Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

Tài liệu Phỏng vấn Giáo sư Đỗ Ngọc Diệp pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (64.17 KB, 7 trang )

Phỏng vấn Giáo sư Đỗ Ngọc Diệp
Viết bởi PV Thùy Linh báo Tuổi Trẻ
Thứ năm, 21 Tháng 8 2008 09:04
I. Câu hỏi về giáo sư
1. Điều gì đã dẫn giáo sư đến với toán?
Tôi thuộc lớp những người lớn lên trong chiến tranh. Chúng tôi tốt nghiệp THPT vào năm
1968 khi mà chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta đang cực kì ác liệt. Toàn dân hy sinh
mọi thứ có thể có, vì chiến tranh bảo vệ Miền Bắc và giải phóng Miền Nam. Trong bối
cảnh như vậy mà năm 1965 Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng vẫn kí sắc lệnh cho lập
hệ các lớp “Toán đặc biệt” (nay là các trường chuyên).
Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đến Khoa học cơ bản nói chung và
Toán học nói riêng. Cái quan trọng hơn cả là nó thể hiện tầm nhìn chiến lược của các nhà
lãnh đạo biết dành bớt xương máu (như lúc đó hay nói) cho mặt trận xây dựng đất nước
sau khi Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong một lần nói chuyện
với Hội Toán học Philippines, tôi đã kể chuyện về “Học toán ở Việt Nam trong hầm trú ẩn
máy bay” đó và các bạn đã thốt lên rằng cái sức mạnh lớn nhanh của Toán học Việt Nam
chính là chỗ đó, cái mà Philippines chưa có.
Năm 1966 tôi được tuyển vào lớp Chuyên Toán của Bộ (lúc đó là Bộ Đại học và Trung
học chuyên nghiệp) khóa 2. Khóa 1 được tuyển trước đó 1 năm và tuy cả hai lớp đều thuộc
Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và
chúng tôi chỉ được tập trung ở Hà Nội rồi đi lên Khu sơ tán Đại Từ, Thái Nguyên và học
cả hai năm cuối cấp PT ở đó. Chúng tôi phải tự làm nhà cho lớp học trong hầm trú ẩn máy
bay ném bom. Thế mà “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao, .....” chúng tôi đi đến
với Toán học.
Cũng xin nói thêm một chút ở lớp đó chúng tôi tự quản nhau như các anh chị sinh viên đại
học (thậm chí tôi còn làm lớp trưởng mới chết chứ). Có một lần lớp tôi đi cắm trại trong
rừng các bạn đi tiền trạm bị lạc, khi báo cáo tình hình với thầy hiệu phó - Giáo sư Toán học
Lê Văn Thiêm, thì việc đầu tiên thầy bảo cho xe ra Đại Từ chặn xem các bạn đó có vì nhớ
nhà quá mà bỏ trốn về nhà thăm mẹ hay không.
Cũng xin nói thêm tí chút, trước cái “lớp chuyên toán A0 của Bộ” tôi cũng học trong lớp 8
chuyên Toán của Tỉnh Hưng Yên và cũng trong tình hình tương tự. Vậy là chúng tôi đi đến


