Với hội họa là đường nét, màu sắc…Điêu khắc là hình khối….thì trong nghệ thuật không thể
không kể đến Nghệ thuật Kiến trúc. Và ấn tượng với tôi trong cả cuộc đời này là năm nay 2010
kỷ niệm ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Đây là cợ hội mà tôi được tận mắt ngắm nhìn các tác
phẩm nghệ thuật, đặt biệt là các công trình kiến trúc Phật giáo thời Lý, phong phú cả về số
lượng và kiểu thức phải là Chùa.
Loại hình kiến trúc này ở một số nơi còn để lại nền móng ít bị xáo trộn như các Chùa Phật Tích,
Chùa Vĩnh Phú, Chùa Giạm ở Hà Bắc, Chùa Hương Lãng ở Hải Hưng, Chùa Hà Tấm ở Hà
Nội...hoặc sửa chữa thu nhỏ như Chùa một cột ở Hà Nội; có nơi dấu vết ban đầu chỉ còn lại bệ
Tượng Phật ở trong những kiến trúc làm mới hoàn toàn như các Chùa Chò (Hà Bắc), Chùa Thầy,
Chùa Hoàng Xá (Hà Sơn Bình ), Chùa Sùng Nghiêm Diêu Thánh (Thanh Hóa)...Một số Chùa được
văn bia đương thời tả lại khá đầy đủ. Dựa vào tài liệu thực địa và thư lịch, có thể chia Chùa thời
Lý thành bốn loại trên cơ sở có sự khác nhau về bố cục.
Trước hết là kiểu Chùa được dựng trên một cây cột trụ, phát triển về chiều cao theo kiểu kiến
trúc Tháp. Từ trước thời Lý, ở Kinh đô Hoa Lư có Chùa Nhất Trụ còn để lại một cột đá cao, to
trong vườn trước cửa Chùa có lẽ là cột Kinh Phật truyền thuyết địa phương muốn coi đó là cây
cột đỡ toà Chùa ở trên, khi Kinh đô chuyển ra Thăng Long, nhà Lý đã cho dựng Kinh đô mới một
ngôi Chùa Một Cột phỏng theo Chùa Nhất Trụ.
Trong số những kiến trúc thời Lý, sử cũ và văn bia có nhắc đến một vài kiến trúc chỉ có một cột.
Đó là “lầu chuông một cột, sáu cạnh hình hao sen” trong cụm kiển trúc các điện Linh Quang và
Sùng Nghiêm; Là Chùa Linh Xứng có bộ phận “trang nghiêm chính giữa thì thờ tượng ngũ trí
Như Lai sắc vàng rực rỡ, ngồi trên toà sen trồi trên mặt nước”; Là Chùa Diên Hựu với tên nôm là
Chùa Một Cột đã dựng lại thu nhỏ ở Hà Nội được nhiều sử cũ, đặc biệt là bia Chùa Đọi khắc năm
1121 tả lại khá kỹ. Theo sử cũ ghi lại, năm 1049 vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật Quan
Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên toà. Các bầy tôi cho đó là điềm chẳng lành, nhà sư Thiền Tuệ
khuyên vua dựng Chùa như trong giấc mơ. Vua bèn cho xây Chùa, dựng cột đá ở giữa ao, trên
đầu cột làm tòa sen của Phật, các nhà Sư sẽ niệm chung quanh tụng Kinh cầu cho vua sống lâu,
vì thế đặt tên là Chùa Diên Hựu với ý kéo dài sự sống.
Chùa Diên Hựu năm 1100 được sửa chữa lần đầu, việc tu sửa quy mô làm “đẹp hơn cũ” là vào
năm 1105: vét hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu, ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy vòng
quanh, ngoài hành lang lại đào hồ Bích Trì, đều bắc cầu để đi qua, trước sân Chùa xây hai bảo
Tháp sứ trắng.
Bia Chùa Đọi tả Chùa Diên Hựu không tách bóc ra từng đợt tu sửa, nhưng lại cho biết thêm một
số chi tiết: Chùa Diên Hựu thuộc vườn Tây cấm, được “dựng theo dấu vết của chế dộ cũ, lại y
theo mưu mới của nhà vua”, quanh đỉnh cột chạm bông sen nghìn cánh, trên hoa sen toà điện
màu xanh trong điện có pho tượng vàng...
