LÝ LUẬN CHUNG VỀ BẢO HIỂM CHÁY NỔ.
1.1 Cháy và sự cần thiết của bảo hiểm cháy.
Trong cuộc sống lao động và sản xuất hàng ngày, con người phải đối mặt
với hàng loạt các rủi ro. Có những rủi ro chỉ gây ra những thiệt hại nhỏ hoặc
những tổn thất không đáng kể nhưng cũng có những rủi ro để lại hậu quả vô
cùng nghiêm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần. Cháy là một trong số những rủi
ro mà con người thực sự e ngại vì khi xảy ra cháy, thường thì tổn thất là không
nhỏ, đặc biệt là tổn thất về vật chất.
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về cháy. Tuy nhiên, theo Quyết định
28/2007/QĐ-BTC mới ban hành gần đây thì cháy được hiểu là phản ứng hóa
học có tỏa nhiệt và phát sáng do nổ hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác.
Hàng năm, trên thế giới xảy ra hàng triệu vụ cháy lớn nhỏ khác nhau, để lại
hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê năm 2006 của Hiệp hội
Quốc tế về hỏa hoạn tại Geneve (Thụy Sỹ), hàng năm tổn thất trực tiếp do cháy,
nổ ở các nước phát triển trên thế giới chiếm khoảng 0,1-0,3 % GDP. Tổn thất
trực tiếp do cháy, nổ gây ra vốn đã lớn, nhưng sẽ còn lớn hơn khi tính cả tổn
thất gián tiếp như: Một xưởng sản xuất bị cháy sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất,
người lao động không có việc làm, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức
khỏe, ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu dân cư nơi cháy, nổ xảy ra…
Ví dụ ở Mỹ năm 2004, thiệt hại trực tiếp do cháy, nổ chỉ là 13 tỷ USD
nhưng nếu tính cả thiệt hại gián tiếp khác thì tổng thiệt hại do cháy, nổ là 200 tỷ
USD, tương đương với 2%GDP.
Ở Việt Nam, các vụ cháy xảy ra nhiều và gây thiệt hại lớn. Theo số liệu
thống kê cho thấy, từ năm 2002-2006 xảy ra 11.795 vụ cháy, thiệt hại ước tính
1.710 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số thiệt hại thống kê được và trên thực
tế, nếu tính toán đầy đủ thì số thiệt hại có thể còn lớn hơn rất nhiều.
Cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ đâu với bất kỳ ai. Thiệt hại do
cháy gây ra thường rất lớn. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường, khi các doanh
nghiệp tự chủ về tài chính. Nếu xảy ra cháy lớn sẽ khiến họ gặp rất nhiều khó
khăn trong việc khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và đảm bảo tài chính,
thậm chí có thể bị phá sản.
Nền kinh tế càng phát triển thì nguy cơ xảy ra cháy nổ càng cao. Khoa học
công nghệ giúp cho việc sản xuất kinh doanh được nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Nhưng đi cùng với nó là những rủi ro từ mặt trái của khoa học công nghệ gây
ra, trong đó có cháy nổ. Chất thải, khí thải từ các nhà máy đang làm ô nhiễm
dần bầu khí quyển, là nguyên nhân chính làm cho trái đất nóng dần lên, các tảng
băng tan chảy, khí hậu biến động thất thường. Nắng nóng khiến cho nguy cơ
cháy xảy ra cao hơn. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển, giá trị tài sản
phục vụ cho sản xuất càng lớn. Bởi vậy, khi có cháy nổ xảy ra thiệt hại càng
nặng nề hơn.
Cháy nổ tưởng như chỉ là một rủi ro có thể xảy đến với một cá nhân, doanh
nghiệp, tổ chức nào không may mắn nhưng đôi khi, hậu quả do cháy nổ gây ra
như một thảm họa. Nó có thể thiêu trụi bất cứ cái gì, có thể lan ra trên một địa
bàn lớn…Mà nếu không được ngăn chặn kịp thời, cháy còn tiếp tục lan rộng.
Từ xưa đến nay, con người đã sử dụng nhiều biện pháp để phòng chống
cháy nổ. Nhưng bảo hiểm vẫn được xem là biện pháp cần thiết trong việc khắc
phục hậu quả do cháy nổ gây ra.
