Nghề làm giấy Sắc Phong ở Hà Nội:
Một nghề truyền thống cần được khôi phục và gìn giữ
Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nhiều ngành nghề
thủ công truyền thống của cả nước. Trải qua hàng ngàn năm giữ gìn, xây dựng và
phát triển với những làng nghề, phố nghề và những ngành nghề thủ công truyền
thống, Hà Nội ngày nay ngày càng thể hiện một diện mạo, tiềm năng phong phú và
đa dạng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau nên nhiều nghề, làng nghề thủ công
của Hà Nội đã bị mai một, hoặc mất dần theo thời gian - trong đó có nghề làm giấy
Sắc phong (làng Nghĩa Đô), nghề làm giấy Dó (Bưởi) vốn nổi tiếng một thời trên đất
kinh kỳ. Điều đó đặt ra cho chúng ta một nhiệm vụ phải bảo tồn và giữ gìn các
truyền thống, tinh hoa của các nghề của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
1. Giới thiệu sơ lược về nghề làm giấy ở Hà Nội
Người dân vùng Tây Hồ - Hà Nội khi nói về nghề thủ công làm giấy đều tin rằng từ thế
kỷ thứ tám, thứ chín đã có một ông Tổ nghề giấy (không biết từ đâu tới) đầu tiên xuất
hiện ở vùng Cầu Giấy (Làng Thượng Yên Quyết) nhưng gặp nhiều chuyện không vừa ý,
nên chỉ dạy cho dân làng Cót (Hạ Yên Quyết) cách dùng những đầu mẩu vỏ đỗ, làm ra
giấy thô. Liền đó ông Tổ đến làng Yên Thái (Bưởi - tên tục làng Giấy) dạy cách làm giấy
lệnh, sang Nghĩa Đô (làng Nghè) dạy làm giấy sắc, sang Hồ Khẩu dạy làm giấy moi, đến
Đông Xã dạy làm giấy quỳ… Các làng vùng Bưởi ven hồ hằng năm, cứ đến ngày 16
tháng Ba (âm lịch) đều mở hội cúng Tổ nghề.
Có giả thiết cho rằng trước đó rất lâu, người Việt đã biết làm giấy kể từ khi Đạo Phật,
Đạo Nho, Đạo Lão du nhập vào nước ta cho đến khi nhà nước Đại Việt ra đời và định đô
ở Thăng Long thì nghề này ở Yên Thái đã phát triển mạnh. Giấy Dó Yên Thái đã từng là
mặt hàng triều cống cho triều đình nhà Tống của đời vua Lý Cao Tông (1176- 1210).
Trong sách "Dư địa chí" (1435), Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến phường Yên Thái ở
Thăng Long gồm nhiều làng: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô làm ra
nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của
vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ vv.
Nghề làm giấy cổ truyền ở Yên Thái xưa cũng đã khá phức tạp, nó đòi hỏi từng loại thợ ở
từng công việc cụ thể phải có kinh nghiệm và giỏi nghề. Sự chuyên môn hoá ấy còn chịu
sự chi phối bởi mục đích sản xuất, sản lượng và chất lượng giấy theo yêu cầu. Vì thế mà
các làng kẻ Bưởi đã trở thành một phường nghề phát triển cho đến tận thế kỷ 19, khi mà
các loại chế bản với phương thức in mới không còn phù hợp với loại giấy cũ. Từ những
công đoạn đầu tiên là bóc, giã vỏ cây dó, cho đến các công đoạn phức tạp hơn như nấu,
lọc, seo giấy đều cần những người thợ lành nghề.
