Tải bản đầy đủ (.pdf) (23 trang)

Tài liệu Nghiên cứu tình huống trong đầu tư tự doanh (Phần 3) ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (285.05 KB, 23 trang )

Nghiên cứu tình huống trong đầu tư tự doanh
(Phần 3)

Đầu tháng tư năm 1987, có hai sinh viên bước vào văn phòng của Giáo sư
Ron Ditchin’s tại trường đại học Bessemer và tự giới thiệu về bản thân. Họ là
Scott Tompkins và Rachel Waller. Bạn bè của Scott khuyên anh nên nói chuyện với
giáo sư Ron về kế hoạch mở một đại lý du lịch ở Bessemer. Giáo sư đã mời hai
người bạn đến trình bày những ý tưởng đó với mình. Hơn ba tuần sau, giáo sư đã
có vài cuộc thảo luận về ý tưởng kinh doanh mới với Scott. Không thể diễn tả hết
sự hăng hái của Scott đối với kế hoạch này trong khi cha mẹ anh lại không mấy
nhiệt tình cho lắm. Trong một lá thư gửi cho giáo sư Ron (xem Minh họa 2.1), cha
của Scott đã bày tỏ những lo ngại của ông khiến giáo sư thấy băn khoăn không
biết nên giải quyết tình huống này như thế nào. Hơn nữa, điều đó còn làm giáo sư
hồi tưởng lại quãng thời gian bình yên với công việc của một giảng viên đại học.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC BESSEMER

Nằm tại Hillsborough, bang California, cách San Francisco khoảng 24 km,
trường đại học Bessemer là một trường đào tạo về lĩnh vực kinh doanh có tiếng ở
miền tây với gần 1.500 sinh viên đại học, 250 sinh viên theo học chính quy MBA,
1.300 sinh viên theo học MBA bán thời gian và khoảng 100 giáo viên giảng dạy
chính thức tại trường. Tờ Barrons của Mỹ đã đánh giá trường Bessemer có khả
năng cạnh tranh cao do các sinh viên của Bessemer đều có thể am hiểu về đầu tư
tự doanh lẫn các môn học truyền thống. Trường đại học Bessemer có uy tín trên
khắp thế giới, được xem như trường đại học số một về giảng dạy và nghiên cứu
đầu tư tự doanh. Mỗi nhóm nghiên cứu về đầu tư tự doanh của trường gồm năm
giảng viên chính thức tham gia.

DẪN CHỨNG 2.1: Lá thư của Robert Tompkins bày tỏ nỗi lo lắng của
mình
Ngày 30 tháng 4 năm 1987
Giáo sư Ronald C.Ditchin


Trường Đại học Bessemer
Hillsborough, CA 92126

THƯ RIÊNG

Giáo sư Ditchin kính mến!

Tôi rất cảm ơn Giáo sư về sự quan tâm, động viên, khích lệ và lời khuyên
mà Giáo sư đã dành cho Scott trong việc theo đuổi ước mơ trở thành một nhà đầu
tư tự doanh của cháu.
Tôi rất tự hào về Scott. Từ một học sinh trung học bình thường, cháu đã
vươn lên trở thành một sinh viên đại học xuất sắc và học tập bằng một nghị lực
mạnh mẽ. Cách đây không lâu, Scott còn ngập ngừng khi bước vào thư viện,
nhưng giờ đây, không chỉ dành hàng tiếng đồng hồ ở thư viện Bessemer mà còn
tìm kiếm thông tin trên bất kì nguồn nào cháu thấy hay. Cháu còn đến cả thư viện
ở Stanford và Berkerley.
Mùa hè năm ngoái, Scott nhận được một công việc ở Bear Stearns, Boston
– một công việc mà bao nhiêu sinh viên khác đang quyết tâm theo đuổi. Scott hoàn
thành tốt công việc đến nỗi giám đốc chi nhánh của Bear Stearns ở San Francisco
cũng nghe tiếng và đã mời cháu tới đó làm bán thời gian, giúp họ xây dựng hệ
thống quản lý giá cả cho văn phòng của họ.
Sang thu, tôi khuyên Scott nên tự mình thành lập một công ty nhỏ để có
kinh nghiệm thực tế bổ ích. Khi đó, cháu đang làm một chương trình về cung cấp
phân tích đầu tư khách hàng cho nhân viên môi giới chứng khoán, nhưng rồi lại
thôi sau khi nhận thấy một số người môi giới không muốn có chương trình đó.
Trong một cuộc thảo luận ở nhà giữa hai cha con suốt kỳ nghỉ lễ Giáng
sinh, chúng tôi cũng có đề cập đến ý tưởng mở một đại lý du lịch tại trường đại
học. Scott đã theo đuổi ý tưởng này bằng cách nói chuyện với Giáo sư và những
giáo sư khác, cũng như tìm hiểu về kế hoạch mở đại lý du lịch cùng với những
sinh viên đã tốt nghiệp.

Scott khẳng định rằng Giáo sư nói với cháu dự án này rất khả thi; rằng bằng
cách tác động lên ban quản lý nhà trường, các cháu có thể mở được văn phòng ở
Fenn Hall; rằng có thể huy động vốn đầu tư mạo hiểm để tài trợ cho hoạt động
kinh doanh và có thể tận dụng được một số mối làm ăn của trường Bessemer bằng
cách thuyết phục Jerry Kyoto. Còn giờ đây, Scott thực sự rất phấn khích và dồn
toàn bộ tâm huyết vào kế hoạch này. Cháu tổ chức một cuộc khảo sát và chỉ trong
vòng hai ngày đã nhận được trên 400 hồi âm. Khỏi cần nói với Giáo sư là cháu nó
thực sự vui sướng đến thế nào. Nhưng sáng nay khi gọi điện cho tôi, tâm trạng
cháu rất tệ do bị điểm C bài kiểm tra môn Kinh tế học tuần trước. Dự án kinh
doanh đang ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập của cháu và đó thực sự là một
vấn đề lớn.

Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi các giáo sư giúp đỡ và khuyến khích sinh viên
khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhà trường nên có một quy định để giới hạn nghiêm ngặt
về quy mô của các dự án kinh doanh, như vậy chúng sẽ không gây ảnh hưởng đến
kết quả học tập của sinh viên. Thứ hai, nên nhấn mạnh trước hết đến việc học hỏi
kinh nghiệm xây dựng một dự án kinh doanh có thể thực hiện được, mà quan trọng
hơn là phải tìm hiểu thực tế về sự khởi đầu và hoạt động của một doanh nghiệp.
Những gì Scott đã làm trong dự án này là đọc mấy cuốn sách và tổ chức
cuộc khảo sát. Cháu cũng có tên của một số sinh viên trường Bessemer đang làm
cho các công ty du lịch ở San Francisco.
Tôi đã đưa ra cho Scott một số câu hỏi và đề nghị dưới đây. Vì chúng mà
Scott cho rằng tôi cấm đoán và không ủng hộ cháu:
1. Con đã bao giờ thảo luận ý tưởng của mình với bất kỳ người
nào làm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch hay chưa? (Cháu chưa bao giờ
làm việc cho một đại lý du lịch.)
2. Con định làm thế nào để vừa điều hành một công ty hoàn
chỉnh vừa đến trường? (Cháu định thuê một nhà quản lý chuyên nghiệp làm
trọn thời gian để điều hành công ty cho mình.)
3. Tại sao con không thu hẹp phạm vi kinh doanh lại, hướng

đến một cái gì đó mà con hoàn toàn có thể vừa quản lý vừa theo học tại
trường, ví dụ con có thể bắt đầu bằng việc bán vé máy bay? (Không có câu
trả lời.)
4. Tại sao con không bàn với những sinh viên trường
Bessemer đang làm ở các công ty du lịch về ý tưởng con sẽ đứng ra làm chi
nhánh cho công ty của họ tại trường đại học của con? (Không có câu trả lời.)
5. Con định làm thế nào để giải quyết các vấn đề tài chính của
công ty? (Câu trả lời là nhờ vào vốn đầu tư mạo hiểm.)