Riêng cây cột đá có tài liệu nói cao 10 trượng, phù hợp với độ to đủ chạm bông sen nghìn cánh
ở đầu cột, và như vậy thì tòa điện Phật ở trên đầu cột phải to lớn tương xứng tất cả cứ vươn cao
lên vài chục mét như một cây Tháp. Có ý kiến lấy bình đồ Chùa Diên Hựu so với Tháp Phật giáo
Mật Tông, nhận ra nhiều điểm tương đồng và coi Chùa Diên Hựu là kiến trúc Tháp Phật giáo.
Chùa Diên Hựu từ tên Chùa cho đến các nghi lễ tiến hành ở đây đều gắn với vua nhà Lý, lại ở
trong vườn cấm phía Tây, trở thành Chùa riêng của Hoàng gia. Buổi khởi dựng, Chùa còn đơn
giản nhưng đã là hình ảnh bông sen kiến trúc khổng lồ nở trên mặt nước. Đấy là sáng tạo của
các nhà kiến trúc giữa thế kỷ XI; đi lên từ truyền thống “theo dấu tích xưa”, nhưng đã “đổi mới”
theo tinh thần giấc mơ của vua Lý Thái Tông về một bông hoa sen.
Đi lên từ truyền thống, Chùa Diên Hựu là sự phát triển kiến trúc cổ truyền mà gần đây còn lưu
lại ở những cây hương thờ đặt trên đầu một cái cọc chôn trên mặt đất hoặc xây trên cột gạch.
Tài liệu dân tộc học và khảo cổ học cũng xác nhận truyền thống ấy: người nguyên thủy gác
cành lên cây làm nhà ở, sau tiến tới “kiến trúc Đông Sơn” với loại nhà sàn mái tròn dựng trên
một cột có gá vào tường ỏ hai bên được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ và trống đồng Hoàng Hạ,
lại còn được ghi trong dân gian bằng chuyện nữ thần nghề mộ dạy Lỗ Ban dựng nhà. Lối kiến
trúc trên một cột trụ như thế, cả ở Trung Quốc cũng có, nhà bác học Lê Quý Đôn dẫn sách nói
về cái Đài Lớn ở Giang Lăng chỉ có một trụ, tất cả các xà đều cắm vào trụ ấy, và cái quán ở La
Công Châu thật to mà chỉ có một cột. Nhưng Chùa Diên Hựu không chỉ là lối kiến trúc một cột
bình thường, mà các nghệ sĩ kiến trúc thời Lý đã sáng tạo thành bông sen nghệ thuật khổng lồ,
đảm bảo độ kết cấu chính xác vững vàng mà lại thanh tao duyên dáng, có cả nội dung triết lý
Phật giáo và nội dung thẩm mỹ thanh khiết.
Loại Chùa thứ hai cũng rất gắn bó với các vua thời Lý ở rải rác các địa phương xa, vừa là nơi thờ
Phật để cầu chúc cho Hoàng gia, vừa là hành cung để vua nghỉ lại mỗi khi du ngoạn quanh vùng
ấy. Loại Chùa này ngoài những công trình kiến trúc mà ở đó nổi trội lên là cây Tháp như ở
Tường Long (Hải Phòng), Chương Sơn và Chùa Đọi (Hà Nam Ninh), còn phải nhắc đến một số
Chùa nữa tiêu biểu là Chùa Phật Tích và Chùa Giạm đã từng được các vua nhà Lý ghe thăm viết
đại tự để lại hoặc ban cho tên Chùa. Hai ngôi Chùa này đều thuộc vùng quê hương nhà Lý, ở
phía Bắc sông Đuống, không xa sông là bao, có thể đến Chùa bằng cả đường bộ, và càng thuận
tiện đối với các cuộc du hành của vua bằng đường thủy. Cả hai Chùa đều ở sườn núi, dựa vào
thế núi mà trườn lên theo các cấp bậc nền, có 3 (Chùa Phật Tích) hoặc 4 (Chùa Giạm) tầng nền,
với chiều rộng của bề mặt cao hơn 60m và chạy sâu vào hơn 100m. Các tầng trên nền được kè
giữ khỏi xô đất xuống bằng những dãy tường đá 2 hoặc 3 lớp xây bậc cấp và hơi ngả vào rất
vững chắc. Trên bề mặt rộng mênh mông ấy, ngoài những cây Tháp, còn có rất nhiều kiến trúc
vật khác bề thế và nguy nga.
