EMBA: tấm hộ chiếu quốc tế mới
Phù hợp hơn với nhu cầu của những công chức đang làm việc, EMBA
(Executive Master of Business Administration) đã trở thành một xu hướng mới trên thị
trường đào tạo quản trị kinh doanh.
“Đây là tấm bằng sẽ bùng nổ trong 5 năm tới”, Matt Symonds, Tổng giám đốc
của World MBA Tour và là tác giả của cuốn «MBA Career Guide», tin tưởng: EMBA
là một loại bằng cấp mới để đạt được những vị trí cao trong doanh nghiệp. Vào năm
2003, lInsead, Oxford, trường đại học kinh tế London và một số trường kinh tế,
thương mại của Pháp đã đưa thêm chương trình mới này vào danh mục đào tạo.
EMBA là gì? Đó là chương trình đào tạo bán thời gian, dành cho những nhà
quản lý có kinh nghiệm thực tế mong muốn hoàn thiện hơn trong khả năng quản lý để
tiếp tục theo đuổi con đường công danh. “Đó là một tấm bằng quản trị kinh doanh
không có những điều phiền nhiễu của MBA”, Laurent Aymard, 35 tuổi, giám đốc tài
chính của tập đoàn Taittinger, đang theo một khoá học EMBA tâm sự, “không có vấn
đề gì khi tôi mất một năm rưỡi để học, vẫn được nhận lương và tiến bộ hơn trong công
việc. EMBA cho phép tôi không phải hi sinh bất cứ thứ gì”. Ba tháng sau khi bắt đầu
học EMBA, Aymard đã được bổ nhiệm làm giám đốc chiến lược và phát triển của bộ
phận khách sạn của tập đoàn.
Cho tới nay, loại bằng cấp lý tưởng để thâm nhập vào những vị trí cao giá của
các công ty đa quốc gia đó là bằng MBA theo kiểu của những trường như Havard hay
Insead: một dạng đào tạo 1 hoặc 2 năm, toàn thời gian dành riêng về lý thuyết cho các
nhà lãnh đạo đã có 3 đến 4 năm kinh nghiệm.
Bằng MBA không còn được đánh giá cao
Ngày nay, chi phí đắt, thời gian đào tạo quá dài và quá chênh lệch về chất lượng
đào tạo giữa các trường khác nhau đã khiến cho bằng MBA không còn giữ được cái
nhìn thiện cảm của nhiều người. Nhãn hiệu không được bảo vệ, số lượng người đạt
được bằng cấp này tăng lên ồ ạt. Chỉ riêng năm 2003, khoảng 15 chương trình mới đã
xuất hiện tại Pháp. Hầu hết các trường đều lao vào cuộc phiêu lưu, không có danh
tiếng, giao lưu quốc tế và năng lực để có thể giải thích cho khoản học phí từ 8.000 tới
90.000 euro tại Pháp, cao hơn nhiều so với Mỹ. Sự đa dạng hoá các loại hình bằng cấp
ngay cả khi nó được coi như là tốt hơn cho việc đáp ứng nhu cầu, lại trở nên có hại cho
sự minh bạch của lĩnh vực đào tạo kinh doanh. Hiện có rất nhiều loại bằng MBA:
MBA qua mạng, MBA tăng cường trong 10 tháng, MBA chuyên môn hoá theo từng
nghề nghiệp (quản trị nhãn hiệu, quản trị bán hàng,…), theo lĩnh vực (hàng cao cấp,
lĩnh vực hàng không, các phương tiện thông tin đại chúng) hoặc thậm chí theo vùng.
Kết quả là MBA không còn được đánh giá cao. “Chúng tôi nhận thấy thí sinh
đăng kí giảm từ 15 tới 20%”, Valérie Gauthier phụ trách chương trình MBA của
trường HEC, nổi tiếng thứ hai sau Insead của Pháp cho biết. Hiện tượng này đã mang
tính toàn cầu: khắp nơi, nhu cầu đào tạo bằng MBA hiện đang ở mức thấp nhất từ 5
năm nay. Đơn đăng kí thi GMAT (Graduate Management Admission Test), bài đánh
giá trình độ được phần lớn các trường đào tạo kinh doanh yêu cầu, đã giảm 30%.
Bên cạnh đó vấn đề việc làm dành cho người có bằng MBA cũng khiến cho
nhiều người nghi ngại. Theo Business Week, 20% sinh viên tốt nghiệp năm 2003 của
30 trường danh tiếng nhất thế giới vẫn chưa kiếm được việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp
bằng MBA so với 3% vào năm 2000. Về mặt lương bổng, theo MBA Career Guide, đã
giảm từ năm 2002 và hiện xuống mức của năm 1999. “Thật giả lẫn lộn và tất cả mọi
người phải trả giá cho điều đó”, Sylvain Daudel, người phụ trách chương trình MBA
tại Insead cho biết. Jean, 37 tuổi cũng đang tìm một công việc mới từ 6 tháng nay.
Một thời cơ ít thuận lợi
“EMBA là một câu trả lời cho những thất bại của hệ thống MBA”, Christophe
Boisseau, giám đốc marketing IFG Paris, người đưa ra chương trình EMBA vào tháng
4 năm 2002 với sự hợp tác của trường đại học Concordia de Montreal cho biết. Quả
thực, trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy, ai dám đặt cược sự nghiệp để lấy được
một tấm bằng?
Thị trường lao động rất tiêu điều. “Hiện có 10 ứng viên cho mỗi vị trí tuyển
dụng. Dù có MBA hoặc không, một nhà tuyển dụng luôn ưu tiên những ứng viên có
khả năng tác nghiệp cao nhất”, Emeric Lepoutre, nhân viên săn đầu người của văn
phòng quốc tế Heidrick & Struggles cho biết. Loại hình đào tạo bán thời gian của
EMBA, thứ sáu-thứ bảy-chủ nhật hoặc một tuần mỗi tháng cho phép nhân viên vẫn
duy trì được công việc trong khi tham gia khoá đào tạo. Họ cũng có thể nhanh chóng
áp dụng những kiến thức mới học vào thực tế công việc.
Tuy nhiên cũng cần thận trọng trước các chiêu thức marketing của loại hình đào
tạo này. Cũng giống như bằng MBA, việc chấp nhận thuật ngữ “executive” biến đổi từ
trường này sang trường khác. Đối với một số trường, đó là một cách thức tổ chức bán
thời gian, nhưng nội dung lại không khác gì so với bằng MBA cổ điển. Với một số
khác, thuật ngữ này dựa vào mức độ kinh nghiệm nghề nghiệp có được: từ 4 tới 10
năm tuỳ trường hợp. Có trường lại là vấn đề về nội dung giảng dạy. “Được các doanh
nghiệp tài trợ tới 75% các trường hợp, EMBA là một dự án chung cho cả người sử
dụng lao động lẫn nhân viên khi mà tấm bằng MBA trở nên cần thiết với những người
muốn thay đổi lĩnh vực hay doanh nghiệp”, François Collin, giám đốc chương trình tại
HEC cho biết.
Mặc dầu vậy, vẫn còn tồn tại một vấn đề, đó là dung hoà việc học, việc làm và
cuộc sống gia đình. Về mặt này, EMBA có thể nặng nề hơn MBA. “Tôi không bao giờ
được dừng lại. Không có nghỉ hè, không nghỉ cuối tuần, 15 tới 17 giờ làm việc mỗi
ngày, bài tập và các buổi học đã ngốn hết cả buổi tối”, Florence Klein, phóng viên tại
đài France 3 đang theo học lớp Executive MBA tại HEC than thở.