CÔNG CỤ PHÁI SINH VÀ NGHIỆP VỤ KINH DOANH NGOẠI TỆ
BẰNG CÁC CÔNG CỤ PHÁI SINH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI.
1.1 Ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường.
1.1.1 Khái niệm ngân hàng thương mại.
Ngân hàng thương mại là loại ngân hàng giao dịch trực tiếp với các công ty, xí
nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân bằng cách nhận tiền gửi, tiền tiết kiệm, rồi sử dụng
số vốn đó để cho vay, chiết khấu, ngoài ra ngân hàng thương mại còn cung cấp các
phương tiện thanh toán và cung ứng dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng nói trên.
Ngân hàng thương mại là loại ngân hàng có số lượng lớn và rất phổ biến trong nền kinh
tế.
Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004) chỉ rõ:
“Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng
và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động,
các loại hình ngân hàng gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng
đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác và các loại hình ngân hàng khác”.
1.1.2 Các nghiệp vụ hoạt động kinh doanh chủ yếu của NHTM.
1.1.2.1 Nghiệp vụ tạo lập nguồn vốn (Nghiệp vụ nợ).
Là nghiệp vụ hình thành trên các nguồn vốn hoạt động của ngân hàng. Các
nguồn vốn của NHTM bao gồm:
a. Vốn điều lệ và các quỹ:
- Vốn điều lệ: là nguồn vốn ban đầu khi ngân hàng mới bắt đầu đi vào hoạt động
và được ghi vào bản điều lệ của ngân hàng. Vốn điều lệ phải đạt mức tối thiểu theo quy
định của pháp luật (ở các nước và ở Việt Nam đều có quy định mức vốn pháp định cho
mỗi loại hình ngân hàng). Vốn điều lệ được Ngân sách nhà nước cấp phát nếu là ngân
hàng công, do các cổ đông đóng góp theo cổ phần nếu là ngân hàng cổ phần. Vốn điều
lệ có thể được thay đổi theo xu hướng tăng lên nhờ được cấp bổ sung vốn điều lệ theo
quy định của luật pháp mỗi nước. Vốn điều lệ được sử dụng trước hết để xây dựng,
mua sắm tài sản cố định, các phương tiện làm việc và quản lý, tức là tạo cơ sở vật chất
ban đầu cho hoạt động của ngân hàng. Ngoài ra các ngân hàng thương mại còn được
phép sử dụng vốn điều lệ để hùn vốn, liên doanh, cấp vốn cho các công ty trực thuộc và
thực hiện các hoạt động kinh doanh khác.
- Các quỹ của ngân hàng: được hình thành khi ngân hàng đã đi vào hoạt động,
bao gồm các quỹ trích từ lãi ròng hàng năm của ngân hàng như: quỹ dự trữ bổ sung vốn
điều lệ, các quỹ dự phòng (tài chính, trợ cấp mất việc làm), quỹ đầu tư phát triển, quỹ
khác (khen thưởng, phúc lợi)... Ngoài ra, còn có các quỹ được hình thành bằng cách
trích và tính vào chi phí hoạt động của ngân hàng như: quỹ khấu hao cơ bản, sửa chữa
tài sản, dự phòng để xử lý rủi ro...
b. Vốn huy động:
Đây là nguồn vốn chủ yếu sử dụng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng,
nó chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng thương mại.
Nguồn vốn huy động gồm có: tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng; tiền gửi có
kỳ hạn của các tổ chức; tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn và có kỳ hạn của dân cư; nguồn
vốn huy động qua phát hành các giấy tờ có giá như kỳ phiếu, trái phiếu ngân hàng,
chứng chỉ tiền gửi...
c. Nguồn vốn đi vay:
Trong trường hợp vốn tự có và vốn huy động không đáp ứng đủ nhu cầu kinh
doanh, ngân hàng thương mại có thể vay vốn của các chủ thể sau:
- Vay của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức được tái cấp vốn như chiết khấu,
tái chiết khấu các chứng từ có giá; cầm cố, tái cầm cố các thương phiếu; vay lại theo
hợp đồng tín dụng...