với toán, mặc dù trước đó hầu hết chúng tôi đều là học sinh giỏi và thường là học sinh giỏi
toàn diện. Thế rồi năm 1968 sau khi tốt nghiệp THPT chúng tôi mỗi người mỗi ngả, cũng
có nhiều người đi theo nghiệp Toán học, trong số đó có tôi.
2. Theo g/s, toán có gì đặc biệt, hay hấp dẫn?
Mỗi người có cảm nhận về Toán khác nhau. Theo tôi ai hiểu được cái đẹp nội tại của toán
học thì người đó sẽ thích toán như “dứt không ra”. Có lần diễn giải điều này với các bạn
trẻ tôi đã dùng hình ảnh tiếp thu toán giống như người ăn ớt: ai biết ăn cay thì thấy ớt cay
ngon và bổ, ai không biết ăn thì thấy ớt chỉ cay vô bổ.
Toán học có cái vẻ sùi sì xấu xí bên ngoài là các công thức toán học “khô cằn”. Ấy thế mà
cái “ướt át đến chết người” cũng lại chính là ở các cái công thức đó. Cái đặc biệt của toán
học là cái tư duy logic (đến mức hình thức) mà người ta hay gọi là tư duy toán học. Cái hay
là ở chỗ với những quy tắc logic đó khi ta đã lĩnh hội đúng ta sẽ đi tìm (đi phát minh) ra
các quy luật tự nhiên (và cả nhiều quy luật xã hội) được trừu tượng hóa thành các quy luật
khoa học nội tại của tư duy.
Thường là nhận thức toán học là kết quả của một chuỗi thời gian tư duy, cuối cùng người
học toán “vỗ đùi đánh đét một cái,.... hay thật, có thế mà nghĩ mài không ra!”. Thế là thiền
toán đắc đạo rồi.
Cái hay của Toán học là ở chỗ những thứ tưởng là “duy ý chí” như vậy nhưng lại phản ảnh
đúng các quy luật tư nhiên và xã hội. Có ai có thể nghĩ điều khiển máy bay tên lửa, tàu vũ
trụ mà lại không tính toán ? Thướng là phải cả một trung tâm tính toán đi kèm theo những
công việc như thế. Có ai không dùng tính toán gì mà điều khiển sàn chứng khoán hay quản
lí ngân hàng..... Đó là sức mạnh và cũng là vẻ đẹp của toán học.
Gần đây chúng tôi có dịp hợp tác trong một đề tài nghiên cứu khoa học “Hình học và vật
lý” với một số nhà vật lý đầu ngành chúng tôi có dịp được học lại câu nói nổi tiếng của nhà
vật lý thiên tài Albert Einstein “Toàn bộ vật lý là hình học.....” và phát triển các nghiên cứu
về quan hệ không ngờ giữa vật lý và toán học, ví dụ Tương ứng Langlands (một giả thuyết
cơ bản của Chương trình Langlands mà theo các chuyên gia đầu ngành thế giới đánh giá –
vài ba trăm năm nữa mới có thể kết thúc) tương ứng đến ngạc nhiên với quy luật gì trong
vật lý nữa ngoài đối ngẫu điện từ và đối xứng gương đã được biết đến.
Cho nên toán học trừu tượng đâu có “ở trên mây”, nó phản ảnh đúng quy luật của tự nhiên

và xã hội đây chứ. Tuy nhiên cũng nên hiểu đó là một cách nghiên cứu tự nhiên, chứ
không nên coi là phương pháp duy nhất.
Những điều đại loại kiểu như thế không súc động, không cuốn hút sao được?
II) Câu hỏi về vấn đề dạy toán ở nước ta:
1.G/s hiện có dạy toán ở đâu không? Hay g/s đang tập trung nghiên cứu? G/s dạy toán
được bao nhiêu năm rồi ạ?
Tôi được làm việc ở Viện Toán học từ 1978, ngay sau khi bảo vệ Tiến sỹ ở Đại học
Lomonoxov, Moscow về. Tuy nhiên cũng từ năm đó tôi bắt đầu dạy toán ở Khoa Toán Đại
học Tổng hợp (nay là ĐHKHTN ĐHQG HN) và sau đó là nhiều đại học khác: ĐH Thủy
Lợi, ĐHSP Huế, ĐH Vinh, ĐH Thái Nguyên, ĐHSP TP HCM, .... , liên tục cho đến nay.
Tôi cũng đã dạy ở một số đại học nước ngoài, đặc biệt lâu nhất là dạy ở ĐH Iowa (Mỹ)
1999-2001. Nếu nói về thâm niên và số giờ giảng dạy có lẽ tôi có thâm niên nhiều hơn
nhiều giảng viên ĐH.
Tôi luôn có quan niệm là việc giảng dạy và nghiên cứu luôn đi đôi và và bổ trợ cho nhau
rất nhiều. Thú thật, một số lúc tôi tư duy trên bục giảng tốt hơn ngồi trong phòng làm việc
đóng kín cửa. Đôi lúc tức thì có những ý rất hay có lợi cho công việc nghiên cứu sau đó.
Ngược lại trong lúc ngồi nghiên cứu tôi lại có những ý hay cho việc giảng dạy, ví dụ cái
này cần bắt đâu từ đâu, trình bày thế nào....
Thầy Hà Huy Vũ có nói: đối với việc dạy toán, điều rất quan trọng là trong lớp học, học
sinh có muốn đặt câu hỏi hay không? Và thầy giáo có khuyến khích học sinh đặt câu hỏi
hay không?
Vậy em muốn hỏi g/s: Từ những kinh nghiệm giảng dạy của g/s, g/s thấy học sinh toán
(hay các môn khác) ở VN có đặt câu hỏi trong lớp học không? Và thầy cô giáo VN có
khuyến khích học sinh đặt câu hỏi hay không?
Học sinh của ta thường là hay “ngại hỏi thầy”, có lúc thì ngại vì sợ hỏi lại “lòi ra cái dốt”
có lúc lại sợ “thất lễ với thầy”, ..... Tôi có thử một số lần, khi nào tôi dừng lại đặt câu hỏi
thì chưa chắc đã có em trả lời, thậm chí gọi tên em A, em B cũng không được; nhưng nếu
tôi lưỡng lự (như kiểu “hơi bí”) thì sẽ có em “nói leo” – cái nói leo rất thông minh và bổ
ích. Vì thế cái quan trọng là thầy phải biết cách “kích động học sinh”. Ở Mỹ hay các nước
tiên tiến người ta rất khuyến khích kiểu giao lưu thầy với trò để tìm ra lời giải. Dần dần