Để sản xuất giấy Dó bằng phương pháp thủ công cần dùng nguyên liệu cây Dó từ rừng
núi Tuyên Quang, Phú Thọ vận chuyển theo sông Hồng về thẳng đây. Sau nhiều công
đoạn công phu, tạo nên tờ giấy khổ lớn, trước khi tô vẽ rồng mây, nó còn phải “giã Dó”
(dùng cối), “Nghè” (dùng chày đập vào giấy đặt trên đá). Có lẽ giấy ở vùng này đã cũng
cấp phần lớn lượng giấy cho nhu cầu cả nước, nên tiếng chày giã Dó một thời đã thành
một trong những nét đặc trưng của kinh kỳ đi vào ca dao thành một điểm đặc trưng cho
các làng nghề ở đất Thăng Long - Hà Nội. Âm thanh ấy đã đi vào ca dao, dân ca, đã gợi
cảm hứng cho những tâm hồn thi nhân nghệ sĩ qua nhiều thế kỷ [01]
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toà ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”
Nguyễn Huy Lượng cũng mô tả trong "Tụng Tây Hồ phú" về nhịp chày của làng nghề
làm giấy:
“Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”
Nhịp chày đó cũng phản ánh được sự khó nhọc của những người thợ làm giấy:
“Giã nay rồi lại giã mai
Đôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày”
hay:
“Seo đêm rồi lại xeo ngày.
Đôi tay nhức buốt vì mày giấy ơi”
Sản phẩm truyền thống của Yên Thái chủ yếu là giấy bản để in sách và viết chữ nho
(bằng bút lông, mực tàu) và giấy dó (dầy hơn giấy bản) để in tranh dân gian. Ngoài ra,
thợ giấy Yên Thái cũng sản xuất loại giấy moi, giấy phèn bằng nguyên liệu xấu hơn. Mặt
giấy ấy khô ráp, bán cho khách mua để gói hàng.
Không chỉ riêng người làng Yên Thái làm giấy, mà bao gồm cả làng Đông Xá, Hồ Khẩu,
Làng Nghĩa Đô cũng có nghề làm giấy. Tuy nhiên, trong những làng nghề làm giấy trên,
chỉ có dòng họ Lại Thế của làng Nghĩa Đô mới làm được giấy Sắc. Cho đến giờ, dân gian
Hà Nội còn lưu truyền những câu ca đầy tự hào: [01]
“Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng kéo cờ mở hội hùng ghê”
hoặc
“Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô
Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ”
Dòng họ Lại ở Nghĩa Đô đời nối đời làm một loại giấy đặc biệt, gọi là giấy Sắc dành
riêng cho vua dùng để viết các Sắc (tên một loại văn bản quản lí thuộc thẩm quyền ban
hành của các vua thời phong kiến Việt Nam) trên nền giấy nổi lên mờ mờ hình rồng phun
mây. Dân gian quen gọi loại giấy Sắc là giấy Nghè, để chỉ thứ giấy làm ở làng Nghè (tên
cổ của làng Nghĩa Đô, sau này thành xã Nghĩa Đô).
Sản phẩm quý hiếm ấy chỉ có dòng họ Lại ở Nghĩa Đô được làm và nhà vua cũng chỉ
nhập qua nhà thầu của họ Lại ở Nghĩa Đô làm ra. Theo con cháu hậu duệ họ Lại ở Nghĩa
Đô, thì nghề làm giấy sắc là do chúa Trịnh Tráng, đặc ân giao cho cụ Lại Thế Giáp,
nguyên là con rể Trịnh Tráng đặc quyền làm. Số lượng làm nhiều ít theo nhu cầu của
triều đình. Để điều hành công việc, nhà chúa đã giao cho cụ Lại Thế Vinh tước "Đô
Thịnh Hầu" trực tiếp đảm nhiệm.
