định có nên vay tiêu dùng tại ngân hàng đó hay không. Điều này cũng
hợp lý và dễ giải thích, tất cả các khách hàng đi vay đều mong muốn mức lãi suất cho
vay là thấp nhất có thể, phù hợp với khả năng chi trả nợ gốc và lãi vay của họ. Vã lại
vay tiêu dùng không phải như vay phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nếu sản xuất kinh
doanh đòi hỏi nguồn vốn phải được bổ sung định kỳ, không có không được, thì tiêu
dùng không có tính bắt buộc chẳng hạn như nhu cầu mua xe, sữa chữa nhà, mua vật
dụng gia đình… Vì thế khách hàng có thể đợi đến một mức lãi suất phù hợp sẽ quyết
định vay.
- 15% khách hàng cho rằng quyết định vay hay không sẽ phụ thuộc vào uy tín của
ngân hàng định vay. Đây được xem là một yếu tố tâm lý, hầu hết khách hàng sẽ chọn
các ngân hàng hoạt động lâu năm, quen thuộc với nhiều người như ACB, Vietcombank,
Eximbank… để giao dịch. Hầu hết đây là các ngân hàng lớn, hoạt động kinh doanh hiệu
quả, cơ sở vật chất vững vàng, công khai, minh bạch. Họ đặt niềm tin vào ngân hàng
này vì thế khi vay thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn. Cũng với 15% khách hàng cho rằng
ngân hàng mình đã từng giao dich nhiều lần trước đây cũng là một lựa chọn an toàn.