Scott đang sống với ý nghĩ rằng Giáo sư đã khuyến khích cháu tăng tốc,
rằng cháu thông minh, quyết đoán, tham vọng và sẽ thành công. Nhưng tôi nghĩ
bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp.
Cháu nó đang dự tính sẽ ở lại trường trong mùa hè này, tham gia các lớp
học hè và theo đuổi kế hoạch kinh doanh của mình. Tôi hỏi cháu sẽ làm gì để kiếm
tiền trả học phí cho các lớp học hè và thuê nhà. Cháu nói chưa biết. Tôi hỏi tiếp
cháu định làm gì để kiểm được 3.500 đô-la để đóng học phí năm sau, mà số tiền
này nó có thể kiếm được nếu làm thêm trong hè? (Cũng không có câu trả lời).
Tôi nghĩ mình đã nói quá nhiều rồi. Tôi chỉ mong Giáo sư giúp tôi nói
chuyện với Scott. Giáo sư hãy nói với cháu rằng tôi và Giáo sư đã bàn bạc rất kỹ
và từ đó, Giáo sư khuyên cháu về nhà trong dịp hè này, tiếp tục suy nghĩ về dự án
kinh doanh, hoàn thành các nghiên cứu (đặc biệt là nói chuyện với những người
làm trong các công ty du lịch) và làm việc cho Bear Stearns hay một đại lý du lịch
nào đó ở Boston. Giáo sư hãy nói với cháu rằng bất cứ khi nào cháu muốn thảo
luận về dự án thì đều có thể nói chuyện với Giáo sư qua điện thoại cũng được và
hãy khuyên cháu nên nghỉ ngơi, thư giãn trong kì nghỉ hè rồi trở lại trường vào
mùa thu cùng với một cái đầu tỉnh táo, sáng suốt, một làn da rám nắng và một kế
hoạch hoàn chỉnh.
Rất cảm ơn Giáo sư đã giúp đỡ.

Kính thư


Robert Tompkins


Giáo sư Ron Ditchin

Mùa thu năm 1985, Ron Ditchin bắt đầu giảng dạy tại trường Bessemer với
tư cách là phó giáo sư thỉnh giảng (visiting associate professor). Lý lịch tóm tắt
của ông được trích dẫn ở Minh họa 2.2. Ron vừa phụ trách giảng dạy ba khóa học
đầu tự tư doanh trong mỗi học kỳ (khối lượng công việc bình thường của một
giảng viên tại trường Bessemer) vừa làm chuyên viên điều phối các chương trình
nghiên cứu đầu tư tự doanh của trường, cố vấn chuyên môn cho Tổ chức Trao đổi
các vấn đề về đầu tư tự doanh của Bessemer (Bessemer Entrepreneurial
Exchange), đồng thời là một nhà nghiên cứu tích cực trong lĩnh vực vốn đầu tư
mạo hiểm. Sau học kỳ đầu tiên làm việc tại trường Bessemer, ông được trường
mời ở lại tiếp tục giảng dạy. Vì thế, ông xin từ chức ở trường đại hoc Hayward,
nơi ông đang là phó giáo sư trong quá trình xét duyệt vào biên chế của trường
(tenure-track asscocite professor).
Trong 18 tháng đầu tại trường Bessemer, Ron đã viết được ba bài báo trên
các tạp chí đã được giới chuyên môn công nhận và hai bài báo mời phỏng vấn,
diễn thuyết tại hai hội nghị quốc gia, được mời làm thành viên Hiệp hội giảng dạy
đầu tư tự doanh của Học viên Quản trị (Academy of Management), xuất bản hai
cuốn sách về phê bình và là nhà phê bình báo chí cho Hội nghị thường niên của
Học viện Quản trị.
Trường đại học Bessmer yêu cầu rất ngặt nghèo về chất lượng giảng dạy và
đề cao tầm quan trọng của nó khi xem xét quyết định đề bạt hoặc đưa giảng viên
vào biên chế chính thức. Dựa trên những đánh giá của sinh viên và bản đánh giá
hàng năm của trưởng khoa, Ron cảm thấy các sinh viên và đồng nghiệp trong khoa
hài lòng với chất lượng giảng dạy của ông. Ông cũng biết được mình là một trong
số những giảng viên được các sinh viên đề cử cho giải thưởng “Giáo viên của