Sau này, dưới triều Nguyễn - vào thời vua Khải Định - có năm Nhà nước đặt thợ Nghĩa
Đô làm hàng vạn tờ giấy sắc. Năm 1925, vua Khải Định làm lễ "Tứ tuần đại khánh" dùng
giấy sắc phong tước cho bách quan, bách thần nên năm đó làng Nghĩa Đô làm nhiều giấy
sắc nhất. Lúc đó họ Lại phải làm hàng vạn tờ sắc để kịp cho nhà vua ban khen quần thần,
họ Lại phải tập trung cả họ để làm và cũng là năm đỉnh cao của nghề làm giấy sắc ở
Nghĩa Đô. Giá giấy sắc lúc đó rất cao, mỗi tờ giấy sắc thời đó là một đồng bạc Đông
Dương (tương đương một lượng vàng), bởi giấy sắc làm rất khó nguyên vật liệu để trang
trí đều là vàng, bạc nguyên chất. Họ Lại ở đây có nhiều gia đình làm giấy sắc như: nhà cụ
Xã Vi, cụ Phó Nhiệm, cụ Trương Lại, cụ Trương Xứ, cụ Xã Lịch, cụ Phó Nhiên, cụ Bếp
Kiệm, cụ Lại Thế Bàn.
Qua buổi trao đổi với lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Nghĩa Đô đầu tháng 11/2009 và
đến tìm hiểu thực tế tại một số gia đình trong dòng họ Lại, nhà thờ tổ Họ Lại ở phường
Nghĩa Đô, chúng tôi được biết cụ Lại Thế Bàn là nghệ nhân cuối cùng biết được bí quyết
và công nghệ làm giấy Sắc đã mất năm 2003. Trước đó cụ đã truyền nghề cho các con. Vì
vậy dòng họ Lại cho chỉ còn hai người con của cụ Lại Thế Bàn là Lại Phú Thạch và Lại
Thị Hà biết được bí quyết làm giấy Sắc. Những người khác trong dòng họ như ông Lại
Phú Quyết (trưởng họ), Lại Phú Kỳ (Phó ban Quản lí họ) và các thành viên khác cũng chỉ
nắm được những nội dung cơ bản của quy trình đó mà thôi.
Sắc Phong
2. Giấy Sắc và quá trình sản xuất
Sở dĩ gọi là giấy Sắc là cách gọi tắt của làng nghề và dòng họ Lại đối với sản phẩm giấy
được cung cấp cho Triều đình và được dùng vào văn bản Sắc do Nhà vua ban hành.
Trước đây, các triều đại phong kiến Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản
quản lí khác nhau như: Luật “Hình thư” (thời Lý), “Quốc triều thống chế” còn gọi là
“Quốc triều hình luật” (thời Trần); “Luật Hồng Đức” (thời Lê), “Hoàng Việt luật lệ” còn
gọi là “Luật Gia Long” (thời Nguyễn). Dưới Luật còn có các văn bản như: Chiếu, Lệ,
Lệnh, Sắc, Chỉ, Dụ, Cáo, Sách, Hịch, Biểu, Sớ, Tấu, Điều trần, Đề, Khải, Giấy thông
hành, Tư di, giáo thị, Phiếu nghĩ vv.
Sắc phong Việt Nam bao gồm hai loại: các sắc thần, tức là sắc phong của vua cho các vị
thần linh đang được dân gian thờ phụng tại làng xã trong các đình, miếu, từ đường… và
các sắc phong chức tước, là loại sắc phong của vua dành cho quý tộc, những quan chức
có công trạng với vương triều. Cả hai loại sắc phong có các giá trị nhất định về lịch sử -
văn hoá. Sắc phong là văn bản ghi tên tuổi của các nhân vật lịch sử gắn với quê hương,
bản quán; Là tư liệu để nghiên cứu tín ngưỡng dân gian (qua các loại sắc thần); Sắc
phong phản ánh hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính có niên
đại cụ thể - một cứ liệu quan trọng cho ngành văn bản học trong việc xác định niên đại.
Ngoài ra, cách viết sắc thể hiện nghệ thuật thư pháp Hán Nôm qua các thời kỳ, việc sản
xuất giấy sắc và cách trang trí hoa văn họa tiết cũng phản ánh những đặc trưng văn hoá
dân tộc và quan trọng hơn cả là nét chữ cùng với hoa văn của sắc là những tiêu chí để
nghiên cứu các tư liệu về Hán Nôm.
Sắc là văn bản do vua ban hành nhằm mục đích: [07]
- Thứ nhất, dùng để ra lệnh cho các nha môn và thần dân thực hiện các nhiệm vụ công
tác và các việc cụ thể thuộc lĩnh vực quản lí nhà nước.
Ví dụ: tháng 12 năm Đinh Hợi (1467) vua Lê Thánh Tông “Sắc cho Bộ Hộ khai trương
đắp đập, không được để đông ruộng nắng hạn hay khô cạn”; năm Gia Long thứ 16
(1817) đã ra Sắc Chỉ “Sắc từ nay hồ sơ các án đình thần xét bàn các tội từ đồ lưu trở
xuống đều khải lên cho Hoàng Thái tử để xét đoán. Về án nặng mới đội tâu lên quyết
định”.
- Thứ hai, dùng để thể hiện quyết định của nhà vua về tổ chức nhân sự (tuyển bổ, ban
phong phẩm hàm, khen thưởng):
+ Cáo sắc: dùng để phong tặng cho các quan văn từ hàng ngũ phẩm, quan võ từ hàng
chánh ngũ phẩm trở lên.
+ Sắc văn: (nguyên là Chiếu văn) dùng để cấp cho quan võ tứ phẩm trở xuống.
+ Sắc thư: dùng để phong cấp cho các quan lại được giao nhiệm vụ quan trọng.
+ Sắc Phong thần: dùng để phong cho những người có công lao đối với đất nước được
dân chúng các làng xã lập đền miếu thờ cúng (thần sắc). Hình thức này rất phổ biến dưới
chế độ phong kiến. Vì vậy cho đến nay nhiều sắc phong thần còn được lưu giữ lại tại các
dòng họ, đình chùa. Ví dụ: tại Làng Bái Ân còn giữ lại 18 Sắc phong “Đức long lục niên”
do vua ban. Các Sắc phòng thần nay do chính dòng họ Lại (ở Nghĩa Đô) sản xuất. Những
Sắc phong thần được bảo quản rất cẩn thận, nếu mang ra phơi để tránh ẩm thì những
người được giao bảo quản phải chọn ngày giờ tốt, trang phục chỉnh tề, làm lễ mới được
mang ra.
Có thể nói, ở tất cả các công đoạn sản xuất - từ bóc vỏ dó, ngâm và giặt dó, giã dó, nấu
dó, lọc dó, xeo giấy, đến đóng gói kiện giấy và vận chuyển đi bán - đều hết sức vất vả.
Làm giấy thủ công trước đây hầu như hoàn toàn phải bằng sức người, bằng đôi tay trần
của người thợ. Để sản xuất được giấy Sắc, những người thợ thủ công xưa thực hiện nhiều
công đoạn khác nhau:
- Ngâm Dó: lấy vỏ cây Dó mang về được ngâm nước lã 3 ngày, ngâm nước vôi 3 ngày;
- Nấu Dó: Dó sau khi ngâm được đổ lên vạc đun cách thủy liền 4 ngày đêm. Lò nấu dó
của Yên Thái được đắp cao tới 5m. Miệng lò đặt chiếc vạc lớn, đường kính 2m. Khi vỏ
dó chín, người ta vớt ra đem ngâm nước vôi một lần nữa.
- Tạo Bìa: Dó sau ngâm cho nát được bóc lấy phần ruột (gọi là Bìa), quẩy ra cối giã dó
giã nát. Phần vỏ dó còn lại có màu trắng muốt, tinh khiết, được đem giã nhuyễn bằng cối
lớn, chày tay. Thanh niên giã dó cả ngày lẫn đêm; giã trong nhiều ngày đêm mới đủ bột
dó để sản xuất. Đến nay vùng này vẫn còn lưu lại câu ca dao:
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái, như kia
Giếng sâu chín trượng, nước thì trong xanh [01]
- Seo giấy: Hòa bột giấy trong bể lọc (gọi là tàu seo), dùng khuôn seo, trên đặt liềm seo
(là loại mành rất nhỏ để lọc nước đi, giấy ở lại). Thợ seo vục nước vào khuôn, đung đưa
cho nước róc hết, lột tờ giấy ướt trên seo đặt chồng lên nhau thành xếp. Đây là công đoạn
đòi hỏi nhiều người cùng làm trên một khuôn seo. Giấy sắc dùng để phong sắc cho hàng
nhất phẩm (phẩm trật hàng đầu) phải có 5 thợ cùng làm một lúc mới xeo nổi 1 tờ. Giấy để
phong sắc cho hàng phẩm trật thấp hơn (từ nhị phẩm xuống cửu phẩm), khổ giấy hẹp,
cũng phải 3 người thợ làm 1 tờ.