- Vay của các ngân hàng thương mại khác qua thị trường liên ngân hàng, hợp
đồng mua lại...
- Vay của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế...
d. Nguồn vốn khác:
Vốn tiếp nhận từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án theo
kế hoạch tập trung của Nhà nước; vốn tiếp nhận để cho vay ủy thác, vốn chiếm dụng
của khách hàng trong quá trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt...
1.1.2.2 Nghiệp vụ sử dụng vốn (Nghiệp vụ có).
Với nguồn vốn có được, ngân hàng sử dụng cho các hoạt động sau:
a. Thiết lập dự trữ:
Các ngân hàng thương mại không sử dụng toàn bộ nguồn vốn cho hoạt động
kinh doanh, mà phải dành một phần dự trữ thích hợp nhằm đáp ứng những yêu cầu sau:
duy trì dự trữ bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện lệnh rút tiền
thanh toán chuyển khoản của khách hàng; chi trả các khoản tiền gửi đến hạn, chi trả lãi;
đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp lý trong ngày của khách hàng; thực hiện các khoản chi
tiêu hàng ngày tại ngân hàng...
Dự trữ của ngân hàng có thể tồn tại dưới hình thức tiền mặt, tiền gửi tại ngân
hàng khác và các chứng khoán có tính thanh khoản cao.
b. Cấp tín dụng:
Bao gồm các nghiệp vụ cho vay (ngắn, trung và dài hạn); chiết khấu thương
phiếu và chứng từ có giá; cho thuê tài chính; bảo lãnh, bao thanh toán...
c. Đầu tư tài chính:
Ngân hàng thương mại sử dụng các nguồn vốn ổn định để thực hiện các hình
thức đầu tư nhằm kiếm lời và chia sẻ rủi ro với nghiệp vụ tín dụng. Các hình thức đầu
tư tài chính bao gồm: góp vốn, liên doanh, mua cổ phần của các công ty, xí nghiệp, các
tổ chức tín dụng khác và mua chứng khoán, các giấy tờ có giá trị để hưởng lợi tức,
chênh lệch giá.
d. Sử dụng vốn cho các mục đích khác:
Mua sắm thiết bị, dụng cụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh, xây dựng trụ sở
ngân hàng, hệ thống kho bãi và các chi phí khác.
1.1.2.3 Nghiệp vụ trung gian (Dịch vụ ngân hàng và các hoạt động kinh
doanh khác).
Đây là các dịch vụ mà khi ngân hàng cung cấp cho khách hàng sẽ nhận được các
khoản hoa hồng và lệ phí như: dịch vụ ngân quỹ; dịch vụ ủy thác; tổ chức thanh toán
không dùng tiền mặt cho khách hàng; nhận quản lý tài sản quý giá theo yêu cầu khách
hàng; kinh doanh vàng bạc, đá quý, ngoại tệ; mua bán hộ chứng khoán, phát hành hộ cổ
phiếu, trái phiếu cho các công ty, xí nghiệp; tư vấn về tài chính, đầu tư...
Các nghiệp vụ trên của ngân hàng thương mại không thể tách rời, độc lập nhau
mà chúng có mối quan hệ hỗ tương với nhau trong quá trình kinh doanh của ngân hàng.
1.2 Công cụ phái sinh.
1.2.1 Khái niệm.
Công cụ phái sinh được hiểu là những công cụ được phát hành trên cơ sở những
công cụ đã có nhằm nhiều mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận
hoặc tạo ra lợi nhuận. Giá trị của công cụ phái sinh bắt nguồn từ một số công cụ cơ sở
khác như tỉ giá, trị giá cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số chứng khoán, lãi suất... Trên thị
trường ngoại hối có 5 nghiệp vụ cơ bản được giao dịch đó là: giao ngay (spot), kỳ hạn
(forward), hoán đổi (swap), giao sau (future) và quyền chọn (option). Trong đó giao
ngay được xem là nghiệp vụ cơ bản, các nghiệp vụ còn lại được xem là phái sinh.
1.2.2 Lịch sử hình thành thị trường công cụ phái sinh.
Từ sự khởi đầu đơn giản với future và forward...
Thị trường future có thể được xem như đã xuất hiện từ thời trung cổ. Lúc đầu
đối tượng của các future trên thị trường là các mặt hàng đơn giản như lúa mì hay cà
phê. Các nhà đầu tư mua và bán các hợp đồng future với mục đích nhằm giảm bớt sự lo
ngại xảy ra những biến cố khiến giá bị đẩy lên cao hay xuống thấp trong những tháng
sau đó. Đến những năm thập niên 80 của thế kỷ 20, các hợp đồng future bắt đầu nở rộ
và phổ biến trong các giao dịch thương mại.
Hầu hết các thị trường forward phát triển sớm là các thị trường ngoại hối, còn
được gọi là thị trường liên ngân hàng (interbank market). Thị trường này phát triển
nhanh chóng nhờ vào sự thả nổi của các đồng tiền mạnh vào đầu thập niên 1970. Thị
trường liên ngân hàng bao gồm hàng trăm ngân hàng khắp thế giới, họ là những người
thay mặt cho chính họ hoặc cho khách hàng thực hiện các cam kết giao sau và kỳ hạn
với nhau.
... đến những công cụ hiệu quả như swap và option.
Swap cũng là một công cụ phái sinh dựa trên sự trao đổi và thực hiện hợp đồng.
Các giao dịch hoán đổi là động lực chính của những tăng trưởng trên hợp đồng kỳ hạn.
Giao dịch đầu tiên của thị trường option bắt đầu ở châu Âu và Mỹ từ đầu thế kỷ
18. Những năm đầu thị trường hoạt động thất bại vì nạn tham nhũng. Một trong những
người liên quan là nhà môi giới có quyền chọn về một loại cổ phiếu nhất định đã ăn hối
lộ để giới thiệu cổ phiếu cho khách hàng của họ. Vào đầu những năm 1900, một nhóm
công ty đã thành lập hiệp hội những nhà môi giới và kinh doanh quyền chọn. Mục đích
của hiệp hội này là cung cấp kỹ thuật nhằm đưa những người mua và những người bán
lại với nhau. Tháng 4 năm 1973 Chicago Board of Trade lập thị trường mới, Chicago
Board Options Exchange, đặc biệt dành cho trao đổi option về cổ phiếu. Từ đó thị
trường option trở nên phổ biến với nhà đầu tư. Đến thập niên 80 của thế kỷ 20, thị
trường option đối với ngoại tệ, chỉ số chứng khoán và hợp đồng future đã phát triển ở
Mỹ. Thị trường chứng khoán Philadelphia là nơi giao dịch option ngoại tệ đầu tiên.
1.2.3 Các chủ thể tham gia trên thị trường.
1.2.3.1 Nhà bảo hộ giá (Hedger).
Chúng ta xem xét tình huống sau: Công ty Import Co.Ltd có một hợp đồng trị
giá 1 triệu USD, thời hạn thanh toán là 6 tháng, tỷ giá giao ngay (USD/VND) ở thời
điểm hiện tại: 15.990, tỷ giá giao ngay (USD/VND) khi hợp đồng đến hạn: chưa biết.
Công ty Import Co.Ltd đứng trước rủi ro nếu USD lên giá so với VND ở thời điểm
thanh toán. Sự lên giá này của USD có thể gây ra cho Import Co.Ltd tổn thất giao dịch
bằng trị giá hợp đồng nhân cho chênh lệch tỷ giá giữa hai thời điểm thanh toán và ký
kết. Để tránh rủi ro ngoại hối, công ty liên hệ với ngân hàng mua quyền chọn mua có
những nội dung sau:
- Trị giá quyền chọn (K): 1 triệu USD.
- Tỷ giá thực hiện (E): 16.010.
- Phí mua quyền chọn (P) tính trên mỗi đồng ngoại tệ: 20 đồng. Tổng chi phí
mua quyền chọn bằng 1 triệu x 20 đồng = 20 triệu đồng.
