Tải bản đầy đủ (.pdf) (2 trang)

Thiền và sức khỏe

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (155.62 KB, 2 trang )

Thiền và sức khỏe
Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận
Nói đến thiền, đa số chúng ta đều cảm thấy xa lạ và có thái độ muốn xa lánh vì chữ thiền
gợi ra một cái gì thuộc về tôn giáo, tu hành..., không trần tục như chúng ta. Bạn thử đọc
bài này để xem cái cảm giác ban đầu ấy có đúng không, và thấy được ích lợi của thiền
đến sức khỏe của bạn. Không chừng đọc xong, bạn sẽ muốn thiền ngay tức khắc.
Thiền được vô số người thực hành từ nhiều ngàn năm qua. Thoạt kỳ thủy, thiền được
dùng như một cách để con người có thể đến gần được những năng lực bí ẩn và thiêng
liêng của cuộc sống. Nhưng hiện nay, thiền là một phương cách giúp xả bỏ những áp lực
của đời sống và để thư giãn.
Ngồi thiền, chúng ta có thể đạt đến một trạng thái tịch lặng và thư giãn hoàn toàn khiến
chúng ta cảm thấy yên bình và thanh thản. Chấm dứt thời thiền, chúng ta vẫn còn cảm
nhận được sự yên bình này vì tác dụng của thiền ảnh hưởng đến cả thân và tâm của chúng
ta.
Nhiều người có thể cho rằng thiền rất khó khi họ chưa bắt đầu. Nhưng không phải thế, ai
cũng có thể tập thiền được. Hiện nay, nhiều phương pháp đã được truyền dạy khiến chỉ
cần bỏ thời giờ ra tập luyện, chúng ta đều có thể hưởng được sự lợi ích của thiền.
Thiền và bệnh tật
Người khỏe mạnh thiền để thư giãn và bớt đi căng thẳng của cuộc sống. Nhưng thiền
cũng có tác dụng tốt đối với nhiều bệnh tật của cơ thể, nhất là những bệnh do căng thẳng
gây ra. Nhiều cuộc nghiên cứu về tác dụng lên bệnh tật của thiền đã và đang được thực
hiện, trong đó những bệnh sau đây được cho là có thể giảm bớt nhờ thiền:
-Bệnh dị ứng, suyễn
-Bệnh bồn chồn lo lắng
-Bệnh thấp khớp
-Bệnh ung thư
-Bệnh trầm cảm
-Đau nhức kinh niên
-Bệnh cao huyết áp
-Bệnh tim
Nhưng nên nhớ: Thiền không thể được dùng thay thế những chữa trị y khoa mà chỉ là


