Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Đẹp sững sờ rừng cấm Nghi Sơn Quảng Nam pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (257.67 KB, 4 trang )

Đẹp sững sờ rừng cấm Nghi Sơn

Quả là một điều kỳ lạ khi nằm ngay giữa vùng bán sơn địa ấy lại là một khu rừng nguyên
sinh với hàng trăm cây gỗ quý lừng lững chọc trời xanh, cạnh đó làng Nghi Sơn nằm
thoải mình trên dốc núi đẹp như tranh vẽ.
Tính từ ngã ba Hương An (quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quế Sơn) ngược lên hướng núi
chừng 15km là gặp làng Nghi Sơn. Được bao bọc bởi dãy núi Hòn Tàu cao chót vót, bốn
mùa mây phủ, vậy nên người ta gọi đây là vùng bán sơn địa.
Từ trên triền dốc cao nhìn xuống, người đi đường có thể tận hưởng cảnh đẹp hoang sơ
của một góc núi Hòn Tàu. Con đường bêtông dẫn vào làng cứ trườn dài theo chân núi
như một con rắn khổng lồ. Làng Nghi Sơn nằm giữa một thung sâu bình yên đến kỳ lạ.

Miếu thờ những vị khai sơn lập ấp đầu tiên ở làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam).


Báu vật của làng

Mới sáng sớm, trưởng thôn Nghi Sơn Đinh Hữu Hoàng tay cầm rựa, vai vác cuốc treo
con gà lủng lẳng. Thấy khách lạ, chưa kịp chào hỏi, ông than: “Tối qua con beo xông vào
tận chuồng bắt gà” và con gà mà ông mang đang theo là do con beo vồ chết.
Bên ly nước chè xanh, giọng đầy tự hào, ông Hoàng kể lai lịch của khu rừng Miếu Cấm:
“Tất cả người ở làng đều là con dân Thanh Hóa theo chân vua Lê mà Nam tiến mở cõi,
khi đến vùng đất này họ đã hạ trại lập làng. Để tưởng nhớ làng quê cũ, những người khai
khẩn đã lấy tên làng cũ là Nghi Sơn đặt cho vùng đất mới. Ngôi Miếu Cấm trong khu
rừng già này cũng hình thành từ đây. Nó được coi là thành trì tâm linh vững chãi của ngôi
làng. Bao nhiêu đời ông cha tụi tui đều lớn lên từ cánh rừng thiêng ấy”.

Để minh chứng cho lời nói của mình về khu rừng, ông Hoàng vui vẻ dẫn chúng tôi đi về
hướng núi. Đó là một khu rừng rộng chừng 10ha, xung quanh được bao bọc bởi những
khoảnh ruộng bậc thang xanh mướt. Con đường độc đạo chạy quanh khu rừng già được
điểm đủ sắc hoa dại từ sim, mua đến dũ dẻ, ngũ sắc, vông vang...


Bước chân vào rừng, cảm giác đầu tiên là thiếu ánh sáng mặt trời. Cái nắng như nung
giữa trưa bỗng nhiên chùng xuống, mất hẳn. Có lẽ những tia nắng mặt trời đã không đủ
để xuyên qua được những tàn cây rậm rạp của rừng Miếu Cấm.
“Cái quý nhất của rừng Miếu Cấm đó là giữ được thảm rừng bản địa với đủ loại cây gỗ
quý... Người trong làng đã bảo vệ nó bằng những quy định ghi rõ trong hương ước”. Rồi
ông Hoàng bảo: những năm chiến tranh, dân trong làng chạy vào rừng Miếu Cấm này trú
ngụ, dù bom đạn làm nhiều cây lớn gãy đổ. Chiến tranh kết thúc, cánh rừng này bắt đầu
hồi sinh. Bây giờ những cây gỗ lớn nhất một người ôm không xuể.
Theo tay ông Hoàng chỉ, trước mắt chúng tôi là cánh rừng xanh thẳm như chiếc ô khổng
lồ nằm cạnh làng. “Mà lạ lắm, trong làng cấm đã đành, dân nơi khác cũng không ai dám
vào rừng này để săn bắt, chặt cây.
Không biết thuở khai đất lập làng, tổ tiên đã ngắm thế nào mà khu rừng giờ đây như một
bình phong án ngữ ngôi làng trước gió bão và trở thành báu vật của làng.
Hương ước
“Tôi cam chắc rằng ít miền quê nào lại có thế núi hướng sông đẹp như ở Nghi Sơn này” -
ông giáo làng Đinh Hữu Năm, cựu trưởng thôn Nghi Sơn, người nhiều năm bỏ công ghi
chép lại lai lịch ngôi làng nói, giọng hể hả.

Một góc khu rừng cấm.


Quả đúng như lời ông Năm. Ngôi làng chưa đầy 130 nóc nhà này cứ bám quanh triền núi
tạo nên một quần thể dân cư hài hòa đẹp mắt. Có lẽ vì gần cửa rừng nên cổng vào nhà
nào cũng có những gốc cây cổ thụ với đủ hình thế, thậm chí có gia đình còn tỉa tót cổng
ngõ tạo nên những tán cây rừng xinh xắn. Nhà được thiết kế theo kiểu lưng dựa vào núi
đá, mặt hướng ra đồng ruộng bậc thang phía trước...
Ông Năm bảo có lẽ ngày xưa ông bà sống với núi rừng, lấy thiên nhiên làm bầu bạn nên
trong hương ước của làng ghi rất rõ: “Cấm cư dân trong làng vào rừng chặt củi làm than.
Nếu vi phạm sẽ bị làng xử phạt. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì đòn roi, nghiêm trọng hơn thì
đuổi ra khỏi làng”. Nguyên tắc bất di bất dịch ấy lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Xưa bày nay làm, vậy nên suốt cả mấy chục năm sau chiến tranh ở làng này không ai
dám vào rừng đốt củi làm than. Nhờ vậy rừng Miếu Cấm mới tồn tại xanh tươi được như
hôm nay.
Không hề đụng đến một gốc cây rừng, giờ đây làng Nghi Sơn còn nổi tiếng trong việc
phủ xanh đồi trọc bằng những dự án trồng rừng. Ông Phạm Đình Bảy - chủ tịch UBND
xã Quế Hiệp - nói: “Dẫu mang tiếng sống bằng nghề nông nhưng cả làng Nghi Sơn chỉ có
45ha lúa ruộng bậc thang, canh tác nhờ nguồn nước trời. Vậy mà đời sống kinh tế ở đây
ai cũng khá giả. Tất cả đều nhờ vào rừng đó”.
Theo ông Bảy, làng chỉ có hơn 120 hộ nhưng lại có trên 250ha rừng chủ yếu là keo, bạch
đàn... Nếu tính bình quân thì một năm mỗi hộ kiếm được 50-60 triệu đồng từ việc bán gỗ.
Nếu không có hương ước ông cha để lại và người dân không có ý thức bảo vệ rừng thì
giờ đây dân trong làng chắc vào rừng làm lâm tặc".
Ông giáo Năm mời chúng tôi đến ngày 8 tháng giêng về Nghi Sơn chơi. “Về để thấy cảnh
tết quê rộn rã thế nào”. Theo lời ông giáo già, đó là ngày hội của làng. Hằng năm cứ ra tết
âm lịch một tuần, dân trong làng tụ tập trước cổng đình để cúng bái tiền hiền, đền ơn
người khai hoang lập đất. Người làng dù bán buôn đâu xa cũng tìm cách về dự hội làng.
Người góp của, kẻ góp công để trống hội làng Nghi Sơn nổi lên khắp cánh rừng Miếu
Cấm.
Tiền cúng hương của dân trong làng đóng góp nếu xài không hết thì bỏ vào quỹ khuyến
học để thưởng cho con em học giỏi trong làng. Lúc tiền nhân lập làng có dành 3 sào
ruộng (khoảng 1.500m2) trước rừng Miếu Cấm để trồng lúa lo việc cúng bái. Ngày nay,
tuy tiền quyên góp nhiều nhưng ba sào ruộng dân làng vẫn giữ. Giữ đất, giữ rừng, giữ lời
người xưa cũng là một cách tri ân tổ tiên vậy!

×