- Kiểu quyền chọn: kiểu Mỹ.
- Thời hạn hiệu lực của quyền chọn (T): 6 tháng.
Ở thời điểm này, Import Co.Ltd đã bỏ ra tổng chi phí 20 triệu đồng để mua công
cụ phòng ngừa rủi ro ngoại hối. Mặc dù, lúc này thời điểm đáo hạn chưa xảy ra nhưng
công ty biết trước được khi đáo hạn có hai khả năng xảy ra và các giao dịch khi quyền
chọn đáo hạn như sau:
- Nếu tỷ giá mua giao ngay S
b
> E = 16.010 thì doanh nghiệp sẽ thực hiện quyền
chọn mua. Khi ấy giá trị của khoản phải trả quy ra nội tệ là V = 1 triệu USD x 16.010 =
16.010 triệu VND, bất chấp tỷ giá giao ngay trên thị trường là bao nhiêu. Cần lưu ý
rằng doanh nghiệp trước đó đã bỏ ra một khoản chi phí bằng 20 triệu VND để mua
quyền chọn nên giá trị quy ra nội tệ của khoản phải trả tăng thêm nhưng vẫn được cố
định ở mức 16.010 + 20 = 16.030 triệu VND. Nhờ vậy, rủi ro ngoại hối được kiểm soát.
- Nếu tỷ giá giao ngay S
b
< E = 16.010 thì doanh nghiệp không thực hiện quyền
chọn mua, mà mua ngoại tệ trên thị trường giao ngay. Khi ấy giá trị khoản phải trả là
V(S
b
) = 1 triệu USD x S
b
= S
b
triệu VND. Cần lưu ý rằng doanh nghiệp trước đó đã bỏ
ra một khoản chi phí bằng 20 triệu VND để mua quyền chọn nên giá trị quy ra nội tệ
của khoản phải trả tăng thêm lên đến (S
b
+ 20) triệu VND. Giá trị này chưa được cố
định nhưng bị chặn trên tối đa ở mức 16.030 triệu VND, vì S
b
< 16.010. Do đó, rủi ro
ngoại hối cũng được kiểm soát.
Kết quả là dù tỷ giá giao ngay khi hợp đồng nhập khẩu đến hạn là bao nhiêu đi
nữa thì giá trị phải thanh toán của hợp đồng nhập khẩu quy ra VND vẫn nằm ở mức tối
đa là 16.030 triệu VND.
1.2.3.2 Nhà đầu cơ (Speculator).
Chúng ta có thể sử dụng các công cụ phái sinh cho mục đích đầu cơ. Để làm rõ
việc sử dụng công cụ phái sinh vào mục đích đầu cơ như thế nào chúng ta xem xét tình
huống sau: Đang ở thời điểm hiện tại tỷ giá EUR/USD = 1,2028, ông A dự báo rằng
trong tương lai EUR sẽ lên giá so với USD và tỷ giá có thể lên đến EUR/USD = 1,2928.
Ông A mua EUR và chờ giá lên sẽ bán ra lấy lời trong tương lai. Dĩ nhiên là việc
mua EUR để đầu cơ này là một việc làm rủi ro vì nếu EUR không lên giá đúng như dự
đoán của mình thì ông A sẽ lỗ. Nhưng là người có kinh nghiệm và bản lĩnh ông A tin
chắc vào sự dự đoán của mình và kỳ vọng kiếm lời mỗi EUR được (1,2928 – 1,2028) =
0,09 USD. Chẳng hạn để kiếm được 11.250 USD ông A phải mua 125.000 EUR. Để
mua được 125.000 EUR ngay thời điểm hiện tại ông A phải bỏ ra 125.000 x 1,2028 =
150.350 USD. Với số tiền USD phải bỏ ra khá lớn khiến ông A có thể ngậm ngùi nhìn
cơ hội kiếm 11.250 USD trôi qua trong tiếc nuối vì không có tiền mua 125.000 EUR.