Sự ra đời nghiệp vụ Bảo hiểm cháy được đánh dấu bằng vụ cháy thảm
khốc ở Luân Đôn (Anh) ngày 02/09/1666, hủy diệt 13.000 căn nhà. Trong đó có
hơn 100 nhà Thờ trong 4 ngày để lại một sự thiệt hại quá lớn không thể cứu trợ
được. Sau sự kiện thảm khốc đó, những nhà kinh doanh ở nước Anh đã nghĩ ra
việc cộng đồng chia sẻ rủi ro cháy bằng cách đứng ra thành lập những công ty
bảo hiểm cháy như: Fire Office (năm 1667), Friendly Society (năm 1684),
Hand anh Hand (năm 1696), Lom Bard House (năm 1704)… Lúc đó công ty
bảo hiểm Lloyds đã ra đời nhưng chỉ hoạt động trong lĩnh vực Hàng Hải.
Từ đó, thị trường bảo hiểm cháy bắt đầu phát triển, nhiều công ty bảo
hiểm cháy lần lượt ra đời ở nhiều nước khác nhau trên Thế giới. Ở Mỹ, vào năm
1752, Công ty bảo hiểm cháy đầu tiên ra đời với hình thức công ty bảo hiểm
tương hỗ có tên là The Philadenphia Contribution Ship. Nước Pháp do ảnh
hưởng của vụ cháy ở Luân Đôn nên năm 1786 công ty bảo hiểm cháy đầu tiên
được thành lập mang tên là Company L’assurance Centree L’incendie, tiếp đến
là công ty Company Royade (năm 1788).
Dần dần ở một số nước do nhận thấy được sự cần thiết của bảo hiểm cháy
mà đã cho triển khai nghiệp vụ bảo hiểm này dưới dạng bắt buộc.
Đến nay, thị trường bảo hiểm cháy vẫn tiếp tục phát triển và ngày càng
được xem trọng hơn.
Ở Việt Nam, năm 1964 mới bắt đầu xuất hiện công ty bảo hiểm đầu tiên là
Bảo Việt Việt Nam. Bảo Việt đã độc quyền trong lĩnh vực bảo hiểm suốt một
thời gian dài. Tuy nhiên, trong thời gian này do cơ chế bao cấp nên hầu hết các
rủi ro ảnh hưởng đến tài chính của các doanh nghiệp đều được Nhà Nước đứng
ra bù đắp. Chính vì vậy, bảo hiểm nói chung và bảo hiểm cháy nổ nói riêng
không có điều kiện phát triển.
Từ năm 1986, khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, với cơ chế tự
hoạch toán kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về tình hình tài chính của doanh
nghiệp thì lúc này thị trường bảo hiểm mới bắt đầu thu hút sự quan tâm của các
cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Cùng với sự ra đời của Quyết định 06/TCQĐ
ngày 17/01/1989 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính về Quy tắc và biểu phí bảo hiểm
hỏa hoạn thì nghiệp vụ này mới bắt đầu được Bảo Việt triển khai. Đến ngày
02/05/1991 Quyết định này được thay thế bắng Quyết định 142/TCQĐ của Bộ
trưởng Bộ Tài Chính về việc ban hành Quy tắc và biểu phí bảo hiểm hỏa hoạn
và các rủi ro đặc biệt. Kể từ sau khi Nghị định số 100/1993/NĐ-CP được ban
hành thì bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt bắt đầu được triển khai rộng
khắp và ngày càng phát triển trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Bởi vì đây là
văn bản pháp lý đầu tiên quy định có nhiều loại hình doanh nghiệp thực hiện
hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Nhà nước, cổ phần, tương hỗ, liên doanh,
100% vốn nước ngoài). Cùng góp mặt với Bảo Việt trên thị trường lúc này là sự
ra đời của Bảo Minh (1994); PJICO, Bảo Long (1995); VIA, PVI (1996);
UIC(1997)v.v..