Chùa Phật Tích có quy mô mà năm 1680 bia Chùa còn xác nhận: “Vua thứ ba nhà Lý, năm Long
Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057) dựng cây Tháp quý cao ngàn trượng, tạc pho tượng mình vàng cao
6 thước, cao hơn trăm thửa ruộng, xây Chùa chẵn một toà... Trên đỉnh cao mở ra một toà nhà
đá, cấp trong điện tự nhiên sáng như ngọc lưu ly, điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại lớn. Trên
thềm bậc đằng trước có bầy mười con thú, phía sau có ao rồng, góc cao vẻ chim phượng và sao
ngưu, sao đẩu sáng lấp lánh, lầu rộng tay rồng với tới trời cao, cung quãng vẽ hoa nhị hồng.
Cho đến thế kỷ XVIII, các tác giả sách Tam thương ngẫu lục còn thấy Chùa Phật Tích “cung sơn
điện vẽ san sát trong núi.” Ngày nay, trên các tầng nền vẫn còn pho tượng cao 6 thước (1m84)
và 10 con thú bày thành hàng ngang ở mép tầng nền thứ hai đúng như văn bia ghi, là cơ sở để
tin những cung sơn, điện vẽ lầu rộng, gác cao... là có thực, tin cả con số 100 toà nhà nếu không
chính xác toán học thì cũng là một cảnh san sát trên núi, còn được tô vẽ nhiều hình trang trí
đẹp và hòa trong ngàn cây mà trải rộng không giới hạn.
Còn Chùa Giạm xây trong 8 năm (1086-1094) mới xong, được triều đình đầu tư đặc biệt, đã có
quy mô lớn mà sang thế kỷ 13 được vua Trần Nhân Tông tả vẻ đẹp đúng là: “Bức tranh kiến
trúc 12 lớp, mắt thấy thiên nhiên rộng vạn lần”, còn dân gian địa phương ghi nhận bằng mốc
thời điểm cả thôn Môn Tự (cửa Chùa) tham gia đóng cửa từ chiều cho đến khi đóng xong các
cửa thì vừa lúc trăng mọc: “Mười tám đóng xong cửa Chùa Giạm.” Ngày nay nhà cửa Chùa Giạm
không còn, nhưng chỉ riêng hệ thống bậc cửa lên các tầng nền đã là cả một sự đồ sộ, trong đó
các bậc cửa vào tầng nền thứ nhất đã cao và rộng đều 16m. Và ở tầng nền thứ hai, phía bên
trái có khu đất hình tròn cao chừng một mét với đường kính chừng 4m50, xung quanh được kè
đá chạm “hình sóng” to sâu, đối lại phía bên phải có khu đất hình vuông cao gần 2m, cạnh dài
7m, cũng kè đá chạm “hình sóng” sâu to: Hai khu đất hình tròn vuông ở hai bên cửa chính, tạo
sự cân đối mà không lặp lại là “quy” và “củ” với những yếu tố cấu thành chặt chẽ biểu hiện
những mẫu mực trong cuộc sống và cả trong thẩm mỹ người xưa, lại là biểu hiện của tư duy
Việt cổ và vũ trụ có trời tròn đất vuông, có sự hoà hợp âm với dương. Ý nghĩa này còn được
thấy ngay trên khu đất hình tròn có một cột đá cao chừng 5m gồm một khối hình trụ (đường
kính 1m30) chồng lên một khối hộp (cạnh ngang một 1m4 và 1m6). Sự hoà hợp đó biểu hiện
của sự ý thức cầu phúc và cả sự trường tồn.
Cũng như các Tháp Tường Long, Chương Sơn và Đọi, Chùa Phật Tích và Chùa Giạm còn để lại
nhiều hình rồng chạm rất kỹ trên đá và cả trên mảnh đất nung vỡ nữa. Phải chăng ở đây những
hình rồng này là dấu hiệu khẳng định tính hành cung của những di tích Phật giáo này.
