Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Quản trị công ty - yêu cầu của doanh nghiệp hiện đại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (380.5 KB, 4 trang )

Quản trị công ty - yêu cầu của doanh nghiệp hiện đại

SAGA.vn | Trong gần 30 năm lại đây, Quản trị công ty (Corporate Governance) là một trong những chủ đề
được giới nghiên cứu rất quan tâm. Một chuỗi các sự kiện diễn ra trong những năm qua đã khiến giới
nghiên cứu hàn lâm, các công ty tư vấn, cũng như hệ thống tài chính ngân hàng đã dồn nhiều nỗ lực vào
tìm hiểu các khía cạnh của chủ đề này. Các nghiên cứu cho thấy, quản trị công ty yếu kém là một trong
những nguyên do của những câu chuyện kinh doanh bê bối ở Hoa Kỳ và khủng hoảng kinh tế ở Châu Á,
đặc biệt là những trục trặc trong quá trình cổ phần hoá và phát triển kinh tế tại các nước có nền kinh tế
chuyển đổi.
Báo chí ở Việt Nam gần đây đăng nhiều vấn đề của thị trường chứng khoán với những tiêu đề lớn như giao
dịch nội gián, công ty niêm yết chưa hiểu rõ về công bố thông tin, phương án phát hành cổ phần của Vipco,
130 tỷ đồng cổ phiếu ưu đãi Savico, v.v. Những thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư suy nghĩ và đã gây ra
tranh cãi, đó chính là các chủ đề của quản trị công ty (QTCT). Các tổ chức tài chính và ngân hàng thế giới
đã lường trước vấn đề này và đã cảnh váo chúng ta từ những năm TTCK bắt đầu hoạt động.
Khái niệm và nguồn gốc
Trước hết, cần phân biệt rõ khái niệm quản trị công ty (Corporate Governance) và Quản trị kinh doanh
(Business Management). Quản trị kinh doanh là công tác điều hành quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh
của doanh nghiệp do Ban giám đốc thực hiện. Còn quản trị công ty là quá trình quản lý của cổ đông tới hoạt
động của toàn công ty nhằm đảm bảo quyền lợi của của mình và xã hội. Rộng hơn, QTCT phát triển đến
quyền lợi của những người liên quan (stakeholders) không chỉ là cổ đông mà còn là nhân viên, khách hàng,
nhà cung cấp, môi trường và các cơ quan nhà nước. Vì thế, theo quy chế QTCT của bộ Tài chính mới ban
hành vào tháng 3 năm 2007, QTCT được định nghĩa là "hệ thống các quy tắc để đảm bảo cho công ty được
định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả vì quyền lợi của cổ đông và những người
liên quan đến công ty".
Chủ đề QTCT ra đời từ vấn đề tách biệt giữa quản lý và sở hữu doanh nghiệp. Cho dù là doanh nghiệp
niêm yết hay công ty cổ phần bình thường, thì QTCT cũng hướng đến bảo vệ quyền lợi cổ đông và những
người liên quan. Đối với các công ty đại chúng, số cổ đông nhỏ cũng khá nhiều, tiếng nói của họ dường
như rất hạn chế vì vậy, cần có những cơ chế minh bạch để bảo vệ quyền lợi của nhóm này. Xa hơn, QTCT
định hướng doanh nghiệp tạo ra giá trị cho cổ đông và cho toàn xã hội.
Ngân hàng thế giới, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các ngân hàng khu vực đã tiến hành
nhiều chương trình nghiên cứu về QTCT trong nhiều năm qua. Từ năm 1999, OECD đã đưa ra các nguyên


tắc QTCT và dùng để làm chuẩn đánh giá mức độ tuân thủ các tiêu chí này của các quốc gia trong tổ chức.
Ngân Hàng thế giới đã dùng những nguyên tắc này để thực hiện các đánh giá tình hình tuân thủ nguyên tắc
của các nước để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Năm 2006 Ngân Hàng Thế Giới đã có báo cáo về tình
hình thực hiện tuân thủ các nguyên tắc QTCT tại Việt Nam. Báo cáo cũng cho thấy, tình hình QTCT ở Việt
Nam chỉ tuân thủ một phần hoặc chưa tuân thủ các tiêu chí của OECD.