học sinh biết tiếp thu chủ động và trao đổi thẳng thắn. Ở ta có một số giáo sư, giảng viên
“lão luyện” dạy theo kiểu “đọc kinh thánh”. Có thầy còn năm nào cũng đúng đến bài đó,
cái đó viết bảng ở góc đó,.... Thậm chí cái nhầm đó năm nào cũng ở đúng chỗ đó..... Có
thầy viết lên bảng đúng “như sách” không sai một dấu chấm, dấu phảy. Thế thì thầy giải
thích gi được. Tệ hại hơn, có lúc có thầy sẽ bí hoàn toàn khi học sinh hỏi “thưa thầy sao
thế ạ”. Có thầy hết sức ‘lịch sự” bất kì câu hỏi nào thầy cũng bảo “tôi sẽ trả lời em vào
buổi sau”. Thế thì làm sao em còn dám hỏi thầy như kiểu gây khó dễ cho thầy nữa. Cái
quan trọng là cần tạo ra một không khí “thảo luận sôi nổi”. Đó là cái cách interactive mà
các nước người ta khuyến khích.
2. Theo g/s, việc giảng dạy toán của ta – ở các cấp bậc khác nhau – có những điểm manh
và yếu điểm gì – so với một số nước khác trong khu vực như TQ hay Ấn Độ (theo em biết
thì 2 nước Châu Á này được coi là cường quốc toán học trên thế giới)?
Việc giảng dạy toán của ta cũng trong một bối cảnh chung của toàn xã hội. Chúng ta còn
nhiều khó khăn về đời sống và cái đó tác động ngay đến việc giảng dạy toán cũng như các
môn khác ở mọi cấp. Thường là học sinh PT yêu toán hay yêu lý, .... là còn ở mức độ hồn
nhiên, thấy hay thì thích học. Khi ở bậc đại học trở lên thì khác, vi nó liên quan đến nghề.
Nhiều em rất thích toán nhưng đành học cái khác theo kiểu “chi Dậu .... dắt cái Tí sang nhà
Cụ Lý nước mắt dàn dụa....” vì học ngành khác sẽ dễ xin việc sau này. Nhiều em không
máu toán cho lắm nhưng lại chọn toán vì các khoa toán lấy điểm chuẩn thấp hơn,..... Ở các
nước như TQ, Ấn độ, tình hình cũng không khác mấy. Nhưng ở những nước phát triển thì
những em có năng khiếu sẽ được có chương trình huấn luyện riêng. Khi tôi dạy ở Mỹ,
Khoa thường xuyên nhắc tôi chú ý phát hiện xem có em nào có năng khiếu đặc biệt, thì cho
họ biết ngay. Ít ra thì em đó cũng sẽ có chương trình huấn luyện thêm riêng, nếu đặc biệt
thì có thầy hướng dẫn riêng, đặc biệt nữa thì cho chuyển đến các đại học danh tiếng. Đấy
là chương trình Honour Student của họ. Nó hoàn toàn không giống chương trình cử nhân
khoa học tài năng của ta.
Việc dạy và học toán của ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng có qua nhiều bất cập. Chương
trình học toán ở bậc học PT được kế thừa từ những chương trình của Pháp thời xưa. Sau đó
ta sáng tạo qua nhiều theo kiểu đẽo cày giữa đường cho nên cải tiến mãi đến nay chương
trình toán PT ở dạng nhồi nhét hơi qua nhiều thứ. Có một lần tôi hỏi một nhà chức trách

sao lại đưa phần này, phần kia từ chương trình đại học vào toán PT, liền được trả lời bằng
cách cho tôi xem sách của nước A, nước B .... cũng có các phần đó. Cứ theo xu hướng đó
có lẽ học sinh ta không cần học đại học nữa! Nhiều nhà giáo dục quá thiên hướng cập nhật
cho nên đã biến học sinh thành những cái túi càn khôn nhét mọi thứ vào đó là đủ “hành
trang vào đời”. Thực ra cái gì cần ở toán học PT là phương pháp tư duy toán học, chứ
không phải biết cộng các số có 13 chữ số với nhau, không phải là thách đố các mẹo vặt và
đặc biệt không phải là các cái máy giải bài tập. Một số kĩ xảo cần thiết thì lại không được
luyện. Là các sản phẩm của học toán kiểu Việt Nam chúng tôi đã phải đánh vật với chính
mình để theo các bạn sinh viên trường ĐH Lomonosov trong những ngày đầu năm thứ I
đại học. Chương trình bài tập hai tháng đầu chủ yếu là dùng đến tính nhẩm và nhận dạng
(không cần thậm chí cấm khảo sát) các đồ thị. Nhìn các bạn làm ngon lành mà mình thấy
cực. Thế rồi khắc phục thì cũng sẽ ngon lành nhưng giá mà được luyện kĩ ở PT. Lại một so
sánh nữa, khi tôi dạy cho sinh viên Mỹ, bao nhiêu mẹo làm bài tập đã biết được huy động
hết mà cũng không đủ để xét tất cả các dạng tích phân tính được. Vậy là cái vốn mình học
mang tính lý thuyết nhiều quá mà thiếu thực hành. Khi tôi phải dạy vẽ đồ thị trên các máy
tính bấm tay loại TI89 (Texas Instruments) hoặc cao hơn, thì mới thấy là mình hoàn toàn
không được học ở PT. Cho nên mới thấy là hành trang vào đời đâu phải là ba cái đạo hàm
hay tích phân như ta nghĩ.
Ở bậc ĐH của ta thì chương trình là rất tản mạn. Chúng ta có lợi thế là có nhiều người
được đi đào tạo ở nhiều nền văn hóa toán học khác nhau về cho nên ai học gì mang về dạy
nấy. Mặc dù có chương trình của Bộ chỉ đạo nhưng vẫn không khắc phục nổi tình trạng đó.
Thậm tệ hơn có người vừa biết chương trình mới của một nước vội bê vào dạy, trong khi
không biết là chương trình như thế đã thất bại ở nhiều nước và đã bị dừng ở nhiều nước (ví
dụ chương trình dạy môn toán giải tích bằng Mathematica). Kết quả là nhìn trên đầu môn
học thì chương trình của ta không thua chương trình các nước tiên tiến nhưng môn nào
cũng chỉ dạy ở dạng “cưỡi ngựa xem hoa”. Sinh viên khá của ta thì tự khắc phục mình khi
vào công việc, nhưng không ít sinh viên khi tốt nghiệp mà thực chất chưa có nghề.
Chúng ta thích sáng tạo, thích cải cách chương trình nhưng mỗi lân cải cái nọ lại sai cái
kia. Nhiều người luôn nghĩ ta kém gì, sao phải nhập ngoại,.... Nhưng thực tế vẫn là thực tế,
ta phải nghiêm túc học kĩ rồi hãy nói đến chuyện cải tiến. Chưa học kĩ sao đã đòi bay bổng