Đến năm 2006, bảo hiểm cháy nổ được Nhà Nước đưa vào thực hiện bắt
buộc sau Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 quy định về chế độ
bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Sự hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là một tín
hiệu tốt thúc đẩy thị trường bảo hiểm cháy nổ tiếp tục phát triển.
1.2 Nội dung cơ bản của bảo hiểm cháy.
1.2.1 Đối tượng bảo hiểm.
Đối tượng bảo hiểm là tài sản thuộc quyền sở hữu và quản lý hợp pháp của
các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức và các nhân thuộc mọi thành phần
kinh tế. Đối tượng này rất đa dạng về chủng loại, giá trị và mức độ rủi ro khác
nhau. Tuy nhiên, để dễ liệt kê, nó được chia làm năm nhóm chính:
- Công trình xây dựng, vật kiến trúc đã đưa vào sử dụng (trừ đất đai).
- Máy móc, thiết bị, phương tiện lao động phục vụ sản xuất kinh doanh.
- Sản xuất vật tư, hàng hóa dự trữ trong kho.
- Nguyên vật liệu, sản phẩm làm dở thành phẩm, thành phẩm trên dây
chuyền sản xuất.
- Các loại tài sản khác (kho, bãi, chợ, cửa hàng, khách sạn).
Những tài sản này chỉ thực sự được bảo hiểm khi giá trị của chúng tính
được thành tiền và được ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm.
1.2.2 Phạm vi bảo hiểm
Phạm vi bảo hiểm là giới hạn các rủi ro được bảo hiểm và giới hạn trách
nhiệm của công ty bảo hiểm.
Trách nhiệm của công ty bảo hiểm bao gồm:
• Những thiệt hại do những rủi ro được bảo hiểm gây ra cho tài sản
được bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm (hoặc danh mục
kèm theo giấy chứng nhận bảo hiểm) nếu người được bảo hiểm đã
nộp phí bảo hiểm và những thiệt hại đó xảy ra trước 4 giờ chiều ngày
cuối cùng của thời hạn bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo
hiểm.
• Những chi phí cần thiết và hợp lý nhằm hạn chế tổn thất tài sản được
bảo hiểm trong và sau khi cháy.
• Chi phí thu dọn hiện trường sau khi cháy nếu những chi phí này được
ghi rõ trong giấy chứng nhận bảo hiểm.
Các rủi ro được bảo hiểm bao gồm:
a. Rủi ro chính, gồm : Cháy, sét, nổ (rủi ro A).
- Cháy : Cháy phải thực sự phát lửa, lửa đó không phải là lửa chuyên dùng
và lửa đó phải là ngẫu nhiên, bất ngờ phát ra. Cháy có thể do nổ
hay do nguyên nhân khác.
- Sét : Các thiệt hại do sét trực tiếp phá hủy hoặc do sét đánh gây cháy thì
sẽ được bồi thường.
- Nổ :
Bao gồm: + Nổ nồi hơi phục vụ sinh hoạt.
+ Hơi đốt phục vụ sinh hoạt, thắp sáng hoặc sưởi ấm trong một
ngôi nhà chứ không phải phục vụ cho sản xuất trong các xưởng
làm các công việc sử dụng hơi đốt.
Với điều kiện là những rủi ro nổ trên không phải do các nguyên nhân bị
loại trừ. Các trường hợp nổ khác, tuy có gây ra tổn thất hoặc thiệt hại nhưng
không gây cháy thì không được bồi thường. Ngoài ra, trường hợp nổ xuất phát
từ cháy thì thiệt hại do nổ gây ra không được bồi thường, chỉ những thiệt hại
ban đầu do cháy gây ra mới được bồi thường.
b. Các rủi ro phụ.
Ngoài những rủi ro chính đã kể ở trên, trong các đơn bảo hiểm cháy còn mở
rộng thêm các rủi ro phụ. Nhà bảo hiểm chỉ chấp nhận bảo hiểm cho các rủi ro
phụ khi người tham gia đã tham gia các rủi ro chính. Người tham gia bảo hiểm
có thể lựa chọn các rủi ro phụ mà họ thấy cần thiết. Họ phải trả thêm phí cho
các rủi ro phụ này.
Các rủi ro phụ gồm có:
+ Máy bay, các phương tiện hàng không khác hoặc các thiết bị trên các
phương tiện đó rơi vào gây ra cháy.
