Coi chừng ngộ độc lidocain
Gây tê bằng lidocain phải tuân thủ sự phân cấp quản lý.
Gần đây có một số trường hợp dùng lidocain gây tê ở tuyến dưới xảy
ra tai biến, có trường hợp nghiêm trọng. Cần lưu ý đến điều này cả trên cơ
chế tác dụng của thuốc và thực hành.
Tác dụng phụ của lidocain
Khi gây tê, lidocain phong bế dẫn truyền ở sợi trục thần kinh ở hệ thần kinh
ngoại vi, ảnh hưởng đến chức năng của tất cả các cơ quan mà sự dẫn truyền xung
động đi tới (thần kinh trung ương, các hạch tự động, khớp thần kinh - cơ, các dạng
cơ...), gây nguy hiểm cho các cơ quan này (nhức đầu, hạ huyết áp, khó thở, loạn
nhịp tim, block tim, trụy tim mạch, ngủ lịm). Tác dụng phụ này lệ thuộc vào liều
dùng.
Khi điều trị rối loạn nhịp tim nếu dùng đúng liều, lidocain khá an toàn so
với các thuốc khác (như procainamid). Nhưng nếu tiêm tĩnh mạch nhanh, nó có
thể gây hội chứng yếu nút xoang, tăng mức block nhĩ - thất có từ trước, đôi khi
tăng tần số thất (trên người bệnh có rung nhĩ). Tai biến này mất đi sau khi ngừng
thuốc; sau khi dùng kéo dài hay khi dùng tiêm tĩnh mạch liều cao (>150mg) nó có
thể gây ra các nhiễm độc: chóng mặt, dị cảm (vùng quanh miệng) buồn nôn, nôn,
rối loạn thị giác vật vã, lẫn lộn, rối loạn hô hấp, co giật, giảm sức co bóp cơ tim,
nhịp tim chậm, giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, trụy mạch (thường xảy ra ở người
già có suy gan, suy thận, suy tim).
Trong cả hai trường hợp dùng với liều điều trị thông thường, lidocain ít
ảnh hưởng đến giao cảm, nhưng nếu liều cao, nó ức chế giao cảm, dẫn tới ức chế
sự co bóp của cơ tim, giảm nhịp tim, giảm sức cản ngoại vi, hạ huyết áp, nặng hơn
là trụy mạch.Với người mẫn cảm, có thể gây dị ứng viêm da, co thắt phế quản,
nặng hơn shock phản vệ (dẫn tới tử vong).
Cũng do các tác dụng phụ này, không được dùng lidocain cho những người
có: hội chứng Adams - stockes, block nhĩ - thất, rối loạn xoang - nhĩ (ở tất cả các
mức độ), suy cơ tim nặng, block thất (khi chưa đặt thiết bị tạo nhịp), rối loạn
chuyển hóa porphyrin.
Tai biến xảy ra khi gây tê và dự phòng
Đường dùng, liều lượng dùng gây tê khác với dùng điều trị loạn nhịp. Tuy
nhiên, trong gây tê, lidocain vẫn gây ra các tác dụng phụ trên tim mạch, đặc biệt là
khi gây tê sâu và rộng. Vì vậy, trước khi gây tê phải chuẩn bị sẵn các phương tiện
cấp cứu nhằm phòng các phản ứng phụ liên quan đến thần kinh, hô hấp, tim
mạch. Dùng phối hợp với chất co mạch epinephrin (dung dịch 0,0001%) sẽ kéo
dài thời gian gây tê. Nhưng tránh phối hợp này khi gây tê gần ngón tay hay quy
đầu vì có thể gây hoại tử. Không được tiêm vào mạch. Khi tiêm để gây tê, phải
kiểm tra để phòng tiêm lạc vào mạch. Nếu tiêm thuốc lạc vào mạch, dễ gây ra các
tác dụng phụ trên tim mạch. Khi tiêm vào mạch, dưới nhện vùng đầu, cổ, hậu nhãn
cầu, quanh chân răng... dễ gây nguy cơ ngừng hô hấp. Khi dùng lidocain phong bế
ngoài màng cứng, vùng dưới nhện dễ gây nguy cơ hạ huyết áp, chậm nhịp tim.
Cần có sẵn dịch truyền, thuốc vận mạch, ôxy cấp cứu kịp thời.
Phong bế ở giao cảm, lidocain có thể gây tụt huyết áp mạnh, chậm nhịp
tim. Lidocain làm giảm đau trong sản khoa, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, khi phong
bế cạnh cổ tử cung có thể gây chậm nhịp tim thai, liều cao có thể gây chết thai.
Lidocain có phản ứng với kim loại, gây kích ứng nặng chỗ tiêm, tránh để
tiếp xúc lâu với kim loại (kể cả kim loại ở ống tiêm).
Phải giảm liều với người cao tuổi, người có sức khỏe yếu, người bị bệnh
cấp tính, người có tình trạng sinh lý và thần kinh bất thường. Thận trọng với người
tăng thân nhiệt ác tính di truyền.
Liều quy định không được vượt quá 3mg/kg và phụ thuộc vào phương thức
gây tê. Liều gây độc lệ thuộc vào từng người, phụ thuộc vào chỉ đinh và thủ thuật
tiến hành gây tê. Khi dùng gây tê, nếu tiêm nhầm vào khoang dưới nhện và nếu
nồng độ trong huyết tương cao thì sẽ bị nhiễm độc do quá liều (bồn chồn lo lắng,
nhìn mờ, run, ngủ gà, co giật mất ý thức, có thể ngừng thở, hạ huyết áp, ngừng
tim). Lúc này việc xử lý hết sức phức tạp. Đây là những cách cấp cứu mà chỉ ở
tuyến cao mới làm được.
Việc gây tê bằng lidocain có phạm vi kỹ thuật khá rộng: tiêm ngấm dưới
da gây tê cho phẫu thuật nhỏ (dung dịch 0,25%-0,5%, 2-5ml), cho phẫu thuật lớn
(dung dịch 0,5%, 100ml); gây tê ngoài màng cứng (dung dịch 0,5-2%, 20-30ml).
Danh mục thuốc dùng trong khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho phép dùng lidocain
loại ống tiêm 1-2-5ml dung dịch 1-2% tại các bệnh viện tuyến 1-2-3-4 và các
phòng khám đa khoa, các đơn vị y tế có bác sĩ nhưng theo hướng dẫn dùng danh
mục này thì khi dùng các kỹ thuật chuyên khoa (như trường hợp gây tê này) thì
phải theo đúng hướng dẫn phân cấp quản lý và thực hành kỹ thuật. Những cơ sở
không đủ các điều kiện (trình độ, nhân lực, phương tiện) nếu dùng sẽ dễ bị tai
biến, khi tai biến xảy ra không thể cấp cứu được. Để tránh các tai biến của
lidocain trong gây tê phải:
- Biết rõ tai biến shock phản vệ, tai biến tim mạch khác do lidocain gây ra
để chủ động dự phòng.
- Tuân thủ sự phân cấp quản lý và thực hành kỹ thuật chuyên khoa.
- Nếu cơ sở không đòi hỏi làm gây tê nhằm thực hiện các phẫu thuật lớn và
khó, thì nên chọn dùng các thuốc gây tê tại chỗ (đáp ứng được mục đích, góp phần
hạn chế tai biến).