được.
3. Thầy Vũ nói: các nhà toán học, khoa học VN đang sống và làm việc ở nước ngoài sẵn
sàng về nước đóng góp. Và nhà nước cũng rất khuyến khích, cũng như đang tranh luận
nhiều về vấn đề này. Nhưng trên thực tế, VN chưa nghĩ ra những cách thức cụ thể để họ
đóng góp.
G/s nghĩ họ có thể đóng góp – một cách cụ thể - như thế nào?
G/s có quen thuộc với mô hình khuyến khích các nhà khoa học về nước của TQ hay HQ
không? Chúng ta có thế học hỏi gì từ 2 nước này không?
Các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài bây giờ không ít và đặc biệt là không ít người
thành đạt. Thời chúng tôi đi du học là phải “100 đi 100 về” để phục vụ, ai ở lại là phản bội
Tổ quốc, là đào ngũ. Thời đó dễ hiểu vì trong nước đang chiến tranh, ai được cử đi là được
dành phần xương máu chiến trường để cho đi học. Bây giờ ở thời kì xây dựng đất nước,
tình hình thay đổi. Quan niệm đó nay đã lỗi thời và nhiều nhà toán học trẻ đã ở lại những
nơi có điều kiện. Trong cuộc gặp mặt các nhà toán học trong nước và ngoài nước cùng với
ba bộ trưởng: Bộ khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Viện Khoa
học và Cộng nghệ Viêt Nam nhiều nguyện vọng và tâm tư của các nhà Toán học Việt Nam
thành đạt ở nước ngoài và trong nước đã phát biểu, nhiều biện pháp cũng được đề cập. Tại
cuộc gặp mặt đó tôi cũng có đề nghị chúng ta phải cởi trói, phải khắc phục những rào cản
để biến các kì nghỉ Hollyday (về thăm quê hương) của các nhà khoa học Việt Nam ở nước
ngoài thành những cuộc Scientific stays (làm việc thăm viếng khoa học).
Trung Quốc và Hàn Quốc rất có kinh nghiệm trong việc này. Mỗi nhà khoa học của họ
thành đạt ở nước ngoài thường có một ekip làm việc kèm theo ở trong nước và vì vậy việc
hợp tác và giúp đỡ các đồng nghiệp trong nước rất hiệu quả.
Chúng ta còn ít các trường hợp như vậy. Việc này đòi hỏi các nhà khoa học VN ở nước
ngoài phải có những hy sinh nhất định về thời gian, sức lực và cả tiền của. Ở Việt Nam lo
được một xuất mời một nhà khoa học nước ngoài đến làm việc là một việc rất khó khăn. Vì
thế để có được chuyến đi công tác ở Việt Nam nhiều nhà khoa học nước ngoài phải hy sinh
nhiều quyền lợi cá nhân, kể cả tiền bạc.
III) Câu hỏi về việc nghiên cứu toán học:
1.Thầy Vũ nói: Nhược điểm chính của các nhà toán học VN là không có một “chủ đề” hay

“phong cách” chung. VN có rất nhiều nhà toán học giỏi. Nhưng mỗi người đi theo những
vấn đề khác nhau.
G/s nghĩ sao về nhận định này?
Theo g/s, điểm mạnh, và điểm yếu của các nhà toán học VN là gì (đặc biệt khi so sánh với
các nhà toán học của các nước khác trên thế giới?)
Nhận định của GS Vũ là đúng. Nhưng trước hết ta phải hiểu thực tế Việt Nam. Ở Việt
Nam mọi người, kể cả các giáo sư đều gặp khó khăn trong đời sống. Lương cơ bản chỉ vài
trăm USD một tháng trong khi giá cả thì hội nhập, thì làm sao có thể yên tâm làm việc toàn
tâm toàn ý được. Nếu nhà khoa học nào không đi công tác nước ngoài thì phải làm việc
thêm ra tiền.

×