+ Nổi loạn, đình công, bế xưởng, bạo động dân sự hoặc hành động của
những người tham gia các cuộc gây rối hay những người có ác ý không mang
tính chất chính trị.
+ Động đất.
+ Lửa ngầm dưới đất.
+ Cháy mà nguyên nhân là do bản thân tài sản tự lên men, tỏa nhiệt hay bốc
cháy.
+ Giông tố, bão táp và lũ lụt.
+ Vỡ, tràn nước từ các bể chứa, thiết bị chứa nước hay đường ống dẫn.
+ Xe cộ, súc vật không thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người
được bảo hiểm hay của người làm thuê cho họ đâm vào.
+ Nước chảy hoặc rò rỉ ra từ thiết bị vòi phun sprinkler tự động lắp sẵn
trong nhà.
c. Rủi ro loại trừ.
Doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ bồi thường nếu thiệt hại do một
trong những nguyên nhân sau gây ra:
- Tổn thất do hành động cố ý hay đồng lõa của người được bảo hiểm gây ra
nhằm mục đích đòi bồi thường thiệt hại theo Hợp đồng bảo hiểm.
- Những tổn thất có liên quan đến hàng hóa nhận ủy thác hoặc kí gửi, trừ
khi những hàng hóa đó được xác nhận trong Giấy chứng nhận bảo hiểm là được
bảo hiểm và người được bảo hiểm trả thêm phí bảo hiểm theo quy định.
- Tiền, chứng khoán, kim loại quý, đá quý, thư bảo lãnh, bản thảo, sổ sách
kinh doanh, tài liệu lưu trữ trong máy tính điện tử, bản mẫu, văn bằng, khuôn
mẫu, bản vẽ, tài liệu thiết kế trừ khi những hạng mục này được xác nhận trong
giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Chất nổ nhưng không bao gồm: nhiên liệu, xăng dầu.
- Người, thực vật và động vật sống.
- Những tài sản mà vào thời điểm xảy ra tổn thất, được bảo hiểm theo đơn
Bảo hiểm hàng hải hay thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo đơn bảo hiểm hàng
hải, trừ phần thiệt hại vượt quá trách nhiệm bồi thường theo đơn bảo hiểm hàng
hải.
- Tài sản bị mất cắp hay bị cướp.
- Những thiệt hại gây ra cho bên thứ ba.
- Những thiệt hại nằm trong phạm vi mức miễn thường.
1.2.3 Giá trị bảo hiểm và số tiền bảo hiểm.
Bảo hiểm cháy là loại hình bảo hiểm tài sản, bởi vậy trong thực tế thường
gặp cả 2 thuật ngữ: Giá trị bảo hiểm và số tiền bảo hiểm.
Giá trị bảo hiểm là giá trị của tài sản được bảo hiểm, được tính theo giá trị
thực tế hoặc giá trị mua mới của tài sản. Tuy nhiên, có rất nhiều loại tài sản
khác nhau, bởi vậy giá trị bảo hiểm thường được tính cho những loại sau:
+ Giá trị của các tài sản văn phòng, nhà ở: giá trị bảo hiểm được xác định
theo giá trị ban đầu khi đưa tài sản này vào sử dụng (tức là giá trị mua mới).
Còn đối với loại tài sản đã qua sử dụng thì giá trị của tài sản được lấy theo giá
trị còn lại (tức là giá trị thực tế của tài sản).
+ Giá trị của máy móc thiết bị và các loại tài sản cố định khác: giá trị bảo
hiểm sẽ bằng giá mua cộng với chi phí chuyên chở, lắp đặt hoặc có những loại
được xác định trên cơ sở giá trị thực tế.
+ Giá trị của các thành phẩm, bán thành phẩm: giá trị bảo hiểm được xác
định trên cơ sở giá thành sản xuất.
+ Hàng hóa mua về để trong kho, trong cửa hàng: giá trị bảo hiểm được
xác định theo giá mua thực tế cộng với chi phí vận chuyển.
Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền theo giá trị thị trường của tài sản
tại thời điểm tham gia bảo hiểm và được ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm.