Chụp ảnh trời mưa, gió
Bạn là người ưa dùng phim cổ điển? Giải pháp đơn giản là lựa chọn
các phim có tông màu ấm và tương phản cao như: Fuji Velvia 50, Kodak
Elitechrome ExtraColor 100 có khả năng ghi hình tốt những độ tương phản
thấp và giảm bớt tông màu lạnh của trời mưa.
Bạn dùng máy ảnh kỹ thuật số (dSLR)? Để làm cho hình ảnh ấm áp
hơn thì việc lựa chọn vị trí cân bằng trắng (WB) ở Mây mù là thích hợp.
Trong trường hợp máy ảnh của bạn cho phép chỉnh cả độ bão hoà mầu, mầu
sắc...thì bạn nên thử hết để tìm ra một cách hiệu quả nhất cho hình ảnh của
mình. Nên xem lại hình ảnh bằng màn hình máy tính đã được chỉnh màu
chuẩn để có thể biết chính xác kết quả.
Bạn muốn chụp ảnh hạt mưa đang rơi? Ý tưởng độc đáo đấy! Để đạt
được hiệu quả mong muốn thì tốc độ chụp phải lớn hơn 1/500. Nếu trời vẫn
còn sáng sủa thì ngay cả với thể loại ống kính amateur kém nhạy sáng thị
bạn vẫn có thể ghi được hình ảnh đẹp với khẩu độ ống kinh mở rộng và
phim có độ nhạy cao.
Sự trợ giúp của đèn Flash trong chế độ "fill-in" (cân bằng với ánh
sáng của không gian) sẽ tạo nên một hiệu quả thú vị của những hạt mưa ánh
lên một lớp sáng dịu dàng. Để tránh hiện tượng những hạt mưa ở vị trí tiền
cảnh bị thừa sáng bạn nên lùi lại một chút để có một khoảng cách thích hợp
với làn mưa. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng các loại đèn flash nhà nghề thì vấn
đề này không phải là phức tạp lắm.
Những hạt mưa cũng hoàn toàn có thể được ghi lại bằng tốc độ chậm
(1/30)khi đó chúng sẽ đem lại cảm giác liên tục như một dòng nước chảy.
Bạn có thể thử chụp cảnh mưa với những tốc độ chậm hơn nữa để có một
bức ảnh với một màn nước xối xả đầy ấn tượng. Cách xử lý này đặc biệt đạt
hiệu quả cao khi chụp trong đêm tối với ánh sáng của phông tản ra, loé lên
qua những hạt mưa....
Chụp ảnh khi trời gió
Người ta thường hay nói "mưa gió" vì hai yếu tố này luôn gắn liền với
nhau và cho dù bạn sử dụng một chiếc máy SLR hay dSLR thì các mạch
điện tử ở bên trong chúng không hề...tương thích với sự...ngấm nước một
chút nào hết cả! Trong hoàn cảnh này thì một kính lọc trung tính là cần thiết
để bảo về bề mặt ống kính của bạn và nên sử dụng một chiếc túi ni-lông bao
bọc lấy toàn bộ thiết bị chụp ảnh. Nếu bạn nhất thiệt phải chụp ảnh khi trời
mưa thì việc dán thêm một chút băng dính ở phần đầu ống kính với túi ni-
lông sẽ hạn chế đáng kể sự thấm nước không cần thiết ấy.
Trời gió to thì mọi vật đều chuyển động: mây, cây cối, những vật
nhẹ...Như thế để tái tạo lại ấn tượng này thì tốc độ chậm là giải pháp tuyệt
vời nhất. Thêm vào đó gió to sẽ làm cảnh vật chao đảo và làm sai số đáng
kêt độ nét, như thế hoá lại hay vì ta sẽ có những tấm ảnh rất...nghệ thuật!
Nếu như ánh sáng tự nhiên quá mạnh khiến cho bạn không thể sử dụng tốc
độ chậm thì chỉ cần dùng thêm một kính lọc phân cực (Polariseur) để giảm
tốc độ xuống 2 nấc. Nếu bạn muốn chụp ảnh những cơn sóng quay cuồng
trong gió lớn thì tốc độ cao 1/500 sẽ giúp bạn bắt được hình ảnh những con
sóng đẹp dữ dội. Kinh nghiệm cho thấy cần quan sát kỹ trước hướng gió và
hình dáng các con sóng từ xa, so sánh chúng với những con sóng đến trước
và nhất thiết cần phải bấm máy một khoảnh khắc trước khi con sóng vỡ tan
vào các tảng đá hay bờ biển. Để làm sinh động thêm tấm ảnh của mình bạn
nên chọn một vị trí đẹp mà từ đó có thể lấy thêm vào trong cảnh hình các
ngôi nhà, hình người hay những vật thể quen thuộc để làm chuẩn so sánh với
kích thước của các con sóng.
Còn về việc đo sáng thì bạn hoàn toàn có thể tin cậy giao phó cho máy
đo sáng tự động ở chế độ "Multizone" - đo sáng phức hợp, để lấy được đủ
các chi tiết. Nếu bạn lại muốn ưu tiên ánh sáng cho một chủ thể cố định thì
có thể đo sáng trước vào đó và chịu hy sinh chi tiết trong ngọn sóng bị thừa
sáng.
Sau khi chụp ảnh xong thì việc đầu tiên bạn cần làm là sấy khô các túi
máy, dùng các loại khăn đa dụng lau chùi thật cẩn thận vỏ máy ảnh sau đó
dùng khăn khô bằng vải mềm lau sạch các vết bẩn và nước đọng trên máy
ảnh.