TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA KINH TẾ VIỆT NAM VÀ
NHỮNG CƠ HỘI THÁCH THỨC ĐỐI VỚI LĨNH VỰC TÀI CHÍNH NGÂN
HÀNG
1. ĐỊNH HƯỚNG MỤC TIÊU TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ CỦA ĐẢNG
VÀ NHÀ NƯỚC
Hội nhập kinh tế quốc tế là một phạm trù hiện nay đã không còn lạ lẫm nếu
không muốn nói là đã trở thành quen thuộc với mọi người dân Việt Nam.
Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế được đề ra trong bối cảnh chúng ta đang
ở trong nền kinh tế thị trường với sự can thiệp của Nhà nước. Cách mạng khoa học
- kỹ thuật tiếp tục phát triển với tốc độ ngày càng cao, đặc biệt là công nghệ thông
tin. Cả thế giới và khu vực đang rộ lên những vấn đề bức xúc và nóng bỏng như
toàn cầu hoá và kinh tế tri thức.
Các nước lớn nhỏ đều dành quyền ưu tiên cho phát triển kinh tế, theo đuổi
chính sách kinh tế mở, tìm kiếm lợi ích của mình bằng những chính sách và giải
pháp riêng biệt.
Hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là quá trình cạnh tranh giữa các nước có
chế độ chính trị khác nhau, trình độ phát triển sản xuất khác nhau, diễn ra trong
khu vực và trên toàn thế giới, nhằm tranh giành thị trường, phát triển lực lượng
sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyên môn hoá, hiện đại hoá tạo ra sự năng động
và tăng trưởng cho nền kinh tế thông qua các quan hệ hợp tác, hiểu biết lẫn nhau
và cùng có lợi. (Trích bài thuyết trình của Tiến sỹ Nguyễn Trọng Điều, Phó trưởng
ban tổ chức Chính phủ tại hội thảo quán triệt nghị quyết TW 07 về hội nhập kinh tế
quốc tế 08/2002). Đây là một quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa hội nhập
vừa cạnh tranh vừa có nhiều cơ hội vừa không ít thách thức, muốn chủ động hội
nhập một cách hiệu quả thì Việt Nam cần có sự chuẩn bị đầy đủ những điều kiện
cần thiết về kinh tế, thể chế và nhân lực ...
Vận hội thì lớn lao, nhưng trở lại với thực trạng của mình, chúng ta cũng
không thể không nhận thấy là nguy cơ, thách thức cũng không nhỏ bé. Lợi ích của
hội nhập kinh tế quốc tế là rất lớn nếu chúng ta có cách thức quản lý đúng. Đồng
thời chúng ta cũng phải thừa nhận là hội nhập kinh tế quốc tế là gia tăng rủi ro.
Thực tế của tất cả các nước, kể cả các nước đang phát triển cho thấy: Trong lĩnh
vực kinh tế, hội nhập không phải chỉ toàn “được” mà không có “thiệt”. Điều quan
trọng là xét về tổng thể nền kinh tế thì cái “được” phải nhiều hơn cái “thua thiệt”.
Đó chính là cái mà chúng ta phải bàn phải tính và trong cái bàn, cái tính đó phải rất
thực tế, không mơ hồ cũng không quá lạc quan, song tình thế đã rõ ràng: chúng ta
đã và sẽ là một chủ thể trong cuộc chơi đó. Với AFTA chúng ta đã có cả một lộ
trình giảm thuế từ nay đến hết năm 2006; Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa
Kỳ đã ký; chúng ta đang trong tiến trình gia nhập WTO và hàng loạt vấn đề hội
nhập khác từ khu vực đến toàn cầu.
Xu thế khách quan của toàn cầu hoá kinh tế và chủ trương Việt Nam hội
nhập kinh tế quốc tế đã được khẳng định rõ trong nhiều nghị quyết của Đảng và đã
được triển khai trên thực tế.
Gần đây nhất Đại hội IX của Đảng đã xác định Đường lối phát triển kinh tế
trong thời kỳ mới là: “phát huy cao độ nội lực đồng thời tranh thủ nguồn lực bên
ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, hiệu quả, bền
vững’’. Nghị quyết 07 - NQ/TW được Bộ chính trị thông qua chính là sự kế thừa,
cụ thể hoá và triển khai các đường lối của Đảng ta đề ra từ trước đến nay, đáp ứng
kịp thời những yêu cầu khách quan của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt
Nam. Theo đó, mục tiêu của hội nhập kinh tế quốc tế là nhằm mở rộng thị trường,
tranh thủ thêm vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để đẩy mạnh công nghiệp hoá,
hiện đại hoá theo hướng XHCN, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng,
dân chủ, văn minh. Trước mắt là thực hiện những nhiệm vụ nêu ra trong chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội năm 2001-2010 và kế hoạch 5 năm 2001-2005.
