Bàn về một số giải pháp việc làm cho thanh niên
Reply Contact
Trần Hoàng Minh Châu
Một trong 6 mục tiêu của chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 được
chính phủ phê duyệt ngày 29/4/2003 là cố gắng giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu
việc làm trong thanh niên; nâng cao thu nhập cho thanh niên và gia đình trẻ. Trong đó nêu
rõ chỉ tiêu cụ thể là : "Tạo thêm nhiều việc làm mới, phấn đấu khoảng 1 - 1,1 triệu thanh
niên được giải quyết việc làm mỗi năm”.
Những năm qua, đường lối đổi mới, phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần do Đảng
ta khởi xướng và lãnh đạo đã góp phần tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để thanh niên có cơ
hội tự tạo việc làm và có việc làm, đáp ứng yêu cầu bức xúc về đời sống, góp phần ổn định
tình hình kinh tế xã hội.
Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, số việc
làm mới được tạo ra hàng năm tăng nhanh, từ 683.000 người/ năm trong giai đoạn 1991-
1995 lên tới 1,2 triệu người /năm trong giai đoạn 1996-2000; tăng trưởng bình quân việc
làm là 2,9% mỗi năm.Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm từ 10% ( năm 1991) xuống 6,28%
( năm 2001). Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn tăng từ 72,1% ( năm 1996) lên
khoảng 74% (năm 2001). Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng lao động cho sản
xuất công nghiệp, xây dựng và các ngành dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp từ 72,6%
( năm 1991) xuống còn 63% ( năm 2000), bình quân mỗi năm giảm 1% lao động nông
nghiệp.Tỷ lệ thanh niên có việc làm tăng trung bình 3,1% năm.
Tuy nhiên chưa bao giờ sức ép về việc làm trong xã hội ta, đặc biệt là việc làm cho giới trẻ
lại thu hút sự quan tâm của nhiều cấp nhiều ngành và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh như hiện
nay. Tính đến năm 2000 số người trong độ tuổi thất nghiệp là 1,45 triệu người, trong đó
khu vực thành thị 692 nghìn người, khu vực nông thôn là 755 nghìn người, chủ yếu là
trong độ tuổi thanh niên và con số này còn cao hơn trong năm 2003.
Thanh niên chiếm 30% dân số cả nước, tương đương với 55,5% lực lượng lao động toàn
quốc, hàng năm có hàng triệu thanh niên đến tuổi lao động cần có việc làm. Mặc dù tỷ lệ
thất nghiệp đã giảm nhưng số người thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng.Tỷ lệ thất nghiệp ở thành
thị vẫn còn ở mức 8,2% và đang có xu hướng tăng lên. Bộ Lao động TB&XH cho rằng vấn
đề cấp thiết đặt ra là đến năm 2005 phải tạo việc làm mới và ổn định việc làm cho 7,5 triệu
lao động, bình quân 1,5 triệu lao động/năm; Tăng tỷ trọng lao động trong sản xuất công
nghiệp và xây dựng lên 20-21%, lao động trong các ngành dịch vụ lên 22-23%/năm, giảm
lao động nông nghiệp xuống còn 56-57%. Để đạt mục tiêu này ngoài những nhiệm vụ cơ
bản mà nhà nước ta đã đề ra, chúng tôi xin góp mấy ý kiến trong việc tạo việc làm cho
thanh niên hiện nay:
Thứ nhất, tạo việc làm cho thanh niên từ khu vực nông nghiệp. Thường thì khi nói đến vấn
đề giải quyết việc làm cho thanh niên người ta hay đặt nhiều hy vọng vào khu vực công
nghiệp và dịch vụ. Nhưng ở đây xuất phát từ đặc thù của một nước nông nghiệp, chúng tôi
muốn quan tâm hơn đến việc giải quyết việc làm từ khu vực này trước. Chiến lược thanh
niên đưa ra chỉ tiêu " tăng tỷ lệ thời gian lao động trong năm của thanh niên khu vực nông
thôn lên 85% vào năm 2010”. Điều này tưởng chừng như mâu thuẫn vì chúng ta đang phấn
đấu giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp. Nhưng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp không có
nghĩa là thoát ly nông nghiệp. Như chúng ta đã biết, gần 80% dân số nước ta sống bằng
nông nghiệp. Vì vậy tìm việc làm từ nông nghiệp là một việc làm hết sức tự nhiên và cần
thiết. Tuy nhiên giải quyết việc làm ở đây phải đi theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông
nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất trên một ha đất. Cả nước ta hiện có trên 9,3
triệu ha đất nông nghiệp. Giá trị sản lượng nông nghiệp của chúng ta khoảng 9 tỷ
USD/năm, bình quân 1000 USD/ha. Trong khi đó Đài Loan chỉ có hơn 900 ngàn ha đất
nông nghiệp mà giá trị sản lượng tới 14 tỷ USD/năm, giá trị tạo ra từ 1ha đất nông nghiệp
của bạn gấp 15 lần ở nước ta. Vì vậy, điều cần thiết ở khu vực nông nghiệp hiện nay là
phải tạo ra được một lực lượng lao động có kiến thức, có tri thức khoa học công nghệ, đặc
biệt là công nghệ sinh học mà theo chúng tôi, không ai khác ngoài lực lượng lao động trẻ
phải đảm đương trọng trách. Muốn giải quyết việc làm ở khu vực này, cần hướng nghiệp
cho thanh niên học sinh đi vào các ngành nghề nông lâm ngư nghiệp, chế biến, sinh hoá
thực phẩm và có kế hoạch trở về phục nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Như
vậy vừa giãn được sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, khắc phục tình trạng sinh viên
sau đào tạo dồn về các thành phố lớn, vừa tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực
nông nghiệp nông thôn đang cần tri thức khoa học công nghệ trên con đường CNH,HĐH.
Mặt khác nhà nước phải khuyến khích khu vực dịch vụ chế biến, biến những sản phẩm
nông lâm ngư nghiệp thành hàng hoá. Hoa quả của Việt Nam nhiều và ngon, sản lượng
cũng đang tăng lên nhưng vì cách bảo quản và bao bì của chúng ta kém nên không cạnh
tranh được trên thị trường thế giới và khu vực. Việc thành lập các xí nghiệp vừa và nhỏ để
làm bao bì, các xưởng bảo quản chế biến nông lâm sản sẽ giải quyết rất nhiều việc làm
đồng thời tạo được nếp sống công nghiệp hoá hiện đại hoá cho nông nghiệp nông thôn.
Phải chuẩn bị một lực lượng lao động với kiến thức khoa học công nghệ tại chỗ kết hợp
với các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, các trường đại học để xử lý sản phẩm nông
lâm ngư nghiệp sau thu hoạch thì mới nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của chúng
ta, làm cho hàng hoá nước ta đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, mang lại lợi nhuận cao.
Đất đai nông nghiệp cũng là nơi có thể giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên bằng
cách khuyến khích những người trẻ mở mang các trang trại, lâm trại, ngư trại, tạo các
ngành nghề như nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả,
nấm, và các loại cây trồng khác. Mới đây chúng tôi đến huyện Quảng Điền, Thừa Thiên
Huế, một vùng cát trắng mênh mông, hàng trăm ha đất trống chưa được khai thác. Được sự
ủng hộ của chính quyền, gần đây đã có nhiều thanh niên mạnh dạn vay vốn trồng phi lao,
keo tai tượng, bạch đàn, sắn, thành lập những khu trồng nấm giải quyết được khá nhiều
việc làm cho thanh niên địa phương. Nếu mỗi trang trại giải quyết được việc làm cho 20
thanh niên như Quảng Điền thì hàng chục ngàn trang trại gộp lại cũng có được một lượng
lớn thanh niên có việc làm chính đáng ngay tại quê hương mình.
Thứ hai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ hợp hợp tác xã tư nhân phát triển, tạo thêm
nhiều việc làm cho lao động trẻ. Mười năm qua, kinh tế tư nhân tăng cả về số lượng, vốn
kinh doanh và lao động, tạo ra 40% GDP cho cả nước. Hộ kinh doanh cá thể có số lượng
lớn, phát triển rộng rãi từ nhiều năm nay. Năm 2000 cả nước có gần 10.000.000 hộ kinh
doanh cá thể, hàng ngàn hợp tác xã... với đa dạng ngành nghề sản xuất cũng tạo được hàng
triệu việc làm cho nhân dân, trong đó thanh niên chiếm số đông, những mô hình này cần
nhân rộng hơn nữa trong tương lai. Nên chăng bên cạnh các hoạt động xã hội Đoàn TN,
Hội LHTN cũng nên tổ chức các hợp tác xã thanh niên như HTX nuôi bò giống ở Đồng
Tháp mới đây góp phần nhân giống cây con có chất lượng cao và tạo việc làm tại chỗ cho
thanh niên.