năm”, nhưng rốt cuộc ông không dành được danh hiệu đó.
Ron đã có bằng tiến sĩ toán học ứng dụng và trúng tuyển vào chương trình
đào tạo Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (Doctor of Business Administration – DBA)
của trường đại học San Francisco. Ý định ban đầu của Ron khi đăng kí chương
trình này là học hỏi thêm những phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội và khoa
học kinh doanh. Nhưng ông nhận thấy trường Bessemer muốn ông lấy bằng DBA
trước khi họ đưa ông vào biên chế chính thức của nhà trường chứ không chỉ ở vị
trí thỉnh giảng. Ông vượt qua kì thi tổng hợp vào tháng một năm 1987 và chuẩn bị
viết luận án tiến sĩ vàơ mùa hè.

DẪN CHỨNG 2.2 Hồ sơ cá nhân
RONALD C.DITCHIN

Ronald C.Ditchin, Cử nhân văn chương – BA (Đại học Harvard, 1959),
Thạc sĩ khoa học – MS, Tiến sĩ – PhD (Đại học Brown, 1964), Cử nhân Quản trị
kinh doanh (Santa Clara, 1979), phó giáo sư thỉnh giảng và chuyên viên điều phối
chương trình nghiên cứu đầu tư tự doanh của trường đại học Bessemer. Những
lĩnh vực chuyên môn mà ông quan tâm bao gồm đầu tư tự doanh, công nghệ mới,
vốn đầu tư mạo hiểm và thay đổi tổ chức. Công trình nghiên cứu mới đây của ông
viết về những dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào các công ty công nghệ cao và
có nhiều cải tiến. Năm 1984, ông cùng với một cộng sự đã xây dựng và khởi động
IHS Data Base Service.

Trước khi bắt đầu công việc giảng dạy tại trường đại học vào năm 1979,
tiến sĩ Ditchin đã nghiên cứu cơ bản về cấu trúc phân tử ADN, sáng lập một quỹ
đầu tư mạo hiểm hỗ trợ khởi nghiệp, và quản lý một bộ phận của công ty NYSE.
Công ty của ông đã nhận được giải thưởng công nghệ cao vì đã phát triển một
trong số hàng trăm sản phẩm công nghệ đáng chú ý được giới thiệu tại Mỹ năm
1976. Ông đã quảng bá các sản phẩm công nghệ ra toàn thế giới. Ông cũng là tác
giả của một cuốn sách giáo khoa và một số bài báo về sinh lý thực nghiệm.


Ông cũng là cố vấn chiến lược cho các tập đoàn công nghệ. Trong số những
khách hàng gần đây của ông có 3M, Hewlett-Pakard, Intel, Beckman và Syntex.

SCOTT TOMPKINS: KHỞI NGHIỆP LÀM ĐẠI LÝ DU LỊCH

Ron chưa từng gặp Scott hay Rachel cho đến khi họ bước vào văn phòng
của ông. Scott và bạn mình đã tìm đến Ron để xin một lời khuyên về khả năng trở
thành nhà đầu tư tự doanh của họ. Đây là năm học thứ hai tại trường đại học, vì
vậy Scott và Rachel cần phải đăng ký khóa học đầu tư tự doanh bắt buộc đầu tiên
của mình vào mùa thu tới nếu muốn chọn chuyên đề trong môn học này. Ron giải
thích những yêu cầu của chuyên ngành đầu tư tự doanh và khuyến khích họ cân
nhắc việc này. Ông cũng cho họ biết rằng một trong số những khóa học bắt buộc
sẽ yêu cầu họ phải viết một dự án kinh doanh dành cho một công ty mới khởi
nghiệp.
Scott nói với Ron về việc anh muốn mở một đại lý du lịch tại trường đại
học. Vị giáo sư hỏi Scott câu hỏi muôn thuở mà ông luôn dành cho bất kì sinh viên
nào đến chia sẻ với ông những dự án kinh doanh của họ, đó là: Em biết gì về
___________? Trong trường hợp này từ điền vào chỗ trống là “những đại lý du
lịch”. Scott trả lời:
- Chúng em phải đi lại rất nhiều. Em sống ở Boston.
Giáo sư hỏi tiếp:
- Đã có ai trong số hai em từng làm việc cho một đại lý du lịch
nào chưa?
- Dạ, chưa ạ.

×