Về mặt lịch sử, từ thế kỷ 18, Adam Smith đã viết trong cuốn sách "Sự thịnh vượng của các quốc gia" rằng:
"các quản trị gia, với vai trò là người quản lý tiền của người khác, không thể kỳ vọng rằng họ sẽ quan tâm
đến số tiền này như người chủ thực sự của nó". Điều đó có nghĩa là vấn đề của QTCT đã bắt đầu từ khá
lâu, nhưng những biến cố kinh tế xảy ra hiện nay khiến chủ đề này cảng trở nên quan trọng.
Giới nghiên cứu cho rằng QTCT là giải quyết "vấn đề phát sinh từ việc tách quyền sở hữu và quản lý doanh
nghiệp". Dựa trên quan điểm này, nghiên cứu về QTCT tập trung vào: cấu trúc nội bộ và các quy tắc của hội
đồng quản trị, tạo ra các ban giám sát và kiểm toán độc lập, quy định về phổ biến thông tin cho cổ đông và
các tổ chức tín dụng liên quan, lương bổng cho ban quản trị, và kiểm soát doanh nghiệp. QTCT liên quan
đến cách các nhà cung cấp tài chính đảm bảo họ có thể nhận được lợi tức từ việc đầu tư của mình. Làm
thế nào các nhà tài trợ có thể yêu cầu các nhà quản lý mang lại lợi nhuận cho họ? Làm thế nào để biết chắc
rằng nhà quản lý không lấy tiền của họ đầu tư vào các dự án xấu? Làm thế nào để nhà tài trợ kiểm soát
người quản lý?
Hơn thế nữa, các mô hình công ty hiện đại với các cấu trúc sở hữu ngày càng đa dạng nảy sinh thêm vấn
đề quan hệ giữa hội đồng quản trị và các cổ đông nhỏ, đặc biệt là các hành vi của các cổ đông là tổ chức
hay nhà nước.
Các vấn đề liên quan đến QTCT
Tại các nước, các vấn đề liên quan đến QTCT cũng khởi nguồn từ quá trình cổ phần hoá (tư nhân hoá).
Việc tạo ra một cấu trúc quản trị tốt sẽ là cơ sở để quá trình cổ phần hoá thành công do dù là quan điểm
của Nhà nước hay là cá nhân nhà đầu tư tiềm năng. Kinh nghiệm quá trình cổ phần hoá cho thấy những
quy định không rõ ràng và thiếu minh bạch đã dẫn đến những hành vi kinh doanh thiếu nghiêm túc trong
thời gian vừa qua. Không những thế, ngay cả tại các công ty toàn cầu hiện nay, chủ đề QTCT được đặt ra
như là cơ chế đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Khủng hoảng kinh tế Châu Á vào cuối thế kỷ 20 đã đẩy quá trình nghiên cứu về QTCT đi xa hơn. Một trong
những bài học từ khủng hoảng là QTCT yếu kém và không hiệu quả có thể tạo ra những khoản nợ khổng lồ
cho từng doanh nghiệp nói chung và cho cả xã hội nói riêng. Các nhà kinh tế Thái Lan cho rằng, những sai

lầm trong QTCT cũng nguy hiểm giống như những cú sốc kinh tế vĩ mô khác. Họ cũng kết luận rằng khủng
hoảng kinh tế Châu Á vừa qua chỉ có thể được giải quyết một cách triệt để và bền vững nếu chính phủ và
khối doanh nghiệp cùng bắt tay hợp tác. Cho dù một nền kinh tế mạnh nhưng thiếu các cơ chế kiểm soát
minh bạch, quyền lợi của cổ đông cũng như trách nhiệm của các thành viên quản trị không rõ ràng thì có
thể dễ dàng sụp đổ nhanh chóng nếu lòng tin của nhà đầu tư mất đi. Có một số quan điểm cho rằng phải
đưa thêm các chủ đề QTCT trong hệ thống đảm bảo chất lượng ISO. Một số chương trình MBA đã bắt đầu
đưa môn học về QTCT vào trong chương trình đào tạo.
