Bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn đe
dọa trực tiếp đến tính mạng
Hiện nay, dịch tiêu chảy cấp đang có nguy cơ bùng phát trở lại nhưng
đa số người dân vẫn chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và vẫn
còn có thái độ bàng quan, thờ ơ. Mặc cho các phương tiện truyền thông tuyên
truyền cách phòng chống bệnh, bỏ qua lời cảnh báo từ các nhà chuyên môn,
nhiều người vẫn ăn những món ăn không bảo đảm ATVSTP và dễ là mầm
bệnh, căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn tác hại của bệnh tiêu chảy cấp đến sức
khỏe con người, báo Sức khỏe & Đời sống giới thiệu bài viết “Bệnh tiêu chảy
cấp do vi khuẩn đe dọa trực tiếp đến tính mạng” của PGS.TS. Bùi Khắc Hậu.
Một số vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cấp
Vi khuẩn tả: Đứng hàng đầu trong căn bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm phải
kể đến vi khuẩn tả (Vibrio cholerae). Vi khuẩn tả được xếp vào loại họ xoắn khuẩn
nhưng chúng gây bệnh ở đường tiêu hóa. Đặc điểm nổi bật nhất của vi khuẩn tả là
chúng có cả nội và ngoại độc tố, khả năng gây bệnh rất cao.
Trong điều kiện tự nhiên, vi khuẩn tả chỉ gây bệnh cho con người. Bệnh
thường biểu hiện đau bụng, buồn nôn hoặc nôn và đi ngoài nhiều lần (cả về số
lượng chất thải, cả về số lần đi ngoài trong ngày).
Vi khuẩn E. coli: Đây là loại vi khuẩn người ta thường gọi là trực khuẩn đại
tràng vì bình thường chúng ký sinh ở đại tràng. Chúng là loại vi khuẩn gây bệnh
cơ hội và đứng hàng đầu trong căn bệnh tiêu chảy. Ngày nay người ta đã xác định
được các loại E.coli khác nhau, có loại chỉ mang gen tiêu chảy, có loại chỉ mang
gen gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Trong loại mang gen tiêu chảy có loại E.coli
ETEC (Entrotoxigenic E.coli) gây bệnh bằng một ngoại độc tố LT giống như vi
khuẩn tả và vì vậy cơ chế gây bệnh giống vi khuẩn tả, nên khi mắc 2 loại bệnh này
(bệnh tả và bệnh tiêu chảy cấp do E.coli) rất dễ nhầm lẫn về căn nguyên gây nên
bệnh.
Vi khuẩn lỵ (Shigella): Vi khuẩn lỵ được chia thành 4 nhóm viết theo thứ tự
A, B, C, D. Cả 4 nhóm đều có thể gây nên tiêu chảy cấp tính nhưng trong nhóm A
có 2 týp gây bệnh bằng ngoại độc tố cực kỳ mạnh (S.shiga và S.smitzii), do đó
triệu chứng lâm sàng hết sức phức tạp và trầm trọng làm mất nước và chất điện
giải khi đi ngoài nhiều lần và ngoại độc tố còn tác động lên hệ thần kinh trung
ương, gây viêm màng não và hôn mê. Tại đường tiêu hóa, vi khuẩn lỵ xâm nhập
vào niêm mạc đại tràng, phát triển một cách nhanh chóng và làm tổn thương niêm
mạc đại tràng. Khi vi khuẩn chết sẽ giải phóng ra nội độc tố gây sung huyết, xuất
tiết rồi tạo thành các ổ loét và các mảng hoại tử. Nội độc tố còn tác động mạnh lên
thần kinh giao cảm làm tăng nhu động ruột, co thắt làm cho người bệnh đau quặn
bụng và đi ngoài nhiều lần, phân có nhày máu, mũi.
Vi khuẩn thương hàn: Vi khuẩn thương hàn xâm nhập vào cơ thể bằng
đường ăn, uống. Khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa, chúng có thể gây nên
2 thể bệnh: Nhiễm khuẩn huyết và ngộ độc thức ăn. Trong thể bệnh ngộ độc thức
ăn do ăn phải độc tố của vi khuẩn thương hàn gây nên sốt, đau bụng và rối loạn
tiêu hóa như đi lỏng. Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi gặp ở trẻ em và trẻ sơ sinh.
Ngoài 4 vi khuẩn gây tiêu chảy cấp, điển hình còn có một số vi khuẩn khác
nữa như vi khuẩn Entrobacter, Klebsiella...
Tất cả các loại vi khuẩn gây bệnh ở đường tiêu hóa đều có chung một số
đặc điểm là làm tổn thương niêm mạc ruột, gây đi ngoài nhiều lần làm mất nước
và mất điện giải và hậu quả là làm trụy tim mạch, nếu không cấp cứu kịp thời thì
có thể dẫn đến tử vong.
Làm gì để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn?
Nói chung khi mắc bệnh tiêu chảy cấp tính, vi khuẩn gây bệnh lây truyền
chủ yếu là theo đường ăn, uống. Như vậy, nếu không ăn hoặc uống phải thức ăn,
nước uống bị nhiễm vi khuẩn thì không mắc bệnh tiêu chảy. Vì vậy điều quan
trọng hàng đầu để đề phòng bệnh tiêu chảy cấp tính là ăn các loại thức ăn đã nấu
chín, uống nước đã đun sôi mà ta quen gọi là “ăn chín, uống sôi”. Tuyệt đối không
ăn rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, không uống nước lã. Tốt nhất
là các loại thức ăn thì nên ăn lúc nào nấu chín lúc đó, không nên ăn thức ăn tuy đã
nấu chín nhưng để thời gian quá lâu, nhất là không được bảo quản cẩn thận.
Nước dùng rửa thực phẩm không nên dùng nước ao hồ, sông, suối. Dụng cụ
dùng để chế biến, phân phối thực phẩm dùng trong bữa ăn, uống (như bát, đũa,
cốc, chén, muôi, thìa.. ) sau khi rửa sạch bằng nước lã cần được nhúng vào nước
đang đun sôi.
Những người chế biến, phân phối thực phẩm cần rửa tay sạch bằng xà
phòng và đi găng sạch trước khi bắt đầu vào công việc.
Phân và chất thải của người bị tiêu chảy cần được quản lý thật tốt bằng
cách cho vào hố xí có chất sát khuẩn mạnh, đặc biệt cần thiết cho những vùng
nông thôn dùng hố xí bán tự hoại, hố xí 2 ngăn...
Tất cả mọi người sau khi đi ngoài cần rửa tay bằng xà phòng.
Đối với những vùng có nguy cơ dịch bùng phát cần được dự phòng bằng
vaccin là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất.