SỰ CẦN THIẾT, THÔNG TIN SỬ DỤNG, PHƯƠNG PHÁP PHÂN
TÍCH TÌNH HÌNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
VỐN LƯU ĐỘNG:
1. Khái niệm phân tích tình hình quản lý, sử dụng vốn lưu động:
Phân tích tình hình quản lý sử dụng vốn lưu động là tập hợp các khái niệm,
phương pháp, công cụ cho phép xử lý các thông tin kế toán và một số các thông tin
khác. Tuy nhiên, đấy không phải là quá trình tính toán các chỉ số, chỉ tiêu mà là
quá trình tìm hiểu, đánh giá, đưa ra những nhận xét về các kết quả của sự quản lý
và sử dụng vốn lưu động ở doanh nghiệp, qua đó kiến nghị các biện pháp để phát
huy những điểm mạnh, khắc phục những mặt hạn chế của doanh nghiệp và đưa ra
những quyết định quản lý phù hợp.
2. Sự cần thiết của việc phân tích:
Vốn lưu động có ý nghĩa rất lớn trong quá trình sản xuất kinh doanh của mỗi
doanh nghiệp, có nhiều đối tượng quan tâm đến tình hình tài chính của doanh
nghiệp vì nó gắn liền với lợi ích lâu dài của chính họ. Tuy nhiên, không chỉ đơn
thuần dựa vào các con số trên báo cáo tài chính vì nó chưa phản ánh đầy đủ, toàn
diện các thông tin mà các đối tượng cần quan tâm. Vì vậy, tiến hành phân tích tình
hình quản lý, sử dụng vốn lưu động là một đòi hỏi khách quan. Mỗi đối tượng quan
tâm đến tình hình tài chính trên nhiều góc độ khác nhau và có xu hướng tập trung
vào những khía cạnh riêng phục vụ cho mục đích của mình.
- Đối với các nhà quản trị doanh nghiệp: Mối quan tâm hàng đầu của họ là
quản lý sử dụng vốn lưu động như thế nào để có hiệu quả, thông qua việc phân tích
tình hình quản lý sử dụng vốn lưu động họ có thể lập ra kế hoạch sử dụng vốn lưu
động tốt hơn, có những quyết định về tồn trữ tiền mặt, hàng hoá, nguyên vật liệu...
phù hợp với chính sách tín dụng đúng đắn nhất nhằm lựa chọn các phương án kinh
doanh, huy động vốn.
- Đối với ngân hàng và các tổ chức tín dụng, các chủ nợ khác họ chú ý đến
khả năng thanh toán, khả năng trả nợ hiện tại và tương lai, hiệu quả sử dụng vốn
của doanh nghiệp để quyết định cho vay hay bán chịu...
Do những lợi ích trên nên trong quá trình kinh doanh phải xác định cơ cấu
vốn lưu động một cách hợp lý tránh thiếu hụt hay lãng phí. Mỗi doanh nghiệp phải
có kế hoạch cụ thể về sử dụng vốn lưu động trong các kỳ sản xuất kinh doanh của
mình.
II. THÔNG TIN SỬ DỤNG ĐỂ PHÂN TÍCH:
Tất cả những thông tin có khả năng làm rõ mục tiêu phân tích, từ thông tin nội
bộ doanh nghiệp đến các nguồn thông tin bên ngoài đều được sử dụng để phân
tích. Các bản báo cáo tài chính phản ánh đầy đủ các thông tin kế toán, đây là nguồn
thông tin quan trọng và cần thiết trong việc phân tích tình hình quản lý sử và dụng
vốn lưu động.
1. Bảng cân đối kế toán:
Là một báo cáo tài chính mô tả tình hình tài chính của một doanh nghiệp ở
một thời điểm nhất định. Bảng CĐKT gồm hai phần: phần tài sản và phần nguồn
vốn phản ánh tổng tài sản hiện có và nguồn hình thành nên tài sản đó của doanh
nghiệp tại thời điểm lập báo cáo. Các nhà phân tích chủ yếu dựa vào mục A -
TSLĐ & ĐTNH và phần 1-A- nguồn vốn (nợ ngắn hạn).
2. Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh:
Là một báo cáo quan trọng phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh
trong một kỳ nhất định, nó cung cấp những thông tin tổng hợp về tình hình và kết
quả sử dụng các tiềm năng về vốn, lao động kỹ thuật và trình độ sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp.
Kết hợp bảng cân đối kế toán và báo cáo này người ta có thể biết được khả
năng sinh lời của vốn lưu động là bao nhiêu từ đó lập kế hoạch vốn lưu động cho
kỳ tới.
3. Các sổ chi tiết:
Bên cạnh việc sử dụng các báo cáo tài chính cần sử dụng thêm các sổ chi tiết
để việc phân tích tình hình quản lý sử dụng vốn lưu động được cụ thể hơn.
Tuy nhiên không chỉ sử dụng các báo cáo tài chính hay sổ chi tiết mà mục tiêu
của phân tích là đưa ra những dự báo để giúp việc quyết định về vốn trong tương
lai của doanh nghiệp. Chính vì vậy cần phải quan tâm đến môi trường kinh doanh,
thông tin về các chính sách của Nhà nước và so sánh tình hình của doanh nghiệp
với trung bình ngành hay với các đối thủ cạnh tranh.
III. CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH:
Phương pháp phân tích vốn lưu động nói riêng hay tài chính nói chung bao
gồm một hệ thống các công cụ và biện pháp nhằm tiếp cận, nghiên cứu các sự
kiện, hiện tượng các mối quan hệ bên trong và bên ngoài, các luồng dịch chuyển và
biến đổi tài chính hay vốn lưu động, các chỉ tiêu tài chính tổng hợp và chi tiết,
nhằm đánh giá tình hình tài chính sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp.
Về lý thuyết có nhiều phương pháp phân tích vốn lưu động của doanh nghiệp
nhưng trên thực tế người ta sử dụng phương pháp so sánh và phân tích tỉ lệ.
1. Phương pháp so sánh:
Là phương pháp sử dụng các báo cáo tài chính để so sánh giữa số thực hiện
kỳ này với số thực hiện kỳ trước để thấy rõ xu hướng thay đổi của vốn lưu động,
đánh giá sự tăng trưởng hay thụt lùi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
so sánh giữa số thực hiện với số kế hoạch để thấy mức độ phấn đấu của doanh
nghiệp; so sánh giữa số liệu của doanh nghiệp với số liệu trung bình của ngành của
các doanh nghiệp khác nhằm đánh giá tình hình quản lý sử dụng vốn lưu động tốt
hay xấu, được hay chưa được. Có thể so sánh theo chiều dọc để xem xét tỷ trọng
của từng chỉ tiêu so với tổng thể, so sánh theo chiều ngang của nhiều kỳ để thấy
được sự biến đổi cả về số lượng tương đối và tuyệt đối của một chỉ tiêu nào đó qua
các niên độ kế toán liên tiếp.
2. Phương pháp phân tích tỷ lệ:
Số tỷ lệ biểu hiện mối quan hệ giữa lượng này với lượng khác. Bản thân các
số tỷ lệ không mang một ý nghĩa nhất định nhưng khi được so sánh với các số tỷ lệ
của giai đoạn trước hay số trung bình ngành thì nó sẽ giúp cho các nhà phân tích
đưa ra những kết luận đối với mục tiêu cần phân tích. Ta có thể sử dụng nhóm tỷ lệ
về khả năng thanh toán, cơ cấu vốn lưu động, khả năng sinh lời của vốn lưu động
để phân tích tình hình quản lý sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp.
3. Phân tích định tính:
Khi phân tích tình hình quản lý sử dụng vốn lưu động cần có sự kết hợp giữa
các chỉ số tính được với các đặc điểm mang tính đặc thù của doanh nghiệp cũng
như các yếu tố khác xung quanh để có nhận xét đúng đắn hơn. Vì phương pháp
định lượng cho phép đánh giá thực trạng quản lý sử dụng vốn lưu động của doanh
nghiệp bằng cách dựa vào các chỉ tiêu cụ thể, tuy nhiên đôi khi không chính xác do
các chỉ tiêu đó chỉ phản ánh tình hình của doanh nghiệp tại một thời điểm, đồng
thời trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng của
nhiều nhân tố như bản chất ngành nghề kinh doanh, môi trường kinh doanh...