Trước kia, việc huy động vốn là một công việc đau đầu của doanh nghiệp, huy động vốn vay đã khó, vốn cổ
phần còn khó hơn. Nhưng những tháng gần đây, trào lưu tăng vốn và bán đấu giá cổ phần đã được các
nhà đầu tư hưởng ứng nhiệt tình. Giá cổ phần không còn là mệnh giá phát hành mà cao gấp nhiều lần. Câu
hỏi đặt ra là liệu các nhà đầu tư có thực sự đánh giá được hiệu quả của việc tăng vốn này, hay chỉ đơn
thuần kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ lên cao giống như các doanh nghiệp niêm yết để rồi bán lại kiếm lời? Về mặt
lý thuyết tài chính, giá sử dụng vốn cổ phần cao hơn so với giá sử dụng vốn vay, việc mở rộng phần vốn cổ
phần chưa phải là giải pháp tài chính tối ưu, giá sử dụng vốn tăng, việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Hậu
quả có thể thấy được ở các doanh nghiệp này là họ phải đối diện với tương lai ngặt nghèo hơn khi họ mang
trên vai nguồn vốn lớn, giá sử dụng vốn cao hơn và cạnh tranh gay gắt hơn.
Tại châu Á, các nghiên cứu cho thấy có nhiều điều chưa rõ ràng về công khai minh bạch liên quan đến
quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp, giữa chủ nợ và chủ doanh nghiệp, và các chế tài luật pháp liên
quan đến phá sản doanh nghiệp và chủ nghĩa thân hữu (cronyism). Gần đây, các vấn đề định giá tài sản
doanh nghiệp cổ phần hoá, giao dịch nội gián, và những gian lận tại thị trường chứng khoán vừa qua thể
hiện những khiếm khuyết trong cơ chế kiểm soát. Trong điều kiện thông tin bất cân xứng, nhóm người nội
bộ dễ dàng có được những lợi thế cho mình nhưng người trả giá lại là các cổ đông nhỏ và xã hội. Các vấn
đề này có một điểm chung đó là nó liên quan đến những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế và mối tương
quan giữa những nguyên tắc này và cách các doanh nghiệp tổ chức quản lý.
Vì vậy, các nghiên cứu về QTCT thường đề cập đến những chủ đề:
 Công khai và minh bạch thông tin;
 Mâu thuẫn quyền lợi giữa người quản lý doanh nghiệp, hội đồng quản trị và cổ đông khác;
 Vai trò của quản trị viên độc lập, các tổ chức kiểm toán độc lập.
 Chính sách đãi ngộ với các nhà quản lý.
 Thủ tục phá sản doanh nghiệp;

 Quyền tư hữu;
 Việc thực thi các điều khoản luật và hợp đồng
QTCT ở Việt Nam
Chúng ta đã có những động thái mới về vấn đề này, mới đây Bộ tài chính đã ra quyết định số 12/2007/QĐ-
BTC ngày 13/3/2007 về việc ban hành Quy chế QTCT áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch
Chứng khoán/Trung tâm Giao dịch Chứng khoán. Gần đây nhất là Thông tư 38/2007/TT-BTC ngày
18/4/2007 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy các vấn đề
đã phát sinh và khẳng định sự thừa nhận và cam kết giải quyết các vướng mắc của QTCT của Chính phủ.
Hiện nay, Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán (và hướng dẫn thi hành) là hai cơ sở pháp lý cơ bản
nhất trong vấn đề QTCT. Ở khía cạnh doanh nghiệp, Điều Lệ là cơ sở của việc xử lý các vấn đề liên quan.