Hội nhập kinh tế là sự nghiệp của toàn dân, trong qúa trình hội nhập cần
phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế của toàn xã hội
trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, Thủ tướng chính phủ
cũng đã ký Quyết định số 37/2002/TTg ngày 14 tháng 3 năm 2002 về Chương
trình hành động của Chính phủ thực hiện hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa
Kỳ. Các chương trình này là một bước triển khai định hướng của Bộ chính trị để
nước ta tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ mới. Các chương
trình hành động cũng nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể của Chính phủ giao cho các bộ
ngành địa phương.
2. TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM TRONG THỜI
GIAN QUA
2.1. Vài nét về quá trình hội nhập của Việt nam.
Quá trình Việt nam hội nhập kinh tế quốc tế có lẽ đã được bắt đầu từ xa xưa,
khi những đoàn thuyền Đại Việt vượt biển tới các cảng Trung quốc, Chiêm thành,
Xiêm ,... để buôn bán, trao đổi hàng hoá. Các thương cảng phố Hiến, Hội An đã
từng là những trung tâm buôn bán sầm uất mang hình hài của các khu kinh tế mở
thời hiện đại.
Gần hơn, trong lời kêu gọi Liên hợp quốc tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí
Minh nêu ra chính sách đối ngoại của Việt nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó có
những điểm hết sức tương đồng với những gì mà chúng ta đang làm trong tiến
trình hội nhập kinh tế :
“ Đối với nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa
và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, các
nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình;
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay, và đường sá giao thông
cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế;
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự
lãnh đạo của Liên hợp quốc...”
Vào những năm 70, Việt Nam đã trở thành thành viên của một tổ chức kinh tế
đa phương là Hội đồng tương trợ kinh tế (khối SEV). Hợp tác với các nứơc xã hội
chủ nghĩa trong khuôn khổ SEV đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng
và bảo vệ đất nước trong thời kỳ khôi phục và kinh tế sau chiến tranh và quá độ lên
CNXH. Tuy nhiên, trong cơ chế kế hoạch hoá, hợp tác trong SEV mang nặng tính
hình thức và bao cấp. Quan hệ thương mại về phía Việt Nam chủ yếu mang tính trợ
giúp hoặc dưới hình thức hàng đổi hàng.
Sau khi hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ, chúng ta tích cực đẩy mạnh quá
trình đổi mới trong nước và thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương
hoá. Quan hệ thương mại quốc tế được đẩy mạnh theo cơ chế mới: Cơ chế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từng bước phá bỏ thế bao vây, cô lập , Việt Nam đã trở thành thành viên của
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Châu Á - Thái
Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác kinh tế Á - Âu (ASEM ),... và tích cực
tham gia đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 170 nước, quan hệ thương
mại với trên 140 nước, quan hệ đầu tư với 70 nước, đã ký 81 hiệp định thương mại
trong đó có 3 thoả thuận được coi là quan trọng, có những yêu cầu, đòi hỏi cao,
mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, đó là Hiệp định Thương mại (HĐTM) Việt - Mỹ,
yêu cầu gia nhập WTO, và cam kết theo AFTA.
Tiến trình hội nhập của Việt nam:
Ngày tháng
năm
Sự kiện Tiến trình /Nội dung cam kết
1986 Bắt đầu thực hiện chính sách
đổi mới
12/1987 Ban hành Luật đầu tư nước
ngoài
1992 Các nước nối lại viện trợ cho
Việt nam
7/1993 Các tổ chức tài chính quốc tế
tiếp tục tài trợ cho Việt nam
2/1994 Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với
Việt nam
1/1995 Nộp đơn gia nhập WTO Hiện nay là quan sát viên, đang
hoàn tất các vòng đàm phán để
trở thành hội viên chính thức
7/1995 Gia nhập ASEAN Thực hiện các cam kết theo lộ
trình AFTA, CEPT
3/1996 Tham gia diễn đàn hợp tác Á-
Âu(ASEM)
11/1998 Tham gia diễn đàn hợp tác Kinh
tế châu Á -TBD(APEC)
7/2000 Ký kết HĐTM Việt -Mỹ
12/2000 Quốc hội 2 nước chính thức
thông qua HĐTM Việt- Mỹ
Theo lộ trình
2.2. Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, cam kết gia nhập WTO, cam kết
theo AFTA và những cam kết cụ thể của Việt nam liên quan đến lĩnh vực tài
chính ngân hàng.
