Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Bệnh khớp do nguyên nhân thần kinh pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (244.51 KB, 5 trang )

Bệnh khớp do nguyên nhân thần kinh


Bệnh khớp do nguyên nhân thần kinh (neuropathic arthropathy) là bệnh có
những thay đổi về xương, khớp thứ phát do giảm hay mất cảm giác chi phối do rất
nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Điển hình trên phim chụp Xquang là tổn
thương hủy hoại bề mặt sụn khớp, đặc xương dưới sụn, hẹp khe khớp, biến dạng
khớp, trật khớp.
Nguyên nhân của bệnh khớp do nguyên nhân thần kinh có nhiều, hay gặp nhất là
do bệnh đái tháo đường, giang mai biến chứng thần kinh (còn có tên là bệnh Tabes
dorsalis) và bệnh rỗng tủy xương (Syringomyelia). Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới,
có tới 15% bệnh nhân đái tháo đường, 10 - 20% bệnh nhân giang mai và 20 - 25% bệnh
nhân rỗng tủy xương có biểu hiện bệnh khớp do nguyên nhân thần kinh. Ngoài ra triệu
chứng bệnh còn gặp trong nhiều bệnh khác như sau chấn thương đặc biệt có chèn ép tủy
sống hay tổn thương thần kinh ngoại biên, nhiều bệnh thần kinh di truyền khác, bệnh lý
nhiễm khuẩn, do dùng corticoid, nghiện rượu, bệnh phong, hội chứng Raynaud, cường vỏ
tuyến thượng thận, bệnh hệ thống như xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, trẻ dị tật bẩm
sinh do mẹ dùng thuốc Thalidomide trong thời kỳ mang thai, rối loạn cảm giác cận ung
thư...
Dấu hiệu bệnh rất đa dạng
Triệu chứng bệnh đa dạng, phụ thuộc vào nguyên nhân, giai đoạn của bệnh. Nhìn
chung biểu hiện khớp bắt đầu xuất hiện muộn nhiều năm sau các biểu hiện thần kinh của
bệnh chính, tuy nhiên lại tiến triển nhanh và hủy khớp chỉ trong vài tháng. Tùy nguyên
nhân mà có các vị trí khớp hay gặp khác nhau: do bệnh đái tháo đường các triệu chứng
chủ yếu ảnh hưởng tới khớp ở bàn chân và cổ chân; trong bệnh giang mai là khớp gối,
háng và cổ chân; trong bệnh rỗng tủy xương ảnh hưởng tới cột sống và chi trên, đặc biệt
ở khớp vai và khớp khuỷu. Thông thường biểu hiện ở một khớp (trừ khi ở khớp nhỏ bàn
chân có thể ảnh hưởng tới vài khớp), không đối xứng. Triệu chứng khớp ban đầu thường
nhẹ, tiến triển âm ỉ, tái phát từng đợt đặc biệt sau những chấn thương nhẹ. Đau khớp xuất
hiện ở một phần ba số bệnh nhân nhưng thường là đau ít, nhất là khi so sánh với mức độ
tổn thương khớp khá nhiều. Khớp sưng nhẹ, phù nề, sung huyết hoặc xuất huyết quanh


