Bệnh Gai Cột Sống
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức (Câu Chuyện Thầy Lang)
Gai cột sống là bệnh trong đó có sự phát triển không mong muốn của xương hoặc sụn đã
bị thoái hóa.
Gai thường có ở xung quanh khớp xương và đĩa liên sống. Nhiều người than phiền bị gai
cột sống và cho là gai gây ra đau lưng, đau cổ.
Thực ra, gai là do sự hóa già của xương và sụn và bản thân gai không gây đau. Đa số
người trên 60 tuổi thường có những chồi xương này mà không biết và chỉ tình cờ tìm ra
khi chụp hình X-quang cơ thể trong khi chẩn đoán một bệnh nào khác. Tuy nhiên, 42%
những trường hợp gai này một lúc nào đó có thể đưa tới đau cổ, lưng, lan ra tứ chi, yếu
bàn tay bàn chân.
Chữ Gai cũng không chính xác vì chồi xương trơn tru, dài vài mi li mét và là phần nhô ra
của xương.
Ôn lại về cột sống
Xương sống trẻ sơ sinh có 33 đốt: 7 đốt cổ, 12 đốt ngực, 5 đốt thắt lưng, 5 đốt hông và 4
đốt cụt. Tới khi trưởng thành, các đốt hông và cụt dính lại với nhau, chỉ còn lại hai xương
cùng và xương cụt. Vì thế cột sống người trưởng thành có 26 xương.
Cột sống nâng đỡ sức nặng các phần ở bên trên của cơ thể là đầu, mình, hai tay.
Cột sống chạy từ đáy hộp sọ xuống tới cuối lưng, bao bọc và bảo vệ dây cột sống (spinal
cord). Dây cột sống gồm có các tế bào thần kinh, các bó sợi thần kinh kết nối tất cả các
bộ phận của cơ thể với não bộ. Từ cột sống, phát xuất 32 đôi dây thần kinh tủy sống.
Xương sống ăn khớp với hộp xương sọ, xương sườn, đai hông và là nơi bám của các cơ
lưng.
Cột sống không đứng ngay thẳng mà có nhiều đoạn hơi cong để chịu sức nặng cơ thể hữu
hiệu hơn trong các thế đứng khác nhau.
Các đốt xương sống được dây chằng và hơn 400 cơ bắp nho nhỏ neo giằng hỗ trợ.
Dây chằng (ligament) là một băng mô liên kết xơ cứng, mầu trắng, nối hai xương với
nhau ở vùng khớp. Các dây này không đàn hồi nhưng có thể uốn cong, giữ cho khớp
mạnh hơn và giới hạn sự chuyển động của khớp về một phía nào đó.
Nằm giữa các đốt xương là một cấu trúc dẹp (đĩa liên sống) cấu tạo bằng chất collagen rất
bền chắc dùng làm chất đệm cho đốt xương, chống đỡ với sức mạnh va chạm. Khi mới
sanh, nước chiếm 80% thành phần cấu tạo đĩa và đĩa mềm sốp. Tới tuổi gia tăng, nước
trong đĩa khô dần. Vì đĩa không có mạch máu nuôi dưỡng, cho nên khi bị tổn thương thì
không tự lành được.
Nguyên nhân
Có ít nhất 3 nguyên nhân để giải thích sự hiện diện của gai cột sống:
1- Gai xương có thể là kết quả của việc xương tự tu bổ sau khi liên tục bị chấn thương
như sức ép, va chạm, cọ xát. Thí dụ những người làm nghề khuân vác nặng, người quá kí
tăng áp lực lên xương khớp, người có dáng đi đứng không ngay ngắn khiến cột sống xiêu
vẹo.
2- Khi đĩa liên sống hư hao, xẹp xuống, dây chằng giữa các đốt sống sẽ chùng giãn, khớp
chuyển động nhiều hơn
-Phản ứng tự nhiên của cơ thể với sự chùng giãn này là làm cho dây chằng dầy lên để có
sức giữ vững cột sống.
-Lâu ngày, calci sẽ tụ lại trên dây chằng và tạo ra các gai hoặc chồi xương.
-Dây chằng ở trong ống cột sống cũng có thể dày lên, ống thu hẹp, ép vào dây thần kinh
và gây ra các dấu hiệu bệnh.
3- Gai là một diễn tiến của sự hóa già. Đĩa sụn và xương bị thoái hóa, hao mòn, mặt
xương khớp gồ ghề và gai mọc ra. Đó là bệnh viêm xương khớp, thường thấy ở người
tuổi cao.
Nói chung, các yếu tố như Di truyền, kém dinh dưỡng, nếp sống không lành mạnh, dáng
điệu đứng ngồi xấu, chấn thương liên tục (do thể thao, tai nạn xe cộ) là những rủi ro đưa
tới sự thoái hóa xương khớp và tạo gai nhanh hơn.
Bệnh thường thấy ở người cao tuổi khi cột sống bắt đầu thoái hóa với tuổi già và thường
có nhiều ở nam giới hơn là nữ giới. Tuy nhiên nữ giới ở tuổi mãn kinh cũng hay bị gai
cột sống.
Dấu hiệu
Đa số bệnh gai cột sống không gây ra dấu hiệu triệu chứng gì. Tuy nhiên khi gai cọ xát
với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, rễ dây thần kinh thì
bệnh nhân mới thấy đau.