Về hình thức, chúng ta đã có những khuôn khổ cho vấn đề này, tuy nhiên về mặt nội dung và thực thi chưa
được rõ ràng. Chính vì thế, trong bản báo cáo đánh giá của Ngân hàng thế giới các nguyên tắc QTCT của
chúng ta đều chưa được tuân thủ tiêu chuẩn của OECD.
Trong nghiên cứu mới đây của WB về QTCT ở Việt nam. Một câu hỏi lớn đó là cơ chế thực thi luật pháp.
Vấn đề này có nhiều thách thức không chỉ cho cơ chế thị trường mà còn là các thể chế xã hội dân chủ. Đối
với các quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp, giải quyết các vấn đề liên quan đến quản trị công ty không chỉ
liên quan đến người chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp mà nó đặt ra nhiều vấn đề khác. Hệ thống
QTCT phụ thuộc vào hệ thống các định chế (luật, quy định, hợp đồng và các chuẩn mực khác) qua đó làm
nền tảng cho các doanh nghiệp phát triển trong thị trường cạnh tranh. Những định chế này đảm bảo rằng
các quy định về quản trị công ty nội bộ của doanh nghiệp phải được tuân thủ. Vì thế khối tư nhân và nhà
nước phải hợp tác để xây dựng những quy tắc ràng buộc lẫn nhau và đồng thời định hướng cách công ty
quản lý chính mình.
Vì vậy cần phải có những thay đổi cơ bản về mối quan hệ giữa công dân và nhà nước để có thể xây dựng
kinh tế thị trường. Để xây dựng nền kinh tế thị trường đòi hỏi hệ thống chuẩn mực cho phép đổi mới và
sáng kiến hơn là định trước những việc mà người ta có thể làm. Cũng vì thế mà QTCT được xem là cơ chế
cho các tổ chức tự điều tiết. Tuy nhiên một điều cần nhấn mạnh rằng kinh tế thị trường không có nghĩa là
thiếu vắng sự can thiệp của chính phủ.
Khởi đầu của một hành trình dài
QTCT sau cùng phụ thuộc vào sự hợp tác giữa khối tư nhân và nhà nước trong việc đạt mục tiêu xây dựng
một hệ thống thị trường cạnh tranh và phát triển xã hội dân chủ dựa trên luật pháp. QTCT tập trung vào việc

hoàn thiện các giá trị cốt lõi của tổ chức doanh nghiệp đó là tính minh bạch, niềm tin và tạo ra giá trị cho
doanh nghiệp. Câu nói "chính phủ hãy tránh ra, để cho thị trường tự vận hành" chỉ là truyền thuyết. Chính
phủ thực sự quan trọng trong việc thiết lập các khuôn khổ cho nền kinh tế thị trường. Nếu không có luật lệ
và cấu trúc ràng buộc tự nhiên, xáo trộn sẽ xảy ra. Nếu không có những ràng buộc này, các doanh nghiệp
trở thành các nhà tư bản trên sòng bài và đầu tư của họ chỉ là những đánh cuộc cho rủi may, hy vọng rằng
người kia sẽ giữ lời hứa, hi vọng rằng doanh nghiệp sẽ nói thật, hi vọng rằng nhân viên sẽ được trả lương
đầy đủ, hy vọng rằng chủ nợ sẽ được hoàn trả đều là những ước mơ. Vì thế QTCT hướng đến thiết lập các
cấu trúc qua đó cho phép mọi người có thêm tự do trong khuôn khổ của luật pháp. Các thể chế này là cơ
sở để thiết lập một thành tố quan trong nhất trong kinh doanh đó là chữ tín.
Một trong những hướng dẫn khá chi tiết là bộ các nguyên tắc QTCT của OECD kèm theo các hướng dẫn
thực hiện. Các quốc gia và ngay cả doanh nghiệp có thể dựa trên những nguyên tắc và hướng dẫn này để
cải tạo hệ thống QTCT. Các nguyên tắc (phiên bản 2004 có thể download từ trang web của Worldbank) này
bao gồm:
 Đảm bảo khuôn khổ pháp lý về QTCT
 Quyền lợi của cổ đông;
 Đối xử các cổ đông công bằng;
 Vai trò của những người liên quan trong QTCT;
 Công khai và minh bạch thông tin;
 Trách nhiệm của hội đồng quản trị.