2.2.1. Hiệp định thương mại Việt - Mỹ.
Ngày 13/07/2000 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong tiến trình hội nhập
kinh tế quốc tế của Việt Nam, đó là sự ra đời của Hiệp định thương mại (HĐTM)
Việt - Mỹ tại Washington, Hoa kỳ. Hiệp định này đã được Quốc hội hai nước phê
chuẩn và có giá trị thi hành từ ngày 11/12/2001. Đây là kết quả của hơn 4 năm đàm
phán, đấu tranh giữa ta và Mỹ, là hiệp định song phương đồ sộ nhất, toàn diện nhất
và cụ thể nhất trên cơ sở các tiêu chuẩn và nguyên tắc của tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO). HĐTM có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, nó không chỉ
mở ra quan hệ thương mại bình thường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà còn là mốc
quan trọng để Việt Nam thực hiện đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới
WTO.
HĐTM Việt nam - Hoa Kỳ gồm 7 chương.
Việt Nam có những cam kết trong lĩnh vực tài chính ngân hàng theo chương
III: Thương mại dịch vụ. Dịch vụ tài chính - ngân hàng được coi là một bộ phận
trong Thương mại dịch vụ. Trong mọi trường hợp, các cam kết mang tính nguyên
tắc chung của HĐTM sẽ được áp dụng trừ một số quy định cụ thể được nêu tại phụ
lục G. Chương III HĐTM định nghĩa các hình thức cung ứng dịch vụ:
1) Cung cấp qua biên giới
Sử dụng ở nước ngoài
Hiện diện thương mại
Hiện diện thể nhân. Có hai hình thức đối xử là Đối xử Tối huệ quốc và Đối xử
quốc gia.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, HĐTM nêu 6 biện pháp được
cam kết bao gồm:
1) Không hạn chế số lượng người cung cấp dịch vụ.
2) Không hạn chế về tổng giá trị các giao dịch dịch vụ hay giá trị tài sản.
3) Không hạn chế về tổng số các hoạt động dịch vụ hoặc tổng số lượng dịch vụ
thể hiện theo đơn vị số lượng.
4) Không hạn chế về tổng số thể nhân được tuyển dụng trong một ngành dịch
vụ.
5) Không áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc đòi hỏi phải có những hình thức
pháp lý cụ thể hay liên doanh để một nhà cung cấp dịch vụ được cung ứng
dịch vụ.
6) Không hạn chế sự tham gia vốn nước ngoài dưới hình thức hạn chế tỷ lệ tối
đa với cổ phần nước ngoài, hoặc tổng giá trị từng khoản đầu tư hoặc tổng số
đầu tư.
Theo các cam kết của HĐTM, các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ có thể được
phép kinh doanh đầy đủ các sản phẩm dịch vụ của một ngân hàng thương mại như
tiền gửi, tín dụng các loại, thuê mua tài chính, bảo lãnh, thanh toán, môi giới tiền
tệ, quản lý tài sản và giấy tờ có giá, v.v... Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ Hoa
Kỳ có thể thực hiện các dịch vụ liên quan đến chứng khoán như thanh toán, kinh
doanh chứng khoán (kể cả các sản phẩm tài chính phái sinh như Futures, Options,
Swaps, Forward), tham gia phát hành mọi loại chứng khoán.
Các hình thức pháp lý nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ có thể hoạt động kinh
doanh bao gồm :
1) Chi nhánh ngân hàng Hoa Kỳ.
2) Ngân hàng liên doanh Việt Nam - Hoa Kỳ.
3) Ngân hàng con 100% vốn Hoa Kỳ.
4) Công ty thuê mua tài chính 100% vốn Hoa Kỳ.
5) Công ty thuê mua tài chính liên doanh Việt Nam - Hoa Kỳ.