Đau thường xuất hiện ở cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi bệnh nhân đứng hoặc đi. Đau lan
xuống vai với nhức đầu khi gai ở cột sống cổ, lan xuống lưng, chân khi gai ở cột sống
lưng.
Cơn đau tăng khi cử động, giảm khi nghỉ do đó sẽ đưa tới giới hạn cử động ở các phần
này.
Khi dây thần kinh bị chèn ép, bệnh nhân cảm thấy đau ở tay và chân, cơ bắp yếu. Nếu
ống tủy bị quá thu hẹp, bệnh nhân sẽ có rối loạn đại tiểu tiện, mất cảm giác.
Ngoài gai cột sống, các dấu hiệu vừa kể cũng thấy trong bệnh tiểu đường, rối loạn tuần
hoàn ở tứ chi, u, viêm hoặc nhiễm trùng cột sống. Một số dấu hiệu của gai cột sống cũng
tương tự như ở các bệnh viêm thấp khớp, chấn thương lưng, đứt đĩa liên sống.
Cần phân biệt Gai cột sống với Thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm.
Sự phân biệt căn cứ vào dấu hiệu và y sử của mỗi trường hợp.
Chụp hình X-quang là phương thức rõ ràng để phân biệt gai cột sống với các bệnh vừa
kể.
-Trong bệnh gai cột sống, chồi nhô ra từ xương sẽ hiện rõ rệt trên phim X-quang.
-Trong thoái hóa cột sống và thoái vị đĩa đệm, trên phim X-quang sẽ thấy có thay đổi về
cấu trúc và vị trí của đốt sống và khớp như đĩa đệm xẹp hoặc lòi ra, khoảng cách liên
sống hẹp lại, đốt sống hao mòn.
-Đau thần kinh tọa được chẩn đoán qua dấu hiệu triệu chứng của bệnh như đau từ mông
chạy dọc xuống phía sau của chân, đau khi cử động, duỗi chân.
Biến chứng
Bình thường gai cột sống xuất hiện nhiều hơn ở cạnh hoặc phía trước cột sống cho nên
gai không cọ sát với rễ dây thần kinh hoặc với tủy sống ở phía sau, do đó gai ít gây ra các
biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm có thể xảy ra là gai gẫy, mảnh gẫy chạy vào giữa
khớp xương, gây khó khăn cho sự co ruỗi khớp hoặc khi gai đè vào rễ dây thân kinh và
gây ra mất cảm giác ở tay chân.
Điều trị
Nếu gai không gây đau, không cần điều trị.
Bệnh nhân tìm tới bác sĩ khi các cơn đau và các khó khăn khi cử động khiến cho họ phải
giới hạn các hoạt động bình thường và ảnh hưởng tới nếp sống.
Khi gai gây đau thì sự điều trị tập trung ở nguyên nhân gây ra gai, dấu hiệu bệnh hoặc sự
hiện diện của gai.
-Với nguyên nhân, việc giảm cân để giảm sức nặng lên xương khớp là điều cần làm.
-Điều trị dấu hiệu đau gồm có nghỉ ngơi khi sưng viêm, chườm nước đá, uống thuốc
chống viêm không có steroid như paracetamol, ibuprofen.
Trong trường hợp đau nhiều, bác sĩ có thể chích thuốc steroid tại chỗ để giảm viêm và
đau của cơ bắp. Thuốc viên steroid là thuốc chống viêm rất mạnh và rất công hiệu để trị
viêm. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng không muốn nếu dùng không đúng cách và
không có chỉ định của bác sĩ.
Dùng lâu, steroid có thể đưa tới mục xương, cao huyết áp, giữ nước trong cơ thể. Xin lưu
ý là, hiện nay tại Việt Nam, có nhiều thuốc chống đau nhập cảng hoặc sản xuất tại chỗ
gọi là đông dược mà lại có pha thêm steroid. Tác dụng chống viêm sẽ mau hơn nhưng tác
dụng phụ có hại cũng rất nhiều. Bộ y tế Việt Nam đã nhiều lần báo động dân chúng về
vấn đề này.
-Gai cột sống có thể được cắt bỏ với vi phẫu thuật rất chính xác. Nhưng sau khi cắt, gai
có thể mọc trở lại.
Cắt bỏ chỉ được chỉ định khi gai chèn ép vào hệ thần kinh, gây ra các dấu hiệu như tê
chân tay, rối loạn đại tiểu tiện, đau lan tới tứ chi và ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt thường
nhật
Châm cứu có thể làm giảm đau một phần nào ở phần mềm nhưng không có tác dụng vào
tình trạng viêm sưng cũng như khi gai tác động lên rễ dây thần kinh não tủy.
Vật lý trị liệu, thoa bóp, luyện tập xương khớp, thực hành yoga cũng giúp giảm ảnh
hưởng của gai.
Kết luận
Một trong nhiều nguyên nhân chính gây ra gai cột sống là thoái hóa viêm xương khớp.
Ta có thể tránh viêm xương khớp bằng cách thường xuyên vận động cơ thể để xương
khớp, cơ bắp bền mạnh hơn; giảm cân nếu mập phì; tránh các chấn thương lên xương
khớp và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng mà cơ thể cần.
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức
Texas-Hoa Kỳ