Dựng nước sau trận đại hồng thủy (kỳ 3)
Biển tiến: dựng nước - Biển lùi: giữ nước
Biển tiến 3,5 mét, các vua Hùng dựng nước để đối phó với thiên tai. Biển lùi - 6 mét,
dân tộc phải đương đầu với quân cướp nước.
Hòn Gà Chọi trên vịnh Hạ Long: Hình chữ V nằm ngang phía trên là vết tích gặm mòn
của đợt biển tiến đột biến. Hình chữ V nằm dưới là vết tích gặm mòn trước khi biển tiến
đột biến và sau khi biển thoái nhanh cho đến ngày nay
Chúng ta không thể hình dung khi đất đai bị thu hẹp chỉ còn lại núi và vùng đồi khô cằn
do bị xâm thực, cha ông ta đã phải thích nghi như thế nào. Nhưng điều chắc chắn là con
người không thể sống riêng lẻ như trước nữa, mà phải tổ chức lại cuộc sống để thích nghi
với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt. Trước đây với đất đai rộng lớn màu mỡ, con
người có thể hái lượm, đánh bắt, canh tác với công cụ bằng đá thô sơ thì nay không thể
sống theo cách đó được.
Việc cải tiến công cụ và phân công lao động được đặt ra một cách bức thiết.
Trong một số hoàn cảnh cụ thể của lịch sử nhân loại thì nhà nước ra đời khi con người
đứng trước sự đe dọa sống còn mà bản thân mỗi người không thể tự mình đối phó được.
Hai mối đe dọa chủ yếu là thiên tai và chiến tranh. Thời đó chắc là chưa có chiến tranh,
nhưng mối đe dọa từ thiên nhiên là kinh khủng. Muốn tồn tại trong điều kiện biển tiến đột
biến thời đó, tổ tiên ta ít nhất phải giải quyết 3 vấn đề: đoàn kết thành cộng đồng, phân bố
lại dân cư và cải tiến công cụ lao động.
“50 người lên núi, 50 người xuống biển” nếu không phải là phân bố dân cư thì là gì? Nó
còn là chỉ báo nói lên sự đoàn kết, không đoàn kết thì làm sao dắt nhau lên núi, dắt nhau
xuống biển? Và phải có một cộng đồng có quyền lực đủ mạnh mới có thể làm được việc
đó. Nó phải do nhà nước tiến hành.
Từ những di chỉ khảo cổ học, các nhà sử học cho rằng với thời đại đồng thau, chúng ta
bước vào thời kỳ nước Văn Lang, tức là Nhà nước Hùng Vương ra đời sau khi cha ông ta
chế tác được các công cụ bằng đồng. Nhưng theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, Nhà nước Văn
Lang nhất định phải có trước khi có đồ đồng. Theo ông, việc khai thác và chế tác đồng là
không hề đơn giản, vì trong tự nhiên không có đồng nguyên chất, nó chỉ chứa trong
quặng và với hàm lượng không cao, phải luyện mới ra đồng. Ông nói ngay cả trong thời
đại công nghệ ngày nay thì việc thăm dò, khai thác tuyển quặng và luyện kim đồng vẫn
còn là việc phức tạp. Chỉ có một xã hội trình độ cao, nói thẳng ra là phải có nhà nước thì
mới có thể tổ chức thăm dò, khai thác và luyện đồng được. Tất nhiên quá trình chế tác
công cụ bằng đồng phải trải qua rất nhiều thế hệ mới đến một trình độ tinh xảo như chúng
ta biết ngày nay qua các di chỉ khảo cổ học. Cần biết thêm, những di chỉ đồ đồng được
phát hiện từ văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn... đều nằm ở độ cao trên 3,5 mét
và hậu thế không thể không cúi đầu bái phục tài nghệ của tiền nhân.
Cho nên, có thể đưa ra một luận cứ rằng, cơn đại hồng thủy đã đẩy người Việt đến chỗ
thúc bách phải xây dựng một nhà nước. Đó là Nhà nước Hùng Vương. Những phát hiện
cổ địa chất có thể giúp các nhà sử học nghiên cứu thêm để xác định niên đại ra đời của
Nhà nước Hùng Vương mà theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, nhà nước đó ra đời ngay sau khi
biển tiến đột biến, nếu chậm hơn cũng không lâu.
Hàu bé hóa thạch có niên đại 3.100 năm trên vách đá cách cửa chùa Hang (Kiên Giang) 10 mét ở độ cao 2 - 3
mét bằng độ cao vách dưới hình chữ V nằm ngang do mực nước biển mài mòn. Đây là niên đại đánh dấu thời kỳ
biển bắt đầu thoái
Và giữa lịch sử và địa lý lại tiếp tục có mối tương quan thú vị khác. Sau hơn 1.000 năm
nằm lì ở độ cao 3,5 mét, biển đã đột ngột hạ xuống 1,5 mét, mực nước còn cao hơn 2 mét
so với hiện nay. Đặc biệt, biển thoái đột biến đã khiến cho những dòng sông chảy cắt
ngang qua đồng bằng hình thành từ thời biển tiến trước đó thành những đoạn sông thẳng
kéo dài trước khi phân nhánh, đó là đoạn sông Hồng từ Mê Linh, Vĩnh Phúc tới thị xã
Hưng Yên, sông Thái Bình từ Phả Lại đến Thanh Miên ở Bắc Bộ, hay sông Hậu từ Châu
Đốc đến Cần Thơ, sông Tiền từ Hồng Ngự đến Mỹ Thuận. Sau đó biển thoái từ từ và đạt
đến cực tiểu - 6 mét so với mực nước biển hiện nay.
Dấu tích của thời kỳ biển thoái này còn để lại hình chữ V nằm ngang trên các vách đá bị
mài mòn, tuổi tuyệt đối của lớp vỏ hàu bé trên vách đá và lớp than bùn trên các kênh rạch
cổ...
Mực nước biển hạ đột ngột 1,5 mét có niên đại 3.100 năm ±80 năm. Đến khoảng 2.300
năm cách ngày nay thì hạ xuống mức cực tiểu - 6 mét. Sau đó là thời kỳ biển tiến, tiến từ
từ cho đến ngày nay.
Điều gì đã và có thể diễn ra trong thời kỳ này? Thử hình dung: Khi biển hạ xuống - 6
mét, diện tích đồng bằng đã mở rộng ra bát ngát. Đất liền đã mở ra hàng chục km hướng
biển Đông và diện tích đất nước rộng hơn gấp rưỡi so với bây giờ.
Với một đồng bằng phì nhiêu rộng lớn, nước ta lúc ấy trở thành một đích ngắm cho thế
lực xâm chiếm từ phương Bắc. Tổ tiên ta lúc này có lẽ không phải đối phó nhiều với
thiên nhiên nữa mà bắt đầu một cuộc đấu tranh dai dẳng chống xâm lược. Chuyện Thánh
Gióng là sự ghi dấu của thời kỳ đồ sắt và là thiên anh hùng ca chống ngoại xâm của dân
tộc ra đời vào thời kỳ này.
Tóm lại Nhà nước Hùng Vương hình thành sau một sự cố thiên tai có thể liệt vào loại
nghiệt ngã nhất trên hành tinh và khi được thiên nhiên ưu đãi, dân tộc phải đem máu
xương ra giữ nước. Trải qua những giai đoạn thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử,
những gì của cha ông để lại là trường tồn muôn đời cho con cháu. “Các vua Hùng có
công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, người Việt Nam không ai có thể
quên được lời nói bất hủ đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.