- Ép uốn: Sau đó ép cho kiệt nước, rồi bóc ra từng tờ. Để tờ giấy không bị dính phải dùng
những phụ gia.
- Nghè giấy: Để giấy thật mịn, thật dai, mỗi tờ phải nghè cho thật kỹ (Đặt tờ giấy lên hòn
đá tảng, dùng chày gỗ để nghè) . Những người có kinh nghiệm, sứ khỏe, khéo leo mới
được đảm nhiệm công việc này. Khi tiếng chày giã đanh (tiếng nghè giấy từ “bộp …bộp”
sang tiếng “boong…boong” mới đạt yêu cầu), giấy đã mỏng và bóng mới đạt. Nhà cụ
Tám Hoàn (đã mất từ lâu) hiện còn một tảng đá xanh, mặt rất phẳng, rộng khoảng 60x80
cm, xưa dùng để "nghè" giấy.
- Sấy giấy: rất cầu kỳ bằng các lò sấy thủ công. Quy trình trên mới sán xuất được giấy Dó
(gọi là giấy mộc để sản xuất giấy Sắc).
- Giai đoạn sắc hóa: Khâu tinh xảo đòi hỏi tay nghề rất cao là phần vẽ rồng trên giấy sắc -
đây là công đoạn cuối cùng, khó nhất, cầu kỳ nhất và cũng là nghệ thuật nhất.
Người thợ quét một loại keo nấu từ da con Trâu để tăng độ dai của giấy và làm cho giấy
không hút ẩm và chống mối mọt.
Sau đó quét nước hoa hòe cho có màu vàng (màu vàng tươi hoặc đồng hun). Khâu cuối
cùng là vẽ hình long, ly, quy, phượng lên tờ giấy theo từng phẩm trật mà triều đình ban
tặng. Quy trình này đòi hỏi các nghệ nhân vẽ bằng tay. Nghệ nhân giỏi nhất vẽ các đường
nét phác họa (gọi là vẽ chạy), những người thợ khác vẽ các họa tiết cụ thể (gọi là vẽ đồ).
Những người nghệ nhân xưa dùng bút lông và nguyên liệu mực vẽ là dung dịch có vàng
và bạc để vẽ. Nghệ nhân làm giấy sắc luôn giữ bí quyết kỹ thuật
"đánh vàng, đánh bạc".
Dụng cụ đánh vàng bạc là chầy và những cái bát lớn. Để giữ bí mật nghề nghiệp, các cụ
thường làm công việc này ở nơi kín đáo nhất trong nhà, nhằm tránh người ngoài học lỏm.
Điều này cũng là nguyên nhân nghề khó bảo tồn và phục dựng.
Tùy theo từng loại Sắc để có những quy định khác nhau về kích cỡ, màu sắc, họa tiết mà
trang trí, trình bày họa tiết khác nhau. Sắc phong cho bách quan có ba hạng là Nhất cao
sắc, Nhị cao sắc, Tam cao sắc (có tài liệu gọi là Nhất đẳng quan, Nhị đẳng quan và Tam
đẳng quan). Sắc phong cho bách thần có ba hạng là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần
và Hạ đẳng thần. Xưa kia, loại giấy này được vua dùng để ra sắc phong cho các vị quan
lại trong triều và cao hơn là cho các vị thần, thành hoàng làng. Những sắc phong này
được rước về đình, đặt lên hương án để thay thần tạ ơn vua. Sắc phong hạng nhất cho