Thứ ba là giải quyết việc làm trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, các ngành nghề mũi
nhọn. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2010 thu hút thêm 4,8 - 5 triệu lao động trẻ vào khu
vực công nghiệp, xây dựng; 2,8 - 3 triệu lao động trẻ vào khu vực dịch vụ như chiến lược
thanh niên đã đề ra thì về phía Nhà nước phải tìm mọi cách thu hút đầu tư nước ngoài vào
khu vực công nghiệp. Chú trọng mở mang các ngành dịch vụ, trong đó có du lịch và
thương mại là hai ngành luôn có thế mạnh và ít kén chọn nhân công. Còn đối với khu vực
công nghiệp thì ngành Giáo dục đào tạo và Dạy nghề phải có đối sách cung ứng đầy đủ số
lao động có tay nghề, được dạy nghề để đáp ứng yêu cầu, khuyến khích thanh niên học
nghề để tìm việc làm tại các khu công nghiệp tập trung. Tránh tình trạng có việc làm nhưng
thiếu nhân công có tay nghề như ở Bình Dương, Đồng Nai, Dung Quất... thời gian qua.
Thứ tư là giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 0,8
đến 1 triệu lao động và chuyên gia trẻ, Nhà nước phải có kế hoạch mở rộng thị trường xuất
khẩu lao động và chuyên gia, tạo ra nhiều công ty, trung tâm giới thiệu cung ứng xuất khẩu
lao động có tín nhiệm, tránh xảy ra tình trạng lừa đảo, nâng giá dịch vụ lao động và thiếu
thông tin về thị trường lao động cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên khu vực nông thôn.
Và cũng cần có kế hoạch hướng dẫn những kiến thức cần thiết cho người đi lao động nước
ngoài để họ có thể nhanh chóng nhập cuộc, tự tin khi đến lao động tại nước bạn, tạo nên
chất lượng nhân công cao, bình đẳng với các nước có lao động xuất khẩu trong khu vực.
Bên cạnh đó nhà nước cũng cần có các cam kết với các nước nhập khẩu lao động những
quy ước về quyền và trách nhiệm của người lao động, về các chính sách bảo vệ nhân phẩm
của người Việt Nam lao động ở nước ngoài, không để xảy ra tình trạng mang con bỏ chợ
như Sa moa, Ma laixia và một số nơi mà báo chí đã đưa.
Thứ năm là giải quyết việc làm qua việc phục hồi và mở rộng các làng nghề truyền thống.
Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia...nhờ phục hồi và đầu tư
cho các nghề truyền thống mà tạo được việc làm cho nhiều người, sản xuất được những
mặt hàng xuất khẩu có giá trị mang lại nguồn lợi đáng kể cho đất nước. Việt Nam là một
nước có nhiều làng nghề truyền thống như chạm khảm, dệt, thêu ren, mây tre đan... Ví dụ
riêng Hà Tây, một tỉnh phía Nam Hà Nội đã có 1.116 làng nghề , trong đó có 411 làng có
20% số hộ làm nghề, 120 làng được cấp bằng công nhận làng nghề với hơn 50% số dân
sống bằng nghề truyền thống, giúp hàng ngàn lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là
thanh niên có việc làm. Nếu có sự quan tâm đầu tư thoả đáng trên khắp cả nước sẽ có hàng
vạn làng nghề , không những giải quyết việc làm được cho nhiều thanh niên mà còn bảo
tồn được ngành nghề truyền thống, mang lại lợi ích lâu dài cho quốc gia, dân tộc.
Đối với một quốc gia có số dân phát triển nhanh như nước ta, giải quyết việc làm luôn là
một vấn đề không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên nếu Đảng và Nhà nước có chủ
trương, chính sách định hướng đúng và ngành giáo dục đào tạo, tổ chức Đoàn thanh niên,
Hội LHTN biết cách tuyên truyền vận động và mỗi gia đình có ý thức trong việc lựa chọn
ngành nghề cho con em thì vấn đề cũng sẽ đơn giản hơn nhiều.
Trích Tạp chí Thanh niên
Tăng Bá Hoàng
TT Công nghệ Thông tin
TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ NỘI