phần thêm vào những chữa trị đang được dùng.
Khi ngồi thiền chúng ta dẹp bớt những góp nhặt thông tin tích lũy mỗi ngày trong óc
chúng ta. Một khi đầu óc đã trống bớt những ý tưởng tạp nhạp, bạn sẽ dễ có cái nhìn bớt
chật hẹp và tìm ra được cách giải quyết vấn đề cũng như bớt căng thẳng. Bạn trở nên
“tỉnh thức”, “tự tri” hơn và chú ý vào hiện tại hơn là lo lắng về những chuyện phải làm
mỗi ngày.
Có rất nhiều phương pháp thiền: thiền siêu nghiệm (transcendental), thiền Zen, thiền
chuyển động, thiền minh sát... nhưng mục đích chỉ là một: tìm được sự bình yên trong
tâm hồn. Không một phương thức nào là đúng hay sai cả. Bạn có thể theo học một lớp
thiền cùng với những môn như yoga, taichi, khí công, thiền theo hướng dẫn... nhưng điều
quan trọng là chính bạn phải thực tập. Chúng ta có thể thực tập thiền bất cứ lúc nào trong
ngày và cũng có thể định ra một số giờ nào đó để thực tập thiền, thí dụ 1 giờ buổi sáng
khi thức dậy và 1 giờ buổi tối...
Làm sao để tập thiền?
Sau đây là một vài cách để bắt đầu tập thiền. Bạn có thể tập vài phút mỗi ngày hay tập lâu
hơn, ở nhà, ở sở, bất cứ đâu.
Thở sâu:
Người mới bắt đầu nên theo cách này vì thở là một chuyện tự nhiên nhất của con người.
Chú ý vào hơi thở. Hít vào biết là mình đang hít vào, thở ra biết là mình đang thở ra. Thở
sâu, nhẹ nhàng và chậm. Khi nhận thấy mình đang lo ra, chỉ cần chú ý trở lại vào hơi thở.
Rà soát thân thể:
Trong lúc rà soát bằng tâm tưởng, chú ý đến từng phần của cơ thể. Nhận biết những cảm
giác của từng cơ phận như đau, căng cứng, thư giãn, nóng, lạnh. Tưởng tượng đang thở
sức nóng hay sự thư giãn vào những bộ phận khác nhau của cơ thể.
Tụng kinh hay niệm chú:
Chú là tên của những vị thánh hoặc bồ tát hay những câu thần bí mà bạn có thể đọc thầm
hay ra tiếng. Bạn cũng có thể tự đặt ra một câu chú của chính mình. Chú là căn bản của
phương pháp thiền transcendental. Những thí dụ về chú: cầu nguyện Chúa, đọc tên Chúa
trong truyền thống đạo Juda, tụng chữ Om trong truyền thống đạo Hindu hay đạo Phật.
Thiền hành:

Thiền hành là một cách thư giãn hữu hiệu. Chúng ta có thể thiền hành bất cứ nơi nào:
trong rừng vắng, trên đường phố, ngay cả trong khu thương xá tấp nập. Khi thiền hành,
bạn nên đi chậm và chú ý vào cử động của chân mình mà không cần chú ý lắm là sẽ đi
đến một nơi nào đó.
Cầu nguyện:
Cầu nguyện là hình thức thiền thông dụng và xưa nhất. Đạo nào cũng có sẵn những lời
cầu nguyện được viết ra hay đọc lên. Bạn cũng có thể tự viết những lời cầu nguyện cho
chính mình.
Đọc sách hay nghe băng, nghe nhạc và suy nghiệm:
Nhiều người tìm được sự yên bình bằng cách đọc sách đạo thầm hay ra tiếng rồi suy
nghiệm về những gì vừa đọc. Bạn cũng có thể nghe nhạc đạo, những lời đọc hay âm nhạc
làm cho bạn nhẹ nhàng thư giãn hay hứng khởi. Bạn cũng có thể viết lại những suy
nghiệm của mình và chia sẻ với bạn bè hay người hướng dẫn tâm linh của mình.
Chú ý vào tình thương và sự biết ơn:
Trong phương pháp này, bạn chú ý vào một đấng hay một vật thiêng liêng nào đó, mang
tình thương và sự biết ơn vào tâm của mình. Bạn có thể nhắm mắt và tưởng tượng hay
nhìn chăm chú vào biểu tượng của đấng thiêng liêng đó.
Khi mới bắt đầu tập thiền, bạn không cần phải quá cố gắng. Nếu óc bạn đi lạc, bạn chỉ
cần chú ý trở lại khi nhận biết ra. Cứ thử nghiệm và sau cùng bạn sẽ tìm ra một lối thiền
thích hợp, đem nó vào thời khóa biểu hằng ngày của mình. Nên nhớ rằng không có lối
thiền nào đúng hay sai. Điều quan trọng là thiền sẽ giúp bạn được giảm thiểu căng thẳng
khiến bạn cảm thấy vui khỏe và yên bình hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận

Copyright, 2008. Muốn phổ biến bài viết này, cần xin phép tác giả và xin ghi rõ nguồn Y
Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×