Bệnh tự kỷ
Các bà mẹ đừng vội mừng khi thấy đứa con 2-3 tuổi của mình đọc sách
vanh vách hay biết làm toán. Các dấu hiệu được cho là "thần đồng" này có thể là
một triệu chứng tự kỷ - hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em.
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi
Trung ương, cho biết, cơ sở này từng tiếp nhận một số ca tự kỷ có dấu hiệu "thần
đồng". Gần đây là một bệnh nhân 15 tuổi. Hồi 2-3 tuổi, cháu đã biết đọc vanh vách các
dòng chữ trên sách báo, trên tường, biển quảng cáo... và được báo chí nêu tên như một
hiện tượng kỳ diệu. Do quá tự hào về con, bố mẹ không để ý đến những biểu hiện khác
lạ, khi nhận ra thì cháu đã lớn. Hiện cháu học lớp 8 nhưng không theo kịp chúng bạn,
bố mẹ cho đi học chỉ để cháu không khóc đòi mà thôi.
Những dấu hiệu như sớm biết đọc, biết làm toán... ở trẻ nhỏ được gọi là "khả
năng bất thường". 10% số trẻ tự kỷ có đặc điểm này. Tuy nhiên, sự thông minh kỳ lạ
này thường chỉ biểu hiện ở một khía cạnh, còn về tổng thể, trẻ vẫn bị rối loạn phát
triển. Nếu không điều trị, những khả năng ấy cũng có thể mất đi, chỉ còn lại một đứa
trẻ không có khả năng hòa nhập với cuộc sống.
Theo tiến sĩ Hà, khoảng 30% trẻ tự kỷ có chỉ số IQ bình thường, 10% là thần
đồng, số còn lại là chậm phát triển trí tuệ.
Mặt khác, nếu những trẻ "thần đồng" được khám ngay hồi nhỏ, bác sĩ sẽ phát
hiện ra những bé tuy đọc vanh vách nhưng lại không hiểu gì. Nhiều bệnh nhân của tiến
sĩ Hà biết hết bảng cửu chương, nhưng không làm được phép tính 1+ 1. Có cháu thuộc
làu làu cả bảng nội quy mấy chục điều dài dằng dặc, nhưng khi bác sĩ hỏi có hiểu gì
không thì cháu cũng lặp lại một cách dập khuôn: "Có hiểu gì không?".
Nhiều trẻ tự kỷ biết đọc sớm và có sự ham thích kỳ lạ với chữ và số. Cha mẹ
vui mừng và tự hào, đem rất nhiều sách báo cho con xem, khiến trẻ càng vùi mình vào
các đồ vật này và bệnh ngày càng nặng.
Vì vậy, các bà mẹ nên để ý đến con nhiều hơn khi có biểu hiện "thần đồng", và
nếu có các dấu hiệu tự kỷ thì nên đưa đi khám.
Tự kỷ có triệu chứng gì?
Trẻ gần như không có giao tiếp bằng mắt hay các giao tiếp không lời như gật
đầu, lắc đầu, chỉ tay. Khi muốn yêu cầu vật gì, trẻ không biết chỉ mà cầm tay bố mẹ
đặt lên vật đó.
Không chơi với ai, chỉ một mình. Trẻ cũng không biết chia sẻ niềm vui, mối
quan tâm với người khác, chẳng hạn như khoe áo đẹp, mang cho xem đồ chơi mình
thích. Trẻ không quan tâm, biểu lộ tình cảm với người khác, nhìn người như nhìn đồ
vật.
Chậm hoặc hoàn toàn không có khả năng nói; có nói nhưng đảo lộn cấu trúc
câu, hoặc ngôn ngữ dập khuôn trùng lặp (người lớn hỏi gì, trẻ không trả lời được mà
lặp lại chính câu hỏi).
Không biết chơi đồ chơi, chỉ cầm lên đập đập rồi ném. Trẻ thường chỉ chọn
chơi vài thứ nhưng không dùng đúng chức năng, chẳng hạn với ô tô thì chỉ lật lên,
quay bánh xe.
Nhiều trẻ bận tâm dai dẳng đến các chi tiết của vật, có thể "nghiên cứu" các chi
tiết một cách say sưa mê mải, bà mẹ không biết lại nghĩ con mình có phong thái bác
học.
Có sự ham thích kỳ lạ đối với một số đồ vật, chẳng hạn như lon sữa, cái que,
viên sỏi... Trẻ tự kỷ thường bị cuốn hút bởi những vận động khác thường (như vào
phòng là nhìn ngay quạt trần, đèn); và đặc biệt rất thích quảng cáo trên truyền hình.
Có những cử chỉ tay chân bất thường, dập khuôn như vê tay, xoắn vặn tay. Do
không quan tâm đến ngoại cảnh nên trẻ tự kỷ gần như không biết sợ. Cháu có thể lao
ra đường, xe cộ qua lại vẫn ngồi yên.
Trẻ tự kỷ không bắt chước như mọi trẻ em khác, không thích nghi với sự thay
đổi. Đang chơi một đồ chơi, nếu lấy đi hoặc thay đổi vị trí, cháu sẽ lăn ra khóc, đập
đầu, giật tóc...
10% trẻ tự kỷ bị điếc nhưng vẫn nghe được một số loại âm thanh. Nhiều trẻ "giả
điếc", bố mẹ gọi thì như không nghe, nhưng lại rất thính với một số tiếng nhạc. Khứu
giác, vị giác cũng bất thường, có trẻ không chịu ăn cơm, chỉ ăn chất bẩn, phân.
Phần lớn trẻ tự kỷ rất hiếu động, chạy nhảy, phá phách không biết mệt. Một số
khác lại lờ đờ, không hoạt động.
Tiến sĩ Thu Hà cho biết, tự kỷ chỉ có thể chẩn đoán sau 18 tháng tuổi, nhưng
trước đó đã có những dấu hiệu sớm như: khóc nhiều, nhận biết kém, ít quan tâm đến
bố mẹ, không biết lạ quen, mắt nhìn xa vắng. Nếu nghi ngờ, nên tư vấn với bác sĩ nhi
khoa để theo dõi.
Tự kỷ có thể chữa khỏi không?
Theo bà Hà, khả năng phục hồi của trẻ tự kỷ phụ thuộc vào 3 yếu tố: Thời điểm
can thiệp (tốt nhất là 18-36 tháng tuổi, khi trẻ đang học nói, cũng là lúc não phát triển
nhanh nhất), sau đó là nội dung can thiệp và sự kiên trì của bố mẹ. Nếu đảm bảo cả 3
yếu tố này, tỷ lệ trẻ trở lại bình thường là 30%; số còn lại đều có tiến bộ rõ rệt.
Theo chuẩn mực thế giới, trẻ tự kỷ phải được phục hồi chức năng bằng chương
trình can thiệp thường xuyên liên tục: 8 giờ mỗi ngày, 22 ngày mỗi tháng, kéo dài tối
thiểu 6 tháng. Mỗi kỹ thuật viên phụ trách một cháu. Khoa Phục hồi chức năng Bệnh
viện Nhi Trung ương đang trị liệu cho các cháu theo chương trình hiện đại của thế
giới, nhưng do bệnh nhân quá đông nên phải rút ngắn liệu trình. Mỗi cháu được can
thiệp nửa tiếng mỗi ngày trong 2-3 tuần, rồi nghỉ 1 tháng trước khi bắt đầu liệu trình
mới.
Tiến sĩ Thu Hà cho biết, việc điều trị trẻ tự kỷ ở Việt Nam còn rất hạn chế vì
các trung tâm phục hồi chức năng cho đối tượng này chỉ có ở 2 thành phố lớn là Hà
Nội và TP HCM. Trong khi đó, tỷ lệ tự kỷ là 0,2%. Việc điều trị cần liên lục và lâu dài
nên phần lớn bệnh nhi ở các tỉnh không có điều kiện ra thành phố.
Việc phát hiện trẻ tự kỷ cũng rất khó khăn vì hiện rất ít bác sĩ có hiểu biết về
hội chứng này. Nhiều trường hợp phụ huynh phát hiện thấy biểu hiện khác lạ của con
như chậm nói, hiếu động... nhưng bác sĩ lại bảo không sao cả, cháu vẫn bình thường.
Đến khi các biểu hiện quá rõ ràng, bệnh mới được phát hiện.
Khó khăn nhiều khi lại đến từ các bậc cha mẹ. Nhiều người nhận ra các bất
thường của con từ rất sớm nhưng không muốn tin con mình bị tự kỷ. Tiến sĩ Thu Hà
cho biết, trong số trẻ có chẩn đoán tự kỷ, chỉ 1/3 được bố mẹ cho can thiệp, số còn lại
chữa bằng châm cứu, bấm huyệt hoặc Đông dược. Một số phụ huynh khác cho con
điều trị sớm nhưng không đủ kiên trì, thấy có tiến bộ đã ngừng, sau đó đưa trẻ quay lại
bệnh viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp lâu hơn.