khớp, sờ ấm hơn bình thường. Có thể tràn dịch khớp. Khớp có biểu hiện mất vững hoặc
bán trật nhẹ. Ở giai đoạn muộn, đau có thể nặng hơn nếu hủy khớp tiến triển nhanh gây
trật khớp hoặc có khối máu tụ, mảnh sụn hay xương vỡ nằm trong khớp. Khớp sưng, biến
dạng nhiều do màng hoạt dịch khớp dày, do trật khớp hoặc gãy xương. Có thể gặp một số
biến chứng kèm theo, đặc biệt hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, như nhiễm khuẩn
phần mềm quanh khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn và cốt tủy viêm.
Cách phân biệt với các bệnh khớp khác
Chụp Xquang khớp bị tổn thương: Có thể phát hiện giai đoạn sớm hay muộn của
bệnh. Trên Xquang cần chẩn đoán phân biệt bệnh với các bệnh thoái hóa khớp, hoại tử
xương, bệnh khớp lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphat, bệnh khớp do tiêm corticoid
nội khớp, nhiễm khuẩn xương khớp...
Siêu âm khớp: Có thể phát hiện dịch trong khớp, dày màng hoạt dịch, hẹp khe
khớp, định hướng cho hút dịch làm xét nghiệm để chẩn đoán những trường hợp viêm
khớp nhiễm khuẩn. Chụp cắt lớp vi tính có thể giúp đánh giá tốt hơn tổn thương vỏ
xương, mảnh xương chết hay khí ở trong xương.
Chụp cộng hưởng từ, đặc biệt có phối hợp thuốc cản quang, có ích trong phân biệt
tổn thương tủy trong bệnh rỗng tủy với các viêm tủy nhiễm khuẩn, viêm đĩa đệm đốt
sống nhiễm khuẩn cũng như giúp chẩn đoán một số biến chứng nhiễm khuẩn xương,
khớp ở vị trí khác ngoài cột sống.
Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào tiền sử bệnh nhân có bệnh lý tổn thương thần
kinh (như đái tháo đường, giang mai, phong, bệnh rỗng tủy...) trước đó nhiều năm, xuất
hiện đau, sưng khớp với tiến triển từ từ tăng dần, có sự bất cân xứng giữa mức độ đau với
tổn thương khớp, xương. Cần kết hợp với chụp Xquang để khẳng định chẩn đoán.
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh thoái hóa khớp, bệnh gút, bệnh giả gút (khớp
viêm do lắng đọng tinh thể pyrophosphat), viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp do bệnh
tự miễn (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến...), viêm khớp phản ứng, hội chứng
loạn dưỡng thần kinh giao cảm. Ví dụ trong giai đoạn sớm của bệnh khớp do nguyên
nhân thần kinh, hình ảnh trên Xquang gần tương tự như trong thoái hóa khớp với tam
chứng hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, mọc gai xương ở rìa khớp. Tuy nhiên tiến triển
của bệnh nhanh hơn thoái hóa khớp, không cân xứng giữa mức độ đau khớp với tổn

thương trên Xquang: mức độ đau ít hơn trong khi tổn thương trên Xquang nặng hơn. Cần
đặc biệt chú ý phân biệt bệnh với bệnh nhiễm khuẩn xương khớp hoặc phát hiện nhiễm
khuẩn xương khớp với tư cách là biến chứng kèm theo để có hướng điều trị thích hợp.

Bệnh khớp do thần kinh được điều trị như thế nào?
Điều trị nguyên nhân, đặc biệt khi phát hiện sớm, điều trị tích cực bệnh chính có
thể làm chậm quá trình tổn thương khớp.
Điều trị bảo tồn: những trường hợp phát hiện sớm cần bất động khớp (bằng giày
thiết kế chuyên dụng, bó bột hay dụng cụ nẹp ngoài...), hạn chế tối đa trọng lực cơ thể
cũng như các lực ngoại cảnh tác dụng lên khớp tổn thương để bảo vệ khớp khỏi các chấn
thương tiếp diễn, qua đó làm chậm tiến trình bệnh. Dùng các thuốc giảm đau, giảm sưng
nề khớp cũng như tăng mật độ xương tại chỗ. Phối hợp các biện pháp vật lý trị liệu phục
hồi chức năng chống loét do tì đè.
Trường hợp khớp tổn thương biến dạng nặng hay gãy xương có thể cần phải phẫu
thuật nẹp vít bên trong xương, lấy bỏ các mảnh dị vật - các canxi hóa trong khớp, làm
cứng khớp hay phẫu thuật thay khớp toàn bộ.
Phòng và điều trị các biến chứng, đặc biệt biến chứng nhiễm khuẩn phần mềm
quanh khớp, nhiễm khuẩn khớp, xương.
ThS. Bùi Hải Bình (Khoa cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai)

×