Săn Sóc Da Trong Mùa Đông Cho Trẻ Em
Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận, Chuyên Khoa Nhi Đồng
Mùa đông ở miền Nam California được coi là không thấm thía gì so với khí hậu khắc
nghiệt ở miền Đông nước Mỹ. Tuy nhiên, vì đây là một xứ sa mạc, không khí rất khô,
nên mùa đông không phải là không gây những trở ngại cho trẻ em, nhất là những vấn đề
về da vì da trẻ em nhậy cảm hơn da người lớn. Các em thường bị da khô, ngứa rất khó
chịu, nhất là những em có khuynh hướng dễ bị dị ứng.
Những yếu tố sau đây khiến cho da trẻ em bị ảnh hưởng về mùa đông:
• Khí hậu lạnh, khô, nhiều gió
• Lò sưởi trong nhà
• Quần áo làm bằng vải nhám
• Tắm nhiều lần quá
• Dùng xà bông quá mạnh, quá sạch
Vậy muốn bớt bị khó chịu vì tình trạng da khô trong mùa đông, quí vị có thể theo những
lời khuyên sau đây:
1.Tắm ít lần hơn hoặc tắm nhanh hơn: Không còn gì thích hơn được ngâm mình trong
bồn nước ấm sau khi chơi ngoài trời lạnh. Tuy nhiên, càng ngâm da lâu trong nước, sẽ
càng bị mất đi chất nhờn tự nhiên của da, do đó sau khi tắm xong, da của em sẽ trở nên
khô và ngứa hơn. Chỉ nên tắm nhiều nhất là 1 lần mỗi ngày và không tắm quá 15 phút
mỗi lần.
2.Dùng xà bông nhẹ và có nhiều chất làm nhờn: Sau khi tắm xong, ta thường có một
cảm giác rất sạch sẽ, thơm tho dễ chịu, nhất là khi da sờ thấy rất ...sạch. Tuy nhiên khi sờ
da thấy sạch như vậy, có nghĩa là những chất nhờn tự nhiên của da đã bị xà bông lấy đi
hết. Sau đó, da sẽ trở nên rất khô và ngứa. Nhiều em bé có “cứt trâu” trên đầu là do da
khô. Cha mẹ em lại tưởng rằng do da bị dơ nên càng gội đầu nhiều và dùng xà bông
“mạnh” hơn. Kết quả là da càng bị khô hơn và bệnh của em càng nặng hơn. Những xà
bông có mùi thơm mạnh và xà bông khử mùi (deodorant soap) là khô hơn cả. Nên dùng
những xà bông nhẹ và có chất làm nhờn (moisturizers) như Dove, Olay, Basis...Nếu da
của em quá khô, có thể bạn không nên dùng xà bông mà nên dùng những loại dung dịch
đặc biệt cho da khô như Cetaphil Lotion hay Aquanil.
3.Kỳ cọ, lau chùi một cách nhẹ nhàng hơn: Không nên dùng miếng cọ da quá nhám,
cũng không nên kỳ cọ quá mạnh và lâu. Khi tắm xong, nên chỉ lau khô một cách nhẹ
nhàng thay vì chà xát mạnh.
4. Dùng chất làm nhờn da (moisturizers): Sau khi tắm, nên bôi chất làm nhờn da từ
đầu xuống chân. Dùng Cetaphil, Eucerin, Moisturel, hay Vanicream...
5. Mặc quần áo mềm nhẹ: Lớp quần áo bên ngoài có thể là vải cotton, len hay nỉ. Lớp
quần áo lót sát với da nên là chất lụa hay polyester.
6. Dùng bột giặt không có mùi thơm.
7. Dùng máy làm ẩm (humidifier): Khi bật lò sưởi trong nhà, nên dùng thêm máy phun
hơi ẩm để giữ cho không khí khỏi bị khô. Nên giữ nhiệt độ ở mức 68 tới 75 độ F, không
nên vặn quá cao. Nên mặc nhiều quần áo thêm thay vì vặn lò sưởi quá cao.
8. Dùng kem chống nắng: Ánh sáng mặt trời phản chiếu trên tuyết cũng có tác dụng hại
cho da y như khi dang nắng. Ở California, tuy không có tuyết nhưng về mùa động, mặt
trời nhiều lúc cũng rất chói chang. Vậy ta nên dùng kem chống nắng có chỉ số bảo vệ ít
nhất là 15 cho các em khi ra chơi ngoài trời.
9. Bệnh da khô (Xerosis): Bệnh này xẩy ra rất thường về mùa đông. Dù bạn đã làm đủ
mọi cách như trên, có thể em vẫn bị bệnh da khô. Da em sẽ có những mảng bị hơi rộp lên
và nứt nẻ, ngứa ngáy. Nếu không săn sóc kỹ, tình trạng có thể nặng lên và nhiễm trùng
thêm. Lúc này, da sẽ bị đỏ, có vẩy, nứt nẻ, chẩy nước vàng. Trường hợp này, bạn nên đưa
em đi gặp bác sĩ .
10. Bệnh dị ứng da eczema: Những em đã bị eczema, về mùa đông sẽ bị nặng thêm. Da
các em sẽ đỏ lên, đôi khi có mụn nước và có vết lở, chẩy nước vàng. Em cũng cần được
gặp bác sĩ nếu bị nặng vì có thể phải cần thêm thuốc trụ sinh.
11. Bệnh cóng da (frosbite): Khi các em chơi ngoài trời quá lâu khi trời quá lạnh hay có
gió nhiều, các em có thể bị frosbite, một bệnh da rất nguy hiểm. Frosbite nhẹ cần được
nhận ra để săn sóc trước khi trở thành nặng. Frosbite nhẹ, tức còn cạn, chưa ăn sâu xuống
lớp da bên dưới, thường là những mảng da trắng bệch, tê cứng. Chỉ cần đem em vào chỗ
ấm. Khi được ấm trở lại, da sẽ đỏ lên nhưng không sưng và không có mụn nước. Ngược
lại da bị frosbite bị đỏ lên trước, sau đó trông hơi trắng và như có lớp sáp bên trên, kế đó
là sưng và và mọc mụn nước. Da cũng bị tê, không cảm giác.
Nếu em có triệu chứng frosbite, đem em vào chỗ ấm, cởi bỏ quần áo ẩm và lạnh, đắp mền
cho em. Không nên nhúng chỗ bị thương vào nước nóng vì có thể làm vết thương nặng
hơn. Nếu da bị sưng lên và có mụn nước, cần đem em đi khám bệnh ngay.
12. Chilblains: Rất thông thường nơi trẻ em. Tai, má, ngón tay và ngón chân các em nổi
lên những vùng đỏ tím và đau sau khi chơi lâu ngoài trời quá lạnh. Có thể dùng kem
steroids thoa cho các em.
13. Cần chú ý đến các em khi trời quá lạnh: Nên thỉnh thoảng đem em vào chỗ ấm sau
khi chơi ngoài trời, dù em nói là không lạnh. Nên rửa tay và bôi chất làm nhờn thường
xuyên để tránh bệnh da mùa đông cũng như tránh bị nhiễm trùng.
Bs Nguyễn Thị Nhuận,
Chuyên Khoa Nhi Đồng
Copyright, 2007. Muốn phổ biến bài viết này, cần xin phép tác giả và xin ghi rõ nguồn Y
Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com