Các định chế tài chính Hoa Kỳ phải tuân thủ các quy định sau:
1) Đối với chi nhánh ngân hàng Hoa Kỳ, phải có vốn do ngân hàng mẹ cấp tối
thiểu 15 triệu USD, và ngân hàng mẹ có văn bản cam kết chịu mọi trách
nhiệm tại thị trường Việt Nam ;
2) Đối với Ngân hàng liên doanh Việt Nam - Hoa Kỳ, hay ngân hàng con vốn
100% Hoa Kỳ, cần có vốn điều lệ tối thiểu 10 triệu USD;
3) Đối với công ty thuê mua tài chính 100% Hoa Kỳ hay liên doanh Việt Nam
- Hoa Kỳ cần có vốn điều lệ tối thiểu 5 triệu USD.
Về lộ trình thực hiện có 7 mốc cho việc triển khai thực hiện các dịch vụ tài
chính Ngân hàng phía Hoa Kỳ được phép kinh doanh tại Việt Nam :
1. Trong vòng 3 năm (kể từ khi HĐTM có hiệu lực), hình thức pháp lý duy nhất
các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ được phép hoạt động là liên doanh với đối
tác Việt Nam.
2. Sau 3 năm kể từ khi HĐTM có hiệu lực, Việt nam dành đối xử quốc gia đầy
đủ với quyền tiếp cận NHTW trong các hoạt động tái chiết khấu, swap,
forward.
3. Trong vòng 8 năm đầu, Việt Nam có thể hạn chế quyền của một chi nhánh
NH Hoa Kỳ nhận tiền gửi từ các pháp nhân Việt Nam mà ngân hàng không
có quan hệ tín dụng. Mức vốn của chi nhánh quy định như sau:
a) Năm thứ 1: 50% vốn pháp định được chuyển vào;
b) Năm thứ 2: 100%;
c) Năm thứ 3: 250%;
d) Năm thứ 4: 400%;
e) Năm thứ 5: 600%;
f) Năm thứ 6: 700%;
g) Năm thứ 7: 900%;
h) Năm thứ 8: Đối xử quốc gia đầy đủ.
4. Sau 8 năm các định chế tài chính có vốn đầu tư Hoa Kỳ có thể phát hành thẻ
tín dụng trên cơ sở đối xử quốc gia.
5. Các chi nhánh Ngân hàng Hoa kỳ không được đặt ATM tại các địa điểm
ngoài văn phòng của họ đến khi các Ngân hàng Việt Nam được phép làm
như vậy.
6. Sau 9 năm, các ngân hàng Hoa Kỳ được phép thành lập ngân hàng con 100%
vốn Hoa Kỳ. Trong thời gian này các ngân hàng Hoa Kỳ liên doanh cần có
vốn góp không thấp hơn 30% và không vượt quá 49% vốn pháp định của
liên doanh.
7. Trong vòng 10 năm đầu, Việt Nam có thể hạn chế quyền của một chi nhánh
NH Hoa Kỳ nhận tiền gửi từ các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam mà ngân
hàng không có quan hệ tín dụng theo mức vốn của chi nhánh phù hợp với
biểu sau. Mức vốn của chi nhánh quy định như sau:
a) Năm thứ 1: 50% vốn pháp định được chuyển vào;
b) Năm thứ 2: 100%;
c) Năm thứ 3: 250%;
d) Năm thứ 4: 350%;
e) Năm thứ 5: 500%;
f) Năm thứ 6: 650%;
g) Năm thứ 7: 800%;
h) Năm thứ 8: 900%;
i) Năm thứ 9: 1000%;
j) Năm thứ 10: Đối xử quốc gia đầy đủ.
2.2.2. Các cam kết cơ bản khi gia nhập WTO
Việt Nam đang khởi động quá trình đàm phán gia nhập tổ chức thương mại
thế giới (WTO). Một yêu cầu quan trọng nhất để trở thành thành viên của WTO là
công bố và thực hiện một lộ trình gỡ bỏ những hạn chế thương mại đối với hàng
hoá nhập khẩu từ nước ngoài dưới dạng hàng rào phi thuế quan.
Sau khi vòng đàm phán Uruguay kết thúc tháng 12/1997, đã có những cam
kết mở cửa thị trường được 102 quốc gia thành viên nhất trí; và các cam kết này
được quy định trong GATTS và Nghị định số 5 (có hiệu lực 1999). Điều này cũng