Chùa Linh Xứng trên Ngưỡng Sơn (Thanh Hóa), phía trước cây Tháp chín tầng cũng có cả một
tòa Chùa lộng lẫy theo bia dựng ngày khánh thành Chùa tháng 3 năm Bính Ngọ (1126) thì:
“Chùa Phật Tích thênh thang ở giữa, phòng chạy rộng rải hai bên, trang nghiêm chính giữa thì
tượng Ngũ Trí Như Lai sắc vàng rực rỡ ngồi trên toà sen trồi lên mặt nước. Quanh tường thêu vẽ
dung nghi đẹp đẽ của cực quả mười phương với mọi hình tướng biến hoá muôn hình vạn trạng
không thể kể hết Chùa thờ Phật nhưng cũng cầu chúc nhà vua. Chính bia Chùa đã đề cao vương
quyền: “Ôi, sinh thành và nuôi nấng ta có ai bằng vua và cha, cho nên phải kính trọng; dắt dẫn
và che chở cho ta, còn gì hơn là phúc huệ, cho nên phải tin theo. đem phúc to này, chút vật lớn
ấy. Nghiệp trời dằng dặc dài lâu, vận nước đời đời thịnh vượng.”
Loại Chùa thứ ba cả trên thực địa và thư tịch đều không tìm thấy dấu tích của Tháp, quy mô có
nhỏ hơn các Chùa Tháp đồng thời là hành cung ở Phật Tích và Giạm, nhưng vẫn còn khá lớn và
được nhà nước chú ý, có khi xây trên lưng chừng núi chỉ có một lớp nền như Chùa Vĩnh Phúc
dựng năm 1100 và Chùa Tĩnh Lự khánh thành năm 1119 đều thuộc Hà Bắc, có khi xây giữa
vùng đồng ruộng như Chùa Bà Tấm (còn có tên chữ là Sùng Phúc Tự hay Linh Nhân Tư Phúc Tự)
dựng năm 1115 thuộc Hà Nội, và Chùa Hương Lãng (có tên tắt là Chùa Lạng, tên chữ là Viên
Giác hay Thạch Quang Tự) dựng cùng khoảng thời gian với Chùa Bà Tấm thuộc Hải Hưng...
Nếu như Chùa Vĩnh Phúc và Chùa Tĩnh Lự chỉ có một tầng nền ở sườn núi với những mảnh vụn
của gạch đá, thì Chùa Bà Tấm và Chùa Hương Lãng, trên lớp nền còn thấy rõ quy mô và vị trí
một số kiến trúc. Chùa Bà Tấm có bậc cửa vào Chùa rộng chừng 12m đánh dấu bởi hố đào lan
can thành bậc, từ đó đến giữa thượng điện nơi còn đôi sư tử đội tòa sen là 60m. Sư tử đội tòa
sen và lan can thành bậc cửa Chùa Bà Tấm lại được thấy ở Chùa Hương Lãng, đầy đủ và rõ ràng
hơn. Về Chùa Hương Lãng, khu vực nội tự rộng gần 40.000m vuông theo chiều dọc hướng Bắc
Nam là 345m và chiều ngang hướng Đông Tây là 115m. “Nội tự” bao gồm cả ruộng, gò bãi, hồ
ao và trung tâm khu vực Chùa: Phía trước có sông lạch chảy sát tam quan, rất thuận tiện cho
du khách thăm Chùa lễ Phật; khu đất tam quan này còn rộng ngang 15m và sâu vào 7m5, sau
đó đi sâu vào 84m nữa sẽ tới sát nền thượng điện có tượng đá to sư tử đội toà sen. Qua khu
tam quan có thành bậc đi xuống ao Chùa với hai gò đất xưa là nền của kiến trúc, cao từ 5m đến
7m và rộng chừng 400m vuông phía sau sân là khu vực điện thờ với nền thượng điện cao trên
2m được đánh dấu bởi tượng sư tử đội tòa sen khổng lồ. Cả khu Chùa phát triển theo chiều dài,
càng đi vào sâu càng gần nơi thờ Phật, hai bên đường đi có vật đăng đối. Cuối đường là khu
điện thờ gần vuông phía trước hơn cao 23m và dọc bên hơn 20m, trong đó lại thu vào các khu
đất lồng nhau cũng gần vuông chừng 18m*8m và 10*8m, khu trong nhỏ hơn nhưng cao hơn
khu ngoài, bốn mặt đều có cửa mở về bốn hướng. Chỉ xét riêng khu vực điện thờ Chùa Hương
Lãng, phần nào có quan hệ mặt bằng của kiến trúc Tháp; nền gần vuông, bốn mặt trổ cửa cao
dần theo ba lớp nền thu vào. Như vậy cả Chùa Hương Lãng trải ra như một tu viện, trong đó
phần điện thờ Phật lại chịu ảnh hưởng bố cục của Tháp thờ để các Phật tử đi xung quanh làm lễ
Phật ngự ở trên toà sen do Sư tử đội ở giữa thượng điện.
Trong loại Chùa thứ ba này có kể thêm Chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh ở Thanh Hoá, trong sự
tu sửa thu hẹp ở thời sau, rải rác còn vài vết tích cũ, đặc biệt là ba bệ tượng Phật và tấm bia
dựng năm 1118. Theo văn bia dựng ngay sau khi làm xong Chùa, thì công trình này làm khoảng
1116 đến 1118, chẳng những có quy mô to lớn mà còn tráng lệ: “Rường nhà cong cong như cầu
vồng sau mưa quạnh quẽ nhô ra, ngói uyên ương phơi dưới gió như sập sè mái lượn, ngói nhà
uốn như trĩ đang xoè cánh, đầu chạm trổ như phượng múa lại chầu. Mái cong lấp ánh dưới mặt
trời, hiên lượn quanh co trước gió, tường vách xung quanh một cõi bụi không lầm, hành lang
bao bọc. Bên hữu có vườn thơm, khóm lan mềm mại điểm nóc. Bên tả có ao mát, mặt nước hoa
sen tốt tươi... lại sắm đủ chiếu giường để cho khách trọ nghỉ chân, lại xây đủ bếp núc để cung
cấp cho người thiền định, Chùa chiền ngăn nắp tượng Phật trang nghiêm.
Năm 1088, nhà Lý phân chia các Chùa trong nước làm 3 hạng là đại, trung và tiểu danh lam,
căn cứ điền nô và khố vật của nhà Chùa. Chúng tôi chưa có đủ tài liệu về hai cơ sở trên, song
xét về quy mô kiến trúc, những Chùa thuộc loại ba trên, có thể xếp vào hạng đại danh lam.
Trong số hàng ngàn Chùa dựng dưới thời Lý, ngoài một số Chùa lớn được sử sách nhắc đến,
chắc hẳn còn nhiều Chùa nhỏ ở lẫn trong các thôn xóm hoặc núi rừng ít được người đời lui tới.
Những Chùa nhỏ và khuất nẻo ấy, có thể thuộc hạng tiểu danh lam, do nhỏ mà văn bia ít hoặc
không nói tới, dấu vết còn lại rất hãn hữu. Những Chùa loại này lúc đầu có nhiều Chùa chỉ là cái
am nhỏ làm nơi tu dưỡng của một nhà sư. Chùa Linh Xứng trên núi Ngưỡng Sơn trước khi được
Thái uý Lý Thường Kiệt mở mang khang trang, như bia Chùa xác nhận: “trước đây có một ẩn sĩ
riêng xây Am trong ấy và đi duyên hoá mọi phương, tuy đã mở mang nhưng tịnh giới chưa được
nghiêm ngặt”. Ngay cả Chùa Sùng Nghiêm Diêu Thánh, trước khi được Chu Công mở mang lớn,
theo bia Chùa thì nơi đây vốn: “có di tích ngôi Chùa cổ, nền cũ mà gạch ngói vẫn còn, nhà cửa
thì cỏ gai đã mọc.”
Chùa Thầy ở Hà Sơn Bình gắn với núi đá Sài Sơn có nhiều hang động, trong đó có hang Thánh
Hoá là nơi tu luyện của Từ Đạo Hạnh, song những khi xuống nuí, nhà sư lại lập am Hương Hải
để tiếp tục tu luyện.
Gần Chùa Thầy có động Hoàng xá mà ở phía sau cửa động, trong một ngách đá cũng là chỗ tu
luyện cửa một nhà sư, ở trước chân núi ngay trước cửa hang vẫn còn một bệ tượng Phật ghi rõ
dựng năm Hội Phong thứ 8 tức 1099. Đấy là một bệ nhỏ, tương tự bệ Chùa Thầy.