Nhưng ông A có thể nắm bắt cơ hội đầu cơ bằng cách mua hợp đồng giao sau trị giá
125.000 EUR thay vì mua giao ngay 125.000 EUR. Vì mua hợp đồng giao sau trị giá
125.000 EUR chứ không phải mua 125.000 EUR nên ông A không cần bỏ ra ngay
150.350 USD mà chỉ cần bỏ ra 1.755 USD ký quỹ theo yêu cầu của Sở giao dịch. Như
vậy, với số tiền bỏ ra ít hơn: 1.755 USD so với 150.350 USD ông A vẫn mua được cơ
hội kiếm lời nếu như tỷ giá biến động đúng như dự đoán của ông ta. Với hợp đồng giao
sau này, hàng ngày nếu tỷ giá EUR/USD lên đúng như dự đoán của ông A thì tài khoản
của ông A sẽ được ghi có một số tiền bằng chênh lệch giữa tỷ giá giao ngay ngày hôm
nay so với ngày hôm trước nhân với trị giá hợp đồng. Ngược lại, nếu tỷ giá xuống, tức
là ngược với dự báo của ông A, thì tài khoản của ông ta sẽ bị ghi nợ một số tiền bằng
chênh lệch giữa tỷ giá giao ngay ngày hôm trước so với ngày hôm nay nhân với trị giá
hợp đồng. Ngoài ra, nếu việc ghi nợ nhiều khiến cho số dư tài khoản ký quỹ của ông A
giảm xuống đến mức tối thiểu do Sở giao dịch quy định, ông A phải bỏ thêm tiền vào
cho đủ mức quy định mới được tiếp tục giao dịch.
1.2.3.3 Nhà kinh doanh chênh lệch tỷ giá (Arbitrage).
Kinh doanh chênh lệch tỷ giá liên quan đến việc mua ngoại tệ ở một thị trường
và bán lại ở một thị trường khác. Việc mua bán như vậy có khuynh hướng làm quân
bình tỷ giá giữa các thị trường khác nhau.
Giả sử có các tỷ giá sau đây trên thị trường quốc tế:
GBP/USD = 1,5809 – 1,5839 ở New York
USD/EUR = 0,9419 – 0,9487 ở Frankfurt
GBP/EUR = 1,4621 – 1,4671 ở London
Để khai thác cơ hội kinh doanh chênh lệch tỷ giá, nhà kinh doanh sẽ thực hiện
các giao dịch sau đây:
1. Từ New York nhà kinh doanh bán ra 1 triệu USD ở Frankfurt được:
1.000.000 x 0,9419 = 941.900 EUR.
2. Dùng số EUR này để mua GBP ở London được:
941.900 / 1,4671 = 642.014,86 GBP.
3. Bán số GBP vừa mua được ở New York được:
642.014,86 x 1,5809 = 1.014.961,29 USD.
Lợi nhuận do kinh doanh chênh lệch tỷ giá: 1.014.961,29 – 1.000.000 =
14.961,29 USD. Tuy lợi nhuận không lớn nhưng kiếm được trong thời gian rất ngắn và
hầu như không có rủi ro nên rất hấp dẫn.
Lợi nhuận hấp dẫn này thu hút nhiều người vào cuộc. Khi có nhiều người nhảy
vào cuộc, do có nhiều người dùng USD để mua EUR ở Frankfurt nên EUR sẽ lên giá so
với USD ở Frankfurt và do có nhiều người bán EUR lấy GBP ở London nên EUR giảm
giá so với GBP ở London, cuối cùng ở New York do có nhiều người bán GBP để lấy
USD nên GBP sẽ giảm giá so với USD ở New York. Cơ hội kinh doanh chênh lệch giá
cũng chấm dứt nhường chỗ cho sự quân bình tỷ giá giữa ba khu vực thị trường.
Trên thực tế còn có chi phí giao dịch và rào cản giao dịch giữa các thị trường.
Chính điều này khiến cho giao dịch kinh doanh chênh lệch tỷ giá không phải dễ dàng
thực hiện. Kết quả, cơ hội kinh doanh chênh lệch tỷ giá ít khi xuất hiện và nếu có cũng