Các nguyên tắc và hướng dẫn này nêu chi tiết về chức năng của hội đồng quản trị trong việc bảo vệ doanh
nghiệp, cổ đông và những người liên quan, trong đó có các vấn đề như chiến lược cấp công ty, lương bổng
và đãi ngộ cho cán bộ quản lý cũng như thệ thống kế toán và báo cáo. Việc thực hiện theo các nguyên tắc
này nhằm hướng đến cơ chế tự điều khiển cho doanh nghiệp theo hướng thị trường và cũng không làm
tăng chi phí quá lớn cho doanh nghiệp.
Ở Thái Lan, từ sau khủng hoảng kinh tế, Hiệp hội các Nhà quản trị đã thực hiện việc "Đánh
giá thành tích QTCT của các công ty niêm yết" qua đó công bố thông tin và thưởng cho các
công ty có thành tích tốt. Những công ty không đảm bảo các yêu cầu về QTCT có thể bị loại
khỏi sàn chứng khoán. Các nghiên cứu này cũng khẳng định rõ sự tương quan giữa QTCT tốt
và thành quả doanh nghiệp, giá cổ phiếu trên thị trường cũng như niềm tin của nhà đầu tư.
Mặt khác những mô hình QTCT tốt sẽ là kiểu mẫu để cho các doanh nghiệp khác có thể học

tập và triển khai.
Lúc này, xây dựng hệ thống QTCT tốt là một trong những nhu cầu quan trọng của cả khối nhà
nước cũng như tư nhân. Có thể các doanh nghiệp nghĩ rằng điều này là thuộc thẩm quyền
của Nhà nước, doanh nghiệp chỉ có thể làm theo. Một số khác có quan điểm cho rằng cải tổ
QTCT là công việc làm sau khi chúng ta đã hoàn tất công tác cổ phần hoá và các cải tổ khác. Một số khác
ngại ngùng vì khi thực hiện công việc này, thông tin của doanh nghiệp không còn bí mật với suy nghĩ rằng
tính minh bạch càng gia tăng thì việc kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các
nước có nền kinh tế chuyển đổi cho thấy rằng hệ thống QTCT tốt sẽ thu hút được nhiều hơn thương mại và
đầu tư quốc tế, đồng thời tạo ra cơ chế để hạn chế tham nhũng. Các nhà kinh tế cũng khuyến cáo cũng nên
tránh sao chép toàn bộ hệ thống của các quốc gia khác hoặc mời chuyên gia nước ngoài viết các văn bản
luật mẫu. Mặc dù các nhà tài trợ vẫn không ngừng tạo áp lực để hoàn tất các công việc này theo cách của
họ, việc làm này cần phải xem xét cẩn trọng. Các nước Đông Âu đã thành lập các trung tâm nghiên cứu để
tiến hành các nghiên cứu chính sách áp dụng cho quốc gia của mình. Các trung tâm này được các lãnh đạo
doanh nghiệp tham gia tài trợ và ủng hộ. Quá trình này không chỉ dẫn đến những cải tổ về chính sách liên
quan đến QTCT mà còn có thể chỉ ra các vấn đề cải tổ khác.
Khi Việt Nam gia nhập WTO và từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới, nhu cầu về QTCT sẽ là vấn đề
bức bách. Chính các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức xã
hội khác sẽ hợp tác cùng chính phủ để tìm ra các hệ thống QTCT phù hợp cho quốc gia. Các tổ chức
nghiên cứu và hiệp hội sẽ là những trung tâm hội tụ tri thức tiến hành các nghiên cứu nghiêm túc nhằm thúc
đẩy sự phát triển kinh tế và hoàn thiện các cơ chế luật của đất nước, tạo niềm tin và đem laị giá trị cho
doanh nghiệp và toàn xã hội./.
Trần Duy Thanh | www.saga.vn

×