Cũng loại tiểu danh lam này, ở xã Thái Sơn huyện Hiệp Hoà (Hà Bắc) còn có dấu vết của một
ngôi Chùa thời Lý, ngoài một ít chân tảng, ở thượng điện còn cả bệ đá dành riêng cho tượng
Phật, cả kích thước và hình khối như bệ tượng Chùa Hoàng Xá và Chùa Thầy.
Chùa Bảo Ninh Sùng Phước ở Tuyên Quang theo văn bia còn lại ở Chùa, do thái thú Hà Hưng
Tông cho dựng vào năm 1107, ở mãi miền rừng núi hẻo lánh, tuy được văn bia ca ngợi nhưng
đẹp trong khuôn khổ gọn nhỏ: “Xà uốn cong ngỡ cầu vồng bắt nhịp, mái hiên xèo cánh như
chim chóc tung bay. Nhà trắng bao quanh... Tượng vàng đặt giữa... Trầm hương nghi ngút bốc
tới trời mây, chim khách nhịp nhàng vang lừng hang động.”
Bằng cứ vào thư tịch cũ, nhất là những dấu tích kiến trúc hiện còn, kiến trúc thời Lý có giá trị
nghệ thuật gồm cả những kiến trúc dành riêng cho triều đình và kiến trúc Tôn giáo, trong đó nổi
trội lên là kiến trúc Chùa Tháp.
Nhà Lý trong hoài bão xây dựng một quốc gia độc lập quy mô không kém các nước xung quanh;
và trong xu hướng đi lên, rất chú ý xây dựng một nền văn hoá nghệ thuật dân tộc. Bộ mặt trước
hết của nó là kinh thành Thăng Long mà sử cũ nhắc đến nhiều cung điện, hành lang, sân rồng,
vườn thượng uyển, phủ đệ và cả văn miếu... nhưng không cho biết cụ thể kích thước, quy mô,
thường là nhà một tầng, đôi khi có lầu gác. Tài liệu nước ngoài có nói tới cung điện bốn tầng.
Trong khi đó, văn bia đương thời, nhất là giả sử, lại cho biết khá tường tận quy mô to lớn, bề
thế, nguy nga của Chùa Tháp được xây nhan nhản khắp nơi. Sử gia Lê Văn Hưu phê phán nhà
Lý “làm Chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cung điện của vua.”
Lăng mộ các vua nhà Lý được táng ở quê hương Cổ Pháp (nay là xã Đình Bảng, Hà Bắc), thuộc
khu đất có tên là “Rừng Báng” nhưng do không được quy hoạch và định vị rõ ràng, nên ngày
nay không còn thấy dấu vết gì. Đọc lại di chúc của vua Lý Nhân Tông (mất năm 1127), ta thấy
đầy tính khiêm nhường: “Trẫm nghe phàm giống sinh vật không giống nào là không chết. Chết
là số lớn của trời đất, lẽ vật đều thế. Thế mà người đời không ai không thích sống mà ghét chết.
Chôn cất cho hậu để mất sinh nghiệp, trọng để tang đến tổn hại tính mệnh, trẫm không cho là
phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết để cho nhân dân mình
mặc sơ gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, tuyệt cúng tế, làm cho lỗi lại nặng thêm, thiên hạ
sẽ bảo ta là người thế nào?... Việc tang ma chỉ sau ba ngày bỏ áo trở nên thôi thương khóc, việc
chôn cất chỉ kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên chôn ngay cạnh tiên đế.” Ý nghĩa chiếu cố
đến nhân dân như vậy của một ông vua trong lúc giai cấp thống trị đang hưng khởi, chẳng
những đã tạo nên sức mạnh cho nhà nước, còn giải thích tinh thần xả thân của nhà Phật đã
thấm sâu vào người ở ngôi vị tối cao. Các vua Lý đều sùng đạo Phật, khi sống ở những cung
điện không cao to quá mức, thì lúc sắp chết chẳng nghĩ tới việc xây dựng lăng mộ tốn kém làm
gì!
Không xây lăng mộ và cung điện nguy nga, nhưng lại xây Chùa Tháp cao to bề thế, còn là biểu
hiện tâm lý cộng đồng, tập thể đang còn rất mạnh ở người Việt đương thời. Ý thức ấy đã chỉ đạo
việc xây dựng. Cung điện và lăng mộ dành riêng cho vua. Chùa Tháp có cầu chúc cho vua và